Tìm kiếm bài trong Blog này

Thứ Năm, 28 tháng 9, 2017

Trần Khải Ca tiếc Trương Quốc Vinh không có giải ở Cannes

Nguồn: tuoitre.vn


Liên hoan phim Cannes lần thứ 70 khép lại, đạo diễn Trần Khải Ca chia sẻ hồi ức 24 năm trước, khi Bá vương biệt cơ trở thành bộ phim Hoa ngữ duy nhất đoạt giải Cành cọ vàng trong lịch sử Cannes, cho đến bây giờ.




Khi được ban tổ chức Cannes thông báo ở lại thì tôi biết là sẽ có giải thưởng, chỉ là không biết giải thưởng gì. Khi nghe công bố lần lượt giải nam - nữ diễn viên và giải đạo diễn xuất sắc không có chúng tôi, thì đồng thời tôi cũng biết ngay Bá vương biệt cơ đã đoạt Cành cọ vàng...
                                                                 Trần Khải Ca nhớ lại



Bá vương biệt cơ là bộ phim thứ ba của Trần Khải Ca đến Cannes, ông hồi ức về kỷ niệm đáng nhớ cách nay 24 năm. Đạo diễn Trần Khải Ca cho rằng điện ảnh Hoa ngữ có lý do để hoài niệm về Cannes lần thứ 46, năm đó điện ảnh Hoa ngữ có Hý mộng nhân sinh của Hầu Hiếu Hiền và Bá vương biệt cơ của Trần Khải Ca lọt vào đề cử tranh giải Cành cọ vàng.

Cuối cùng, Bá vương biệt cơ trở thành bộ phim Hoa ngữ duy nhất đoạt giải Cành cọ vàng, cho đến lịch sử vẫn chưa được lặp lại.

Điện ảnh Hoa ngữ phát triển từ những năm 1980, đến những năm 1990 bước vào thời kỳ đỉnh cao của sáng tạo nghệ thuật, có tầm ảnh hưởng lớn tại các liên hoan phim quốc tế.


Năm 1971, bộ phim võ hiệp Hiệp nữ của đạo diễn Hồ Kim Thuyên lọt vào danh sách đề cử tranh giải Cannes, trở thành bộ phim Hoa ngữ đầu tiên tỏa sáng tại một liên hoan phim quốc tế lớn và mang về cho điện ảnh Hong Kong giải thưởng Kỹ thuật xuất sắc.

Sau Hiệp nữ, mãi 22 năm sau, điện ảnh Hoa ngữ mới tạo được tiếng vang tại Cannes với tác phẩm Bá vương biệt cơ của đạo diễn Trần Khải Ca, do Củng Lợi, Trương Quốc Vinh và Trương Phong Nghị đóng chính.

Thời gian quay về năm 1993, rất nhiều hồi ức đã trôi theo dòng thời gian, trở nên mờ nhạt và đi vào quên lãng, như Trương Quốc Vinh đã không còn trên cõi đời này, chỉ còn lại một vài bức ảnh cũ, đó là những tấm hình chụp Củng Lợi, Trương Quốc Vinh và Trương Phong Nghị bên bờ biển Cannes.



Thời khắc lịch sử khó quên

Ngày 14-5-1993, Liên hoan phim Cannes chính thức khai mạc, trước tiên đạo diễn Trần Khải Ca và nhà sản xuất Từ Phong bay sang trụ sở của Công ty phát hành phim ARP ở Paris - Pháp để cùng bàn bạc chiến lược tuyên truyền cho Bá vương biệt cơ.

Tấm poster lớn của bộ phim từ lâu đã được treo trước khách sạn Majestic, địa điểm thu hút các khách mời tham dự Cannes.

Chủ tịch giám khảo năm đó gồm có đạo diễn nổi tiếng của Pháp - Louis Malle, cùng các thành viên: huyền thoại Abbas Kiarostami, Emir Kusturica và Claudia Cardinale.

Ngày 17-5, bộ phim The Piano của nữ đạo diễn New Zealand Jane Campion vừa được công chiếu đã nhận được phản hồi tích cực, là ứng cử viên sáng giá trong cuộc chạy đua Cành cọ vàng.

Cùng ngày, khi đoàn phim Bá vương biệt cơ xuất hiện trên thảm đỏ, lập tức họ trở thành đối tượng được giới truyền thông và các tạp chí điện ảnh quốc tế như Variety, Ecrans d'Asie… nhiệt liệt săn đón.

Bộ phim Bá vương biệt cơ có kịch tính cao, hội tụ yếu tố thương mại và nghệ thuật, cùng với bộ phim The Piano đều xứng đáng đoạt giải Cành cọ vàng.

Từ sự hồi hộp trông đợi ban đầu cho đến giây phút đăng quang, trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, mọi người trong đoàn phim Bá vương biệt cơ đã hân hoan bất ngờ khi bộ phim giành giải thưởng cao quý nhất - Cành cọ vàng cho phim truyện hay nhất, trở thành niềm vinh dự cho lịch sử điện ảnh Hoa ngữ.


Trần Khải Ca nhớ lại thời khắc lịch sử đó: “Tôi còn nhớ, Isabelle Adjani đã lên sân khấu trao giải thưởng cho tôi, cô ấy vốn có thể rời sân khấu sớm nhưng cô ấy đã ở lại bên tôi, giúp tôi phiên dịch tiếng Pháp vì tôi phát biểu bằng tiếng Anh. Isabelle Adjani nói với tôi rằng cô ấy rất thích bộ phim Bá vương biệt cơ.

Lời phát biểu của tôi khi lên nhận giải không nhiều, nói xong câu đầu tiên, Isabelle Adjani liền giúp tôi phiên dịch, cả khán phòng đều dành cho tôi tràng pháo tay cổ vũ. Tôi nói: “Từ hàng ghế tôi ngồi bước lên sân khấu chỉ có vài bước, nhưng tôi đã mất đến 10 năm trời...”.

Lúc này cả hội trường vang lên những tràng pháo tay nhiệt liệt. Thật ra, tôi không hề chuẩn bị trước, khi đứng trên sân khấu tôi khá xúc động, những lời phát biểu đó tôi như chỉ nói với bản thân, trong đầu mình nghĩ gì thì sẽ nói như vậy”.


Điều tiếc nuối duy nhất ở Cannes là về Trương Quốc Vinh

Nhắc đến Trương Quốc Vinh, Trần Khải Ca vẫn không kìm được tiếng thở dài, trong niềm vui bất ngờ vì đoạt giải, điều duy nhất ông cảm thấy tiếc nuối là Trương Quốc Vinh đã không được vinh danh Ảnh đế.


“Sau khi Bá vương biệt cơ đoạt giải Cành cọ vàng, mọi người trong đoàn đã tổ chức ăn mừng, Trương Quốc Vinh, Củng Lợi đều rất phấn khích, nhưng điều tôi cảm thấy vô cùng tiếc nuối là Trương Quốc Vinh đã không đoạt giải Nam diễn viên xuất sắc.

Trong Bá vương biệt cơ, những gì Trương Quốc Vinh đã thể hiện hoàn toàn xứng đáng với giải Nam diễn viên xuất sắc.

Nhưng năm đó, kỳ thực lại có giám khảo đã bỏ phiếu chọn Trương Quốc Vinh cho giải Nữ diễn viên xuất sắc! Điều này sau này tôi mới biết nên số phiếu bầu chọn cho Trương Quốc Vinh đã bị chia nhỏ ra. Nếu không Trương Quốc Vinh rất có khả năng đoạt giải Nam diễn viên xuất sắc.

Đúng là hi hữu, nhưng tôi không cảm thấy Trương Quốc Vinh có biểu hiện thất vọng nào cả, trái lại vô cùng vui vẻ. Sau đó, tôi có nói với Trương Quốc Vinh rằng điều tiếc nuối duy nhất của tôi chính là anh đã không đoạt giải.

Một con người sống mà như đang diễn, một vai diễn vừa nam vừa nữ, nên đưa Trương Quốc Vinh vào hạng mục Nam diễn viên xuất sắc hay Nữ diễn viên xuất sắc đây? Thật sự rất khó”.

Trương Quốc Vinh hoàn toàn hòa nhập vào vai diễn, đã có lúc bản thân anh cũng không phân biệt được đâu là con người thật đâu là vai diễn. Còn khán giả, nhìn thấy một nghệ sĩ sống hết mình cho vai diễn đều vô cùng khâm phục.


“Mối liên hệ giữa vai Trình Điệp Y và Trương Quốc Vinh đã được chứng thực trong phim, anh ấy bỏ bao nhiêu thứ vào trong vai diễn này thì sẽ có ngần ấy thứ giúp anh khắc họa thành công vai diễn đó. Tôi cho rằng Trương Quốc Vinh đã hoàn toàn hòa nhập với Trình Điệp Y, thậm chí bộ phim này đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời của anh” - đạo diễn Trần Khải Ca phân tích.

Đã 24 năm trôi qua, điện ảnh Hoa ngữ chưa tiếp tục gây ấn tượng mạnh ở Cannes như thuở Bá vương biệt cơ năm 1993 ấy. 

Những hồi tưởng về quá khứ có lẽ chỉ là sự khích lệ đối với những người làm phim. Cành cọ vàng thứ hai cho điện ảnh Hoa ngữ còn khoảng cách bao xa, vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải đáp...




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét