Tìm kiếm bài trong Blog này

Thứ Ba, 3 tháng 8, 2010

ĐÔNG TÀ TÂY ĐỘC Re-Edit Version - Sai lầm của WongKarWai ?



Thứ bảy, 04/04/2009 - 07:27:am

Còn nhớ cách đây 5 năm, Đông Tà Tây Độc mở đầu bằng bản nhạc nổi tiếng của Trần Huân Kỳ "Thiên địa cô ảnh nhậm ngã hành", tiếp theo là kiểu độc thoại đảo ngược thời gian khó hiểu của Tây Độc: "Rất nhiều năm về sau, tôi có biệt danh là Tây Độc", gương mặt chào mời giết thuê của sát thủ không bao giờ tận tay giết người Âu Dương Phong, và câu triết lí thông suốt cả bộ phim kiếm hiệp hư cấu từ tiểu thuyết Kim Dung mà ngoài tên nhân vật ra, chẳng liên quan gì cả: "Con người ta thường đau khổ vì kí ức, nếu không có kí ức, mỗi ngày tỉnh dậy là một sự khởi đầu mới. Được như vậy thì tốt biết bao."

Đó là lần đầu tiên tôi xem "Đông Tà Tây Độc", tìm hiểu và học cách yêu WongKarWai.

So với bản gốc, về hình ảnh và nội dung, phim không có gì thay đổi. Nhưng về kết cấu, sự cố gắng tập trung các chi tiết rải rác thành vài trường đoạn rành mạch, khiến phim trở nên dễ hiểu hơn rất nhiều, đáng tiếc là cũng rườm rà, gượng gạo hơn không ít. Còn nhớ lần đầu tiên xem phim, do sự phức tạp trong kết cấu đảo lộn trật tự thời gian theo những mảnh vụn kí ức đan xen và sự xuất hiện rồi ra đi của những nhân vật đại diện cho những mảnh linh hồn khác nhau, phần đã chết, phần ước vọng, phần giả định, giá như... của Tây Độc; bản phim phát hành ở đại lục lại được lồng tiếng phổ thông, giọng nói của các nhân vật nam gần như hoàn toàn giống nhau, mình - cũng như phần lớn những ai lần đầu tiên xem phim WongKarWai - 80% mù mịt cho đến khi phim kết thúc, chỉ còn lại dư vị của âm thanh, những cái chết, và những mối tình không bao giờ trở lại.


Đối với những ai lớn lên trong những đêm triền miên đến 2, 3 giờ sáng cùng những lốc băng vidéo dài dằng dặc, quen thuộc với Đông Tà - Tây Độc - Nam Đế - Bắc Cái, Độc Cô Cầu Bại..., tóm lại là là thích phim "chưởng" Hồng Kông, đây là một phim không thể bỏ qua. Vì về mặt hình thức, phim hoàn toàn mang màu sắc của phim kiếm hiệp Kim Dung những năm 90 thế kỉ trước. Không hoành tráng cầu kì như những phim qui mô lớn của Trung Quốc đại lục gần đây, phim có nhiều đặc tả và cận cảnh (80%), chỉ đạo võ thuật bởi Hồng Kim Bảo, tạo dựng những đường "kiếm khí" trong bối cảnh hỗn loạn mà cái đẹp không ở những màn biểu diễn đầy màu sắc xa xỉ, đó là cái đẹp và cái "cool" trong ánh mắt, trong nhát kiếm 1/10 giây, trong bước chân lấy đà mạnh mẽ, trong cảnh hoàng hôn trên sa mạc và tâm hồn đã không màng đến những gì "phía sau dãy núi đó" của người kiếm khách. Và âm nhạc, ôi âm nhạc...! 100% nhạc phim Đông Tà Tây Độc đều được những phim kiếm hiệp dài tập sau này của Hongkong lấy làm nhạc nền. Thế nên, đây là dịp quá tốt để các fan phim bộ Hongkong tận hưởng dư vị chỉ có ở phim bộ Hongkong (nay đã lên màn ảnh rộng, và 99.9% sẽ không có lần kế tiếp).



Nếu bạn hi vọng vào một bom tấn hoành tráng khác kiểu như Xích Bích, hãy chuẩn bị tinh thần để thất vọng.


Như 2046, In the mood for love, Fallen Angels, Days Of Being Wild... (mọi phim của WongKarWai), Đông Tà Tây Độc tuy lấy mác cổ trang, với những nhân vật trong thế giới võ hiệp hư cấu của Kim Dung (vốn rất thịnh hành lúc bấy giờ), trong khi ở nguyên bản, ngoài triết lí sống nhân bản, nghiên cứu thâm hậu về đạo, rượu, hoa, âm nhạc, hội họa, thư pháp, sáng tạo một xã hội hư cấu mang tính ý thức hình thái lấy tên "Giang Hồ", đạo lý tà không thể thắng chính, tà trong chính - chính trong tà, luật nhân quả... (để hiểu thêm, tham khảo Vũ Đức Sao Biển), chủ yếu là những giá trị truyền thống trong văn hóa tôn giáo, ý thức hệ của người phương Đông, thì Đông Tà Tây Độc của WongKarWai lại là một trong những tác phẩm đầu tiên của Trung Quốc mang đậm chủ nghĩa hậu hiện đại vốn đã rất phát triển ở châu Âu và Nhật Bản. Đó là sự đạp đổ các giá trị từng được tôn vinh trong quá khứ: nhân vật chính - dù được yêu thích - về căn bản vẫn là một tay giết thuê, chỉ cần tiền, chỉ cần có người để lợi dụng; sự phân liệt của nội tâm dẫn đến phân liệt trong sinh tồn; tâm lí tiêu cực (Negative Psychological) phát sinh từ thuở ấu thơ bị người mẹ dồn nén của nữ giới dẫn đến bi kịch trong cuộc sống tinh thần mà nam giới vừa là trọng tâm, vừa là chướng ngại; sự ảnh hưởng của mảnh vụn kí ức (Memory Trace), những chấn thương dồn nén trong tiềm thức từ khi còn là một đứa trẻ, tạo nên những hình ảnh phản chiếu sai lệch và xa rời bản chất thực tế, khiến con người vĩnh viễn không thể thanh thản, không thể đặt chân đến thiên đường; hậu quả cuối cùng và cũng nổi bật nhất, là cuộc tàn sát từng bước một của linh hồn, để sống hoàn toàn tự tại nhưng cũng hoàn toàn vô dụng (trong phim, biết Đại Tẩu đã chết, nhưng hàng năm, Âu Dương Phong vẫn chờ Hoàng Dược Sư xuất hiện; vợ của Kiếm sĩ mù tự tay giết chết tình yêu dành cho chồng bằng cách đem lòng yêu Hoàng Dược Sư, nhưng cho đến khi phát hiện khăn tay của chồng trong tay kiếm khách khác, thật ra vẫn chưa bao giờ thôi chờ đợi phu quân. Nếu để ý, khi xử lí cái chết của hai nhân vật này, đạo diễn dùng hình ảnh hàng loạt cánh chim bỗng vụt bay cao xung quanh Âu Dương Phong và vợ kiếm sĩ mù tượng trưng cho sự giải thoát đột ngột cho gánh nặng nhiều năm trong tâm hồn người ở lại, nhưng thực tế, con người vẫn tiếp tục quằn quại trong phân liệt giữa tiềm thức và ý thức, bản ngã đa chiều không định hướng, tiếp tục đoạn tuyệt, tiệp tục hối hận, tiếp tục mong chờ giải thoát, tưởng rằng đã tự giải thoát, tiếp tục "thân bất do kỉ", trơ trọi giữa chốn địa ngục trần gian.


Phim chủ yếu là màu vàng nổi bật của sa mạc và da người, màu xanh của trời và nước, và những đường nét đôi lúc mỏng manh như thư họa, con người trong những khung hình toàn cảnh hiếm hoi là những khối đậm màu, trầm mặc nhưng không bao giờ nằm ở vị trí trung tâm. Hơn 80% đặc tả và cận cảnh ở màn ảnh rộng là bữa tiệc thú vị dành cho thị giác và xúc giác: Vẻ đẹp trong đặc tả của Trương Quốc Vinh, Lương Triều Vĩ, Trương Mạn Ngọc, Lâm Thanh Hà - những cái mũi đẹp nhất trên màn ảnh châu Á, ánh mắt u buồn ma mị của kiếm sĩ mù, cái nhếch mép và tia nhìn ngạo nghễ dửng dưng của Tây Độc..., cái thần và tinh hoa trong diễn xuất của diễn viên đều bị nhà quay phim Christopher Doyce thâu tóm một cách hoàn hảo.





Kết thúc của phiên bản mới này không được dứt khoát, lạnh lùng nhưng bi tráng như bản gốc. Phần nhạc được làm lại. Phần giới thiệu cuối phim cũng như đầu phim (được làm lại) không thống nhất với hình ảnh đã thực hiện trong phim từ gần 20 năm trước, dễ làm liên tưởng đến kiêu mở đầu/kết thúc mệt mắt và phản cảm trong phim mới nhất của Wong là "My Blueberry Nights". Để Đông Tà Tây Độc một lần nữa xuất hiện trên màn ảnh rộng và được đón nhận, Wong buộc phải làm một số thay đổi trong bố cục và dán mác "Final Version" cho một tác phẩm nghệ thuật chân chính và hoàn hảo chính từ những lộn xộn và không hoàn thiện vốn có. Thế nhưng cũng chỉ có như vậy, Đông Tà Tây Độc mới được may mắn trở lại màn ảnh rộng sau gần 15 năm kể từ khi đóng máy, 6 năm sau cái chết của Trương Quốc Vinh - Tây Độc, dành cho hàng vạn fan hâm mộ kiếm hiệp Hongkong, triệu triệu người biết thưởng thức WongKarWai.

Bản quyền của Trương Dương
Nguồn: blog.timnhanh.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét