Tìm kiếm bài trong Blog này

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

Kỷ niệm 25 năm phim Bá Vương Biệt Cơ, lật lại những chuyện cũ với Trương Quốc Vinh

Nguồn báo: vtv.vn


Bộ phim kinh điển của Trung Quốc Bá Vương Biệt Cơ đã tròn 25 tuổi và để kỷ niệm con số này, một phiên bản số của phim đã được phát hành lại tại Đài Loan. Trong đó, một cuộc phỏng vấn dài 22 phút với Trương Quốc Vinh cũng được nhắc trở lại. Trong cuộc phỏng vấn, ngôi sao tài hoa nhưng bạc mệnh của Hong Kong đã nói về lý do anh nhận lời thể hiện vai Trình Điệp Y - vai diễn để đời trong sự nghiệp của anh. 

"Tôi không muốn trở thành Trình Điệp Y" - Trương Quốc Vinh nói - "Cá nhân tôi không muốn trở thành anh ấy. Thành thật mà nói, tôi may mắn hơn anh ấy rất nhiều, nhưng tôi vẫn thích đóng vai một nhân vật như anh ấy, vì tôi thích đóng những nhân vật bi thảm". 


Trong cuộc phỏng vấn dài 22 phút, Trương Quốc Vinh đã nói về sự do dự của anh khi chấp nhận vai Trình Điệp Y - vai diễn được cho là xác định vị trí ngôi sao trong sự nghiệp một nghệ sĩ biểu diễn của anh. 

"Trình Điệp Y là một người rất yêu bản thân. Trên sân khấu, anh ấy rất tự tin. Anh ấy là một nhân vật có cái tôi mạnh mẽ, nhưng khi nói đến tính cách của anh ấy, anh ấy là một nhân vật bi thảm. Anh ấy cảm thấy hài lòng nhất trên sân khấu khi thể hiện vai Ngu Cơ trong vở Bá Vương Biệt Cơ với tiếng hát của anh ấy. Đó là những khoảnh khắc tỏa sáng nhất trong cuộc đời Trình Điệp Y". 

Bộ phim Bá Vương Biệt Cơ của đạo diễn Trần Khải Ca được chuyển thể từ cuốn tiểu tuyết cùng tên, được phát hành năm 1993. Phim kể về 2 diễn viên kinh kịch Bắc Kinh và cuộc đời họ đã mãi mãi thay đổi sau khi sống sót qua những biến động chính trị của xã hội Trung Quốc giữa thế kỷ 20. Trong phim này, Trương Quốc Vinh thể hiện vai Trình Điệp Y, một diễn viên kinh kịch nổi tiếng có tình yêu với bạn diễn Đoàn Tiểu Lâu (do Trương Phong Nghị thể hiện). Phim còn có sự tham gia của Củng Lợi (vai Cúc Tiên, người đã xen vào giữa mối quan hệ của Trình Điệp Y và Đoàn Tiểu Lâu). 


Trong cuộc phỏng vấn, Trương Quốc Vinh cho biết anh biết tới tiểu thuyết Bá Vương Biệt Cơ từ năm 1988. Lúc đó nhà sản xuất Từ Phong đã muốn chuyển thể câu chuyện với Trương Quốc Vinh đóng vai chính nhưng thời điểm đó anh đang là một diễn viên thần tượng và anh lo lắng vai Trình Điệp Y, một nhân vật đồng tính, sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của mình nên đã từ chối tham gia. 

Tuy nhiên, Trương Quốc Vinh không thể từ chối nhân vật này khi lời mời lần thứ hai được đưa ra. Anh nói: "Lần đầu tiên tôi gặp đạo diễn Trần Khải Ca tại một khách sạn ở Hồng Kông. Tôi cảm thấy ông ấy rất tài năng và không phải là mô tuýp đạo diễn kiểu thông thường. Chúng tôi đã nói về việc tôi có nên đóng nhân vật này hay không mà nói về cách tôi sẽ thể hiện nhân vật này tốt nhất". 


=============================


Nhân đây, xin chia sẻ một đoạn dịch của Qing An - 庆安 phỏng vấn đạo diễn Trần Khải Ca về quá trình quay phim :


Trong phim có cảnh Điệp Y lên cơn nghiện, Tiểu Lâu đến thăm Điệp Y, trong kịch bản ghi là Trương Quốc Vinh phải cầm phần đuôi của cây phất trần để đập bể khung kính có lồng ảnh chụp chung của Điệp Y và Tiểu Lâu. Trần Khải Ca nói, trước khi quay Trương Quốc Vinh rất căng thẳng, còn nói là nếu quay 1 lần mà không qua thì lần sau đổi thành cái khung thôi, vì nếu chờ quét dọn thì sẽ tốn rất nhiều thời gian. Phân cảnh này đòi hỏi rất cao kỹ năng diễn xuất của diễn viên, đây là cảnh tiếp xúc cơ thể cuối cùng giữa Điệp Y và Tiểu Lâu. Vì Điệp Y lên cơn nghiện nên rất gắt gỏng và ném đồ lung tung, còn Tiểu Lâu thì ôm lấy Điệp Y từ phía sau. Nhưng trên thực tế thì chỉ giãy giụa thôi, song phải chuẩn xác thể hiện cho ra lớp ý nghĩa này.


"Tôi nói với Cố Trường Vệ là phải chỉnh tiêu điểm sao cho thật chuẩn phòng việc người ta diễn tốt mà mình "bắt" không được. Trước khi quay là tôi đã lưu ý đến trạng thái của cả hai diễn viên, tôi thấy Trương Quốc Vinh thì mặt mũi tái nhợt, Trương Phong Nghị thì cắn chặt răng, thế là tôi nói với ekip quay phim là nhanh nhanh, cả hai đều đã bước vào trạng thái rồi. Quả nhiên vừa khai máy là Trương Quốc Vinh liền phát điên sau đó cầm gậy đánh đập lung tung lên khung kính, mảnh thủy tinh văng tứ phía, Trương Phong Nghị ở sau ôm lấy Trương Quốc Vinh cũng rất tình cảm, có thể nói là kỹ năng diễn xuất của hai người rất kinh tâm động phách, tôi không kìm được tự nhủ, đây chẳng phải là lên cơn nghiện thật à, người trước mắt đang thống khổ cực độ, đang đối mặt với vận mệnh bất công và phải dốc toàn lực để phản kháng." 

Lúc Trần Khải Ca hô ngừng, Trương Quốc Vinh vẫn còn khóc như mưa, hồi lâu vẫn chưa dứt. 

"Tôi khuyên mãi mà không được nên cũng sốt ruột, tôi nói với cậu ấy là cậu bi thương cứ như nhà có tang ma vậy, tôi chẳng phân biệt được đâu là diễn nữa, không chỉ có Trình Điệp Y, mà cả Trương Quốc Vinh cũng đã đi đến hồi kết rồi." 


=============================



Ít ai biết ý tưởng thực hiện bộ phim Bá Vương Biệt Cơ xuất phát từ chính Trương Quốc Vinh năm 1988, khi anh đọc được cuốn tiểu thuyết cùng tên của nữ văn sĩ Lý Bích Hoa - cũng là tác giả của tiểu thuyết chuyển thành kịch bản phim Yên Chi Khâu (1988) mà anh vừa đóng vai chính. Anh liên lạc với cựu nữ minh tinh Đài Loan, Từ Phong - lúc này đang là một nhà sản xuất phim khá mát tay - hỏi bà có muốn hợp tác thực hiện một bộ phim dựa theo tiểu thuyết này không. Từ Phong đánh tiếng với đạo diễn danh tiếng nhất Trung Quốc lúc ấy là Trần Khải Ca, và mời ông làm đạo diễn. Vào thời điểm đầu thập niên 1990, Trung Quốc đang dè dặt mở cửa ra thế giới, khoảng cách chính trị giữa Trung Quốc và Hồng Kông đang xích gần lại nhau, nên dự án hợp tác này rất được chú ý.

Các vai chính nhanh chóng được xác định đều là những tên tuổi sáng giá nhất của điện ảnh Trung Quốc lúc bấy giờ: Trương Phong Nghị (vai Đoàn Tiểu Lâu), Củng Lợi (vai Cúc Tùng), Cát Ưu (vai Viên đại nhân). Nhưng hóc búa nhất là phải tìm cho được người thủ vai diễn Trình Điệp Y - linh hồn của bộ phim.

Tìm những chuyên gia thủ vai Đán (nam đóng giả nữ trong kinh kịch Bắc Kinh) ở Trung Quốc không khó, nhưng các nhà sản xuất lại muốn người thủ vai này phải là một ngôi sao tầm cỡ. Đến năm 1991, ứng cử viên hàng đầu cho vai Trình Điệp Y là nam diễn viên Mỹ gốc Hồng Kông, Tôn Long - người đang có danh tiếng quốc tế khi thủ vai hoàng đế Phổ Nghi trong siêu phẩm đoạt 9 giải Oscar năm 1987, The Last Emperor (Vị hoàng đế cuối cùng).

Tôn Long xuất thân là một diễn viên kinh kịch được đào tạo căn bản từ bé, anh lại có thừa kinh nghiệm thủ vai Đán khi vừa đóng một vai tương tự như Trình Điệp Y, trong một phim của đạo diễn David Cronenberg, M.Butterfly (Hồ Điệp). Chỉ có Tôn Long là phù hợp nhất từ kinh nghiệm cho đến tên tuổi mà các nhà sản xuất mong muốn. Nhưng Trần Khải Ca lại do dự, vì Tôn Long không đủ đẹp cho vai Trình Điệp Y, vai Đán mà anh đóng trong phim M.Butterfly hơi cứng, không có nét mềm mại uyển chuyển. Người xem có thể thấy lờ mờ dấu râu ở quai hàm và cái xương cổ khi ẩn khi hiện của Tôn Long.

Điều quan trọng nhất xảy ra vào giờ chót khi nhà văn Lý Bích Hoa kiên quyết: Nếu không mời được Trương Quốc Vinh vào vai Trình Điệp Y thì bà sẽ không đồng ý để tiểu thuyết của mình lên phim. Trương Quốc Vinh dù rất khát khao được đóng vai này, nhưng anh vẫn băn khoăn mình chưa đủ đẹp để diễn một Trình Điệp Y được mô tả rất mỹ miều trong tiểu thuyết.

Trong lúc Trần Khải Ca cũng không tin Trương Quốc Vinh có thể phù hợp với vai này, thì một người bạn từ Hồng Kông gửi đến cho ông tờ tạp chí City Magazine (số kỷ niệm 15 năm phát hành năm 1991), với trang bìa là hình Trương Quốc Vinh trong lớp hóa trang và trang phục vai Đán của vở kinh kịch Kỳ Song Hội, kèm theo là dòng chú thích của người gửi: “Khải Ca, thế này đã mê hoặc được anh chưa!”.

Ảnh trích từ City Magazine số kỷ niệm 15 năm ngày phát hành

Chính tấm ảnh bìa này đã khiến Trần Khải Ca quyết định tức tốc bay sang Hong Kong để gặp gỡ và giao vai Trình Điệp Y cho Trương Quốc Vinh. Đánh dấu cột mốc quan trọng, khi lần đầu tiên một diễn viên Hồng Kông được mời đóng phim Trung Quốc quay tại đại lục, đặc biệt chủ đề đồng tính là điều cấm kỵ ở đây.

Trương Quốc Vinh chỉ nói được tiếng Quảng Đông, trong khi yêu cầu bắt buộc của một diễn viên kinh kịch là phải nói tiếng Quan Thoại. Anh đã đến Bắc Kinh trước khi bấm máy 6 tháng để học nói lưu loát tiếng Quan Thoại và học kinh kịch từ những nghệ nhân giỏi nhất của nghệ thuật này. Đến Bắc Kinh với tư thế của một ngôi sao danh tiếng châu Á, nhưng Trương Quốc Vinh lại rất khiêm tốn, giản dị và cầu tiến. Sự chăm chỉ đã giúp anh có thể học diễn một trích đoạn tuồng chỉ vỏn vẹn trong 3 ngày, trong khi với các diễn viên khác phải mất gần 3 tháng trời để học.

Trong những ngày đầu quay tại Bắc Kinh, thành viên đoàn phim người Trung Quốc có vẻ coi thường Trương Quốc Vinh, vì cho rằng anh chỉ là một ca sĩ bảnh trai gặp thời, được mời đóng phim để câu vé khán giả. Nhưng ý nghĩ tiêu cực đó đã nhanh chóng được thay thế bằng sự kính nể bởi tác phong làm việc cực kỳ chuyên nghiệp và lối diễn xuất thần của anh.

Có thể nói, diễn xuất của Trương Quốc Vinh trong phim Bá Vương Biệt Cơ có một không hai. Anh hoàn toàn làm lu mờ tất cả những gì thuộc về bộ phim, khi khán giả xem xong dù choáng ngợp, nhưng sau đó chỉ nhớ đến vai diễn Trình Điệp Y của anh. Từ cái liếc nhìn, sự đam mê được kiềm chế, dáng đứng yểu điệu, bước đi nhỏ ngắn, đến những cử chỉ mềm mại yêu kiều… tất cả đều được anh lột tả tinh tế đến hoàn hảo.

Trên màn ảnh từ xưa đến giờ, vẫn chưa có một nam diễn viên nào đóng vai nữ hay như Trương Quốc Vinh. Đến mức tại Liên hoan phim Cannes 1993, một thành viên trong ban giám khảo đã bỏ phiếu cho anh trong cả hai hạng mục Nam và Nữ diễn viên xuất sắc nhất! Dù anh không đoạt giải (một bất công khó hiểu!), nhưng từ Bá Vương Biệt Cơ, Trương Quốc Vinh đã trở thành một cái tên tầm cỡ được kính trọng trên ảnh đàn quốc tế.


Trong nhiều kiểu poster của phim Bá Vương Biệt Cơ, được nhiều người yêu thích và được sử dụng rộng rãi là tấm mô tả cận cảnh con mắt đang vẽ tuồng của Trương Quốc Vinh. Người ta thường ca ngợi sức mạnh của tài tử Lương Triều Vỹ là ở đôi mắt biết nói của anh. Còn đôi mắt của Trương Quốc Vinh? Xin nhường lời cho đạo diễn Trần Khải Ca:

“Tôi lần đầu gặp Trương Quốc Vinh ở Hồng Kông. Anh ngồi đối diện tôi, vừa hút thuốc vừa lắng nghe tôi kể nội dung phim Bá Vương Biệt Cơ. Tôi để ý thấy ngón tay cầm thuốc của anh run run. Đôi chân anh gập lại một cách tao nhã và trông rất điềm tĩnh. Tôi nói với anh rằng tôi sẽ rất vui nếu anh đóng vai Trình Điệp Y - nhưng lúc đó, tôi không quá tự tin rằng anh có thể diễn tốt vai này. Trương Quốc Vinh nói anh có thể diễn tốt vì chính mình là Trình Điệp Y, một người không thể phân biệt đâu là diễn xuất và đâu là đời thực, và là người có những đặc điểm của cả nam lẫn nữ… Tôi đáp lại với anh chỉ bằng một nụ cười.

… Một vài tháng sau, sau khi quay cảnh Đoàn Tiểu Lâu kết hôn với Cúc Tiên, khiến Trình Điệp Y cảm thấy bị tổn thương sâu sắc, chúng tôi quay tiếp cảnh Trình Điệp Y trong đêm đó mang thanh kiếm mà anh hứa tặng cho Tiểu Lâu lúc họ còn thơ ấu. Trên đường mang nó lại cho Tiểu Lâu, anh gặp phải lính Nhật. Camera bắt đầu quay… Tên lính Nhật dùng con dao vén tấm màn lên. Trương Quốc Vinh đang ngồi bên trong chiếc xe kéo, trong lớp hóa trang tả tơi với vệt son lem đỏ như máu nằm gần miệng anh. Nỗi tuyệt vọng và đau khổ hiện lên trong đôi mắt anh thật là buồn thảm… Sau hiệu lệnh “Cắt!”, Trương Quốc Vinh vẫn ngồi đó, bất động và lệ rưng trong mắt. Tôi không dám chạy đến an ủi anh, nhưng ra hiệu cho đèn đóm tắt hết, để anh chìm trong bóng tối… Mãi tới khi ấy tôi nhận ra, phải là một diễn viên như Trương Quốc Vinh, thì mới có thể trao trọn con tim và tâm trí cho vai diễn mà anh sẽ đóng, mà có lẽ nó đã đạt tới một sự chuẩn mực của diễn xuất. Chính sự biểu cảm này trong đôi mắt anh đã giải thích đầy đủ chủ đề của nội dung phim, về sự ám ảnh và phụ bạc.

Với tư cách đạo diễn, Bá Vương biệt Cơ là bộ phim tôi thực hiện với những xúc cảm mạnh mẽ nhất. Sau khi đã hoàn thành bộ phim được một thời gian, tôi cảm thấy rất khổ sở vì không thể thoát được nó. Rồi một đêm nọ, tôi mơ thấy Trương Quốc Vinh trong bộ trang phục của Trình Điệp Y. Nhìn tôi với đôi mắt biết nói quen thuộc ấy, anh bảo, “Tôi sẽ nói lời vĩnh biệt với anh”. Tôi bừng tỉnh mà đôi mắt ướt đẫm. Tôi không thể phân biệt anh ấy là Trình Điệp Y hay Trương Quốc Vinh… 10 năm sau (2003), lời vĩnh biệt của anh trong giấc mơ của tôi dường như ứng nghiệm với số phận của anh. Vâng, đúng vậy, Trương Quốc Vinh chính là Trình Điệp Y.

… Sau khi anh thả mình vào cõi chết từ tầng 24 của một khách sạn ở Hong Kong, bạn bè tôi kể rằng thân thể của anh bị bầm dập nhưng mặt mũi thì vẫn nguyên vẹn. Trong số nhiều tấm ảnh chụp anh lúc ấy, riêng có một tấm anh mỉm cười nhẹ nhàng với đầu và đôi mắt hướng xuống. Trớ trêu thay, anh dường như đã biết kết cuộc tương lai của mình. Chúng ta không thể thấy cặp mắt này nếu đầu anh hướng lên, và nhìn bạn với nhiều cảm xúc. Đôi mắt như thế làm sao Chúa nỡ lòng nào hủy hoại!

Tôi luôn nghĩ Trương Quốc Vinh thuộc về thời đã qua. Đó là vì anh có một đôi mắt chỉ có thể thấy trong những giấc mơ phù hoa về quá khứ của chúng ta”.




Thứ Ba, 25 tháng 12, 2018

Lời giã biệt sự nghiệp âm nhạc của Trương Quốc Vinh tại concert Final Encounter năm 1989

Thực hiện Vietsub bởi shinkyofan






Người viết và dịch : Qing An - 庆安
Link bài viết : Facebook


Năm 1989, trong concert lần thứ 33 mang tên Final Encounter of The Legend (gọi tắt là Final Encounter), Ca Ca Trương Quốc Vinh - lúc này cũng tròn 33 tuổi - đã giãi bày về ý định muốn giã từ sự nghiệp âm nhạc của mình. Sau khi hát xong bài "Từ không bắt đầu", trong sự chờ mong của hàng ngàn fan hâm mộ tại sân vận động Hồng Kông, Leslie mặc chiếc áo bành tô màu đen, cổ áo màu đỏ, dưới ánh đèn màu xanh nhạt, anh đã cất lên những câu chào tạm biệt đầu tiên. Anh muốn tận tâm tận lực nói lời giã từ và cảm ơn một cách hoàn mỹ nhất : 

"Mười ba năm trước, tôi bước vào giới giải trí bằng vào một cơ hội rất tình cờ. Từ một "tôi" cô đơn từ bé, tôi đã trở thành một Trương Quốc Vinh được rất nhiều người vây quanh. Leslie, tại sao tôi lại đặt tên là Leslie ? Bởi lúc nhỏ tôi tên là Bobby, vì sợ bị nhầm thành thú cưng nên tôi đã đổi lại một chút, thay bằng một cái tên sexy hơn ~ Leslie. 

Hình ảnh Leslie đoạt giải Á quân tại cuộc thi tìm kiếm tài năng Asian Amateur Singing Contest 1977 

Lúc mới chập chững vào nghề, tôi chẳng quen ai mà cũng chẳng biết điều gì. So ra thì các nghệ sỹ hiện nay hạnh phúc hơn nhiều, vừa mới bắt đầu đã xác định được hình tượng, thậm chí còn có người chỉ dạy cho nên nói gì và không nên nói gì. Bởi thế nên hồi ấy tôi chả khác nào một con ruồi, cứ bay loạn tứ tung và thường xuyên nếm mùi thất bại, sau khi kinh qua nhiều sai lầm lớn, suýt chút tôi đã không muốn tiếp tục, nhưng rốt cuộc thì tôi cũng đã vượt qua ... Nguyên do là vì tôi rất mạnh mẽ, tôi không thể thua, nhưng cũng phải thừa nhận rằng, hồi mới vào nghề tôi hát rất tệ, nghe như tiếng gà con ... kêu quang quác ... 

Chỉ có điều khi ấy tôi rất cố gắng học hỏi, cũng chấp nhận thất bại. Tôi mở nghe tất cả những album của các ca sỹ đương hot hồi đó rồi tự nghiền ngẫm mò mẫm vài kỹ xảo khi hát, ví như Sam (Hứa Quán Kiệt), Lâm Tử Tường, Quan Chính Kiệt, còn có cả Roman (La Văn) tối nay cũng có mặt, tất cả họ đều là đối tượng học hỏi của tôi. Tuy rằng con đường tôi đi rất gập ghềnh, nhưng rốt cuộc tôi cũng đã đợi được cơ hội của riêng mình, đó là một nhạc sỹ rất có thâm niên - thầy Trịnh Quốc Giang. Thầy ấy đã soạn lời bài "Gió tiếp tục thổi" và giao cho tôi hát, kể từ khi ấy, sự nghiệp của tôi xuất hiện ánh bình minh, tiếp đó là những ca khúc như "Ngọn gió tự do", "Monica", "Vì em chung tình", thậm chí là "Chuyện tình năm xưa", hay là "Không có giấc ngủ" sắp tới đây, "Mặt bên", ... đều giúp tôi bước những bước đi vững chắc trong giới âm nhạc. 


Leslie và nhà sản xuất âm nhạc Michael Lai - Lê Tiểu Điền

Sau đây, cho phép tôi dùng chút ít thời gian để cảm ơn ba người bạn, họ cũng là những người bạn đồng hành trên con đường âm nhạc của tôi, là những nhân vật rất quan trọng. Đầu tiên là Lê Tiểu Điền, mọi người đừng thấy anh ấy trông giống như mèo Garfield mà cho rằng anh ấy hài hước, mỗi lần làm chuyện gì đó anh ấy cũng rất nghiêm túc, tôi nhớ hồi mới vào nghề, lúc thu âm thường bị anh ấy mắng xối xả, tối nay tôi đặc biệt mời anh ấy đến đây cùng chia sẻ niềm vui với tôi ... 

Người thứ hai là Trần Tiểu Bảo, sau khi tôi gia nhập công ty (tức Capital Artists), bất kể là về mặt tinh thần hay trong công việc, Tiểu Bảo đều cho tôi không gian tự do rất lớn, vì vậy tôi mới có thể cho ra được nhiều album và bài hát mà cả tôi và các bạn đều thích như vậy ... 

Leslie và cựu quản lý Florence Chan - Trần Thục Phân 

Người thứ ba, là người cuối cùng, và cũng là người quan trọng nhất. Đó chính là người mà ngày nào đêm nào cũng ngồi trên bàn điều khiển và cùng trải qua bao hoạn nạn với tôi - quản lý Trần Thục Phân. Đừng thấy chị ấy bé bé xinh xinh mà lầm, thực ra chị ấy còn quyết đoán hơn cả đàn ông đấy. Kể từ khi còn ở Hoa Tinh (một công ty giải trí dưới trướng TVB) đến tận bây giờ, hai chúng tôi mỗi một trắc trở đều biến nguy thành an, vẫn luôn cùng nhau lặng lẽ nỗ lực và tiến về phía trước, bởi thế nên tôi có thể tổ chức concert thứ 33 này, tất cả đều nhờ có chị ấy! Và tất nhiên, có thể tổ chức được concert này, cũng nhờ cả vào tất cả các bạn đang ngồi đây, các bạn đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh, tôi sẽ không bao giờ quên các bạn, cảm ơn rất nhiều ! 




Thành thực mà nói, lần đưa ra quyết định này, đối với tôi mà nói, rất quan trọng. Đó là một trong những chuyện lớn của đời tôi, nhưng đó không phải là tôi hành động thiếu suy nghĩ hay là sự sắp xếp trong lúc kích động nhất thời. Bởi tôi đã nhìn thấy được những tấm gương sẵn có, những đàn anh đàn chị nổi tiếng đi trước, khi họ đứng trên đỉnh núi cao nhất, họ sẽ rút lui và nói lời tạm biệt, nhưng giờ đây chúng ta vẫn luôn nhớ tới họ, tôi biết lựa chọn này sẽ không sai ! 

Có một câu nói, tôi biết nói ra sẽ rất buồn, mỗi một tối tôi đều nói với họ, nhưng tối nay tôi nhất định phải nói cho mọi người hay, thực ra, nỗi khổ khi làm nghệ sỹ chính là sự vui vẻ và thỏa mãn của chúng tôi đều được xây dựng dưới phản ứng của khán giả, chỉ khi khán giả vui vẻ và thỏa mãn thì chúng tôi mới có thể vui vẻ và thỏa mãn ... 

Nếu một ngày nào đó người nghệ sỹ biết được thời khắc bản thân phải rút lui, thì chính người đó và cả các fan hâm mộ sẽ rất buồn. Nhưng nếu một ngày nào đó tôi vấp ngã thì đó chắc chắn là lúc tôi phải rời đi, cũng chỉ có mỗi mình tôi buồn mà thôi, tôi là một người thông minh nên nhất định sẽ rời khỏi sớm hơn một chút ... 

Tương lai tôi cũng sẽ không biếng lười ... Tôi vẫn sẽ làm một Trương Quốc Vinh chăm chỉ, song tôi sẽ làm một số chuyện mà bản thân vẫn luôn muốn làm nhưng chưa có cơ hội thử sức, ví như quay phim, học đàn, hay mở quán cafe, chỉ cần các bạn giữ lại phần đuôi vé của buổi concert này, lưu làm kỷ niệm cũng được, nhưng nếu bạn mang đuôi vé đến quán của tôi dùng cafe hay uống trà sữa, thì ly đầu tiên sẽ được miễn phí! Có được không nào? Cơ mà tôi nghĩ, ba trăm mấy nghìn ly cafe, năm đầu tiên chắc chắn tôi sẽ lỗ nặng, cơ mà tôi tình nguyện kinh doanh lỗ vốn, miễn là các bạn vui ~~~ 

Cuối cùng, chuyên quan trọng nhất tôi muốn giao phó là lần này rời khỏi nhạc đàn là sự rời đi không hề áp lực, tại sao tôi lại làm như vậy ? Ấy cũng chẳng liên quan đến ai cả, chỉ là tôi muốn nói lời tạm biệt ngay tại sân khấu có nhiều tiếng vỗ tay nhất mà thôi, tối nay có nhiều người yêu thương tôi như vậy, tôi biết, đêm nay chắc chắn sẽ có nhiều tiếng vỗ tay nhất ... 

Tôi quý trọng mỗi một giây một phút của buổi tối ngày hôm nay, cũng quý trọng mỗi một người bạn yêu thương tôi, mọi người đến tiễn tôi, tôi rất vui, tôi rất cảm ơn các bạn !" 


Và khi hát xong bài "The way we were", anh đã nói: "Câu hát "We simply choose to forget" (lyric của ca khúc "The way we were") ý chỉ chúng ta nên quên tất thảy dĩ vãng. Tôi nghĩ, 5 năm trước, lần đầu tiên tôi ở đây mở concert, đến tận giờ là đã 33 concert rồi, có rất nhiều chuyện tựa như phim vậy, từng đoạn từng đoạn hiện lên trong đầu tôi. Có thể tôi sẽ không nhớ nổi dáng vẻ của các bạn nhưng tôi sẽ luôn nhớ tiếng hoan hô và cổ vũ của tất cả các bạn, giống như như âm thanh lúc này đây, tôi sẽ mãi mãi ghi nhớ. Có phải chẳng bao lâu sau mọi người sẽ quên tôi không? Tôi không phải là một kẻ tham lam, tôi chỉ mong nếu có ai đó hỏi các bạn rằng: "Vào thập niên 80, Hồng Kông có những ngôi sao ca nhạc nào ?", dù các bạn chỉ thuận miệng nhắc tới tôi thôi thì tôi cũng đã rất vui rồi... Tôi sẽ trân trọng những gì các bạn dành cho tôi, ngay tại đây tôi xin dành tặng cho các bạn một ca khúc, đó là ca khúc tôi viết riêng cho concert đặc biệt này, giãi bày quãng thời gian 13 năm hoạt động âm nhạc của tôi, và cuối cùng là tôi muốn tặng cho các bạn ca khúc: Khi gió lại thổi". 

"Khi gió lại thổi" chính là bài hát đặt dấu chấm hết cho concert lần thứ 33 này của Leslie Cheung. Năm 2003, Ca Ca qua đời, dù lúc đó Hồng Kông bị bao phủ bởi dịch SARS kinh hoàng, nhưng cả mấy trăm ngàn người Hồng Kông vẫn đổ ra đường vừa vỗ tay vừa hát vang "Khi gió lại thổi" để tiễn anh đoạn đường cuối cùng bởi trong bài có câu: "Chỉ mong được vui vẻ tiễn đưa bằng tiếng vỗ tay nhiệt liệt". 


Chẳng mấy chốc mà chuyện anh tạm biệt nhạc đàn đã truyền khắp Hồng Kông. Toàn bộ giới giải trí Hồng Kông bỗng chốc hỗn loạn, Leslie nhận được rất nhiều thư và các lời tâm sự đầy nước mắt của fan hâm mộ qua radio. Nhưng anh vẫn không dao động, chuyện một khi anh đã quyết định thì không thể thay đổi, giờ mọi thứ đã là mũi tên trên dây, không thể không bắn. 

Đến năm 1995, cơ duyên xảo hợp lại đưa đẩy anh quay trở lại nhạc đàn và vẫn gặt hái được vô số thành công. Sau đó ít lâu, Ca Ca tổ chức đại nhạc hội đầu tiên kể từ khi "comeback": World Tour 1997, bài hát mở đầu cũng chính là bài hát kết thúc concert Final Encounter năm nào. Đến năm 2000 thì tổ chức đại nhạc hội cuối cùng và cũng là đại nhạc hội xuất sắc nhất của cuộc đời anh: Passion Tour. Nhưng đó là chuyện sau này ...




Thứ Hai, 24 tháng 12, 2018

Đường Hạc Đức chia sẻ bức ảnh đón Giáng Sinh quý giá bên Trương Quốc Vinh

Cách đây ít giờ, trên tài khoản instagram của Đường Hạc Đức (dhttong) vừa chia sẻ dòng chữ "Giáng Sinh năm ấy" cùng một bức ảnh quý giá chưa từng được công bố về khoảnh khắc anh cùng người bạn tri kỉ - nghệ sỹ huyền thoại của Hồng Kông Trương Quốc Vinh đón Giáng Sinh. Được biết lúc sinh thời, Giáng Sinh là thời điểm mùa lễ hội Trương Quốc Vinh yêu thích nhất trong năm. Sau khi đăng tải, bức ảnh nhận được hơn 4000 lượt comment - đa phần đều là các fan của Trương Quốc Vinh vào bày tỏ sự xúc động khi được nhìn ngắm thần tượng, đồng thời dành sự ngưỡng mộ cho tình cảm chung thủy sắt son của Đường và gửi lời chúc "Giáng Sinh Vui Vẻ" đến anh.


Đường Hạc Đức là người kín tiếng, rất hiếm khi cập nhật trang mạng xã hội cá nhân. Các bức ảnh, tâm trạng mà anh chia sẻ chủ yếu dành cho Trương Quốc Vinh. Mùa Giáng Sinh năm ngoái, anh cũng đăng bức ảnh cây thông Noel với dòng chữ: "Cây thông anh ấy tự trang trí bao năm trước. Anh ấy rất thích Giáng sinh". 


Thứ Tư, 19 tháng 12, 2018

[Vietsub] Passion Tour năm 2000

Thực hiện Vietsub và lời bình: Khue Nguyen
Link xem Vietsub tại đây: VIMEO



Trong sự nghiệp âm nhạc trải dài hơn 2 thập kỷ của Leslie Cheung - Trương Quốc Vinh tựu chung có 3 tour concerts lớn đánh dấu bước ngoặc chuyển mình rõ nét nhất trong phong cách cá nhân mà từ đó đã định hình anh trở thành một biểu tượng văn hóa âm nhạc đại chúng, đó là : Final Encounter of The Legend năm 1989, World Tour năm 1997 và Passion Tour năm 2000.

Ở giai đoạn đầu tiên trong quãng thời gian 1977-1990 từ lúc bắt đầu con đường ca hát đến lúc tuyên bố giã biệt trong vinh quang, Leslie đã hội tụ đủ mọi yếu tố để xây dựng thành công nên một hình tượng bạch mã hoàng tử với những bản tình ca ngọt ngào có thể làm tan chảy bất kì trái tim người nghe nào. Sân khấu âm nhạc Hồng Kông thời điểm ấy chỉ vừa mới chập chững hình thành và Leslie nghiễm nhiên trở thành một trong số ít ca sĩ hiếm hoi khai sinh ra dòng nhạc Cantopop và đưa nó làm mưa làm gió khắp Đông Á suốt một thời gian dài. 

Hình ảnh của Leslie trên sân khấu trong thập niên 1980 

Tuy nhiên sau đó khi quyết định quay trở lại sân khấu âm nhạc Hồng Kông ở độ tuổi tràn trề sinh lực của một người đàn ông 40 tuổi, anh đã mạnh mẽ rũ bỏ ngay lập tức lớp vỏ bọc an toàn đã đóng khung sẵn dành riêng cho mình trước kia để trở thành một kiểu quý ông playboy với sự khiêu khích táo bạo và bắt đầu xuất hiện phong cách đưa đẩy lả lơi cả hai giới. Đỉnh điểm gây tranh cãi nhất ở show diễn World Tour 1997 chính là việc bước đi trên sân khấu bằng đôi giày cao gót đỏ đầy kiêu kì thách thức. Có lẽ chính trong quãng thời gian định cư ở Canada với tâm thế của một kẻ đứng ngoài cuộc lẫn qua một thời gian dài tiếp thu nền văn hóa phương Tây mà cụ thể là những nghệ sĩ Anh Quốc như David Bowie, Elton John, The Beatles ... đã cho anh cái nhìn tân tiến, toàn diện về nền âm nhạc để từ đó định hình hướng đi cho riêng bản thân mình.
Nếu lĩnh vực điện ảnh là nơi anh thoải mái bộc lộ những khía cạnh nội tâm đa sắc diện của mình qua những dạng vai diễn đa chiều thì chính trên sân khấu âm nhạc lại là nơi anh thỏa sức vươn cao đôi cánh tung bay.

Sau World Tour 1997, khi đã yên vị trên một vị thế cao nơi khó ai có thể với tới được ở cả nhạc đàn Hồng Kông & Đông Á, cũng là lúc anh có đủ tự do và sức mạnh để tùy ý xây dựng mọi thứ theo ý muốn. Không chỉ lên ý tưởng sáng tạo cho toàn bộ show diễn mà anh còn đảm nhiệm cả vai trò chỉ đạo nghệ thuật cho Passion Tour lần này. Leslie thể hiện mình có thể vượt xa hơn vai trò ca sĩ đơn thuần rất nhiều khi nhận xét: 

"Có hai loại ca sĩ, một là nghệ sĩ chỉ biểu diễn, một là những người biết làm thế nào để dàn dựng buổi biểu diễn. Dĩ nhiên, tôi thuộc loại sau." 

Không dừng lại ở đó, anh còn sang Paris đề nghị nhà thiết kế Jean Paul Gaultier - một trong những nhà tạo mẫu hàng đầu của dòng haute couture - thiết kế trang phục diễn cho riêng mình. Để có được cái gật đầu từ ông hoàng khó chiều của làng thời trang này (trước đó ông chỉ mới thiết kế trang phục riêng cho Nữ hoàng nhạc Pop Madonna), anh đã thuyết phục ông bằng hai vai diễn điển hình trong Farewell My Concubine (1993) và Happy Together (1997) cùng những buổi trình diễn ở Las Vegas. Cuối cùng Leslie Cheung đã trở thành nghệ sĩ thứ 2 sau Madonna được Jean Paul Gaultier đảm nhiệm phần thiết kế phục trang.


Thập niên 60 đã đánh dấu trong lịch sử văn hóa thế giới bằng những cuộc nổi loạn của lớp thế hệ thanh thiếu niên trẻ khi các cô gái không ngần ngại cắt phăng đi mái tóc dài biểu tượng cho sự nữ tính, còn ngược lại ở phía nam giới cũng bắt đầu nuôi mái tóc dài. Kẻ dẫn đầu cuộc cách mạng này không ai khác chính là tứ quái The Beatles - hình ảnh 4 chàng trai xuất hiện phớt đời trong kiểu tóc mop-top gần như đi ngược với mọi tiêu chuẩn hợp thời ở xã hội bấy giờ nhưng cuối cùng lại biến cuộc lật đổ thành công ngoạn mục và còn tạo sức ảnh hưởng sâu rộng lên đời sống văn hóa đại chúng. Dần dần sau đó, các nghệ sĩ Rock n' Roll cũng theo đuổi mái tóc dài phong cách này nhằm hướng đến tinh thần tự do và giải phóng giới tính. Nếu ở xã hội phương Tây độ dài mái tóc mop-top nhỉnh hơn 1 tí so với kiểu tóc truyền thống được cắt sát gọn gàng ở nam giới đã được xem là cuộc cách mạng thì ngược dòng lịch sử về phía bên kia bờ đại dương, những người đàn ông ở các quốc gia Á châu vốn đã làm quen với mái tóc dài từ nhiều thế kỷ trước rất lâu, thậm chí cả trước khi con đường tơ lụa được hình thành. 


Thế nên khi Leslie xuất hiện trong mái tóc dài buông thẳng xuống hông không chỉ phản ánh tinh thần tự do và đại diện cho hình tượng Androgyny (Phi giới tính) mà anh còn châm lên ngọn lửa hoang dại lãng mạn đậm chất Á Đông. Leslie luôn cho thấy anh là một nghệ sĩ có cá tính cá nhân mạnh mẽ và không ngần ngại đẩy những giới hạn lên mức cao nhất. Một người nghệ sĩ không chỉ mãi chạy theo thỏa mãn khán giả mà còn phải có tầm nhìn xa để trở thành 1 người ở vị thế dẫn đầu. Những hình ảnh anh trình diễn ở Passion Tour đã phá vỡ hết mọi chuẩn mực thông thường của cái đẹp vốn đóng khung dành riêng sẵn cho hai giới từ bấy lâu nay. "Bản thân nghệ thuật không có sự phân biệt giới tính" - tư tưởng cởi mở này đã đuợc anh định hướng đến với đại chúng. 




Nhưng cũng như những cá nhân dũng cảm đương đầu con sóng ngọn gió tiên phong cho những điều chưa ai dám làm đã phải trả giá bằng việc nhận lấy vô số tranh cãi từ định kiến đương thời, Passion Tour bị công kích gay gắt ngay thời điểm đó. Mặc cho tour diễn được đánh giá cao về mặt nghệ thuật từ những nhà chuyên môn và chính Madonna cũng lên tiếng ngợi khen, song bấy nhiêu cũng không ngăn được những chỉ trích khắt nghiệt từ giới truyền thông quê nhà lan tận sang Paris đến nỗi đích thân Jean Paul Gaultier bày tỏ sự tức giận bằng một email gởi riêng cho anh rằng ông sẽ không bao giờ thiết kế trang phục diễn cho riêng bất kì ngôi sao châu Á nào nữa. Thật ra Leslie không phải là nghệ sĩ đầu tiên xuất hiện với hình ảnh phi giới tính (Androgyny), trước anh đã có David Bowie, Marilyn Manson, Prince, Annie Lennox, Boy George ... theo đuổi thành công hình tượng này từ khá sớm rồi. Nhưng không may những gì anh làm còn quá đỗi mới mẻ lạ lẫm đặt trong bối cảnh ở một quốc gia Á Đông vẫn mang nặng định kiến truyền thống và vào một thời điểm khá nhạy cảm khi đời sống cá nhân của anh ngày càng thu hút sự quan tâm của công chúng. Thế nên những điều này còn được xem là ngòi nổ đầu tiên dẫn đến chứng bệnh trầm cảm sau đó của anh. 

Quan điểm nhìn nhận lẫn thị hiếu của mỗi cá nhân là khác biệt nhau, duy chỉ có một sự thật không thể phủ nhận: những màn trình diễn kích thích thị giác thách thức giới hạn nghe nhìn đi trước thời đại rất xa ở Passion Tour đã mang anh đến tầm vóc của một nghệ sĩ lớn, một pop culture idol tương đồng với tiêu chuẩn đánh giá của phương Tây. Ngoài việc khéo léo hòa quyện hai nền tư tưởng văn hóa Đông Tây lại với nhau anh còn đóng dấu ấn cá nhân sâu đậm lên mỗi màn trình diễn của mình đến mức không một ai có thể sao chép theo được. 




Chỉ một thời gian ngắn sau sự ra đi của anh, trên sàn diễn thời trang dần xuất hiện nhiều hơn những gương mặt phi giới tính đồng thời các nhà thiết kế cũng hướng đến những bộ trang phục dành chung cho cả 2 giới. Bên cạnh đó xã hội đón nhận cởi mở hơn với các đề tài từng là điều cấm kỵ trước kia. Lớp thế hệ trẻ ngày nay tiếp tục tìm thấy ở anh những giá trị có thể đại diện cho tiếng nói và khát vọng của họ. Cuộc cách mạng mà anh ra sức chống chọi tranh đấu dù bản thân không thể nhìn thấy được kết quả ở thời điểm ấy nhưng hi vọng ở đâu đó anh có thể hiểu được anh đã chiến thắng. 

"Những nhà phát minh vĩ đại - những nhà tư tưởng, những nghệ sĩ, những nhà khoa học, những nhà sáng chế - đều phải đơn độc chống lại những người cùng thời với họ. Tất cả những ý tưởng mới và vĩ đại đều bị chống đối kịch liệt. Tất cả những phát minh mới và vĩ đại đều bị lên án. Động cơ máy đầu tiên bị coi là ngu xuẩn. Chiếc máy bay đầu tiên bị coi là không tưởng... Nhưng những người đó, với tầm nhìn không vay mượn, vẫn tiếp tục tiến lên. Họ đã chiến đấu, họ đã đau khổ và họ đã phải trả giá. Nhưng họ đã chiến thắng." (Suối Nguồn - Ayn Rand)




Thứ Hai, 10 tháng 12, 2018

Bá Vương Biệt Cơ được phục chế và trình chiếu tại Đài Loan

Nguồn: tuoitre.vn


Bộ phim Bá Vương Biệt Cơ được phục chế và ra mắt khán giả Đài Loan từ ngày 14-12 

Bá Vương Biệt Cơ (Farewell My Concubine) do Trần Khải Ca đạo diễn, Trương Quốc Vinh, Trương Phong Nghị, Củng Lợi và Cát Ưu đóng chính, đã được phục chế và sẽ trình chiếu lại trên màn ảnh Đài Loan từ ngày 14-12-2018, nhằm tri ân 25 năm sự ra đời của tác phẩm kinh điển này.

Ngày 10-12, nhà sản xuất Từ Phong đã đại diện bộ phim Bá Vương Biệt Cơ ra mắt báo chí Đài Loan và lần đầu tiên tiết lộ quá trình năm xưa đạo diễn Trần Khải Ca tuyển chọn diễn viên. 

Từ Phong cho biết, năm xưa đạo diễn Trần Khải Ca vốn không quen biết Trương Quốc Vinh, chính bà là người đã giới thiệu ông xem bộ phim Yên Chi Khâu (Rouge) do Trương Quốc Vinh đóng chính. 


Trương Quốc Vinh vai Trần Chấn Bang trong phim Yên Chi Khâu 

Lần đầu tiên gặp mặt Trương Quốc Vinh, đạo diễn Trần Khải Ca nhìn thấy anh đang hút thuốc, từ dáng vẻ hút thuốc của anh mà ông quyết định "chọn mặt gửi vàng". 

Vào thời điểm những năm 1990, nhiều người đều không hiểu về tình yêu đồng giới, nhà sản xuất Từ Phong đã thúc đẩy Trương Quốc Vinh với câu nói: "Hãy dốc hết sức, không màng đường lui". 

Trương Quốc Vinh vai Trình Điệp Y trong phim Bá Vương Biệt Cơ 

Sau khi nhận vai, Trương Quốc Vinh đã học Kinh kịch, học nói tiếng phổ thông… có thể nói anh đã dốc hết khả năng ngoài sức tưởng tượng cho vai diễn để mang đến cho bộ phim tiếng vang lớn trên ảnh đàn thế giới với giải thưởng Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim danh giá nhất thế giới - Cannes 1993. 

Nhà sản xuất Từ Phong nói, Bá Vương Biệt Cơ đã nhận được 10 giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế, nhưng thời điểm đó bộ phim đã không thể tham gia tranh giải thưởng Kim Mã Đài Loan, và đây cũng là điều đáng tiếc nhất cho một tác phẩm kinh điển của điện ảnh Hoa ngữ. 

Củng Lợi suýt hụt vai nữ chính trong phim Bá Vương Biệt Cơ, chỉ vì cô là người của đạo diễn Trương Nghệ Mưu 

Đối với việc tuyển chọn nữ chính Cúc Tiên, ban đầu có 2 ứng cử viên gồm Mai Diễm Phương và Củng Lợi, nhưng Từ Phong cho rằng Mai Diễm Phương và Trương Quốc Vinh đã đóng chung, chắc chắn sẽ không tạo được hiệu ứng diễn xuất như với Củng Lợi, nên bà vẫn ưu tiên mời Củng Lợi. 

Tuy nhiên, lúc bấy giờ đạo diễn Trần Khải Ca lại không có ý muốn mời Củng Lợi tham gia diễn xuất, chỉ vì cô là người của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. 

Trương Quốc Vinh, Củng Lợi và đạo diễn Trần Khải Ca trên phim trường Bá Vương Biệt Cơ 

Nhắc lại những khoảng khắc huy hoàng của Bá Vương Biệt Cơ 25 năm trước, nhà sản xuất Từ Phong vẫn nhớ như in: "Khi bộ phim lần đầu tiên ra mắt khán giả Mỹ, những tràng pháo tay tán thưởng dành cho Bá Vương Biệt Cơ kéo dài 5 phút, đến khi bộ phim ra mắt tại Thượng Hải, biển khán giả đã kéo sập cửa rạp chiếu phim…". 

Ngày 10-12, nhân kỷ niệm 25 ngày bộ phim Bá Vương Biệt Cơ trình chiếu tại Đài Loan, Từ Phong cảm khái: "Lần cuối cùng tôi xem Bá Vương Biệt Cơ là vào thời điểm kỷ niệm 10 năm ngày mất của Trương Quốc Vinh, lúc đó cũng đã 10 mấy năm tôi không xem lại bộ phim này nhưng vẫn cảm thấy mỗi một giây đều không dư thừa". 

Nhà sản xuất Từ Phong 

Được biết, ngoài Bá Vương Biệt Cơ đã được phục chế, hiện nay nhà sản xuất Từ Phong còn đang phục chế bộ phim Cổn Cổn Hồng Trần (Red Dust) do Lâm Thanh Hà và Tần Hán đóng chính, sẽ ra mắt khán giả Đài Loan vào năm 2019.


Trailer của "Bá Vương Biệt Cơ" phiên bản phục chế 2018