Tìm kiếm bài trong Blog này

Thứ Năm, 30 tháng 9, 2010

Lisa Morton tưởng nhớ Leslie Cheung

Bài này được trích từ buổi hội thảo tổ chức tại Los Angeles trong 2 ngày 6-7 tháng 12, 2003 để tưởng nhớ ca ca. Lisa Morton là 1 fan người Mỹ.

***

Tôi nhớ rõ khoảnh khắc khi tôi bị Leslie Cheung “hạ gục”. Đó là khoảnh khắc trong bộ phim The Bride With White Hair (Bạch Phát Ma Nữ) của đạo diễn Vu Nhân Thái, phân cảnh khi đôi tình nhân gặp gỡ nhau lần đầu tiên trong một hang động lung linh bóng đổ với các hình vẽ gợi tình in trên vách đá. Vai Luyện Nghê Thường của Lâm Thanh Hà vừa buông tha Trác Nhất Hàng của Leslie sau một cái ôm ghì đằng đằng sát khí; anh đáp trả lại bằng cách hất đầu sang một bên, nhếch môi cười và bảo cô rằng sẽ tốt hơn nếu họ giữ khoảng cách xa nhau ra một chút. Đó quả là động thái rất kiêu ngạo, rất dí dỏm và cũng rất đàn ông, phơi bày một sự tự tin thuần túy vào sức quyến rũ của bản thân mình, như thể Cary Grant thật khó tin vừa mới được tái hiện lại trong con người chàng trai trẻ Trung Hoa mảnh dẻ này. Anh không phải là đang cháy âm ỷ, anh thật sự là một quả bom, và tôi đã bị chinh phục.


                        Trương Quốc Vinh và Lâm Thanh Hà trong The Bride With White Hair


Tôi cũng còn nhớ rõ khoảnh khắc khi tôi hay tin Leslie mất. Tôi đang làm việc với bạn thì cô giáo dạy tiếng Quảng của tôi, Lily, gọi điện để báo hung tin. Khi mới bắt đầu học tiếng Quảng, tôi thường luyện tập bằng các mệnh đề như “Leslie Cheung là nam diễn viên yêu thích của tôi”, hay “Tôi muốn đến Hong Kong và gặp Leslie Cheung”. Bây giờ tôi không còn có được cơ hội đó nữa rồi. Cũng như rất nhiều người khác trên thế giới này, tôi đã bị choáng, đã đau đớn tột cùng và đã tức giận – giận Leslie vì đã làm đau lòng chúng tôi, và giận cả bản thân vì đã để mình phải đau lòng vì sự mất mát của một người tôi chưa từng quen biết. Khi tôi cố gắng giải thích cho các người bạn Mỹ của tôi vì sao cái chết của Leslie lại có tầm ảnh hưởng lớn như vậy, tôi đã gần như bất lực – anh đâu có nổi tiếng tại đất nước này. Phép so sánh gần nhất là cái chết vào thập niên 80 của John Lennon: Cả hai người đàn ông đều qua đời ở độ tuổi 40, với nhiều lý do không thể lý giải hết được; cả hai đều tài năng, đều được đông đảo công chúng yêu mến và đều được tiễn biệt trong rừng hoa và khăn tay; và cả hai đều đại diện cho một kỷ nguyên đã kết thúc cùng với sự ra đi của họ. Và rằng bởi cuộc ám sát John Lennon đã báo hiệu cho chúng ta về sự chuyển biến từ những năm 60 tràn đầy hy vọng sang những năm 70 bất ổn cuối cùng đã đến gần với một dấu chấm tàn bạo, sự tự sát của Leslie cũng đánh dấu “cái chết” dành cho kỷ nguyên vàng của một nền điện ảnh vốn được xem là năng động nhất thế giới.


Không ai gắn liền với kỷ nguyên vàng đó hơn Leslie Cheung. Anh ranh mãnh, ngang tàng, một biểu tượng nhạc pop sở hữu chất giọng thiên thần chỉ bị vượt mặt bởi một loạt các thành tựu đáng kinh ngạc của chính anh dưới vai trò một diễn viên. Khi làn sóng phim võ thuật của Hong Kong những năm 70 nhường đường cho Làn Sóng Mới vào đầu những năm 80, chính là Leslie với vai diễn đầu tiên của anh, trong bộ phim Nomad (Liệt Hỏa Thanh Xuân) của đạo diễn Đàm Gia Minh, đảm nhiệm câu thoại đã trở thành lời thoại nổi tiếng nhất của Làn Sóng Mới: Khi bạn anh phàn nàn rằng thế hệ của họ chẳng đóng góp được gì cho xã hội, Leslie đã trả lời, “Xã hội nào? Chúng ta chính là xã hội đây.” Thậm chí nhà nghiên cứu lịch sử điện ảnh của Hong Kong Stephen Teo còn so sánh phân cảnh này với mẩu thoại của Marlon Brando “Bạn thì có cái gì?” trong phim The Wild Ones.

Leslie không được công nhận là một nam diễn viên chuyên nghiệp cho đến năm 1986, khi anh tham gia vào hai trong số những bộ phim quan trọng và nổi tiếng nhất của thập kỷ, A Better Tomorrow (Anh Hùng Bản Sắc) của Ngô Vũ Sâm và Từ Khắc, và A Chinese Ghost Story (Thiện Nữ U Hồn) của Trình Tiểu Đông và Từ Khắc. Với hai bộ phim này, Làn Sóng Mới bành trướng và trở thành dòng điện ảnh chủ lưu của Hong Kong, được quốc tế công nhận, và với Rouge (Yên Chi Khâu) của Quan Cẩm Bằng năm 1988, Leslie đã chứng minh điện ảnh Hong Kong cũng có thể làm phim nghệ thuật hay như làm phim giải trí. Vào những năm 90, Hong Kong có vẻ đã nôn nóng được thể hiện rằng nó có khả năng cung cấp cả những thước phim nghệ thuật arthouse và phim giải trí, và một lần nữa lại chính Leslie là người đi tiên phong, xuất hiện trong loạt phim của Vương Gia Vệ: Days of Being Wild (A Phi Chính Truyện), Ashes of Time (Đông Tà Tây Độc) và Happy Together (Xuân Quang Xạ Tiết). Năm 1993 Leslie dường như trở thành tín hiệu cho một dạng “văn hóa giao thoa” khi anh trở thành một trong những diễn viên Hong Kong đầu tiên tham gia vào phim của một đạo diễn người Đại lục, tác phẩm Farewell My Concubine (Bá Vương Biệt Cơ) của Trần Khải Ca đã nhận về một đề cử Oscar Hàn Lâm cho hạng mục Phim Nước Ngoài Hay Nhất; nhưng thay vì chỉ xuất hiện trong các tác phẩm đậm tính nghệ thuật, Leslie vẫn tham gia vào bộ phim lãng mạn tình cảm hài “bẻ cong giới tính” He’s a Woman, She’s a Man (Kim Chi Ngọc Diệp) năm 1994 của đạo diễn Trần Khả Tân, thành công này đã biến công ty sản xuất UFO trở thành tên tuổi bảo chứng nhất nhì trong làng điện ảnh. Vào năm 1997, thời điểm Hong Kong sát nhập Trung Quốc đang đến gần, Leslie đã chấp nhận mạo hiểm nhận lời đóng vai một đạo diễn phim khiêu dâm trong bộ phim Viva Erotica (Sắc Tình Nam Nữ) năm 1996 xếp vào hạng III – hay loại “X-rating”. Khi lượng sản xuất và doanh thu phim bắt đầu thụt giảm không phanh tại Hong Kong, Leslie quay trở lại để phát triển sự nghiệp thứ hai của anh, trở lại làm một trong những ngôi sao nhạc pop lớn nhất của châu Á, cho đến đầu thế kỷ 21 anh khai phá ra một hướng đi mới cùng Double Tap của đạo diễn La Chí Lương, vất bỏ hình tượng lộng lẫy để thâm nhập vào một nhân vật mãnh liệt hơn, một tay súng bị ám ảnh tâm thần. Mặc dù Kỷ Nguyên Vàng của Hong Kong đã bị tuyên bố chấm dứt nhưng một số vai diễn cuối cùng của Leslie dường như đã chỉ ra con đường cho một tương lai sẽ đi sâu vào khai thác những nhân vật cùng các bộ phim đặc sắc và lạ lùng hơn. Thay vào đó, Leslie đã đóng một con dấu kết thúc tích cực cho một trong những kỷ nguyên chói lọi nhất – và sống mãi – trong lịch sử điện ảnh.


Trương Quốc Vinh và Mai Diễm Phương trong phim Rouge

Chính xác điều đã dẫn đến việc Leslie Cheung tự tước đi cuộc sống – dựa vào dòng thư nhắn được tìm thấy trên thi thể của anh trên đường bên dưới Khách sạn Mandarin Oriental của Hong Kong – là bởi căn bệnh trầm cảm, mà thực ra Leslie cũng đã để lại một bằng chứng khác cho chúng ta, trong một tin nhắn khác. Trong một bài phỏng vấn vào năm 2001 của Stephen Short dành cho tờ TimeAsia, anh dường như bóng gió rằng anh hiểu rõ vị trí của anh đã là “Một Huyền Thoại”, và một tiêu đề đầu bài viết giới truyền thông Hong Kong đã chọn: Anh nói, “Có lẽ tôi đã hơi lỗi thời với Hong Kong. Nơi này quá ngông cuồng, thô lỗ, đắt đỏ. Có lẽ tôi quá ôn nhu so với Hong Kong. Không phải lúc nào tôi cũng tính mình là một người trong số họ.” Trong các bài phỏng vấn sớm hơn, Leslie luôn dùng cụm từ “chúng tôi” khi bàn về nền công nghiệp điện ảnh Hong Kong, những bài phỏng vấn của những năm 80 và 90, xuyên suốt chiều dài Kỷ Nguyên Vàng. Và rồi bất chợt Leslie trở thành người đứng ngoài cuộc – vẫn rất tài năng, xinh đẹp, giàu có, trẻ trung và đáng yêu, nhưng chỉ là một kẻ ngoài cuộc. Kỷ nguyên của anh đã qua, và anh dường như ý thức được sự thật đó.


Nhưng mà kỷ nguyên đó là cái gì cơ chứ, Kỷ nguyên của Leslie. Khi tôi nghĩ về các cảnh phim tôi yêu quý từ điện ảnh Hong Kong, đáng ngạc nhiên làm sao khi tôi nhận ra có biết bao phân cảnh trung tâm đó có mặt của Leslie Cheung: Leslie, trong bộ đồ ngủ màu trắng, đang tập trung vào các bước nhảy hoàn hảo của anh trước gương trong Days of Being Wild; Leslie ngồi đối diện với Quan Cẩm Bằng trong bộ phim tài liệu của ông Yang + Yin : Gender in Chinese Cinema, trả lời cho câu hỏi “Anh có phải người tự yêu mình không?”, ranh mãnh ngập ngừng đôi chút và rồi nhe răng cười “Dĩ nhiên rồi!, Leslie chuyển từ cái nhìn đảm bảo ngạo nghễ sang sửng sốt tổn thương khi anh thấy hai  nàng Anita hôn nhau trong phim Who’s the Man, Who’s the Woman (Kim Chi Ngọc Diệp II); Leslie nhận được nụ hôn cứu mạng từ một cô gái đã chết trong A Chinese Ghost Story; một Leslie suy đồi lử đử với bờ mi khép hờ qua làn khói thuốc phiện trong Rouge; Leslie biểu diễn xuất sắc với một con cá khổng lồ trong A Chinese Feast (Kim Ngọc Mãn Đường); Leslie nằm hấp hồi dưới băng ghế sau ô tô, một giọt nước mắt lăn xuống gò má trong Shanghai Grand (Bến Thượng Hải); Leslie trong bộ dạng một chiến binh say rượu ngật ngưỡng với những bước đi duyên dáng xuyên qua một rừng kiếm sĩ đang hỗn tranh trong The Bride With White Hair; Leslie tiến vào một điệu nhảy chậm, buồn bên Lương Triều Vỹ trong căn bếp nhỏ lát gạch trong Happy Together; Leslie trở về từ mép bờ trên đỉnh tòa cao ốc chọc trời, trở về với cuộc sống tại cái kết của bộ phim cuối cùng, Inner Senses (Dị Độ Không Gian).


Trương Quốc Vinh và Lương Triều Vỹ trong phim Happy Together


Năm 1995, khi được hỏi tại sao anh quyết định nghỉ hát (năm 1989) để tập trung hoàn toàn cho nghiệp diễn, anh đã nói rằng diễn xuất “giống như có rất nhiều cuộc đời trong cuộc đời bạn.” Tôi hy vọng anh tìm thấy bến bờ hạnh phúc sau khi đã trải qua ít nhất một vài cuộc đời ấy. Tôi thật lòng mong vậy.


Lisa Morton.


Link gốc: http://www.lisamorton.com/leslietrib.html
Dịch bởi: heobeo @dienanh.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét