Tìm kiếm bài trong Blog này

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Những năm tháng chìm trong góc khuất

Nguồn: Davidbordwell.net
Người dịch: tetehaykhoc25 @DienAnh.Net
Full Credit To Take Out!



Buổi công chiếu tại Liên hoan phim Cannes của “Đông Tà Tây Độc – Redux” gợi nhắc với chúng ta rằng Vương Gia Vệ là một người luôn không ngừng tái sinh các tác phẩm của mình. Các phiên bản phim nảy nở ở những thị trường khác nhau – một cho Hồng Kông, một cho Đài Loan, một cho thị trường quốc tế - và đôi khi ông còn hứa hẹn những phiên bản phim trực tuyến hay các phiên bản DVD đặc biệt tặng thêm. “Buenos Aires Zero Degree” (1990) của Quan Bản Lương đã cung cấp một vài cảnh trêu ngươi khán giả, đó là các cảnh quay giữa Lương Triều Vỹ và Quan Thục Di. Tuy nhiên nó khiến chúng ta thắc mắc về bộ phim mà lẽ ra chúng ta sẽ được xem nếu như Vương Gia Vệ không quyết định cắt bỏ toàn bộ nội dung (sau khi đã giữ Quan Thục Di ở Argentina trong vài tuần).


Chúng ta có thể thêm “A Phi Chính Truyện” (1990) một bộ phim mang tính đột phá của Vương Gia Vệ vào danh sách này. Bộ phim đã được lưu hành trong nhiều năm với một phiên bản quốc tế duy nhất, gần đây phiên bản đó đã có mặt dưới dạng DVD. Nhưng vài người đã nhớ lại rằng họ đã từng xem những cảnh quay thoáng qua, đầy ảo giác của bộ phim này. Trước đây, tôi đã từng nghiên cứu phiên bản đó và tôi phát hiện rằng những gì mình nhìn thấy thật đáng giá. Phiên bản hiếm có này mô tả vài khía cạnh trong phong cách về sau này của Vương Gia Vệ, đặc biệt là những điều được thấy trong “Tâm Trạng Khi Yêu” (2000). Tôi không có lời giải cho rất cả những ô chữ này nhưng tôi đã tập hợp vài thông tin. Nếu bạn biết vài điều về phiên bản “chìm trong góc khuất” này, hãy thoải mái viết cho tôi và tôi sẽ viết thêm những bình luận của bạn vào bài viết này.

Tôi cần phải nói thêm rằng bài viết dưới đây có chứa những thông tin tiết lộ nội dung phim. Trong các bức ảnh, sự khác biệt trong sắc điệu và tỉ lệ hình ảnh xuất phát từ hai nguồn phim của tôi, một bản DVD và một bản 35mm (bản phim mà tự nó có một ít những dao động trong tỉ lệ hình ảnh trong mỗi cảnh quay)


Trước tiên hãy đến với những điều cuối cùng


“A Phi Chính Truyện” bắt đầu ở Hồng Kông những năm 60. Bộ phim đi theo bước chân của Yuddy (Leslie Cheung – Trương Quốc Vinh), một thanh niên điển trai thường đi quyến rũ phụ nữ, trong đó đáng chú ý là cô nàng đanh đá Lulu (Carina Lau – Lưu Gia Linh) và cô gái dịu dàng, ngây thơ Tô Lệ Trân (Maggie Cheung – Trương Mạn Ngọc). Sống với người dì, Yuddy luôn tự hỏi tại sao mẹ anh lại bỏ rơi anh. Anh tìm thấy mẹ ruột của mình ở Philippines nhưng lại không thể đối diện với bà.

Trong cao trào phim ở Manila, Yuddy đã gặp người thủy thủ (Andy Lau – Lưu Đức Hoa) và họ đã đánh nhau với những tên du côn ở đó. Hai chàng trai vội vã chạy trốn bằng cách nhảy lên một toa xe lửa. Tình cờ, người thủy thủ ấy lại chính là một cựu cảnh sát Hồng Kông, anh từng đem lòng yêu Lệ Trân, và – bí ẩn lớn nhất phim – một chàng trai chải chuốt trong một căn hộ xơ xác, anh ta dũa móng tay, chải tóc, chỉnh trang bản thân với khăn tay và thuốc lá, sau đó bước ra ngoài. Anh ta hoàn toàn im lặng và trước đó chưa từng xuất hiện trong phim. Đó là một trong những thủ pháp kể chuyện liều lĩnh nhất trong điện ảnh đương đại và nó đã tạo ra rất nhiều lời bình luận.

Những điểm khác biệt trong cảnh cuối phim bắt đầu từ cảnh trên xe lửa. Trong phiên bản quốc tế, chúng ta đã thấy một cảnh quay phong cảnh giữa hai toa xe lửa từ góc nhìn trên cao giữa cảnh quay của nhân vật cảnh sát.



Điều này tạo ra một đoạn hồi tưởng nhỏ vì Yudy đã chết do đạn súng. Giọng nói của viên cảnh sát vang lên khởi đầu cho sự chuyển cảnh: “Lần cuối cùng tôi gặp anh, tôi đã hỏi anh một câu hỏi.” (Điều thường thấy trong tác phẩm của Vương Gia Vệ, chúng ta không có cách nào biết được ai là người đang được đề cập đến; đây có thể là một lời độc thoại nội tâm, một lời tường thuật cho một nhân vật không có mặt trên màn ảnh, hay đơn giản là một nhân vật mà khán giả tự nhận thức.) Chỉ trong hơn hai phút ngắn ngủi, máy quay chỉ tập trung vào nhân vật cảnh sát. Anh ta hỏi Yuddy có nhớ mình đã làm gì tại một thời điểm nhất định hay không. Yuddy ngay lập tức hiểu rằng viên cảnh sát đã gặp Lệ Trên, và anh đã trả lời phía sau màn ảnh, anh hỏi về mối quan hệ giữa viên cảnh sát với Lệ Trân, và nhờ anh ta nói với cô rằng, Yuddy không nhớ gì về cô ấy cả. Viên cảnh sát lo rằng Lệ Trân thậm chí còn không thể nhận ra mình.

Đoạn chuyển cảnh kết thúc với một cảnh quay không lời, khi Yuddy ngồi trên ghế, đôi mắt mở vô hồn, một đoạn nhạc của “Perfidia” vang lên. Cảnh quay kết thúc với hình ảnh đoàn tàu lửa dài đang lướt đi. Một âm thanh vang lên khi viên cảnh sát bước đi trong đêm tối sau cuộc gặp gỡ với Lệ Trân, vì vậy mà cảnh quay này gợi nhớ cho chúng ta tình yêu của viên cảnh sát dành cho Lệ Trân.



Phiên bản thứ hai không thay đổi tình huống phim quá nhiều, nhưng nó đem đến cho chúng ta những dấu ấn khác. Sau cảnh quay giữa hai toa xe lửa, chúng ta có một cảnh quay khá dài tập trung vào nhân vật cảnh sát; sau đó chúng ta nghe thấy tiếng nói: “Lần cuối cùng tôi gặp anh, tôi đã hỏi anh một câu hỏi.” Một cảnh quay cận cảnh của Yuddy được thay thế cho cảnh quay viên cảnh sát. Trong hai phút phim, anh nói và những phản ứng của nhân vật cảnh sát không được chiếu trên màn ảnh.



Theo những gì mà tôi có thể nói ở đây, đoạn đối thoại là đồng nhất. Về mặt hiệu ứng, chúng ta có một cảnh quay thực tế / một cảnh quay đảo chiều giữa hai phiên bản phim! Và thay vì việc tiếp tục hình ảnh Yuddy hay cắt bỏ phản ứng của viên cảnh sát, Vương Gia Vệ đơn giản chỉ cho chúng ta nhìn thấy hai người đàn ông đang ngồi trên ghế đối mặt nhau. Cùng với điều này là một cảnh quay rất khác của đoàn tàu, gió lùa qua tán lá xanh, một cảnh quay rất nổi tiếng đã chiếu trước đó và trong cảnh quay này, không hề có âm nhạc.



Phiên bản quốc tế đặt điểm nhấn ở nhân vật cảnh sát, người vừa thách thức Yuddy, vừa phản chiếu một cách không cân xứng tình huống của chính mình; Có lẽ vì vậy mà đoạn nhạc “Perfidia” rất hợp với nhân vật này. Phiên bản thứ hai khiến chúng ta tập trung vào Yuddy, ánh nhìn chăm chú cuối cùng của chúng ta dành cho nhân vật này, trước hai cảnh quay xác nhận lại sự tương quan giữa hai người đàn ông và có lẽ là cả ký ức của họ.


Kết thúc phim


Sự khác nhau tiếp tục diễn ra ở những cảnh quay cuối. Cả hai phiên bản đều bắt đầu bằng cảnh Lulu bước dài trước máy quay trong một khung hình từ xa. Cô ấy đang ở Philippines.

Trong phiên bản quốc tế, cảnh quay này tiếp tục với việc Lulu bước vào phòng ngủ, treo áo lên và nói với bà chủ nhà trọ: “Tôi muốn hỏi bà về một người.”



Trong phiên bản thứ hai, chúng ta nhìn thấy cô đi ngang qua một hành lang nhếch nhác của nhà trọ và hỏi thuê phòng. Kết quả là, cảnh quay không làm rõ lắm chuyện cô đang tìm kiếm Yuddy.



Cảnh quay thay đổi chuyển sang sân vận động, nơi mà Lệ Trân đang là nhân viên bán vé. (Cuốn sách của Stephen Teo viết về Vương Gia Vệ đã ghi rõ rằng đó là sân vận động South China Athletic Association.) Khách hàng đang xếp hàng để vào sân xem bóng đá. Phiên bản “chìm trong góc khuất” cho chúng ta hai cảnh quay nhanh của đám đông, trong đó cảnh quay thứ hai kết thúc với hình ảnh quay nghiêng của Lệ Trân trong phòng vé.




Phiên bản chính thức chỉ chiếu một cảnh quay xếp hàng và kết thúc với hình ảnh tĩnh. Nhưng phiên bản này có một cảnh quay khác, mở đầu với gương mặt của Lệ Trân nghiêng đầu bên ô cửa sổ.


Ở điểm này thì phiên bản thứ hai đã lược bỏ hai cảnh quay cuốn hút rất nhiều lời bình luận. Trước cảnh quay Lệ Trân đóng cửa phòng vé, chúng ta nhìn thấy một góc nhìn từ trên cao hình ảnh đường ray xe điện và một cảnh quay chiếc đồng hồ bên ngoài sân vận động.



Cảnh quay chiếc đồng hồ gợi cho Lệ Trân nhớ lại cuộc gặp gỡ với Yuddy, trong khi cảnh quay đường ra tàu điện khiến cô nhớ lại cuộc gặp giữa đêm mưa với viên cảnh sát. Thay vì những cảnh quay hoang vắng này, những cảnh quay trong phiên bản thứ hai từ cảnh Lệ Trân trong phòng vé cho đến cảnh trận bóng đá trên sân, được nhìn thấy rất rõ qua khe cửa trong phòng vé của cô.


Phần còn lại của đoạn này ở hai phiên bản đều giống nhau. Lệ Trân đang đọc báo trước khi đóng cửa phòng vé.



Cả hai phiên bản đều có cảnh quay buồng điện thoại, nơi mà Lệ Trân và viên cảnh sát đã đứng bên nhau, tiếp đó là một cảnh quay cận vào phía trong. Điện thoại đang đổ chuông.



Cảnh quay đầu tiên là một cảnh gợi nhớ, từ góc máy cao, đêm mưa mà hai người gặp gỡ. (Những nhân vật của Vương Gia Vệ thường bị ám ảnh bởi ký ức nhưng không chỉ vậy, ông còn buộc khán giả phải dùng đến ký ức của chính mình.)


Viên cảnh sát bảo Lệ Trân hãy gọi điện cho anh, và cảnh quay sau cho thấy cô ấy đang đóng cửa sổ, vì vậy chúng ta có thể suy ra rằng cô ấy đang cố gắng liên lạc với anh – nhưng không biết rằng anh đã không làm cảnh sát nữa mà trở thành một thủy thủ, và đã chứng kiến người yêu của cô chết. Nhưng chúng ta không thể biết chắc được rằng cô ấy có phải là người gọi điện hay không.

Trong cảnh quay cuối cùng của cả phim, chúng ta nhìn thấy Lương TriềuVỹ đang chải chuốt, cảnh quay này ở cả hai phiên bản đều giống nhau. Đây thật sự là một điểm then chốt. Tại sao Vương Gia Vệ lại cho chúng ta xem hình ảnh của tay đầu cơ bần cùng này trong hơn hai phút rưỡi? Anh ta không có mối liên hệ rõ ràng với bất kỳ một nhân vật nào mà chúng ta đã theo dõi trước đó và chúng ta cũng sẽ không bao giờ gặp lại anh ta.

Hầu hết các nhà phê bình đều chấp nhận lời giải thích của Vương Gia Vệ khi ông nói rằng ông đã có kế hoạch làm phần tiếp theo, một bộ phim sẽ cho chúng ta thấy ảnh hưởng của Yuddy đến những nhân vật khác kéo dài như thế nào sau cái chết của anh. Patrick Tam nói với Stephen Teo rằng cảnh quay này là ý tưởng của anh, một màn dàn dựng hay có thể xem là một trailer cho bộ phim kế tiếp, nó biến mọi thứ mà chúng ta xem từ trước đến nay trở thành một đoạn mở đầu dài dòng. Nhưng “A Phi Chính Truyện” lại thất bại ở phòng vé, khi chỉ thu về 9,7 triệu Đô la Hồng Kông, tương đượng với 1,25 triệu Đô la Mỹ (trong cùng năm đó, bộ phim “Đỗ Thánh” của Châu Tinh Trì đã thu về gấp bốn lần số đó). Vì vậy mà phần tiếp theo đã không bao giờ được làm.

Nhưng những chi tiết hấp dẫn này không thật sự phù hợp với mục đích và hiệu ứng của một phần phim tiếp theo. Một lời giải thích nguyên nhân không nhất thiết phải khuất phục một lời giải thích theo khuôn mẫu. Cảnh quay phá vỡ cấu trúc này có vai trò gì trong sựng bùng nổ của bộ phim? Nếu Vương Gia Vệ đã làm phần tiếp theo, có lẽ cảnh quanh này sẽ được xem như một sự thành công sáng giá; không có bộ phim theo sát ở trên, làm thế nào mà chúng ta có thể chứng minh cho sự hiện diện của nó?

Cách lý giải của Stephen Teo khá hợp lý, ông cho rằng hình ảnh chải chuốt của Lương Triều Vỹ là sự khái quát hóa trường hợp của Yuddy, và rằng chứng tự yêu bản thân vô nguồn gốc của anh chính là một tình trạng của nhiều thanh niên thời bấy giờ. Bạn cũng có thể cho rằng anh đã cung cấp cho chúng ta một phiên bản nam tương ứng của cô gái ăn chơi Lulu; cũng giống như hình ảnh chàng cảnh sát của Lưu Đức Hoa, một người tốt, phù hợp với nhân vật Lệ Trân, Lương Triều Vỹ sẽ thành một đôi với Lulu hợp hơn là người bạn của Yuddy (Jacky Cheung – Trương Ngọc Hữu) dù anh ta đã tương tư cô từ lâu.

Thật ra, phiên bản thứ hai đã làm sáng tỏ một chút về vấn đề này. Nó không cung cấp một câu trả lời chính xác giải thích cho những gì mà Lương Triều Vỹ đang làm ở đây, nhưng nó thật sự đã đưa ra một vài khả năng khiến khán giả tò mò. Trong phiên bản thứ hai, Lương Triều Vỹ không phải là nhân vật cuối cùng mà chúng ta nhìn thấy, anh là nhân vật đầu tiên. Và anh được đặt trong một cảnh quay mang đậm phong cách của Vương Gia Vệ, phong cách mà nhờ đó Vương Gia Vệ nhận được cả sự ngưỡng mộ cũng như chỉ trích.


Sự lơ đãng và dấu chấm lửng


Sau những dòng chữ đầu tiên của phim, phiên bản quốc tế mở đầu với cảnh Yuddy bước đi vào sân vận động và tán tỉnh thôi miên Lệ Trân. Nhưng trong phiên bản “chìm trong góc khuất” mà tôi nghiên cứu thì phim đã xen ngang vào những dòng chữ ấy và chiếu cho chúng ta thấy hình ảnh chàng thanh niên do Lương Triều Vỹ thủ diễn, đang dũa móng tay. (Nó dường như là một phần mở rộng ra trước đó của cảnh phim cuối cùng.)


Trên nền hình ảnh đó, chúng ta nghe thấy một giọng nam vang lên (trong bản phim, đoạn này không có phụ đề):


Tôi đã gặp lại anh một lần nữa. Anh vừa trở về từ Philippines. Anh ốm hơn trước rất nhiều. Tôi hỏi anh chuyện gì đã xảy ra. Anh trả lời rằng anh vừa mới khỏi bệnh. Anh không muốn trò chuyện nên tôi không hỏi anh xem anh bị bệnh gì.

Sau đó, chúng tôi đã không còn gặp nhau nữa.


Điều này thật sự rất bí ẩn. Giọng nói này là của ai – Lương Triều Vỹ, Lưu Đức Hoa? Tôi không thể xác định được. Và “anh” ở đây là muốn ám chỉ ai? Nhân vật tiềm năng nhất chính là Lưu Đức Hoa, người có thể vừa trở về Hồng Kông; và anh trông có vẻ đang bị bệnh trong những cảnh cuối phim. Nhưng đó có thể là nhân vật của Lương Triều Vỹ, được miêu tả bởi một người khác hay thậm chí đó có thể là Yuddy, bằng cách nào đó đã sống sót và quay trở về Hồng Kông.

Những điều băn khoăn này khiến chúng ta có thể giả định rằng những cảnh phim trước đó chính là một đoạn hồi tưởng mang đậm chất thơ với hình ảnh cuối cùng là Lương Triều Vỹ đứng dậy khỏi chiếc giường và chuẩn bị cho chuyến dạo chơi đêm. Điều này đem đến cho chúng ta một lời biện minh chính thức và hoàn toàn chính xác cho cảnh cuối phim, khi mà giờ đây mọi hành động khi mở đầu đã được hoàn thành. Nhưng điều quan trọng là chúng ta vẫn phải rời mắt khỏi màn hình với một câu hỏi khác. Thay vì thắc mắc tại sao phim lại kết thúc bằng nhân vật mơ hồ này, giờ đây chúng ta lại tự hỏi tại sao anh ta lại được sử dụng để dựng nên bộ phim.

Tuy nhiên, câu hỏi chỉ mới bắt đầu. Sau cảnh quay 18 giây của Lương Triều Vỹ bảnh bao, chúng ta có thêm một đoạn nhạc phim kéo bài khoảng 83 giây nữa. Thật là rối rắm. Chúng ta đang đang mắc kẹt trong một chuỗi những hành lang, có chút gì đó khiến ta gợi nhớ đến những ngã tắt trong chung cư Trùng Khánh của phim “Trùng Khánh Sâm Lâm”, và mọi thứ đang diễn ra rất chậm. Chúng ta đang theo bước Lưu Đức Hoa, trong một chiếc áo len chui đầu màu vàng, sải bước qua bóng tối và đang ướt đẫm mồ hôi. Sau đó chúng ta tìm thấy anh đang chơi bài với một người đàn ông không rõ danh tính. Ở một góc nọ, chúng ta nhìn thấy một người phụ nữ đang bước lên cầu thang, tại những góc khác, chúng ta mơ hồ lướt qua một người đàn ông với một con rắn khổng lồ đang quấn quanh người anh ta. Chuỗi hình ảnh kết thúc với các cảnh quay một bàn tay đang cầm một con dao và Lưu Đức Hoa, trở lại hành lang, sải bước rời xa chúng ta. Toàn bộ chuỗi hình ảnh được kết nối bằng giai điệu của ca khúc “Jungle Drums”, sau đó bài hát lại tiếp tục vang lên từ cảnh quay trong căn hộ của Lương Triều Vỹ nhưng giờ đây, người hát ca khúc ấy là một giọng nữ (Anita Mui – Mai Diễm Phương).


Tôi đã có thể chụp lại những hình ảnh này, vì vậy mà tôi sẽ xem xét chúng theo từng cảnh một, mặc cho chất lượng thất thường của chúng. (Hình ảnh rất tối, bản phim đã bị hư hại và có vài vết lốm đốm nhỏ). Sau cảnh mở đầu của Lương Triều Vỹ, chúng ta có thêm 18 cảnh nữa, tất cả đều hiện lên rất chậm, rất tập trung và gần như sử dụng toàn bộ chuyển động của máy quay. Thông thường các cảnh quay được ghép lại trong một khung hình bình thường nhưng đôi khi sự kết nối lại rất mạnh mẽ. Như các tác phẩm thường thấy của Vương Gia Vệ, sự phối hợp về mặt thời gian của các cảnh quay được phối hợp với nhịp phách hay những giai điệu khác trong âm nhạc.

Cảnh quay đầu tiên cho thấy một người phụ nữ đang bước lên cầu thang và chúng ta nhanh chóng nhìn thấy Lưu Đức Hoa đang ngước nhìn cô trước khi anh bắt đầu đi về phía hành lang, tại đó anh lướt qua một người đàn ông với con rắn quấn quanh người.





Sau đó là hình ảnh quay cận của Lưu Đức Hoa, anh đang lau hồ hôi trên mặt, tiếp đến là cảnh quay anh vẫn đang bước đi.




Lưu Đức Hoa đi quanh một góc và bước xuống phòng lớn, vươn tay chạm vào tường. Tại một trong những hình ảnh hòa hợp tương phản, một bàn tay khác mở ra một cánh cửa, như thể là một hành động hoàn tất cho các chuyển động của anh. Chúng ta nhìn thấy một ván bài ở bên trong. Hình ảnh có lẽ là từ góc nhìn của Lưu Đức Hoa, nhưng máy quay lại sớm lướt đi trở lại.




Một bàn tay cầm thuốc lá được chiếu cận cảnh hơn. Một khung hình quay cận, mong manh và bao trùm trong làn khói thuốc cho chúng ta thấy rằng người chơi bài chính là Lưu Đức Hoa.




Đột nhiên, có một cảnh quay bất ngờ về con rắn đang quấn quanh cánh tay của người đàn ông; Cảnh quay kéo dài trong 16 khung hình, hay khoảng 2/3 giây. (Vâng, tôi lại đếm khung hình phim nữa rồi). Tiếp theo là một cảnh quay mờ ảo, Lưu Đức Hoa xoay đầu lại, chỉ kéo dài trong 19 khung hình. Cứ như thể là cảnh quay con rắn vừa rồi đã thu hút ánh nhìn cùa Lưu Đức Hoa.




Người đàn ông với con rắn, vẫn không hiện rõ trên màn ảnh, bước đi và tiến vào sau một bức màn. Cảnh quay chuyển đến hình ảnh một ngọn đèn được bao đọc bởi một tờ giấy với khói thuốc đang vây phủ.




Cảnh quay bí ẩn kinh điển: Một người đàn ông vạm vỡ trong bộ đồ vest, được nhìn từ đằng sau, bao quát xung quanh, và máy quay theo sau lưng anh. Nhưng thay vì cho khán giả biết anh ta là ai, khung hình lại quay trở về với Lưu Đức Hoa, anh đang quay lại với ván bài.




Một chuỗi những hình ảnh mới lại bắt đầu. Máy quay hướng sang một bức tường đá, những giọt nước đang chảy xuống. Đây là chi tiết xác nhận rằng chúng ta đã trở lại với hành lang, chúng ta nhìn thấy một bàn tay đang cầm một con dao. Ở đây có một hiệu ứng lạ lùng trong việc phối hợp các chuyển động, với con dao hướng lên đang được máy quay ghi lại theo chuyển động lên xuống của người cầm dao.




Từ một góc máy khác, bàn tay kéo con dao ra khỏi khung hình.




Giờ đây chúng ta có những chuyển động từ phía đối lập – hướng lên phía trên và nằm ở phía bên phải của cảnh quay con dao lúc đầu, ngang sang phía bên trái của cảnh này. Âm điệu được bật lên trong cảnh quay ngắn ngủi (từ 21 đến 30 khung hình). Cuối cảnh quay thứ hai này, chúng ta có thể thấp thoáng thấy một ai đó đang bước ra từ trong bóng tối.

Những đoạn quay con dao được tiếp tục với hình ảnh cận cảnh Lưu Đức Hoa bước đi cô độc ở hành lang, như nhiều đoạn đầu trong chuỗi cảnh quay này. Cảnh quay cuối cùng cho thấy anh đang bước đi xa ra khỏi chúng ta. Đoạn này có vẻ có liên hệ với cảnh trước đó, khi anh vươn tay ra chạm vào bức tường bên trái. Hình ảnh mờ dần đi cùng với âm nhạc.




Sau hình ảnh Lưu Đức Hoa bước đi trên hành lang mờ dần, những dòng chữ tiêu đề phim lại tiếp tục và cảnh quay của Yuddy cùng Lệ Trân bắt đầu nội dung chính của phim.

Vương Gia Vệ đã từng sử dụng phong cách phim kết hợp âm nhạc trong “As Tears Go By” (đoạn phim sử dụng ca khúc “Take My Breath Away” đầy ấn tượng và tôi đã từng phân tích trên tờ Planet Hong Kong). Nhưng nó có chức năng như một lời bình luận đầy trữ tình cho một tình huống phim sắc nét, theo lối thông thường: Wah đến thăm Ngor ở đảo Lantau và hỏi thăm cô một cách gượng gạo. Cảnh quay này trong “A Phi Chính Truyện” phức tạp hơn vì nó không có câu chuyện rõ ràng. Nó thật sự tạo ra được bầu không khí lơ đãng đã thống trị suốt bộ phim, nhưng cũng ngầm ám chỉ đến tình huống nguy hiểm (những tay chơi bạc, bàn tay cầm dao) mà không bao giờ thực sự xảy ra trong phim.

Sau đoạn mở đầu mờ ảo của Lương Triều Vỹ, chuỗi cảnh quay này lại đặt ra cho chúng ta những câu hỏi khác. Sau đó chúng ta sẽ biết được rằng Lưu Đức Hoa là một viên cảnh sát chăm chỉ; Vậy anh ấy đang làm gì trong hang ổ của bọn trộm cướp? Những khán giả nội địa sẽ sớm nhận ra rằng địa điểm quay phim chính là Cửu Long Thành Trại, một nơi có nhiều thành phần phức tạp nằm ở giữa Cửu Long. Có phải Lưu Đức Hoa là một cảnh sát ngầm trước khi anh khoác trên mình bộ đồng phục cảnh sát?

Và ai là người cầm dao? Lúc đầu tôi nghĩ đó là Lưu Đức Hoa, nhưng khi xem xét gần hơn thì có vẻ không giống lắm; không có gì trong tay anh trong cảnh quay dài trước đó cả. Có ai đó đang bám đuôi anh chăng? Chúng ta không bao giờ biết được.

Vương Gia Vệ rất thích thú khi đem đến cho chúng ta những ấn tượng hiếm hoi về các chi tiết, đôi khi là mối kiên kết giữa nhận thức của các nhân vật, đôi khi là những âm điệu bay vút, hình ảnh hòa hợp với âm nhạc. Nhưng không như âm nhạc trong “As Tears Go By” và trong những phim sau này, “A Phi Chính Truyện” gần như không thể suy đoán được ngôn ngữ phim. Không có gì khác trong “A Phi Chính Truyện” ngoài hình mẫu uyển chuyển khi âm nhạc trải dài trong cảnh phim. Nó có thể tồn tại như là một trường hợp đặc biệt và tượng trưng cho sở thích của Vương Gia Vệ trong việc sử dụng thể loại biểu hiện mang đậm chất thơ, và sự miễn cưỡng của ông khi phải thể hiện chúng trong một cốt truyện theo hình mẫu.


Những lời giải cục bộ, càng bí ẩn hơn

Trở lại thời điểm 2001, Shelly Kraicer, người khởi xướng ra “Danh sách phim điện ảnh Trung Quốc”, đã viết rằng bà từng xem phiên bản này, và vài người khác trong các bài hồi ký và phê bình của mình cũng cho biết họ đã xem qua. Vào năm 2004, tôi có hỏi một vài người bạn Hồng Kông của mình về điều này. Nhà giáo, nhà phê bình điện ảnh đồng thời cũng là nhà làm phim Shu Kei, người có nhiều kỷ niệm với điện ảnh Hồng Kông, đã trả lời:

Tôi nhớ cảnh phim mà bạn miêu tả. Nếu tôi nhớ không lầm thì đó là phiên bản được Vương Gia Vệ biên tập lại sau buổi công chiếu vào nửa đêm không được thành công lắm của bộ phim, và nó chính là “phiên bản chính thức được phát hành” cho các buổi chiếu tiếp theo trong các tuần sau đó.

“A Phi Chính Truyện” phát hành vào ngày 15 tháng Mười Hai năm 1990 và chiếu cho đến ngày 27 tháng Mười Hai, vì vậy, có lẽ đây là phiên bản thực sự được công chiếu ở Hồng Kông. Trong những bức thư trao đổi về danh sách của Shelly vào năm 2001, Bérénice Reynaud, người đã xem “bản công chiếu trước” ngay tại phòng lab, đã “nhiệt tình” nói rằng đoạn mở đầu không hề có trong phiên bản đó.

Shu Kei cung cấp thêm những thông tin xa hơn về cảnh quay chơi bài:

Những cảnh quay Lưu Đức Hoa chơi bài và sau đó đánh nhau (đúng nguyên văn) được quay từ phần trước đó của phân đoạn dài dòng, trong đó Lưu Đức Hoa vào vai một tay xã hội đen – một nhân vật ở Cửu Long Thành Trại. (Nhân vật và phần lớn ý tưởng gốc của “A Phi Chính Truyện, sau đó đã được tái sinh trong “Days of Tomorrow - Thiên Trường Địa Cửu”, 1993 của Lưu Trấn Vĩ). Nhân vật của Lưu Đức Hoa sau đó đã thay đổi thành cảnh sát.

Hai nhà phê bình người Hồng Kông khác đã nói với tôi rằng phiên bản chỉnh sửa lại đã được làm để đảm bảo cho hai ngôi sao lớn là Lưu Đức Hoa và Lương Triều Vỹ có màn ra mắt sớm và nổi bật, vì nếu không có phần đó thì họ chỉ là những vai nhỏ. Michael Campi trình bày trong lá thư năm 2001: “Tôi đã được kể lại rằng trong nỗ lực điên cuồng để cứu lấy danh tiếng cho bộ phim, người ta đã quyết định một cách ngu ngốc khi thêm Lương Triều Vỹ vào phần mở đầu cũng như đoạn kết.”

Nếu đây là một chiến lược thì nó khiến tôi nhớ lại những thay đổi trong phiên bản quốc tế của “Đông Tà Tây Độc” (nguyên gốc là bản Đài Loan), với phần mở đầu và phần kết là những cảnh chiến đấu bùng nổ. Li Cheuk To, người phụ trách Liên hoan phim Hồng Kông giải thích, những thay đổi này được tạo ra là để đảm bảo cho khán giả biết rằng sẽ có cảnh đánh kiếm trong một bộ phim thiên về thọai nhiều hơn như thế này.

Dù vậy nhưng mọi thứ đã đi quá xa. Phần mở đầu chính là điểm then chốt, nhưng giả sự rằng bộ phim cuối cùng mà tôi đã xem là phiên bản đã được chỉnh sửa vào năm 1990, vậy thì làm sao mà những điều khó hiểu đã phác họa ở trên có thể giải thích cho sự không tương thích của những cái kết phim? Tại sao sự không hài lòng của khán giả hay những yêu cầu của nhà sản xuất lại ép Vương Gia Vệ phải loại bỏ đi những cảnh quay tĩnh của sân vận động và chiếc đồng hồ? Hay tại sao lại thay thế một cảnh quay khác (và tối nghĩa hơn) của Lulu ở Philippines? Hay tại sao lại thay đổi cảnh quay cuộc đối thoại trên xe lửa giữa Yuddy và viên cảnh sát? Hay tại sao lại đem đến một cảnh quay khác của đoàn tàu? Hay tại sao lại cắt bỏ đoạn nhạc “Perfidia” đầy ám ảnh?

Trên tất cả, chúng ta vẫn không biết được phiên bản công chiếu lúc nửa đêm là một bản phim như thế nào. Liệu nó có tương đồng với phiên bản quốc tế hiện nay hay không hay nó lại là một phiên bản thứ ba? Nói cách khác, liệu Vương Gia Vệ đã tái sinh hay không tái sinh phiên bản đó? Vì lý do gì mà ông hay các nhà phân phối phim của ông lại thay phiên bản “chìm trong góc khuất” bằng một phiên bản khác khi phát hành toàn cầu?

Trước đó, vào tháng Sáu trong bài thảo luận “Grover Crisp’s visit” trên blog của chúng tôi với Madison, anh đã cho rằng việc các bộ phim phát hành những phiên bản thay thế là điều rất quan trọng. Chúng ta đơn giải phải biết chấp nhận điều đó. Đặc biệt là đối với các phim Hồng Kông, chúng thường được chỉnh sửa lại để phát hành ở nhiều thị trường. Và tôi muốn biết rằng có một phiên bản khó hiểu đặc biệt của “A Phi Chính Truyện” – một phiên bản khiến chúng ta hình dung ra những khả năng thực tế rộng hơn và tăng thêm lời mời gọi đối với bộ phim bí ẩn này. Dù sao đi nữa, tôi cũng rất hoan nghênh những thông tin thêm về những điều này, đặc biệt là những thông tin từ chính Vương Gia Vệ.

Cảm ơn Alex Wong vì đã giúp tôi dịch đoạn độc thoại đầu phim.

***