Tìm kiếm bài trong Blog này

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

That Old Feeling: Days of Being Leslie

:::::::::::::::::::::::::::

Dịch bởi aha116 - dienanh.net
(Lược dịch từ bài báo của Richard Corliss, đăng trên tạp chí TimeAsian).

Bổ sung ngày 16/12/2010 bởi heobeo - dienanh.net

::::::::::::::::::::::::::::



Cảnh đầu tiên của bộ phim Days of being wild, Trương Quốc Vinh tán tỉnh Trương Mạn Ngọc. Cô ấy đáng yêu và cô đơn; anh thì vừa quyến rũ vừa hờ hững. Để thoát khỏi buồn chán, anh đã thì thầm với Maggie rằng: "Cô sẽ mơ thấy tôi đêm nay". Ngày hôm sau anh lại đến và Maggie đã đáp trả rằng đêm qua cô chẳng mơ thấy anh. "Dĩ nhiên", anh tự tin nói, "Cả đêm qua cô đâu có ngủ được"

A, đó chính là Leslie: ngọt ngào tinh tế, kiêu ngạo cực kỳ, với cái nét hoang dã đầy quyến rũ và cái u buồn cô độc ẩn sâu bên trong. Một ngôi sao Canto pop và một diễn viên từ thập niên 70, Trương được coi là "Elvis của Hồng Kông" như lời nhà bình luận phim Canada John Charles. Hơn thế nữa, Leslie đứng vững lâu hơn, làm được nhiều hơn, thách thức hơn và can đảm hơn. Anh đúng là diva nam được tôn sùng và hâm mộ cuồng nhiệt nhất cuối thế kỷ 20.

Trương xuất hiện trong rất nhiều bộ phim thành công về cả thương mại lẫn nghệ thuật suốt giai đoạn vàng điện ảnh Hồng Kông: Anh hùng bản sắc của Ngô Vũ Sâm, Thiện nữ ưu hồn của Từ Khắc, Rouge của Quan Cẩm Bằng, Bạch Phát Ma Nữ của Ronny Yu, Days of being wild, Ashes of time và Happy Together của Vương Gia Vệ. Anh nhận được hoan nghênh nhiệt liệt của cộng đồng quốc tế cho vai diễn chàng hoàng tử của sân khấu Kinh kịch trong bộ phim đạt giải Cannes Bá Vương Biệt Cơ. Với vai trò là một ca sĩ, đôi khi xuất hiện với đôi giày cao, mái tóc dài đến eo và một bộ váy được thiết kế riêng, vị trí của anh vẫn rất vững vàng, từ bài hát dự thi đầu tiên American Pie năm 19876, đến CD cuối cùng năm 2001 Forever Leslie. Những buổi trình diễn của anh, có khi là âm nhạc soul đồng quê, có khi mang đầy nhục cảm của thế giới thứ 3, đã đưa âm nhạc Trung Quốc đi khắp thế giới.

Tại quê nhà, giới tính của Leslie được ám chỉ, khai thác và xuyên tạc cho tới khi nó là bí mật tệ hại nhất của giới giải trí Hồng Kông bị theo đuổi bới các nhà báo tham lam. “Họ theo dõi tôi mọi nơi”, Leslie đã nói với Stephen Short của Time, “Họ biết số xe của tôi, mỗi khi tôi đến quán cà phê Khách Sạn Mandarin Oriental hay Propaganda. Tôi không thể vứt cả rác ngoài nhà vì họ sẽ tìm và bán cái gì đó.”

Nếu như anh ấy thay đổi hoàn toàn khi đứng trước công luận, thì sự quyến rũ của anh càng trở nên huyền thoại. Thật khéo khiêu khích, anh xây dựng nên hình tượng tạm gọi là Leslie Two-Step: quyến rũ, rồi bỏ rơi; gần đó nhưng lại như xa vời. Điều này làm cho sự hấp dẫn của anh, vốn có thể chìm xuống nhưng vẫn luôn tồn tại với một “độ nóng”. Anh chắc hẳn đã trở thành một tượng đài lâu năm nếu anh không mãi giữ một nét đẹp hoa mỹ như vậy. Ai đến Hong Kong, nếu nói đến Leslie, đều sẽ nghe: “Đoán thử xem anh ấy bao nhiêu tuổi”.

Leslie bước sang tuổi 46 ngày 12/9 năm ngoái, và vĩnh viễn ở lại tuổi đó. Nhưng anh đã chọn một cách thức khủng khiếp để tránh khỏi vết nhăn, vòng bụng và những lời đàm tiếu của công luận. Thứ ba vừa rồi anh đã nhảy từ hành lang lầu 24 của khách sạn Mandarin Oriental. Anh chính thức qua đời ở bệnh viện lúc 7 giờ 5 phút tối.

Ở vùng đất vẫn chưa hết bàng hoàng sau dịch SARS, cái chết của Leslie vào đúng ngày Cá tháng tư đem lại một cú sốc lớn. Fan của anh ở Hồng Kông làm cho chương trình radio phải hoãn lại để bày tỏ tình yêu và lòng thương tiếc. Website của Leslie bị nghẽn mạch suốt 24 tiếng. Vương Gia Vệ và Trần Khải Ca đã lên tiếng bày tỏ sự thương tiếc.

Tôi cũng bị sốc. Muốn thét lên là: anh ấy không có quyền làm như vậy, không có quyền lấy đi sự tài hoa, nét cao ngạo và sự hiện hữu của anh khỏi chúng ta. Vẻ đẹp lộng lẫy của một ngôi sao là một món quà, không phải cho riêng anh, mà cho tất cả chúng ta. Không ai khao khát được có như người bị mất đi.

Grandy Hendrix, một người thuộc trường phái Shakespears của Subway Cinema đã gửi tôi lời nhắn:

“Leslie toả sáng, quyến rũ, mỏng manh và hoang dã mãi mãi, … nhưng khi anh tự tử, anh chỉ là một con người … một người nhìn vào trong gương và thấy tóc bắt đầu thưa, vòng bụng bắt đầu to và cơ hội bắt đầu ít dần. Anh không thấy được hi vọng và mơ ước chúng ta đặt vào anh, anh chỉ thấy những nếp nhăn mà anh chưa từng thấy trước đây … Và anh cảm thấy cô đơn, cô đơn đến mức không thể sống thêm phút nào nữa … Tôi nhìn Leslie trong The Chinese feast và tôi không thể tưởng tượng người trong phim lại là người đã tự tử tại khách sạn … Cố gắng ghép hai hình ảnh đó chỉ làm tôi đau xót và bật khóc.”

Thật buồn cười, Leslie thường đóng vai người tình của những hồn ma trong các phim nổi tiếng như A Chinese ghost story, Rouge, The bride with white hair và gần đây nhất là Inner senses. Các fan gọi anh là người tình của bóng ma, sau bộ phim anh hoá thân thành người tình của một hồn ma. Có thể nói toàn bộ sự nghiệp của Leslie là một trò chơi mạo hiểm anh đã sẻ chia cùng khán giả: Giả vờ là thế này; rồi giả vờ là thế kia. Anh bản chất là một gã trai quá thông minh, quá giễu cợt, và rồi anh bị lọt thỏm vào một vở kịch cường điệu với nội dung không thể nào còn ủy mị hơn: một người diễn viên bị ám ảnh bởi chính vai diễn của mình. Trong Inner senses có đoạn Jim - chuyên gia tâm thần học yêu nữ bệnh nhân của mình vẫn mơ thấy một cô gái nhảy lầu tự tử. Cảnh cuối trên mái nhà nơi cô gieo mình xuống hàng chục năm trước: Jim tiến đến rìa mái, nhìn xuống rồi quay lại và thấy cô gái đứng đó "Tôi biết tôi phải làm gì. Cô muốn đòi tôi nhảy chứ gì?". Anh đến gần rìa mái hơn và gật đầu "Tôi sẽ chết cùng cô". Nhân vật của Leslie không nhảy xuống, con ma tha thứ cho anh và họ lao vào vòng tay nhau. Nhưng ngày 1.4 vừa qua, khi Leslie bước lên bờ tường tầng 24 thì không có hồn ma nào gọi anh trở lại, không có người tình nào làm anh tỉnh táo, không có người bạn nào để hét lên "Leslie, đó chỉ là phim thôi"... Đời không phải là phim, không thể cay nghiệt, không thể đẹp đẽ, cao quý và bi thảm đến thế được.
Vậy mà, đó lại là cuộc đời của Leslie Cheung.


::::::::::::::::::::::::

Trương Quốc Vinh sinh ngày 12 tháng 9, 1956 tại Hong Kong. “Nhà tôi có mười anh chị em”, anh kể với Stephen Short (phóng viên của tạp chí TIME) vào đầu năm 2001. “Tôi là đứa nhỏ nhất và cũng là đứa cô đơn nhất. Các anh tôi hẹn hò bạn gái và bỏ mặc tôi nơi xó phòng, ngồi chơi G.I.Joe hay với đám búp bê. Tôi chưa từng được ở với cha một ngày nào, chưa bao giờ. Cha còn đánh mẹ tôi. Thật kinh khủng. Và lúc đó tôi đã luôn nghĩ, “Đây là cái họ vẫn gọi là hôn nhân.”

Cha của Trương là một thợ may có tiếng, chuyên nhận đơn đặt hàng của các ngôi sao: Willian Holden, Alfred Hitchcock, Cary Grant. “Cha tôi từng có một gia sản. Nhà tôi từng là một trong những địa chủ giàu có nhất vùng. Ông nội tôi bị giết trong cuộc Cách Mạng vì ông sở hữu rất nhiều ruộng đất.” Leslie cho hay anh có giúp đỡ cho sáu anh chị em còn sống sót. “Tôi là đứa may mắn. Ngoài một người chị là một phụ nữ học thức và có cuộc sống ổn định, các anh chị khác của tôi đều không có cuộc sống tốt, vì vậy thỉnh thoảng tôi giúp đỡ họ. Nhưng tôi không ân hận. Một giọt máu đào hơn ao nước lã mà.” Anh cho hay quan điểm của anh: “Được giúp đỡ người khác vẫn tốt hơn là để họ giúp mình.”

Ở tuổi 11, Quốc Vinh trải qua kỳ thi để lên cấp hai. “Tôi đã trượt môn toán. Tôi thắng nhiều giải về đọc văn diễn cảm và các cuộc thi âm nhạc nhưng chưa bao giờ giỏi toán. Cha tôi gọi tôi đến và cho hay ông muốn tôi đi du học. Với tôi, nó gần như một sự phóng thích. Và với tình cảnh tôi lúc đó thì đâu còn gì có thể tồi tệ hơn. Thế là tôi lên máy bay và đến học tại trường Norwick (nằm tại Norfolk, Anh quốc). “Tại đó có những vấn đề về nạn phân biệt chủng tộc. Nhưng nó cũng giúp tôi nhìn ra nhiều điều. Tôi có thể bắt xe lửa lên Luân Đôn, nên tôi không thấy cô đơn. Vào cuối tuần tôi thường đến phía Nam-bờ-biển để gặp họ hàng. Họ mở một nhà hàng ở đó, và thế là tôi làm bartender. Tôi cũng bắt đầu đi hát. Lúc đó tôi chỉ mới 13 tuổi, nhưng tôi đã làm ca sĩ nghiệp dư, đi hát vào mỗi cuối tuần.” Cùng thời gian này anh đã chọn tên tiếng Anh cho mình. “Tôi thích phim Gone with the Wind. Và tôi thích Leslie Howard. Cái tên này là của đàn ông hay đàn bà đều được, nó phi giới tính, vì vậy tôi thích nó. Nó cũng hiếm gặp tại Hong Kong nữa.” Có đến 300 cái họ Trương được liệt kê tại Dữ liệu Phim Ảnh Hong Kong , nhưng chỉ có một cái tên Leslie. Cũng nên là như vậy .

Sau một năm học ngành Quản lý dệt may tại Đại học Leeds, anh trở về Hong Kong và đoạt giải nhì (cùng bài hát American Pie) trong Cuộc Thi Âm Nhạc Châu Á của hãng ATV. Sau đó anh trở thành ngôi sao nhạc pop, và ngự tại đỉnh vinh quang ấy trong suốt ¼ thế kỷ. Vào cuối những năm 70, các ca sĩ nhạc pop được khuyến khích tham gia đóng phim, và ở tuổi 21, Leslie tham gia bộ phim đầu tay của anh, Erotic Dream of the Red Chamber. Anh cũng xuất hiện trong một số phim truyền hình, bao gồm bộ Võ Lâm Thế Gia, đồng diễn với cô thiếu nữ Trương Mạn Ngọc. Nhưng màn ảnh nhỏ không thể chứa đựng nổi sức quyến rũ và ngọn lửa âm ỷ nồng nàn bên trong con người Leslie. Anh có đôi ba phẩm chất đặc biệt để dẫn dắt Hong Kong vỡ lẽ thế nào để làm nên phim ảnh về hình tượng của những người đàn ông.

::::::::::::::::::::::::


Đây, là kiểu cách của một ngôi sao mới: đẹp, nhạy cảm và cay độc. Một James Dean ôn hoà hơn, hay một Johnny Depp sâu sắc hơn. Trước tiên đó là nét trẻ trung gợi cảm của anh. Trong Anh hùng bản sắc anh đóng vai cậu em trai ngây thơ đến đơn giản của Địch Long, anh gần như một cô gái. Trong bộ phim thành công tiếp theo, Thiện nữ ưu hồn, anh lại vào vai một thư sinh ngây thơ tốt bụng bên cạnh bóng ma Vương Tổ Hiền.

Phong cách diễn xuất của anh rất đa dạng, anh vào vai rất tự nhiên cả trong dòng phim nghệ thuật (Bá Vương Biệt Cơ, vai diễn xuất sắc nhất và can đảm nhất của anh), phim hành động (Anh hùng Bản sắc), kiếm hiệp (Bạch Phát Ma nữ), lãng mạn (The Phantom Lover), và cả phim hài (He’s a Woman, She’s a Man).

Trong rất nhiều vai diễn đó, một hình ảnh đặc biệt dành riêng cho “Leslie” là: một người đàn ông mà nét quyến rũ trở thành món quà hay một chất độc cho tất cả những ai say mê anh. Họ yêu anh và anh bỏ rơi họ, anh phải nói “Tôi không yêu em” nhiều hơn bất kỳ diễn viên nam nào. Chính cái hờ hững, lãnh đạm lại tạo nên sự thu hút riêng của Leslie. Phụ nữ yêu nhân vật của Leslie vì anh quyến rũ, lấn lướt, nguy hiểm, bí ẩn, dễ chán và cũng dễ nổi giận. Cuối cùng, khi anh ôm người con gái nào vào lòng, người đó cũng sẽ tưởng như đất trời đều sụp đổ.

Sau tất cả những điều đó, ngôi sao này thực sự là một diễn viên. Anh không chỉ đơn thuần mê hoặc hay áp bức camera; anh đã làm việc vất vả và thực sự tạo nên nhiều kỳ quan thú vị trước ống kính. Anh tỏa sáng lộng lẫy trong cảnh phim Days of Being Wild chỉ bằng việc tự tán dương thân mình trước một tấm gương dài trong khi nhảy điệu cha-cha sành sõi. Hay, trong các cảnh quay cận mặt không thể nào quên, không cần cử động đến một múi cơ, bằng cách nào đó anh vẫn có thể thay đổi tâm trạng của nhân vật. Bạn có thể nhìn thấy nguồn năng lượng cảm xúc ấy gia tăng, phát ra từ người anh như một ánh phấn hồng.

Là chính Vương Gia Vệ đã làm sáng tỏ nguồn năng lượng ấy từ trong nội tại Leslie và đem lên màn ảnh rộng. Days of Being Wild đã biến anh thành một tay vũ phu nhấm nhẳng đối xử tệ bạc với phụ nữ, phản ảnh cho nỗi đau bị người thân ruồng bỏ; vai diễn này đem về cho Trương một giải Kim Tượng cho hạng mục Nam diễn viên xuất sắc nhất. Trong Ashes of Time, thủ diễn một kiếm sĩ du thủ du thực, anh phô bày khả năng nắm bắt và làm chủ tác phẩm với hàng loạt ngôi sao sáng nhất của thế giới Hoa ngữ và tràn đầy vẻ đẹp hình ảnh đắm say này. Trong bộ phim không-hẳn-về-đồng-tính Happy Together anh đã khuyên Lương Triều Vỹ nên đóng phim thế nào.

Bộ phim bắt đầu với cảnh quan hệ giữa hai người. “Việc phải quay cảnh đó làm Tony bị sốc”, Leslie nhớ lại, “Anh ấy không chịu đóng. Suốt hai ngày, Tony đáng thương nằm bẹp trên giường. Tôi đã tới kéo anh ấy dậy và nói, “Nhìn tớ này, Tony, tớ đã phải đóng bao nhiêu cảnh yêu đương, hôn hay ôm ấp các cô gái, cậu nghĩ tớ thực sự thích như vậy hả? Chỉ là công việc thôi, một cảnh quan hệ bình thường. Tớ chẳng yêu cậu đâu, và tớ cũng chẳng muốn cậu quan hệ với tớ thật. Cậu không phải là dạng tớ thích.” Nhờ vậy, Tony đồng ý quay cảnh đó”.

...

Tôi hy vọng anh sẽ có một ngày mai tươi sáng. Tôi không phải là một tín đồ Phật Giáo, nhưng nếu thực sự có luân hồi, tôi vẫn hy vọng một ngày nào đó anh sẽ quay lại. Khi ấy, Leslie sẽ thấy, anh được yêu quý, được ngưỡng mộ, và được thương nhớ đến mức nào.


***

Xem phần dịch kế tiếp tại đây: Richard Corliss và 5 lần gặp gỡ Leslie

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét