Tìm kiếm bài trong Blog này

Thứ Sáu, 13 tháng 8, 2010

Bài viết Sưu tầm

Nguồn: Sưu tầm.

Tin về cái chết của Trương Quốc Vinh, một trong những ngôi sao điện ảnh và âm nhạc hàng đầu Hongkong xuất hiện trên mạng Internet vào buổi chiều ngày 1/4 làm nhiều người bán tín bán nghi, và không ít đã nghĩ rằng đây chỉ là trò đùa quá trớn của một kẻ thiếu ý thức nào đó. Nhưng, Trương Quốc Vinh đã thực sự qua đời ở tuổi 47, sau khi nhảy từ tầng 24 khách sạn Mandarin xuống đất, vào buổi sáng ngày 1/4/2003.


Trương Quốc Vinh là con út trong một gia đình có tới 10 anh chị em, bố là thợ may của một nam diễn viên điện ảnh Mỹ, vì thế, Trương Quốc Vinh làm được làm quen với bầu không khí náo nhiệt của phim trường từ rất sớm. Sau khi bố mẹ li dị, anh được gửi sang Anh và theo học tại Đại học Leeds, khoa quản trị dệt may. Năm 1976, trở về Hongkong, chàng thanh niên 20 tuổi đang bỡ ngỡ trước ngưỡng cửa cuộc đời và quyết định thử vận may trong ngành giải trí, qua một cuộc thi âm nhạc do đài truyền hình TVA đứng ta tổ chức. Đoạt giải nhì, Trương Quốc Vinh chính thức bước lên sân khấu biểu diễn và bắt đầu đảm nhiệm vai phụ trong một số bộ phim truyền hình. Năm 1981, album A wind blows on của anh tung ra được ví như “cơn gió” (wind có nghĩa là cơn gió) thổi Trương Quốc Vinh vào hàng ngũ các ngôi sao ca nhạc hiếm hoi ở đất Hongkong bên cạnh Đàm Vịnh Lân, La Văn, Mai Diễm Phương, Diệp Thiên Văn... Và cũng nhờ album này, nghiệp diễn viên của Trương Quốc Vinh bắt đầu tươi sáng hơn. Hãng truyền hình TVB mời anh về đảm nhận vai chính trong phim Võ lâm thế gia, bên cạnh Trương Mạn Ngọc. Không muốn bó hẹp mình trong khuôn hình ti vi, trước mặt các bà nội trợ, Trương Quốc Vinh quyết định nhảy qua thử sức bên điện ảnh. Thế nhưng, cũng chỉ tới khi đạo diễn Ngô Vũ Sâm mời anh đảm nhận một vai chính trong Anh hùng bản sắc (A better tomorow), người ta mới biết đến một diễn viên điện ảnh Trương Quốc Vinh với khả năng diễn xuất đa dạng, đặc biệt tinh tế và sống động.

Tài năng sáng giá của dòng phim nghệ thuật

Anh hùng bản sắc là sự mở màn cho một trào lưu phim hành động mới ở Hongkong, nóng bỏng hơn, kịch tính hơn nhưng cũng lãng mạn và sâu sắc hơn. Đó là câu chuyện về lòng trung thành và sự phản bội, những âm mưu đen tối và sự hi sinh cao cả. Chưa bao giờ thế giới ngầm ở Hongkong lại được thể hiện trên màn ảnh một cách sinh động và đầy sắc màu đến vậy. Trong vai một cảnh sát mới ra trường, Trương Quốc Vinh diễn “ngọt” không kém gì 2 bậc đàn anh là Châu Nhuận Phát và Địch Long. Anh hùng bản sắc đã phá kỉ lục về doanh thu ở Hongkong năm đó và giành gần hết các giải quan trọng tại giải thưởng điện ảnh Kim tượng năm 1987. Tiếp sau Anh hùng bản sắc là một vai chính khác trong Liêu trai chí dị (A Chinese ghost story) của đạo diễn Từ Khắc, bên cạnh người đẹp Đài Loan Vương Tố Hiền. Phim thần thoại đã từ lâu là thế mạnh của điện ảnh Hongkong, nhưng với Liêu trai chí dị, Từ Khắc đã vẽ nên một bức tranh hoàn toàn khác những gì người ta hay làm trước đó. Rất hợp với trang phục cổ, khuôn mặt điển trai trong sáng của Trương Quốc Vinh đã làm điên đảo các khán giả nữ, đặc biệt ở Nhật Bản, nơi anh có lượng fan còn đông đảo hơn cả ở Hongkong. Tình yêu lãng mạn và những cảnh chiến đấu ngoạn mục giữa người và ma là thành công mấu chốt của Liêu trai chí dị và bộ phim này được coi như viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho dòng tân kiếm hiệp nổi tiếng ở thập niên 90.



Thế nhưng, tài năng của Trương Quốc Vinh chỉ thực sự được công nhận khi anh tham gia bộ phim nghệ thuật đầu tiên trong đời: Má hồng (Rouge) của đạo diễn Quan Cẩm Bằng, ông vua phim tình cảm Hongkong. Đó cũng lại là tình yêu giữa người và một oan hồn, nhưng bối cảnh xảy ra là Thượng Hải năm 1930. “Màu sắc ảm đạm, u ám, tiết tấu chậm rãi của Má hồng có sức hấp dẫn đến kì lạ. Nhưng, nếu không có diễn xuất tuyệt vời của Trương Quốc Vinh và Mai Diễm Phương, Má hồng cũng chỉ là một bộ phim đáng xem mà thôi”. Đó là lời nhận xét về Má hồng của giới phê bình. Má hồng được coi là một trong số hiếm hoi các bộ phim của Hongkong gây được tiếng vang lớn trên trường quốc tế vào thập niên 80, và nó giúp Trương Quốc Vinh tạo dựng nên hình ảnh ngôi sao lãng mạn bậc nhất của điện ảnh Hongkong ở thời điểm đó. Năm 1990, Trương Quốc Vinh tái hợp với đạo diễn Ngô Vũ Sâm và Châu Nhuận Phát trong Tung hoành tứ hải (Once a thief) và năm 1991, anh hợp tác với đạo diễn Vương Gia Vệ lần đầu tiên, trong phim Ngày tháng đam mê (Day of being wild). Phim của Vương Gia Vệ thường ít thoại, chủ yếu sử dụng thủ pháp tận dụng hình ảnh để kể lại câu chuyện, và đòi hỏi khả năng diễn xuất nội tâm của diễn viên. Vai diễn của Trương Quốc Vinh là một gã bất lương, chỉ thích đối xử tệ bạc và ruồng rẫy những người phụ nữ trong đời hắn. Bạn diễn của anh trong phim toàn những tên tuổi sừng sỏ: Trương Học Hữu, Trương Mạn Ngọc, Lưu Đức Hoa. Thế nhưng, với Ngày tháng đam mê, Trương Quốc Vinh đã xuất sắc đoạt giải Kim Tượng dành cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Anh chính thức có tên trong danh sách những ngôi sao của dòng phim nghệ thuật Hongkong.


Năm 1993, đao diễn Trung Quốc Trần Khải Ca mời Trương Quốc Vinh đảm nhiệm vai chính trong bộ phim ưng ý nhất của đời ông: Tạ từ ái thiếp (Bá Vương biệt cơ-Farewell to my concubine). Diễn xuất bên cạnh anh là hai ngôi sao sáng giá nhất của điện ảnh Trung Quốc: Trương Phong Nghị và Củng Lợi. Tạ từ ái thiếp là câu chuyện kéo dài 52 năm về 2 diễn viên Kinh kịch, môt người chuyên giữ vai nam (Trương Phong Nghị) và người kia chuyên đảm nhiệm vai nữ (Trương Quốc Vinh) từ thập niên 20 tới tận kết thúc cuộc Cách mạng văn hoá năm thập niên 70. Giữa họ luôn tồn tại những thứ tình cảm khác thường: tình bạn đan xen với tình yêu. “Vai diễn của Trương Quốc Vinh thật sự mê hoặc tôi”, đạo diễn Trần Khải Ca tâm sự. “Đó cũng là một diễn viên, và trong thế giới của anh ta, ranh giới giữa thực và mộng, sống và chết, đàn ông và đàn bà là không rõ ràng. Cũng vì không ý thức được mình và các nhân vật do mình diễn xuất, anh ta đã hoà tan cuộc sống thực của mình vào với Kinh kịch. Ngoài Trương Quốc Vinh ra, tôi nghĩ không còn ai có thể đảm nhiệm vai này. Anh ấy đã thể hiện tới mức tột cùng của niềm đam mê, và cả sự ghen tỵ”. Đó là lần đầu tiên Trương Quốc Vinh đảm nhận vai người đồng tính luyến ái và anh đã hoàn thành nó một cách xuất sắc. Không ai nhận ra bản thân Trương Quốc Vinh ít nhiều mang trong mình khuynh hướng đồng tính từ trước đó rất lâu. Tạ từ ái thiếp đã đoạt giải Cành cọ vàng tại liên hoan phim Cannes năm 1993, còn Trương Quốc Vinh đoạt Giải thưởng lớn với vai diễn của mình.

Năm 1997, anh lại một lần nữa thể hiện cực kì thành công một vai đồng tính luyến ái khác trong Xuân quang xạ tiết (Happy together) của đạo diễn Vương Gia Vệ, bên cạnh Lương Triều Vĩ. Đó là lần đầu tiên có một bộ phim nghệ thuật mổ xẻ đến tận cùng thế giới nội tâm đầy phức tạp của giới đồng tính, vốn là đề tài cấm kị từ nhiều năm qua trên toàn thế giới, đặc biệt ở châu á. VớiXuân quang xạ tiết, Vương Gia Vệ đã giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes. Trước đó, năm 1994, Trương Quốc Vinh và dàn diễn viên toàn sao, bao gồm Lương Triều Vĩ, Lưu Gia Linh, Lâm Thanh Hà, Trương Học Hữu, Lương Gia Huy đã cùng đạo diễn Vương Gia Vệ làm nên một tác phẩm “để đời” cho điện ảnh Hongkong: Đông tà Tây độc (Ashes of time), phỏng theo các nhân vật trong bộ tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Kim Dung: Xạ điêu anh hùng truyện. Đó là bức tranh đầy màu sắc về thế giới của các võ lâm cao thủ, nhưng hầu như không có những màn chiến đấu ngoạn mục mà chủ yếu mô tả mối quan hệ phức tạp giữa họ với nhau, thông qua lời kể của Âu Dương Phong, do Trương QuốcVinh thủ vai. Cho tới nay, Đông tà tây độc vẫn được liệt vào danh sách 20 phim có ảnh hưởng lớn nhất của nền điện ảnh xứ Cảng thơm.

Đâu là nguyên nhân cái chết?



Trước kia, Trương Quốc Vinh cũng đã có vài ba mối tình, nhưng tất cả đều tan vỡ, và lí do anh đưa ra luôn là sự sợ hãi hôn nhân, do ảnh hưởng từ vụ li dị của bố mẹ. Thế nhưng, cho tới mùa hè năm 2002, khi Trương Quốc Vinh công khai quan hệ tình cảm với người bạn đồng giới họ Tống, một nhân viên ngân hàng, nhiều người mới vỡ lẽ anh là một “gay”. Và có lẽ, nguyên nhân cái chết thương tâm của anh cũng vì việc chia tay với người bạn này. Theo các nhan viên khách sạn, trước khi chết, Trương Quốc Vinh còn đủ tỉnh táo để yêu cầu một cốc nươc chanh, gói thuốc lá và một quả táo. Rồi anh bước ra ban công nhìn ra cảng Victoria và yêu cầu thêm tờ giấy và cái bút. Và nhảy xuống. Một ngày sau, cái chết của Trương Quốc Vinh đã là đề tài “nóng” nhất ở Hongkong, khiến người ta tạm quên đi căn bệnh SARS vẫn đang rình rập. Từ Bắc Kinh, Đài Loan qua tới Nhật Bản, hàng triệu fan khóc than cho thần tượng của mình. Và người ta công bố mẩu thư tuyệt mệnh của anh. “Tuyệt vọng”, anh viết trên lan can. “Cảm ơn tất cả các bạn. Cảm ơn bác sĩ Felicia. Năm nay thật tồi tệ. Tôi không thể chịu đựng thêm. Cảm ơn anh Tống. Cảm ơn gia đình. Cảm ơn chị Fat. Đời tôi chưa làm gì sai, sao mọi thứ lại diễn ra như vậy? Leslie”. Tác phẩm điện ảnh cuối cùng của anh là Nội tâm (Inner senses), một phim kinh dị. Và người dân Hongkong đang đổ xô đi xem nó, như một cách tiễn đưa linh hồn Trương Quốc Vinh nhẹ gót lên Thiên đàng.

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét