Tìm kiếm bài trong Blog này

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

“Thiện Nữ U Hồn Redux” gợi niềm hoài cổ

Tin ngày: 04/05/2011
Nguồn: Global Times
Tác giả: Leng Mo
Người dịch: Tetehaykhoc25@DienAnh.Net


Lưu Diệc Phi (trái) và Dư Thiếu Quần trong “Thiện Nữ U Hồn” 2011 (“A Chinese Fairy Story”)


Trương Quốc Vinh (trái) và Vương Tổ Hiền trong "Thiện Nữ U Hồn Redux" ("A Chinese Ghost Story"). Ảnh: CFP


Bạn sợ ma ư? Không sao cả: Bộ phim kinh điển của mọi thời đại “Thiện Nữ U Hồn” (1987), với sự tham gia diễn xuất của nam diễn viên huyền thoại người Hồng Kông Trương Quốc Vinh là một bộ phim đậm chất lãng mạn hơn là kinh dị, ở một mặt nào đó phim có nét tương đồng với bộ phim “Ghost” (1990) của Hollywood. Giờ đây có vẻ như Trung Quốc đang được mùa làm lại phim: Với “Thiện Nữ U Hồn Redux” được trình chiếu tại các rạp vào hôm Thứ Bảy ngày 30/04 vừa qua và một phiên bản mới dựa trên cùng cốt truyện, ‘Thiện Nữ U Hồn” 2011 (“A Chinese Fairy Tale”) công chiếu vào ngày 19/04, đây đúng là cuộc chiến phòng vé cũ mà lại mới.


Nội dung kinh điển

Cả hai phiên bản phim đều dựa trên câu chuyện (và nhân vật) về Nhiếp Tiểu Thiện trong tiểu thuyết “Liêu Trai Chí Dị”, một tác phẩm văn học kinh điển bao gồm hơn 500 câu chuyện ma do tiểu thuyết gia sống vào đời nhà Thanh (1644-1911), Bồ Tùng Linh sưu tầm.

Lấy bối cảnh Trung Quốc cổ xưa, “Thiện Nữ U Hồn” (1987) kể về chàng thiếu niên Ninh Thái Thần (Trương Quốc Vinh), anh phải lòng hồn ma Nhiếp Tiểu Thiện (Vương Tổ Hiền). Bộ phim nằm trong top 10 phim hay nhất Hồng Kông vào năm 1987 và chiến thắng hai giải Kim Tượng, kể từ sau cái chết của Trương Quốc Vinh vào năm 2003 và sự rút lui khỏi làng giải trí của Vương Tổ Hiền, “Thiện Nữ U Hồn” (1987) vẫn luôn được người hâm mộ và các nhà phê bình điện ảnh ca ngợi như là một trong những bộ phim Trung Quốc xuất sắc nhất.

Để kỷ niệm 24 năm phim ra mắt, đạo diễn Trình Tiểu Đông và nhà sản xuất Ngô Tư Viễn đã trình chiếu phiên bản redux trên màn ảnh rộng một lần nữa. Họ đã mất một năm để thực hiện được việc này.

Ngô Tư Viễn giải thích: “Chúng tôi phải chỉnh sửa tất cả các cảnh phim… có nhiều đoạn âm thanh và màu sắc đã bị mất. Chỉnh sửa màu sắc mất đến nửa năm và âm thanh Dolby 5.1* cũng được lồng vào phim.”

Phiên bản mới đang được công chiếu rộng rãi trên toàn quốc bằng cả tiếng Quan Thoại và tiếng Quảng Đông.


Gợi nhớ ký ức

Những năm gần đây, điện ảnh Trung Quốc nổi tiếng với việc làm lại các câu chuyện kinh điển và thiếu các ý tưởng mới. Kể từ khi “Đông Tà Tây Độc” (“The Ashes of Time” 1994) của Vương Gia Vệ được tái phát hành vào hai năm trước (2009) và thu về 43 triệu Nhân dân tệ (6,61 triệu Đô la Mỹ), thì việc phát hành lại các phim kinh điển đã trở thành một phương thức thiết thực để đạt được lợi nhuận dễ dàng.

Tại cuộc họp báo gần đây, Ngô Tư Viễn đã tuyên bố: “Trương Quốc Vinh từng nói với tôi rằng ‘Thiện Nữ U Hồn’ là tác phẩm yêu thích của anh. Chúng tôi làm lại bộ phim này để tưởng niệm anh.” “Thiện Nữ U Hồn Redux” và “Đông Tà, Tây Độc Redux” đều có sự tham gia của Trương Quốc Vinh và cả hai phim đều dành để tưởng nhớ anh.

Nhà phê bình điện ảnh Huang Liang phát biểu với tờ Global Times: “Rõ ràng là danh tiếng của Trương Quốc Vinh và lượng fan khổng lồ của anh có thể kéo khán giả đến rạp. Ưu tiên chọn các phim của Trương Quốc Vinh để làm lại là lựa chọn an toàn. ”

Tuy nhiên, giống như “Thiện Nữ U Hồn”, hiện có nhiều bộ phim mới cũng đang được thực hiện với nội dung hoặc đề tài cũ. “Thanh Xà” (1993) sẽ được phát hành lại bên cạnh “It’s Love” và cuối năm nay; “Ba Chị Em Nhà Họ Tống” (1997) sẽ được chiếu cùng với bộ phim mới về đề tài Cách Mạng Tân Hợi; “Tân Long Môn Khách Sạn” (1992) với phiên bản gốc là “Long Môn Khách Sạn” và “Tây Sở Bá Vương” (1994) với “Vương Đích Thịnh Yến” cũng sẽ được trình chiếu cùng lúc.

Nhà phê bình điện ảnh Hu Lang bình luận: “Những bộ phim này chọn thời điểm phát hành cùng lúc với các phiên bản mới, với cùng câu chuyện hoặc đề tài vì vậy mà các phim đó sẽ có thể kiếm lợi từ việc quảng cáo và tuyên truyền phim. Với lượng fan ổn định (những người thường có xu hướng hoài cổ) và chi phí dành cho phiên bản redux lại thấp, các phim này có thể trở thành những dự án kinh doanh đầy lợi nhuận.”


Thất vọng với phiên bản hiện đại

Phiên bản mới của “Thiện Nữ U Hồn” (“A Chinese Fairy Tale”) với sự tham gia của Lưu Diệc Phi, Dư Thiếu Quần và Cổ Thiên Lạc, do Diệp Vĩ Tín (đạo diễn phim “Diệp Vấn”) đạo diễn, đã thu về hơn 100 triệu Nhân dân tệ (15,39 triệu Đô la Mỹ).

Tuyên bố rằng sẽ thêm những điều mới mẻ vào cốt truyện cũ, “Thiện Nữ U Hồn” (2011) đã thêm vào một vai nam chính, Yên Xích Hà, điều này có nghĩa là Nhiếp Tiểu Thiện sẽ có chuyện tình lãng mạn với hai người đàn ông. Các chi tiết hài hước được rải rác khắp kịch bản để làm giảm bớt chất “ma quái” của chủ đề phim.

Với Diệp Vĩ Tín và các ngôi sao hành động Huệ Anh Hồng, Phàn Thiếu Hoàng, các cảnh hành động và hiệu ứng đặc biệt của phim đáng để khán giả kỳ vọng. Chúng ta không thể xem các cảnh như vậy trong phiên bản cũ vì sự hạn chế của công nghệ và kinh phí sản xuất.

Dù vậy phiên bản mới vẫn bị đánh giá là bắt chước một cách mù quáng; một trong các poster quảng cáo của phim gần như giống y hệt với poster của “Worl of Warcraft” một trò chơi điện tử nổi tiếng. Cốt truyện và diễn xuất cũng bị phê bình là “thiếu sáng tạo”.

Nhà phê bình điện ảnh Chen Sha cho biết: “Họ không thể có được một cốt truyện mới của riêng mình vì vậy mà họ đã sắp xếp lại để lặp lại cốt truyện cũ. Nhưng diễn xuất của phiên bản này cũng là một màn sao chép kém cỏi. Điều này khiến cho phiên bản của Trương Quốc Vinh và Vương Tổ Hiền càng trở nên lôi cuốn hơn.”



* Được giới thiệu vào năm 1992 trong phim Batman Returns, sau đó được sử dụng ở hàng ngàn bộ phim trên thế giới. Dolby Digital là phát minh mới nhất của Dolby Laboratories, nổi tiếng trong lĩch vực xử lý âm thanh. Dolby Digital và công nghệ mã hóa âm thanh AC-3 được sửng dụng rộng rãi và trở thành không thể thiếu được trong các máy giải trí gia đình, DVD và HDTV. Dolby Digital trở nên không thể thiếu được trên đĩa phim DVD-Video và được thấy thường xuyên trên đĩa DVD-Audio.

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét