Tìm kiếm bài trong Blog này

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Đạo diễn Vu Nhân Thái nhớ về Trương Quốc Vinh - ngày 01/04/2013

Chuyển ngữ bởi Gem Nguyen @DAN



Tôi là Ronny Yu - Vu Nhân Thái. Hôm nay tôi rất vui khi có dịp được hồi tưởng lại về Leslie Trương Quốc Vinh. Tôi và anh ấy đã có dịp được làm việc cùng nhau trong hai phim Bạch phát ma nữ truyện (The bride with white hair 1993) và Dạ bán ca thanh (The phantom lover 1995). Tuy ko làm việc nhiều cùng nhau nhưng chúng tôi vẫn trở thành những người bạn rất tốt.

Bạch phát ma nữ truyện (The bride with white hair 1993) - Bộ phim này được sản xuất vào năm 1993, cách đây đã 20 năm. Vào thời gian đó, đạo diễn Từ Khắc đã làm một vài phim kiếm hiệp - võ thuật, vì thế ai nấy đều nghĩ rằng không nên sản xuất thêm bộ phim nào cùng đề tài/thể loại như vậy nữa. Nhưng tôi đã đọc qua tiểu thuyết Bạch phát ma nữ của Lương Vũ Sinh, và khi đó nhà sản xuất Huỳnh Bách Minh còn giới thiệu cho tôi phiên bản phim Bạch phát ma nữ do Nina Bào Khởi Tịnh (Paw Hee Ching) đóng vai chính. Điều cuốn hút tôi không phải là yếu tố võ thuật, mà chính là câu chuyện tình giống như Romeo và Juliet đã làm tôi cảm động. Tôi đã nói với Huỳnh Bách Minh rằng chúng tôi có thể làm bộ phim này. Tất nhiên rất nhiều người khuyên tôi rằng không nên, nhưng tôi sẽ làm lại bộ phim dưới một góc nhìn rất khác. Chúng tôi cần một nam chính điển trai nhất và một nữ chính xinh đẹp nhất, và thế là Huỳnh Bách Minh liền gợi ý tôi nên mời Trương Quốc Vinh và Lâm Thanh Hà. Vào thời điểm đó, Huỳnh Bách Minh đã làm việc với Leslie qua một vài bộ phim, thế nên chúng tôi thỉnh thoảng vẫn có cơ hội tiếp xúc và trò chuyện. Tôi vẫn nhớ cái lần tôi đến khách sạn Park Hyatt để thảo luận với Leslie về bộ phim này.

Ronny: Anh có thích James Dean ko?
Leslie: Có chứ, tôi thật sự rất thích ông ấy.
Ronny: Tôi cảm thấy rằng Trác Nhất Hàng (trong phim) rất giống với ông ta.
Leslie: (ngay lập tức trả lời) Ah, tuyệt!
Ronny: Tôi cảm thấy bộ phim này nên được làm mới, khán giả sẽ có một cảm nhận mới khi xem phim. Cảnh quay, trang phục và bối cảnh sẽ được làm khác (so với những phiên bản trước)
Leslie: Rất tốt!
Ronny: Nhưng mà anh sẽ phải sáng tác ca khúc chủ đề đó.
Leslie: Một bài hả?
Ronny: Hai thì sao?
Leslie: Tôi e rằng khá khó đấy.
Ronny: Đừng lo, tôi sẽ ko thúc giục anh đâu. Chúng ta hãy cứ bắt tay vào làm bộ phim và khi nào anh có cảm xúc anh có thể sáng tác ca khúc chủ đề cho nó.

Và cuối cùng, đó là cách mà mọi thứ được thực hiện. Leslie là một cá nhân, một diễn viên hết sức thông minh và chuyên nghiệp. Một khi anh ấy đã nhận vai, thì anh sẽ đắm chìm hoàn toàn vào nó. Leslie thường gọi cho tôi mỗi khi anh ấy nảy ra ý tưởng mới, về việc anh ấy nên diễn xuất thế nào, thiết kế nên như thế nào, chuyện tình giữa nhân vật của anh và nhân vật của Lâm Thanh Hà nên ra sao. Anh ấy lo liệu mọi chuyện hệt như một đạo diễn. Anh ấy thực sự có năng lực của một đạo diễn, có thể nhìn bao quát tổng thể bộ phim, và đó là lý do chúng tôi thêm tên của anh vào trong mục Nhà sản xuất, bởi vì Leslie đã có một tầm nhìn toàn bộ cho dự án phim đó. Trước hết, anh ấy đồng ý với tôi rằng bộ phim nên được làm theo một cách khác để khán giả có thể có đc những cảm xúc mới mẻ khi xem. Anh ấy muốn ca khúc chủ đề phải biểu đạt được nội dung của phim, không phải chỉ bởi vì anh ấy là Trương Quốc Vinh - người sáng tác ca khúc, mà còn vì anh ấy muốn có những bài hát mà khi khán giả nghe nó, họ sẽ hiểu những gì bộ phim truyền đạt. Tôi rất vui khi được hợp tác cùng Leslie, bởi vì tôi là một người rất cầu toàn và luôn đặt tiêu chuẩn cao cho mọi việc, thật mừng khi tôi có được một cộng sự cùng chia sẻ những cảm xúc, quan điểm đó với mình.



Dạ bán ca thanh (The phantom lover 1995) - Dạ bán ca thanh (Tiếng hát lúc nửa đêm) được sản xuất vào năm 1995. Toàn bộ phim được quay tại Bắc Kinh - Trung Quốc, bởi lẽ chỉ có ở Bắc Kinh chúng tôi mới tìm được một phim trường và những địa điểm phù hợp với bối cảnh câu chuyện xảy ra vào những năm 1930. Một lần nữa, lại chính là Raymond Huỳnh Bách Minh là người đã đưa tôi xem Dạ bán ca thanh phiên bản cũ từ những năm 1930 và gợi ý liệu chúng tôi có thể làm lại phim này. Ngay lập tức tôi đã trả lời rằng có, nên mời Leslie Trương Quốc Vinh tham gia diễn xuất và viết nhạc chủ đề cho phim. Chúng tôi đã có cơ hội hợp tác với Leslie trước đây và rất mừng nếu có thể tiếp tục làm việc cùng anh. Tôi nghĩ Leslie cũng cảm thấy như vậy.Tôi vẫn còn nhớ khi tôi tới thăm nhà Leslie tại Vancouver và mang cho anh xem bản gốc của bộ phim Dạ bán ca thanh.

Leslie: A, nó khá giống phim "Bóng ma trong nhà hát opera".
Ronny: Ừ, gần như vậy, nhưng mà mặt anh sẽ phải làm biến dạng đi chút ít.
Leslie: Tốt, càng biến dạng nhiều càng tốt. Nếu ko khán giả sẽ khó tin (khi xem phim) lắm.

Leslie ko thích những diễn viên điển trai luôn cố gắng sao cho trông mình ít "xấu xí" nhất khi lên phim ngay cả khi vai diễn yêu cầu. Leslie thấy rằng nếu vai diễn của anh là một nhân vật bị huỷ hoại bởi acid, thì phải làm sao cho thật giống như vậy. Đó là lý do tại sao tôi thích làm việc với Leslie. Anh rất chuyên nghiệp và toàn tâm toàn ý với bộ phim. Anh ấy ko chỉ hết mình cho âm nhạc, mà còn có cảm quan điện ảnh rất tốt. Leslie thực sự biết phân tích và cảm thụ điện ảnh, anh ấy xem rất nhiều phim. Tôi nhớ rất rõ rằng tôi đã xúc động ra sao khi nghe tin anh nhận vai trong "Bá vương biệt cơ" (Farewell my concubine) và dành ra 8 tháng trời chỉ để chuyên tâm học tiếng Bắc Kinh. Một diễn viên thuộc hàng ngôi sao như anh ấy mà vẫn cống hiến hết mình và dành rất nhiều thời gian để cố gắng làm nên thành công, đó là điều khiến tôi thêm vô cùng ngưỡng mộ. Dạ bán ca thanh đều khiến cả hai chúng tôi liên tưởng tới "Bóng ma trong nhà hát opera", bởi thế nên chúng tôi biết rằng giai điệu của ca khúc chủ đề cũng phải truyền tải được điều đó. Leslie đã nghĩ ra giai điệu cho bài hát rất nhanh. Anh ấy nói tôi hãy cho anh ấy 2 ngày, sau đó chúng tôi sẽ cùng nghe giai điệu và nếu có chỗ nào chưa ổn thoả, chúng tôi có thể cùng thay đổi nó. Leslie rất cởi mở, anh ấy ko phải tuýp người sẽ nói rằng "Đừng có đòi hỏi tôi, khi nào đến lúc thì tôi sẽ làm", anh ấy không bao giờ làm như vậy. Vấn đề duy nhất chúng tôi phải thảo luận với nhau là lời bài hát nên dùng tiếng Phổ thông hay tiếng Quảng. Tôi nghĩ rằng ca khúc này nên được hát bằng tiếng Phổ thông bởi vì bối cảnh câu chuyện diễn ra ở Trung Quốc, dĩ nhiên cũng có vài người cho rằng nên dùng tiếng Quảng nhưng cuối cùng thì tiếng Phổ thông vẫn được chọn. Leslie cũng đồng ý rằng tiếng Phổ thông là lựa chọn thích hợp hơn, đó là lý do tôi rất thích làm việc với Leslie, anh ấy hiểu rất rõ ràng mọi chuyện. Leslie cũng thường giới thiệu cho tôi nghe những bài hát hay. Thường thì tôi chỉ nghe The beatles hoặc Rolling Stones chứ hiếm khi nghe nhạc Hoa. Leslie đã khuyên tôi nên nghe thử nhạc của Hứa Quán Kiệt (Sam Hui) và Lâm Tử Tường (George Lam). Anh ấy là người đã "dẫn dắt" tôi đến với âm nhạc Hoa ngữ. 

Leslie và tôi ở cùng một khách sạn trong quá trình quay phim Dạ bán ca thanh, vì thế chúng tôi có rất nhiều cơ hội dùng bữa cùng nhau. Chúng tôi đều thường chọn món cơm gà Hải Nam vì đó là món ngon nhất ở nhà hàng. Thật tốt (cho bộ phim) khi đạo diễn và diễn viên chính có nhiều cơ hội gặp gỡ và nói chuyện với nhau, bởi vì chúng tôi sẽ có nhiều thời gian thảo luận, trao đổi ý kiến với nhau hơn trước khi làm việc và vì thế nên tiến trình của bộ phim được đẩy nhanh lên rất nhiều. Leslie thực sự tin tưởng vào đạo diễn, trừ khi có vấn đề gì thì anh ấy sẽ thẳng thắn nêu ra, còn phần lớn thời gian Leslie làm theo chỉ dẫn của tôi. Anh ấy rất tôn trọng người khác. Ví dụ như mặc dù nữ chính của bộ phim - cô Ngô Thanh Liên đã từng tham gia diễn xuất trong một vài bộ phim Hongkong trước đó, nhưng tiếng Quảng của cô ấy vẫn ko thực sự tốt. Leslie đã giúp phiên dịch giữa cô ấy và đoàn làm phim, bởi vì một nửa đoàn làm phim nói tiếng Phổ thông, nửa còn lại nói tiếng Quảng. Leslie thảo luận cùng Ngô Thanh Liên về "Bóng ma trong nhà hát opera" và bản gốc của Dạ bán ca thanh, cũng như những cảm xúc, trạng thái tình cảm của một người khiếm thị (vai diễn của cô là một cô gái khiếm thị). Leslie gợi ý rằng nếu cô ấy tới trường học của người khiếm thị để quan sát thì khi diễn xuất cô ấy sẽ có thể diễn thật hơn. Leslie rất quan tâm tới mọi người xung quanh và đối xử với các thành viên trong đoàn làm phim rất tốt. Anh ấy ko bao giờ mất bình tĩnh và mỗi khi tôi thấy thất vọng với Ngô Thanh Liên thì anh thường an ủi tôi rằng "Thôi nào, có gì mà vội, cứ từ từ thôi, hãy thử làm lại thêm vài takes nữa nhé". Đó chính là Leslie, anh ấy rất nhạy cảm và quan tâm tới người khác, vì thế khi tôi đang ở Mỹ và nghe được tin dữ về anh, tôi cảm thấy điều đó là không thể. Bởi lẽ anh luôn là một người lạc quan, không bao giờ nhìn nhận mọi thứ theo hướng tiêu cực. Anh ấy rất dễ cười , (khi có chuyện gì xảy ra) thường là chỉ sau vài điếu thuốc anh ấy sẽ bỏ qua và quên đi tất cả. Đó là Leslie mà tôi biết, nên tôi tự hỏi làm sao mà điều đó lại có thể xảy ra được chứ.

Tôi nhớ rõ thời gian khi tôi ở Vancouver để thảo luận về Dạ bán ca thanh với Leslie. Tôi rất thích đến thăm anh bởi vì nhà của anh rất đẹp và vô cùng độc đáo. Tôi còn nhớ cái sườn dốc lối vào gara của nhà anh ấy, khi tôi đến, đó là mùa đông và Leslie nói với tôi "Ronny, hãy ra khỏi xe đi, ra khỏi xe đi nào" - Tôi hỏi lại "Ủa sao vậy ?" - Leslie đáp "Nhanh nào, cởi giày và tất của anh ra, xem cái lối vào gara nhà tôi này!". Cái lối đó rất dốc và khi trời đổ tuyết, nó rất trơn trượt. Leslie đã cho làm một hệ thống sưởi ở lối vào và nó trở nên thật ấm. Anh ấy nói "Nhanh nào, thử (đi) mà xem, chúng ta ko có cái này ở Hongkong đâu". Chúng tôi đã có một thời gian vô cùng vui vẻ khi ấy.

Chúng tôi thường lái chiếc Porsche của anh ấy đi ăn tối. Wow, tôi ngồi cạnh Leslie, trên chiếc mui trần của anh và mọi người sẽ nhìn theo chúng tôi nhất là khi chúng tôi đến khu Chinatown. Nhưng điều đặc sắc hơn nữa là Leslie có một dàn âm thanh stereo tuyệt vời trong xe. Đó là vào khoảng năm 1994, Leslie rất khoái nghe nhạc, anh ấy muốn mở nhạc cho tôi nghe. Ở Vancouver chúng tôi thường phải lái xe đi khá xa để ăn tối, ít nhất phải mất khoảng 45 phút, lúc đó trên radio thường hay phát chương trình "Những bài ca đi cùng năm tháng" (nguyên gốc: golden oldies). Có hai ca khúc mà mỗi khi chúng được phát, Leslie đều nói với tôi hãy im lặng để lắng nghe. Một trong hai ca khúc đó mà "My way" - ko phải bản do Frank Sinatra hát mà là bản của Paul Anka. Leslie nói với tôi rằng Paul Anka chính là người sáng tác ra ca khúc đó. Sau khi Leslie ra đi, tôi nhớ lại ngày hôm đó và nhận ra rằng, lời bài hát của Paul Anka như hoàn toàn dành cho Leslie. Anh ấy làm mọi thứ theo cách của mình, chứ khôngcần phải mua vui hay lấy lòng một ai khác. Khi anh ấy cảm thấy tự tin trong một việc gì đó, anh ấy sẽ làm nó theo cách của anh, dù là với vai trò một diễn viên, một ca sĩ hay một người hát nhạc kịch. Giờ tôi hiểu ra rằng ngày hôm đó, khi Leslie nói tôi hãy lắng nghe ca từ của bài hát ấy, đó chính là một (lời nhắn nhủ), một mối liên hệ (giữa anh và bài hát).

Imagine cũng là một ca khúc mà chúng tôi đã nghe trong chương trình Những bài ca đi cùng năm tháng. Mỗi lần Imagine được phát, Leslie thường nói "Ronny, Ronny, anh phải nghe và để ý lời ca khúc nhé". Leslie nói rằng "John Lennon là một người vô cùng tài năng. Thông điệp trong những bài hát của anh ấy, lòng nhân ái của anh ấy, anh phải nghe những sáng tác của John đi và chắc chắn anh sẽ thấy thích chúng". Sau đó tôi có nghe Imagine và một số ca khúc khác của John, và quả như lời Leslie đã nói. Tôi nhận thấy Leslie có một năng lực tưởng tưởng hết sức mạnh mẽ, anh ấy suy ngẫm về mọi chuyện và có lẽ đôi khi anh ấy đã nghĩ quá nhiều. Sau khi Leslie ra đi, tôi thường tự vấn bản thân mình rằng, liệu có khi nào một con người nhạy cảm, biết quan tâm mọi người như anhcó thể đã che giấu rất nhiều vấn đề phức tạp mà một mình anh ko thể nào giải quyết được, anh không thể kể với ai, anh giữ mọi thứ trong lòng. Và nếu bản thân anh không thể tìm ra câu trả lời (cho những thứ anh trăn trở) thì điều đó hẳn phải đau đớn lắm! Vì thế cứ mỗi khi cái ngày 1/4 đến, tôi lại rơm rớm nước mắt nghĩ rằng Leslie đã làm quá nhiều điều tốt đẹp cho mọi người, tôi có lẽ là một người cứng rắn, nhưng tôi rất nhớ cái cảm giác khi bên tôi có người bạn này, người mà tôi có thể thoải mái nói chuyện, người mà đã từng bảo tôi cởi giày và tất ra để đi chân trần trên lối vào gara nhà anh ấy. Anh ấy là một người vô cùng thẳng thắn và thành thật. Ngay cả khi anh la rầy người khác, anh cũng rất chân thành.

Tôi còn nhớ một lần có một diễn viên phụ đã ko làm tốt nhiệm vụ của mình. Anh ấy bám theo Leslie để xin chứ kí. Vài lần đầu Leslie đều kí cho anh ta. Cho đến một ngày khi anh chàng quên mất nhiệm vụ của mình là gì, khi tôi hô "Diễn !" thì anh chàng lại chạy đến chỗ Leslie xin chữ kí, lúc đó Leslie đã mắng anh ấy rất lâu, và chàng trai trẻ thì luôn miệng nói rằng xin lỗi. Leslie ko cảm thấy khó chịu vì anh cứ bị làm phiền mãi để xin chữ kí, mà anh khó chịu bởi vì ở đây có một tập thể hàng tá con người đang hết sức cố gắng vì mục tiêu chung, vì thế bạn cần phải tôn trọng điều đó. Đấy là lần đầu tiên tôi thấy Leslie giận. Mỗi lần tôi thấy Leslie mất bình tĩnh, nguyên nhân đều ko phải là do một điều gì đó đã ảnh hưởng tới cá nhân anh, mà là do điều đó đã ảnh hưởng tới cả tập thể. Anh ấy là một người hết sức chân thành

./.