Tìm kiếm bài trong Blog này

Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2010

Bài viết cảm nhận về Bá Vương Biệt Cơ (part 2)

Đắc Di đẹp là vì người đẹp trong say rượu, say tình, say Kinh kịch, say hết thảy đê mê, say đến quên cả lối về, say đến nhập nhằng nhập chung đất trời vào làm một. Tôi đã tự hỏi có ai từng tự hỏi vì sao vẻ đẹp ấy lại lung linh, như hư ảo huyền không đến thế ? Riêng tôi đêm nay đã vỡ lẽ ra được rồi, đó là vì dáng dấp của người từ sớm đã đẫm trong màu mơ của rượu, men tình người rót cho chúng ta là thứ tình vời vợi, không chỉ giới hạn như tình yêu trai gái, hay đồng tính, hay cám cảnh nỗi niềm riêng chi, mà là thứ tình muốn được dâng hiến cho đời, cho lý tưởng người đã kiên gan lựa chọn. Ánh mắt Đắc Di đẹp và đau đến nhường nào, sở dĩ ánh nhìn ấy như những hố sâu thăm thẳm cứ muốn riết lấy hồn chúng ta, muốn dìm ta cùng chìm vào một cõi ly tao tan nát là vì bởi nó cũng phang phảng ánh nhìn của một kẻ đang say, trong cái đau cái hận cái cố chấp ấy thoảng thoảng chất men cay, chỉ đôi lần lướt qua thôi cũng đủ khiến mắt chúng ta bắt hơi mà tràn lệ. Ngu Cơ có hiện thân là cỏ Ngu mỹ nhân phủ đầy trên mộ tảo, còn đối với phần tôi Trình Đắc Di là hiện thân của một vò rượu đầy ắp lẫn si mê, một mỹ nhân say rượu. Người đẹp vốn đã đẹp, nhưng người đẹp say rượu mới là đẹp hạng nhất, mới làm cho cả thế gian cùng nghiêng đảo, chóng chếnh theo từng bước chân. Đau thì vẫn đau đấy, nhưng mấy ai cưỡng lại nỗi sức hấp dẫn, cưỡng lại nổi trước vẻ đẹp này? Đắc Di sẽ thôi đẹp, sẽ thôi ko còn đẹp đến thế nếu người không si, không say, không yêu. Và nếu đã ko yêu thì cũng chẳng làm gì nên nổi dẫn đến bi kịch này của người !


Khúc nhạc hồng êm ái
Điệu kèn biếc quay cuồng
Một trời phấn hương
...
Hoa xưa tươi trăng xưa ngọt gối xưa thề
tình nay sao héo
Hồn ngã lâu rồi nhưng chân còn dẻo
Lòng chót nghiêng mà bước vẫn du dương
Lòng nghiêng tràn hết yêu đương
Bước chân còn nhịp nghê thường lẳng lơ
Ánh đèn tha thướt
Lưng mềm não nuột dáng tơ
...
Âm ba gờn gợn nhỏ
Ánh sáng phai pha dần
Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân

(Trích "Say đi em" _ Vũ Hoàng Chương)

heobeo @DAN

***

Hà, đời nhiều khi lắm nỗi mà ta không thể ngờ tới được. Ví như mình trước nay, vốn mình rất ghét mấy trò vẽ mặt bôi mày của mấy loại hình nghệ thuật tuồng cổ, ko cứ gì Kinh kịch Bắc Kinh. Hồi còn bé ở nhà có lần mọi người đã kể rằng mình đã khóc thét lên khi tivi chiếu 1 vở tuồng hát bội gì đó . Mà cũng thú thiệt là mình nghe tiếng Bá Vương Biệt Cơ lâu rồi, lâu lâu lắm rồi, chắc chỉ từ thời cấp 1, đầu cấp 2 thôi, nhưng ko xem, ko thích xem, chỉ vì cái poster phim in hình ca ca đang vẽ lông mày trong lớp phấn hoá trang trắng bệch. Bây giờ muốn tìm lại cái cảm giác rờn rợn ấy cũng ko tài nào tìm được nữa, dường như nó đã biến mất, đã bị bốc hơi... bởi vì nàng Ngu Cơ của ca ca đối mình giờ đã đc mặc định là hình ảnh của phương hoa tuyệt đại, của nhan sắc lộng lẫy và kiều diễm khôn nhường. Người diễn viên dù có đẹp đến cỡ nào mà ko có cái thần thì vĩnh viễn chỉ là cành hoa vô tri giác để trang điểm cho màn ảnh. Còn ca ca thì khác, ca ca đẹp, nhưng cái thần của anh thậm chí còn đẹp hơn cả đường nét trên gương mặt anh gấp nhiều lần. Anh nhập thân mình vào vai diễn tỉnh như thật.




Dĩ nhiên, ca ca đâu phải là một nghệ sĩ tuồng cổ, thậm chí anh còn ko được nuôi dưỡng từ trong nền văn hoá đậm chất phương Đông đó. Ca ca từ bé đã tiếp xúc với nền giáo dục Tây phương, vốn anh trưởng thành trên đất Hong Kong, xứ giao thoa giữa Âu và Á. Nhưng chỉ cần trút bỏ hết các hiện vật hiện đại trên người, khoác thêm bộ áo choàng đỏ mũ loan phượng - ca đã biến thành 1 người đẹp như tự ngàn năm xưa trở về cùng nhân thế. Mà đẹp thôi đã đành, từng ánh mắt, cái khẽ cười, cái nghiêng đầu hay cách ngồi, đứng, bước đi cũng đều thoát ra cái thần khí đầy chất tao nhã, nhu mì, vừa e lệ vừa kiêu sa, quyến rũ mê đắm, cái cuốn hút xa lạ, ko phải thuộc về thời hiện đại này mà là của cả 1 thời hoa mộng xưa cũ đã qua. "Nàng Ngu Cơ" bước ra khẽ cúi đầu chào khán giả, liếc mắt ngọc mày ngài, thậm chí nữ giới cũng khó mà bì đc với khí sắc rồng phượng trong khoảnh khắc đó cùng "nàng", hình ảnh đó làm mình liên tưởng đến Tây Thi, liên tưởng đến Điêu Thuyền ... những đại mỹ nhân từng làm rung chuyển thế giới Trung Hoa cổ đại, hẳn họ cũng phi thường đc đến dường ấy mà thôi. Mà cũng hay một cái là từ khi xem Bá Vương Biệt Cơ, ca ca nghiễm nhiên đã trở thành hình ảnh của mỹ nhân Ngu Cơ trong lòng mình, chẳng nữ diễn viên thực thụ nào khác đứng trước ca còn có thể gọi là "Ngu Cơ" đc nữa . Ngu Cơ là phải diễm lệ đến dường đó, mắt buồn và sâu đến dường đó, dáng đi phải khép nép uyển chuyển, phải nhu mì bi ai, phải trung can tiết liệt, phải tận tuỵ si tình đến như thế. Một vẻ đẹp linh thiêng, lảng bảng trong sương, gần xa sen vàng, như hoa lồng trong khói, như nguyệt toả bên mây, cảm giác như hình hài này sẽ sớm tan đi, hoá kiếp tiên thảo, bốc hồn bay về trời vậy. Thật ko có gì, không có ai là thay thế nổi !




Lại nhớ cảnh khi Đắc Di diễn trích đoạn "Nàng hầu say rượu" trên sân khấu. Trời ơi, cảnh phim đó mới thật tuyệt vời! Từng dáng điệu kiều diễm bên cây quạt, từng dáng điệu nàng yểu điệu chếnh choáng muốn chạm đất, và khi nhẹ nhàng xoay trong một vũ điệu êm ái : Nữ tính và thuần thục ko để đâu cho hết. Nhập vai một cách xuất thần kinh khủng, ko còn chỉ là "trên cả mong đợi", hay "bất ngờ thích thú" nữa. Từ khi biết đến ca ca (và 1 số dv khác), mình mới nhận ra trí tưởng tượng của chúng ta về giới hạn của 1 người diễn viên là thiển cận biết chừng nào.

whitedaisy @DAN

1 nhận xét:

  1. bài viết rất hay, cảm ơn tác giả đã chia sẻ. qua đây mình cũng muốn chia sẻ đến mọi người địa chỉ cung cấp dịch vụ phiên dịch ngôn ngữ quốc tế trên toàn quốc: Phiên dịch tiếng nga, Phiên dịch tiếng đức, Phiên dịch tiếng nhật,....

    Trả lờiXóa