Tìm kiếm bài trong Blog này

Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Rũ bỏ, bị rũ bỏ ... Cuộc đời trên màn bạc của Trương Quốc Vinh (phần 2)

Xem lại phần 1 >>>> Rũ bỏ, bị rũ bỏ ... Cuộc đời trên màn bạc của Trương Quốc Vinh

Tuyển tập ACMI, phần "Philippa Hawker - Abandon, Abandoned...the Screen Life of Leslie Cheung".
Dịch bởi: heobeo @ dienanh.net
Xin cảm ơn nguồn tư liệu của Boulevard_of_Broken_Dreams

...


Trong phim Happy Together (Xuân quang xạ tiết – 1997) của Vương Gia Vệ - một tác phẩm vừa bầu bạn vừa tương phản mạnh mẽ với Days of Being Wild – Leslie lại thủ diễn một nhân vật thường xuyên rời bỏ khuôn hình. Anh là Hà Bảo Vinh, người yêu của Lê Diệu Huy (Lương Triều Vỹ), kẻ sở hữu những đoạn thoại ngoài hình lác đác ghi lại dòng sử biên niên của câu chuyện tình: hai con người yêu nhau rời khỏi Hong Kong đi chu du cùng nhau, và thường xuyên chia lìa, mất niềm tin vào nhau. Cũng như Yuddy với “một phút tình bạn” ngọt ngào anh đã đem tới cho Tô Lệ Trân, Hà Bảo Vinh có một câu nói thường làm dấu cho điểm kết thúc và khởi đầu của một mối quan hệ: “Chúng ta bắt đầu lại đi” dành cho Lê Diệu Huy chịu đựng. Nông nổi, dễ vỡ, hay thoái thác – và bị đánh bầm dập bởi những kẻ côn đồ anh giao du trên phố, với đôi bàn tay băng kín – anh dường như muốn lảng tránh người tình và cả chiếc camera, nhưng anh cũng có khoảnh khắc mất mát đau thương của riêng anh, vỡ vụn trong nước mắt, cuộn mình trong tấm chăn, giữa căn phòng mà anh và Lê Diệu Huy từng chung sống. Và tại cuối phim, người tình và chiếc camera đều bỏ rơi anh: anh bị rũ bỏ bởi bộ phim, bơ vơ ở lại xứ Argentina, theo nghĩa nào đó đã biến mất trong khi các nhân vật khác vẫn dấn tới, đi đến những mảnh đất xa xôi hơn, và tìm kế hoạch quay trở về.



Trong thiên sử thi Farewell My Concubine (Bá vương biệt cơ – 1993) của Trần Khải Ca, một tác phẩm nhận về sự tán thưởng của quốc tế và thắng giải Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes, anh diễn một hình tượng hoàn toàn được định nghĩa bởi trí tưởng tượng và diễn xuất. Leslie là Trình Điệp Y, từ thuở nhỏ đã được một gánh hát nhận nuôi và đào tạo thành kép hát. Trong quá trình luyện tập cho vai diễn của cuộc đời mình, người ái thiếp trung trinh Ngu Cơ trong tấn tuồng cùng tên với bộ phim, anh đã bị giày vò và đánh đập. Ngu Cơ vốn là phi tần được sủng ái của Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ, trước tàn cuộc giao tranh Hán-Sở nàng đã nhất quyết không rời vị quân vương thất thế của mình, còn ca múa cho ngài xem rồi quyên sinh bằng kiếm. Khi còn thơ trẻ (giai đoạn này do hai diễn viên nhí đóng) Điệp Y đã bị ép buộc chấp nhận vai diễn, nhưng rồi anh không chỉ chấp nhận, anh tôn thờ và nâng niu nó. “Chẳng phải là anh ấy đã xóa nhòa ranh giới giữa sân khấu và cuộc đời, giữa đàn ông và đàn bà ?”, một kẻ ái mộ trong phim đã thốt ra như vậy, gần như thâu tóm sự phức tạp của cuộc đời Điệp Y, chung thân sống trong kịch, hay như thể trong kịch. Ngay cả khi lời tán dương ấy cũng nào hiểu được sự ngầm ý của nó.


Bộ phim dõi theo Trình Điệp Y và người bạn diễn Đoàn Tiểu Lâu từ khi còn là hai đứa trẻ cho đến khi trưởng thành, trải qua những cơn biến can qua của lịch sử và những bước thăng trầm của nghệ thuật, bị giằng xé giữa niềm đam mê các giá trị truyền thống Trung Hoa và làn sóng bạo động đả phá chế độ cũ của giai đoạn mới. Trình Điệp Y, kẻ đã cống hiến trọn vẹn cho tình yêu nghệ thuật và vị sư huynh, luôn luôn xuất hiện đường hoàng như ái phi Ngu Cơ qua một thần thái nào đấy: là khi biểu diễn trên sân khấu, khi chuẩn bị điểm trang nơi hậu trường, trong trang phục lộng lẫy văn hoa, qua lớp mặt nạ hoàn toàn hay chỉ nửa phần xoa phấn. Trong những khoảnh khắc biến đổi và chuyển tiếp ấy, Điệp Y không chỉ diễn vai ái phi mà anh đã trở thành hiện thân của nàng, anh đưa nàng trở về nhân thế, vượt xa khỏi ngưỡng giới hữu hạn của kịch. Màn trình diễn của Leslie trong phim này là tuyệt đẹp, và làm suy kiệt người xem, một hành trình khám phá của sự hoán xương đổi cốt, và từ chối thôi mộng: những cử động, sóng mắt, môi cười của ái phi … như thấm đượm hàng trăm năm khuôn thước người xưa, và chúng chi phối vào hành vi, thái độ, biểu cảm của nhân vật ngay cả khi anh đã rời sân khấu. Điều này cũng khiến cho những khoảnh khắc bùng nổ dữ dội hiếm hoi của anh, những giây phút tuyệt vọng, và những cơn mê loạn – tất cả đều sở hữu một uy lực thuyết phục khác thường: khi anh giận dữ và tha thiết khăng khăng rằng anh không muốn bị chia lìa với Đoàn Tiểu Lâu dù chỉ là một ngày một phút một giây; khi anh lao lên những bậc thang vào đúng lúc Tiểu Lâu vừa thoát nạn, những chuyển động của anh khẩn trương và hối hả. Trong những khoảnh khắc ấy, anh cũng đã bỏ qua tấm áo choàng và thoát ra khỏi “cá tính nhân vật”, hành động theo đúng bản thân anh hơn là nhân vật anh diễn, song cũng rất sớm sau đấy anh lĩnh hội được lợi thế của vai diễn, là khi hiền thê của Đoàn Tiểu Lâu đến tìm anh xin giúp đỡ. Anh nhanh chóng quay trở lại điệu bộ của nhân vật, cao giọng “ngả giá” điều kiện với đối phương.


Trình Điệp Y là một vai diễn khó và khắt khe, đòi hỏi anh phải dành ra hàng tháng trời theo học nghệ thuật biểu diễn Kinh kịch. Đó là một hình mẫu chẳng giống ai, một vai diễn dường như không mở ra thêm cánh cửa nào cho anh, ngay cả khi bộ phim đã được hoan nghênh dồn dập trên trường quốc tế và nhận về giải thưởng Phim Hay Nhất tại Cannes, bên cạnh tác phẩm The Piano. Trên thực tế, màn diễn xuất của anh thường xuyên bị coi nhẹ, bị nhập vào với thành công của bộ phim – nó rất xuất sắc, trông như thể chẳng cần nỗ lực mà tự nhiên vẫn biểu hiện nên những đặc trưng, sức nặng tâm lý của nhân vật và cả vấn đề giới tính, gần như nó không thể lưu vào quan điểm của khán giả rằng đấy là thành quả của một diễn viên/ca sĩ chuyên hát nhạc phổ thông.


Anh thường xuyên diễn các nhân vật chỉ yêu bản thân, đạo diễn Quan Cẩm Bằng từng nhận xét như thế về anh trong bộ phim tài liệu Yang ± Yin (Nam sanh nữ tương). Điều đó có phản ảnh đúng con người anh không ? Vâng, dĩ nhiên rồi – Leslie đã cười trả lời. Trong rất nhiều các vai diễn của anh, suy cho cùng, có một lượng lớn phân cảnh anh đứng ngắm mình trước tấm gương, thường xuyên có một sự tự mãn với những gì mà gương soi phản chiếu. Nhưng, ngay cả khi Leslie đã chấp nhận, vẫn tồn tại một nguy cơ cho chúng ta khi muốn nhấn vào chất Narcissus (Hoa thủy tiên) của anh, một hình tượng bắt nguồn từ thần thoại Hy Lạp về một chàng trai đẹp bị lạc lối trong hoan lạc của bản thân khi nhìn ngắm bóng hình mình in trên mặt gương hồ, vẻ duyên dáng của chàng quyến rũ khắp thế gian – một trong số đấy là nàng tiên Echo*, lời bày tỏ tình cảm tuyệt vọng của nàng không được hồi đáp, cứ lặp đi lặp lại cho đến khi chẳng còn là gì ngoài những âm vang* vô hình.



Leslie có lẽ là hiện thân của một cái đẹp hững hờ tự đam mê nào đó, một mối nhục cảm mơ hồ và lấn lướt nguy hiểm đi cùng với chất tổn thương mong manh, và những mất mát. Nhưng các bạn diễn và đạo diễn từng hợp tác với anh đều quý trọng sự chăm chỉ của anh, sự cống hiến của anh, cách anh tỷ mỷ chú tâm vào những chi tiết, lòng nhiệt thành của anh dành cho các kỹ thuật và đặc biệt là cho công việc làm phim. Maggie Cheung Trương Mạn Ngọc, trong một bài viết tưởng nhớ Leslie đăng trên tờ Cahiers du Cinema (Pháp), đã nhớ lại một cảnh quay cuối cùng trong đêm của bộ phim Days of Being Wild. Nhân vật của cô đến nhà của Yuddy – một gã trai “hoa thủy tiên”, kẻ đã làm tan nát trái tim cô gái - để lấy lại vật dụng cá nhân. Đó là một ngày làm việc dài, và như lời cô miêu tả, tất cả mọi người đều đã kiệt sức. Và đấy là một cảnh quay được dàn dựng đặc biệt – ống kính camera luôn dõi theo cô và những gì có thể thấy được chỉ là tấm lưng của Leslie – cô đã chú ý Leslie đang rất cẩn thận diễn tập, đang cố gắng để hoàn thiện một hiệu ứng nào đấy: là âm thanh những bước chân của anh trong cảnh phim.

Days of Being Wild là một trong những phim Hong Kong đầu tiên được thâu thanh trực tiếp, và Leslie đã ý thức rất rõ về vấn đề kỹ thuật này. Sự nhập tâm của anh dành cho vai diễn và dự án, tỷ mỷ cho từng chi tiết lọt vào tai nghe đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng cô, Maggie nói vậy. Đây thật sự là một mẩu chuyện gây cảm động khi một người nghệ sĩ trình diễn ý thức về mọi phương diện cần thiết cho màn diễn xuất của mình: từ những thứ hữu hình cho đến thứ vô hình, từ sự thoát thai cho đến cái trần tục. Một người đàn ông có thể hóa thân thành một Narcissus, và đã làm điều này hoàn hảo đến mức ám ảnh; cũng có thể là một người đàn ông đã chịu khó tập luyện, với sự quan tâm cần mẫn, cho tiếng vọng* từ những bước chân mình.


Hết.


Chú thích:

- Narcissus: có nghĩa là "hoa thủy tiên", cũng là tên của một chàng trai trong Thần thoại Hy Lạp từ chối tình yêu với tiên nữ Echo, sau vì quá say mê với bóng ảnh xinh đẹp của mình mà gục chết bên bờ hồ biến thành loài hoa thơm ngát.

- Echo: có nghĩa là "âm vang, tiếng vọng", cũng là tên của tiên nữ từng có biệt tài kể chuyện và biện minh nhưng bị cướp đi khả năng mở lời trước. Nàng phải lòng chàng Narcissus nhưng không thể nói chuyện với chàng, bị chàng lạnh lùng cự tuyệt. Quá đau khổ và hổ thẹn nàng trốn vào rừng thẳm, sống trong hang và trên những vách núi cao, đi theo muôn thú và con người để bắt chước lại những âm thanh họ tạo ra, trở thành Nữ thần tiếng vang.

* : Nguyên văn trong bài viết, các chữ này đều dùng chung một từ là "echo" .


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét