Tìm kiếm bài trong Blog này

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

Những Thiên tài đến cuối đời vẫn chưa kết hôn

Link gốc: http://news.yzdsb.com.cn/system/2010/07/18/010599790.shtml
Tin ngày 18-07-2010
Lược dịch + Tổng hợp: heobeo @dienanh.net
Nguồn tham khảo thêm: Google & wikipedia


Coco Chanel (Gabrielle Chanel 1883-1971) “Thiên nga đen”, người đã tạo nên huyền thoại về một đế chế thời trang và bà cũng là một trong 20 nhà thiết kế thời trang quan trọng nhất thế kỷ 20.


Sinh thời Coco là một phụ nữ đẹp và thành đạt, rất nhiều phụ nữ đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những cách tân sáng tạo đầy quyến rũ thanh lịch của bà. Tuy trải qua khá nhiều cuộc tình nhưng bà cho đến cuối đời vẫn chưa một lần nhận lời cầu hôn của ai. Arthur Capel, người đàn ông đầu tiên đưa bà đến với xã hội thượng lưu (chết vì tai nạn xe hơi) được Chanel tâm sự là mối tình sâu sắc duy nhất của bà.


Joan of Arc (Jeanne d'Arc 1412 -1431). Một huyền thoại nữ chiến binh của nước Pháp, cô được Giáo hoàng Biển Đức XV phong thánh năm 1920, là Thánh quan thầy Giáo hội của nước Pháp (người Việt mình thường gọi là Thánh Gian-đa).


Tham gia vào “Cuộc chiến Trăm năm” giữa Pháp và Anh khi chỉ mới 17 tuổi, và bị kết tội là phù thủy phải lên giàn hỏa thiêu vào năm 19 tuổi, đường binh nghiệp của cô chỉ kéo dài vỏn vẹn có 2 năm: 1 năm trên chiến trận và 1 năm trong tù. Nhưng trong thời gian ngắn ngủi đó, "cô đã dẫn quân đội đến một loạt chiến thắng ngoạn mục, xoay chiều cuộc chiến"*, gián tiếp đưa Charles VII lên ngai vàng. Sinh thời, Joan of Arc xuất thân từ một làng quê hẻo lánh, chỉ là một cô thôn nữ thất học, từ tuổi 12 cô đã luôn mang trong mình một niềm tin mãnh liệt rằng mình được truyền thiên khải của Tổng thiên sứ Michael để dẫn dắt giúp giải phóng quê hương nước Pháp đánh bại quân Anh. Có một điều không thể phủ nhận, như lịch sử đã chứng minh, cô đã nổi lên là một nhân vật xuất chúng khi còn chưa quá tuổi thiếu niên, một chiến thuật gia cừ khôi và một nhà chiến lược quân sự đại tài.


Genet Let (1910-1986) Nhà văn nước Pháp


Cuộc đời ông đã trở thành huyền thoại. Từng là trẻ mồ côi phải sống lang thang trộm cắp trên đường phố và phải sống trong vòng lao lý, Genet Let cuối cùng nhận ra ngòi bút có thể cổ vũ cho tinh thần nổi loạn còn mạnh mẽ hơn những hành động thực tế, và từ đó ông bắt đầu viết văn ở trong tù. Hai cuốn tiểu thuyết “Tiên Hoa Thánh Mẫu” và “Mai Khôi Kỳ Tích” của ông được xem là hai tác phẩm văn học xuất sắc của nước Pháp trong thế kỷ 20. Nhưng trong một thời gian dài những tác phẩm của ông đã bị xem là những cuốn sách tội lỗi, vì chúng miêu tả về vấn đề đồng tính và đời sống lao tù, những cứu chuộc về tội lỗi tinh thần nặng nề nên khó được thấu hiểu. Tuy vậy, những sắc màu và vẻ đẹp tràn đầy ý thơ trong giọng văn tuyệt vời của ông là hoàn toàn không khó để nhận ra.


Henry Dunant (Jean Henri Dunant 1828-1910) Người sáng lập Ủy ban Chữ Thập Đỏ quốc tế (ICRC)


Ông xuất thân là một thương nhân Thụy Sĩ và dần trở thành một nhà hoạt động xã hội xuất sắc. Trong một chuyến buôn bán năm 1859 sang Ý, tận mắt chứng kiến những thương vong và hậu quả của Trận đánh Solferino, ông đã ghi lại ký ức và các kinh nghiệm của mình trong quyển Một ký ức về Solferino (A Memory of Solferino ), sách này đã gợi ý cho việc thành lập Ủy ban Chữ Thập Đỏ quốc tế năm 1863. Về sau ông được xem là “Người cha đẻ của Hội Chữ Thập Đỏ”. Công ước Genève năm 1864 cũng đã dựa trên các ý tưởng của Dunant. Năm 1901 ông được nhận giải Nobel Hòa bình đầu tiên chung với Frédéric Passy.
Henry Dunant không bao giờ kết hôn.


Nhiếp Nhĩ ((1912-1935), hay còn được phiên âm là Niếp Nhĩ. Ông là nhà soạn nhạc nổi tiếng của Trung Quốc, là người sáng tác bản Quốc ca nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.


Tháng 7 năm 1935, trong một chuyến sang Nhật để khảo cứu về âm nhạc, hý kịch, điện ảnh Nhật Bản, không may ông bị chết đuối khi chỉ mới 23 tuổi. Toàn bộ các tác phẩm âm nhạc của Nhiếp Nhĩ đều được sáng tác trong khoảng thời gian chưa tới hai năm trước khi ông mất. Tổng cộng, ông đã sáng tác 37 ca khúc trong đó có 22 bài hát cho 8 bộ phim, ba vở kịch nói, một vở ca kịch, và 4 bài hợp tấu khí nhạc dân tộc, 2 bài harmonica.


Nikola Tesla (1856 -1943) Nhà phát minh, nhà vật lý, kỹ sư cơ khí và kỹ sư điện tử, nguyên gốc người Serb ở Đế quốc Áo, sau ông trở thành công dân Hoa Kỳ.


Các nhà khoa học trên thế giới tin rằng trong lịch sử nhân loại chỉ xuất hiện có hai thiên tài toàn năng, một người là Leonardo da Vinci, và người còn lại là Nikola Tesla. Tesla được biết đến với nhiều đóng góp mang tính cách mạng trong các lĩnh vực điện và từ trường trong cuối thế kỷ 19 đầu thế kỉ 20. Các phát minh của Tesla và các công trình lý thuyết đã làm nên cơ sở của hệ thống phát điện xoay chiều, bao gồm cả hệ thống phân phối điện nhiều pha và động cơ điện xoay chiều, giúp tạo ra Cách mạng công nghiệp lần 2. Tên ông được đặt cho một đơn vị điện từ "Tesla" trong hệ đo lường quốc tế. Tesla còn thiết kế ra một loại máy phát điện ở hiệu điện thế cao dạng tháp, mà ngày nay người ta gọi đó là tháp Tesla.

Sinh thời Tesla là một con người thông minh lỗi lạc, thông thạo 7 thứ tiếng và là người luôn cống hiến hết mình cho công việc, cho các cuộc phát minh, nghiên cứu về khoa học đến nỗi suốt cuộc đời ông không tìm được đối tượng kết hôn. Ông say mê với các ý tưởng biến lý thuyết thành hiện thực, và ông gần như không muốn ngủ, thường chỉ ngủ 2 tiếng một ngày. Một mình ông đã sở hữu 1000 bằng phát minh sáng chế.


Anita Mui Mai Diễm Phương (1963-2003) Bách Biến Thiên Hậu


Có người đàn ông nào có thể cưới cô ấy đây ? Trong buổi biểu diễn cuối cùng trước khi qua đời vì căn bệnh ung thư, cô ấy đã hóa thân thành một cô dâu để tự kết hôn với sân khấu, và kết hôn với chính mình, bởi vì chẳng có người đàn ông nào có thể cưới cô. Cô ấy là Anita Mai Diễm Phương, Nữ hoàng trăm dạng của công chúng người Hoa.

Cùng với một phong cách riêng độc đáo, dù là trong công việc hay trong cảm xúc đời thường, Anita đều được lấp đầy. Cô ấy luôn đem đến sự tươi mới và những vẻ đẹp cống hiến cho sân khấu, âm nhạc, phim ảnh và khiến khán giả phải ngạc nhiên. Trong quá khứ, cô được muôn vạn người ngưỡng mộ, và trong tương lai, cô sẽ là thử thách lớn dành cho các thế hệ mai sau. Cô đã cống hiến cho làng giải trí trong suốt hai thập kỷ, đã vươn tới sự nổi tiếng, danh vọng đỉnh cao, nhưng thực sự các mối quan hệ bạn bè mới là tài sản giàu có nhất của Anita. Tuy vậy, về đường tình duyên, cô lại luôn là người lận đận.


Đồng chí Lôi Phong (1940-1962) Anh là hình mẫu đại diện cho tinh thần của người quân nhân Trung Quốc nồng ấm với nhân dân, và sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng cách mạng.



Lão Tử (khoảng BC 571 - 471 BC), tên thật là Lý Nhĩ. Ông là một nhà triết học, nhà tư tưởng chính yếu trong Triết học Trung Quốc, mặc dù vậy, sự tồn tại của ông trong lịch sử hiện vẫn còn được tranh cãi. Lão Tử được coi là người viết Đạo Đức Kinh, một tác phẩm triết học kinh điển, và được công nhận là Đạo tổ của Đạo giáo .


Truyền thuyết kể rằng thân mẫu mang thai ông trong 81 năm. Khi được sinh ra, râu tóc và lông mày của ông đều bạc trắng. Ông sống vào cuối thời Xuân Thu. Cũng theo truyền thuyết và tiểu sử trong cuốn sử của Tư Mã Thiên, Lão Tử là người cùng thời nhưng lớn tuổi hơn Khổng Tử, làm quan giữ sách trong thư viện triều đình Chu. Khổng Tử và Lão Tử đã có nhiều tranh luận về lễ nghi và phép tắc. Sau này, vì chán ngán thế sự, Lão Tử đã đi về phía Tây trên lưng một con trâu qua nước Tần và từ đó biến mất vào sa mạc. Trước khi đi, ông đã viết và để lại cuốn Đạo Đức Kinh.


Jack Kevorkian (1928-) Tử vong y sinh hay Bác sĩ quái dị, người Mỹ và là nhà tiên phong cho cái chết nhân đạo, giúp bệnh nhân chết không đau đớn.


Ông có biệt danh là “Jack nhát gan”, là một nhân vật gây tranh cãi khi việc chủ động giúp bệnh nhân giải thoát của ông được xem là tương tự với hành động cố ý giết người. Các bệnh nhân và cộng đồng gọi ông là “Bác sĩ tử thần”. Từ năm 1990 cho đến năm 1999, trong chưa đầy một thập kỷ ông đã giúp gần 150 bệnh nhân chấm dứt cuộc đời, và ra đi không đau đớn. Ông bị lãnh án tù cho mức độ giết người bậc hai, và vừa được thả tự do vào năm 2007 với điều kiện ông không được yêu cầu hay nhận lời yêu cầu giúp bất cứ ai khác “tự chết” nữa. Đến nay ông chưa kết hôn, và có lẽ ông sẽ không bao giờ kết hôn.


Hải Tử (1964-1989) Nhà thơ


Năm 1979, mới 15 tuổi Hải Tử đã được nhập học tại Đại học Bắc Kinh, và từ đó anh bắt đầu làm thơ. Sau khi tốt nghiệp năm 1983, Hải Tử làm việc cho Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, tại Khoa Triết Học và Chính Trị, rồi sau đó làm một nhân viên hải quan. Vào ngày 26 tháng 3, 1989 (đúng ngày sinh nhật lần thứ 25 của anh) Hải Tử quăng mình ra trước đoàn tàu hỏa để tự sát. Nguyên nhân dẫn đến kết cục này cho đến nay vẫn chưa được làm rõ, nhưng những vần thơ của anh thì đã đi vào lịch sử của nền văn học Trung Hoa mới.

Đương thời, Hải Tử từng trải qua 4 mối tình với 4 thiếu nữ xinh đẹp nhưng tất cả đều không được trọn vẹn. Cho đến nay người ta vẫn cho rằng mối tình đầu là mối tình sâu đậm nhất trong cuộc đời của anh. Mỗi một chuyện tình đi qua đều trở thành nguồn cảm hứng cho Hải Tử sáng tác nên nhiều áng thơ lãng mạn và gây xúc động lòng người. Ngẫm lại thì, cuộc đời của anh tuy có ngắn ngủi nhưng đã được lấp đầy bởi những bài thơ.


Helen Keller (1880-1968) Nhà văn, nhà giáo dục, nhà nhân đạo và một nhà hoạt động xã hội người Mỹ bị mù và điếc nổi tiếng.


Bài luận nổi tiếng “Nếu tôi có ba ngày được nhìn thấy ánh sáng” đã khiến cả thế giới xúc động trước cái tên Helen Keller. Bẩm sinh Keller không bị mù và điếc. Khi cô bé Helen Keller được 19 tháng tuổi đã trải qua một cơn bạo bệnh khiến cô bị mất đi khả năng nghe và nhìn. Nhờ sự nỗ lực chỉ dạy của cô giáo Annie Sullivan (Anne Sullivan) lần đầu tiên Helen đã hiểu được các ngôn từ, sự giao tiếp của con người và hiểu được vạn vật trên thế giới này đều có tên gọi. Chính người thầy này đã giúp khai sáng cho thế giới bé nhỏ tối tăm của Helen. Cô bắt đầu học nói, học cách giao tiếp và chẳng bao lâu đã bộc lộ tài năng vượt trội về các môn toán, địa lý, sinh học... Năm 1900 Helen thi đậu vào trường cao đẳng Radcliffe , học tài liệu chữ nổi dành cho người mù và đến năm 1904, cô trở thành người mù-điếc đầu tiên được tốt nghiệp một trường cao đẳng. Cùng với sự giúp đỡ của cô giáo tận tụy Sullivan, Helen còn tốt nghiệp trường Đại học Havard. Cô hẳn là một trong những danh nhân được thế giới ngưỡng mộ nhất của thế kỷ 20.


Helen và cô giáo Sullivan tháng Bảy năm 1888

Cho đến ngày nay, mối quan hệ thầy-trò giữa Helen và cô giáo Sullivan vẫn là một câu chuyện được truyền tụng và là nguồn cảm hứng bất tận của rất nhiều người. Helen cũng từng nhận được lời cầu hôn của một chàng trai, nhưng sau đó vì mẹ khuyên can, Helen đã từ chối. Trong suốt quãng đời dài 88 năm của mình, Helen Keller đã cống hiến không mệt mỏi cho các hoạt động vì mục đích nhân đạo, công quyền, đi thuyết giảng lưu động và cho ra mắt nhiều cuốn sách, bài báo, tự truyện.


Harvey Milk (1930-1978) Nhà chính trị người Mỹ đầu tiên công khai cởi mở về vấn đề đồng tính, và cũng là nhà hoạt động xã hội vì người đồng tính.


Trong 7 tháng tại vị ngắn ngủi tại Ủy ban Giám sát của thành phố San Francisco bang California, Milk đã thông qua các bộ luật nhân quyền dành cho người đồng tính. Tháng 11 năm 1978 Milk bị ám sát bởi một kẻ quá khích. Tuy vậy, Harvey Milk đã trở thành một hình ảnh động viên cổ vũ cho những người thuộc giới tính thứ ba có thêm lòng can đảm để đối diện với chính mình cũng như yêu cầu có được những quyền bình đẳng như mọi công dân khác.


Takahashi Rumiko (1957- ) Một trong những mangaka xuất sắc và giàu có nhất Nhật Bản hiện nay.


Bà hiện được xem là “họa sĩ truyện tranh được yêu thích nhất Nhật Bản” với các tác phẩm tiêu biểu như 1/2 Ranma, Inuyasha, Mezon Ikkoku, Urusei Yatsura … Công chúng ái mộ Rumiko đến mức đã gọi bà bằng biệt danh “Công chúa manga”. Có một điều đáng chú ý là các trợ lý của Rumiko đều là nữ giới. Bà từng nói “Làm việc chung với các chị em mới có thể thong thả, tập trung vào công việc, làm việc nhanh chóng. Mỗi khi các anh trai dính vào là tôi lại thấy phiền”. Có lẽ cũng vì “vấn đề phiền hà” này mà cho đến nay Takahashi Rumiko vẫn độc thân.


Florence Nightingale (1820-1910) Bà là hình ảnh “Người phụ nữ với cây đèn”, là người đã lập nên ngành y tá hiện đại, và cũng như là người nữ y tá đúng nghĩa đầu tiên trên thế giới.


Florence Nightingale sinh ra tại Ý, trong một gia đình giàu có, học thức có liên quan tới chính phủ cao cấp. Sau khi bà nghe được tiếng gọi thiêng liêng năm 1837 tại khu vườn Embley, bà quyết định đi làm y tá và bỏ hết nhiệt huyết của mình vào ngành nghề y tế giúp người này từ năm 1845. Hành động này một phần là vì xuất phát từ tấm lòng của bà đối với những đau đớn của người bệnh, một phần khác là vì bà muốn chống lại xu hướng hạ thấp giới nữ thời bấy giờ – Cha mẹ bà luôn mong muốn bà phát triển năng khiếu viết văn và âm nhạc cho đúng với đẳng cấp quí tộc của gia đình, nhưng Florence tỏ ra không hứng thú. Trong quyển nhật ký của mình bà đã viết “Trước mắt tôi có ba con đường: Thứ nhất, là trở thành văn sĩ, và thứ nhì, lập gia đình rồi làm một người nội trợ, và thứ ba là làm một y tá.” Cuối cùng, bà lựa chọn con đường thứ ba. Suốt đời, bà không kết hôn.


Farinelli (1705-1782), Farinelli là nghệ danh sân khấu của Carlo Maria Broschi, nam ca sĩ bị thiến người Ý của thế kỷ 18, và là một trong những giọng ca vĩ đại nhất trong lịch sử nhạc kịch opera.


Năm 15 tuổi, trong một tai nạn cưỡi ngựa đã khiến Farinelli bị mất đi cơ quan sinh dục. Nhưng như được trời bù lại, ông sở hữu một chất giọng ngọt ngào khiến người nghe có thể ngất xỉu. Người ta kể lại rằng, ông có thể xướng một nốt ngân dài một phút mà không cần phải thở. Sau khi tầm sư và trở thành một ca sĩ opera, ông đã gặt hái được thành công rực rỡ xuyên suốt Âu châu, thường xuyên được vời vào cung điện trình diễn cho các bậc đế vương của châu lục này. Năm 1737, ông nhập điện Tây Ban Nha và trở thành nghệ sĩ hoàng gia, chỉ chuyên hát phục vụ cho Vua Philip V và kể từ đó không biểu diễn trước công chúng ngoại hoàng tộc nữa. Đến đời vua Charles III, ông vẫn là nghệ sĩ được trọng vọng bậc nhất và được phong tước Hiệp sĩ cao quý. Nhưng do những nghi kỵ, hiềm khích và sự không đồng thuận với vị vua mới, đến năm 1759 Farinelli rời cung điện và giã từ ca nghiệp. Ông về sống tại vùng Bologna và thường xuyên kết giao với các tên tuổi nổi tiếng nhất thời đó như Burney, Mozart, Casanova và Giovanni Battista Martini. Tuy vậy, đến cuối đời ông dù vẫn tiếng tăm, giàu có nhưng cũng chỉ là một chuỗi ngày dài cô độc và buồn chán, xa lánh bạn bè, chú tâm học đàn nhạc. Ông, dĩ nhiên, không kết hôn.


Teresa Teng Đặng Lệ Quân (1953-1995) Nữ danh ca tiếng Hoa


Cách đây nhiều năm, một thế hệ người Hoa đã thổn thức trước những bản tình ca ngọt ngào của cô. Và nhiều năm sau, những bài ca của cô đã trở thành những ký ức không thể phai của nhiều thế hệ. Bất kể bạn đang rảo bước trên một con phố đông đúc nào, và khi bắt gặp giọng ca của cô cất lên từ một cửa tiệm nào đó, ngay lập tức bạn sẽ chẳng thể cưỡng lại, dừng lại lắng nghe và bồi hồi như nhớ về thuở tình đầu ngây thơ của đời mình.

Đặng Lệ Quân đã từng trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống. Cho đến cuối đời, cô vẫn là người cô đơn lẻ bóng. Cho dù là thế đi nữa, cuộc đời huyền thoại nhiều bí ẩn và những bản tình ca của cô sẽ mãi là bất hủ trong lòng của giới mộ điệu.


Danny Chan Trần Bách Cường (1958-1993) Nam danh ca Canto-pop


Danny Trần Bách Cường cùng Đàm Vịnh Lân, Trương Quốc Vinh và Mai Diễm Phương được xem là bốn ngôi sao quan trọng của dòng nhạc phổ thông tiếng Quảng trong thập niên 80. Sinh thời anh nổi tiếng với những bản tình ca trữ tình, và được xem là biểu tượng lãng mạn còn sót lại của Hong Kong. Nhiều người đã ví nét ngọt ngào lãng mạn đó của anh giống như của thi sĩ nước Anh. Trần Bách Cường từng sở hữu hình ảnh trong sáng, nhưng đến cuối đời anh bị suy sụp nặng, lạm dụng rượu và ma túy, và qua đời năm 1993 ở độ tuổi 35.


Bạch Tiên Dũng (1937-) Nhà văn đương đại nổi tiếng của Đài Loan, ông là tác giả của vô số thiên tiểu thuyết được dựng thành phim, kịch sân khấu.



Anne Frank (1929-1945) Cô bé người Đức gốc Do Thái, cuốn “Nhật ký Anne Frank” nổi tiếng của em được viết trong thời gian chiếm đóng của quân Đức trong Thế chiến thứ 2.

Anne Frank vốn sẽ là một cô bé hạnh phúc, vui vẻ và nhiều ước mơ như mọi cô bé bình thường khác nếu như em không phải trải qua cuộc chiến tranh tàn khốc. Gia đình em cùng 4 người đã ẩn náu tại Amsterdam để tránh sự truy sát của quân đội Đức quốc xã. Cô bé thậm chí còn không có đủ thời gian để tận hưởng tuổi 16 của mình khi gia đình em cuối cùng bị phản bội và bị đưa vào trại tập trung Bergen-Belsen vào cuối năm 1944. Bảy tháng sau đó, Anne bị chết yểu, và thi thể em bị chôn vùi trong một ngôi mộ tập thể. Cuốn nhật ký được tặng nhân dịp sinh nhật lần thứ 13 của Anne đã ghi lại cái nhìn của em về những sự kiện xảy ra trong khoảng thời gian từ 12 tháng 6 năm 1942 tới 1 tháng 8 năm 1944 . Cuốn sách này từ tiếng Hà Lan đã được dịch sang nhiều thứ tiếng và trở thành một trong những cuốn sách được tìm đọc nhiều nhất trên thế giới.


Chữ viết của Anne Frank trong một trang nhật ký ngày 18 tháng 10, 1942. Dịch nghĩa là: "Đây là một bức ảnh của tôi mà tôi muốn xem hoài. Sau này tôi có thể vẫn có cơ hội đến Hollywood."

Cuốn “Nhật ký Anne Frank” (hay còn có tên Diary of a young girl) đã trở thành bằng chứng hùng hồn về tội ác diệt chủng người Do Thái của Đức quốc xã, đồng thời được cho là một trong những tiếng nói thuyết phục và cảm động nhất về nhân phẩm, tinh thần bảo tồn và lòng can đảm của người Do Thái.


Alan Turing (1912-1954): là một nhà toán học, logic học và mật mã học người Anh. Ông được xem là cha đẻ của ngành khoa học máy tính.


Trong Thế chiến thứ 2, Turing đã từng làm việc tại Bletchley Park, trung tâm giải mật mã của Anh, và một thời là người chỉ huy của Hut 8, một bộ phận của Anh có trách nhiệm trong việc giải mã của hải quân Đức. Ông đã sáng chế ra nhiều kỹ sảo hòng phá mật mã của Đức, trong đó có phương pháp nối các máy giải mã lại với nhau thành một bộ Bombe, một máy điện-cơ để tìm ra công thức gài đặt cho máy Enigma. Sau chiến tranh, năm 1947 ông chuyển đến Đại học Victoria tại Manchester để làm việc, đa số trên phần mềm cho máy Manchester Mark I, lúc đó là một trong những máy tính hiện đại đầu tiên.

Tháng Ba năm 1952, ông bị bắt vì là bị phát hiện là người đồng tính dù ông luôn khẳng định bản thân không thấy mình vi phạm gì về mặt đạo đức. Thời điểm đó, đồng tính bị xem như một căn bệnh tồi bại, không tìm được sự cảm thông và thường bị coi là một dạng tội lỗi. Sau một thời gian “bị cải huấn” ông được tại ngoại và đã chọn cách “chữa bệnh” bằng việc tiêm hormone để “điều chỉnh lại giới tính”.

Giữa năm 1954, ở độ tuổi 42 và đang ở thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp, một buổi sáng, gia đình Alan Turing phát hiện ông nằm chết ở trong phòng từ bao giờ, bên cạnh ông còn có một quả táo gặm dở. Kết quả khám nghiệm cho thấy ông bị nhiễm chất độc cyanua. Dù có nhiều giả thuyết đã đặt ra (kể cả nghi ngờ ông bị mưu sát), nhưng đến nay thế giới vẫn tin rằng ông đã tự tử theo gợi ý từ bộ phim hoạt hình ông luôn yêu thích “Bạch Tuyết và Bảy chú lùn”. Thế là chấm dứt cuộc đời của một con người tài năng.


Leslie Cheung Trương Quốc Vinh (1956-2003) Huyền thoại làng giải trí Hong Kong


Leslie Trương Quốc Vinh sở hữu một sự nghiệp rực rỡ kéo dài hai thập kỷ trên cả hai lĩnh vực âm nhạc và điện ảnh, anh còn được biết đến là một trong những ngôi sao có tầm ảnh hưởng nhất châu Á, và là một trong những gương mặt nổi bật của nghệ thuật Trung Hoa thế kỷ 20. Năm 2010, anh được CNN bình chọn vào “Top 5 Thần tượng âm nhạc toàn cầu” bên cạnh những tên tuổi lớn của làng nhạc thế giới.

Dù nổi tiếng với hình tượng lãng mạn hay táo bạo phá cách, nhiều người vẫn xem anh là biểu tượng của sự gợi tình, và còn là một người có cá tính hấp dẫn ngay giữa đời thực. Thế nhưng, anh đã công khai chuyện tình gắn bó lâu năm của mình với bạn trai Daffy Tong Đường Hạc Đức. Năm 2003, Trương Quốc Vinh nhảy lầu tự sát do chứng bệnh trầm cảm dày vò. Trong di chúc anh ghi tên Đường Hạc Đức dưới mục “Đối tượng kết hôn”, tuy thế, về mặt chứng nhận pháp lý, cho đến cuối đời, Trương Quốc Vinh vẫn là một người đàn ông quyến rũ mà độc thân.


Chúa Jesus



Hùng Đại Chẩn (1913-1939) - Hình như là một nhà cách mạng Trung Quốc hy sinh khi mới 26 tuổi, đang tra cứu, sẽ bổ sung sau



Yasujiro Ozu (1903-1963) Đạo diễn điện ảnh Nhật

Ông là một trong những nhà đạo diễn vĩ đại nhất của Nhật Bản, cũng như của thế giới. Người ta thường ví phong cách điện ảnh của ông giống như “sự hít thở thiền tịnh điều hòa” của các vị sư đạo hạnh.


Các bộ phim của Ozu tập trung đề tài về các giá trị đạo đức gia đình, và thuyết “vô thường” của nhà Phật. Phim của ông được xem là có tiếng nói bình quyền và tôn trọng phụ nữ nhưng chưa bao giờ thật sự được nhìn nhận dưới góc độ của người phụ nữ, mà đa phần đó là góc nhìn của những người con trai, người cha... Điều này được lý giải là do Ozu chưa bao giờ gần gũi với phái nữ, và ông cũng không bao giờ kết hôn. Trong kỷ nguyên phim câm, các tác phẩm của Ozu đã đạt tới đỉnh cao nhất của nghệ thuật điện ảnh Nhật Bản. Kể từ đó về sau, các bộ phim ông chỉ ngày càng thâm thúy và tinh tế hơn, thấm nhuần vẻ đẹp truyền thống trong cả diện mạo và tâm hồn người Nhật Bản. Các siêu phẩm của ông gồm có: Tokyo Story, Autumn Afternoon, Early Spring … và nhiều tác phẩm khác.


Hypatia (sinh trong khoảng 350 – 370 TCN, chết tháng 3 năm 415) là một học giả gốc Hy Lạp của thành phố Alexandria, Ai Cập. Bà là con gái của nhà toán học, triết học gia Theon và thậm chí còn nổi tiếng hơn cha mình, được xem là người phụ nữ được vinh danh đầu tiên trong lịch sử toán học.


Bà là nữ hiệu trưởng của trường theo học thuyết Platon của Alexandria, tại đây bà đã truyền dạy kiến thức của Plato và Aristotle cho các môn đồ. Mặc dù không giảng dạy tại Thư viện Alexandria (còn có tên là Museum of Alexandria, thư viện khổng lồ nhất của thế giới cổ đại), nhưng đây cũng có thể xem là nhà riêng của cha con bà, nơi họ thường xuyên dành thời gian để nghiên cứu và viết văn luận. Hypatia nổi tiếng nhất với những đóng góp cho khoa học trong việc sáng chế ra các công cụ quan sát thiên văn, cũng như việc đo tỷ trọng chất nước.

Hypatia từng được nhắc tới dưới danh nghĩa vợ của triết học gia Isidore, nhưng bà vẫn giữ gìn sự trinh trắng và cho rằng những dục vọng tầm thường “chẳng có gì đẹp đẽ”. Bà được tin là nguyên nhân làm rạn nứt mối quan hệ giữa Orestes, đấng toàn quyền La Mã và Tổng giám mục Cyril. Điều này đã khiến các tín đồ Cơ đốc tại Alexandria căm phẫn vì họ luôn muốn chính trị gia và giới thầy tu giảng hòa. Một ngày trong tháng Ba năm 415 TCN, trên đường trở về nhà, bà bị hành thích và thiêu cháy. Về sau này, người Cơ-đốc giáo vẫn xem bà là một biểu tượng của sự trinh trắng.


Mẹ Teresa (Mother Teresa of Calcutta 1910-1997) Là nữ tu Công giáo Rôma người Albania, và là nhà sáng lập Dòng Thừa sai Bác Ái ở Calcutta, Ấn Độ năm 1950.

Trong hơn bốn mươi năm, bà chăm sóc người nghèo, bệnh tật, trẻ mồ côi, người hấp hối, trong khi hoàn tất nhiệm vụ lãnh đạo dòng tu phát triển khắp Ấn Độ, và đến các quốc gia khác. Bà được trao Giải Nobel Hòa bình năm 1979 như một sự vinh danh cho các hoạt động nhân đạo của bà.


***Căn Giữa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét