Tìm kiếm bài trong Blog này

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Nam sanh nữ tương: Những phần liên quan đến Leslie Trương Quốc Vinh

Nam Sanh Nữ Tương: Trung Quốc Điện Ảnh chi Tính Biệt (男生女相:中国电影之性别 hay Yang ± Yin: Gender in Chinese Cinema), đạo diễn bởi Quan Cẩm Bằng (Stanley Kwan) là một tác phẩm Hong Kong thuộc thể loại phim tài liệu ra mắt năm 1996, thời lượng 80 phút.

LINK DOWNLOAD (torrent, with Eng-sub) : http://asiafilm.tv/project/yan-pol-v-kitajskom-kino/ => this is uploaded by Yara

LINK FULL YOUTUBE (with Viet-sub) : https://www.youtube.com/watch?v=pXUxZ1LuKw0&t=1862s


Dưới đây là phần mình dịch sơ lại từ bản engsub những đoạn phim có liên quan tới Leslie từ rất lâu rồi, hiện đã có link xem online do Khue Nguyen thuộc Leslie Cheung Vietnamese Fanclub thực hiện vietsub mình đã cập nhật ở phía trên. 


======================



Ngoài Quan Cẩm Bằng, các vị khách mời gồm có : Các đạo diễn Trương Triệt, Trần Khải Ca, Phương Dục Bình, Hầu Hiếu Hiền, Lý An, Thái Minh Lượng, Từ Khắc, Ngô Vũ Sâm, Tạ Tấn, Trương Nguyên, Dương Đức Xương và hai diễn viên Trương Quốc Vinh, Địch Long. [Phim có sự hiện diện/điểm tên của gần như mọi đạo diễn quan trọng nhất của Hoa ngữ đương thời, mở đầu là lời tự sự của đạo diễn Quan Cẩm Bằng về gia đình anh, sức ảnh hưởng của những người mẹ người chị và ám ảnh về người cha mất sớm. Anh cũng tự nhận mình là “một đạo diễn của nữ giới” khi thường xuyên trong các tác phẩm của anh nhân vật trung tâm đều là phụ nữ.

Thước phim tài liệu đề cập rằng trong giai đoạn đầu của điện ảnh Hoa ngữ, các nữ minh tinh là những người nắm giữ sức hút trên màn bạc, và điều này trái ngược hoàn toàn với nền điện ảnh Mỹ. Chỉ đến thời của đạo diễn Trương Triệt sức hấp dẫn của hình ảnh nam giới trên phim mới được khai thác đúng đắn và được chú trọng.]


........


[Bộ phim tài liệu nhắc tới tác phẩm kinh điển Dạ Bán Ca Thanh năm 1937 của Trung Quốc, đề cập đến rằng thời kỳ này phim kinh dị Hoa ngữ chịu ảnh hưởng của phong cách Hollywood.]

[Quan Cẩm Bằng] Vào năm 1995, Hong Kong cho ra mắt phiên bản làm lại Dạ Bán Ca Thanh với sự tham diễn của Leslie Trương Quốc Vinh.

[Bắt đầu chiếu một số trích đoạn trong hai bộ phim]

[Quan Cẩm Bằng] Trương Quốc Vinh là một người đàn ông điển trai. Trong phim Dạ Bán Ca Thanh anh diễn vai một người ca sĩ bị kẻ ác tàn bạo hủy hoại dung mạo. So sánh giữa cũ và mới, phiên bản nào anh cho là hay hơn ?

[Trương Quốc Vinh] Tôi cảm thấy kịch bản của bản phim mới đã để lỡ mất một số cơ hội khai thác tâm lý nhân vật. Đặc biệt là cảm xúc của nhân vật nam chính sau khi gương mặt anh ta bị hủy hoại. Nó chưa đủ sâu sắc. Tôi cho rằng nó vẫn còn quá giả tạo, đã dành quá nhiều đất cho phần lãng mạn ái tình. Tôi biết phiên bản gốc đưa ra được nhiều thông điệp hơn.


[Chiếu một số trích đoạn hai phiên bản Dạ Bán Ca Thanh]

[Quan Cẩm Bằng] Dung mạo bị biến dạng là một gợi ý liên tưởng đến thói tự yêu bản thân (khí chất hoa thủy tiên). Trương Quốc Vinh đã diễn qua nhiều nhân vật chỉ yêu chính mình. Tôi hỏi anh, liệu anh có thật là một kẻ tự yêu mình không ?

[Trương Quốc Vinh – cười tươi khoái chí ] Hiển nhiên rồi !

[Hình ảnh nhân vật của Trương Quốc Vinh qua các phim Anh Hùng Bản Sắc, Yên Chi Khâu, Bá Vương Biệt Cơ]

[Quan Cẩm Bằng] Vậy phần nào mới là ấn tượng trước nhất ? Khí chất hoa thủy tiên của Trương Quốc Vinh hay là khía cạnh “nữ tính” của các nhân vật ?

[Trương Quốc Vinh] Tôi nghĩ mình sở hữu một số phẩm chất độc đáo. Khán giả kết nối được với chúng. Có lẽ là một dạng nhạy cảm, đặc biệt là trong thể loại lãng mạn. Một chất gì đó mong manh, nhẹ nhàng.



[Chiếu trích đoạn phim Bá Vương Biệt Cơ]

[Quan Cẩm Bằng] Nội dung của cuốn tiểu thuyết là về mối quan hệ yêu/hận giữa hai nam nghệ sĩ tuồng cổ Bắc Kinh. Nhưng bộ phim đã giảm đi các yếu tố đồng tính và nhấn vào chuyện một người phụ nữ xen vào giữa hai người đàn ông. Thêm nữa, tình cảm của người em cũng không được đáp đền. Tôi đã hỏi Trần Khải Ca vì sao anh lại có những thay đổi như vậy ?

[Trần Khải Ca] Khi tôi làm phim Bá Vương Biệt Cơ tôi không nhìn nhận đây là một câu chuyện đồng tính. Tôi chỉ lấy ra những chi tiết tôi cần từ trong cuốn tiểu thuyết. Sự thật là tôi đã phải chắt lọc lại. Tôi chắt lọc như thế nào ư ? Tại sao tôi xây dựng nên tuyến nhân vật cho Củng Lợi ? Tôi có những lý do hợp lý để làm như vậy. Thực tiễn nhất là chúng tôi đã tuyển Củng Lợi, chúng tôi phải tạo nhiều đất diễn hơn cho cô ấy thể hiện. Nhưng quan trọng hơn nữa là tôi cần một nhân vật tương phản với nhân vật của Trương Quốc Vinh. Tôi phải bổ sung vào bộ phim những mối dây tình cảm được xem là chính thống hơn để làm bật lên sự tương phản, để tô đậm những cảm xúc của người em dành cho người anh – nhân vật do Trương Phong Nghị thủ diễn.

[Trích đoạn phim Bá Vương Biệt Cơ]

[Quan Cẩm Bằng] Cái kết phim của Trần Khải Ca cũng khác biệt so với câu chuyện gốc. Đoạn kết của anh đi "đúng kiểu" hơn. Hai nam nghệ sĩ cùng diễn tập lại trích đoạn Hạng Vũ biệt Ngu Cơ, và nhân vật của Trương Quốc Vinh đã thật sự rút gươm tự vẫn. Cái kết nguyên thủy là hai nam nghệ sĩ khi về già đã gặp lại nhau trong một nhà tắm dành cho người đồng tính.

[Trích đoạn bản phim truyền hình Bá Vương Biệt Cơ năm 1982 giữ nguyên kết thúc như trong tiểu thuyết]




[Quan Cẩm Bằng] Một số người cho rằng việc thay đổi hướng đi câu chuyện của Trần Khải Ca là thể hiện cho thái độ kỳ thị người đồng tính. Vậy anh ấy đã biện hộ cho mình như thế nào đây ?

[Trần Khải Ca] Đối với tôi, kết phim cùng cái chết của Trình Điệp Y giúp đẩy bộ phim lên đến cực điểm. Tôi đã nghĩ tới nhiều tình huống cho kết thúc phim. Họ có thể vĩnh viễn xa nhau, những cuộc chia ly đẫm lệ, và vẫy tay tạ từ ... nhưng những điều đó không làm hài lòng tôi, cũng không phù hợp với cá tính Trình Điệp Y. Trình Điệp Y là kẻ sẽ cất cao giọng phản kháng. Tôi cho rằng thái độ ẩn đằng sau câu chuyện Bá Vương Biệt Cơ thuộc về thời hiện đại. Nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta có thể ép buộc lối suy nghĩ của người hiện đại lên các nhân vật và cuộc đời của họ. Đấy là hai chuyện khác nhau. Khi bộ phim ra mắt, dù thế nào khán giả cũng sẽ nhận ra cốt lõi của nó thôi. Và cốt lõi là Điệp Y là một người đàn ông. Dù anh ta có phơi bày mình thế nào, anh ấy vẫn là đàn ông. Đây là câu chuyện về một người đàn ông đem lòng yêu một người đàn ông khác.

[Hình ảnh và nội dung bắt đầu chuyển sang sự nghiệp của Trần Khải Ca cùng tác phẩm có liên quan tới đề tài đồng tính khác là The Big Parade, rồi họ nhắc sang bộ phim kinh điển Vũ Đài Thư Muội 1965 của đạo diễn Tạ Tấn]

...

[Tạ Tấn] Vào thời điểm đó tại Trung Quốc chúng tôi luôn phải dè chừng, đối mặt với nhiều “thứ”. Các tình tiết liên quan tới giới tính có thể được đưa vào, nhưng không được đi sâu. Chúng tôi phải nhấn nội dung theo góc nhìn chính trị. Thế nên tôi không thể đi theo đường hướng khác.

[Trần Khải Ca] Tôi không thấy việc khai thác mối quan hệ giữa hai người phụ nữ gắn bó với nhau theo cái cách mà “tôi cần nhìn nhận” như vậy là hướng đi thú vị. Nếu tôi làm đạo diễn Vũ Đài Thư Muội, nó sẽ là một câu chuyện tình yêu giữa hai người phụ nữ. Nhưng những gì Vũ Đài Thư Muội đã truyền tải thì lại chẳng liên quan.

[Trích đoạn phim Vũ Đài Thư Muội, rồi chuyển sang trích đoạn phim Bá Vương Biệt Cơ]

[Tạ Tấn] Những bộ phim đầu của Trần Khải Ca chú trọng vào nội dung và những điển hình tính cách nên khán giả không lấy gì làm thích thú. Chúng không gây được hứng khởi, lại còn khó xem nên chẳng có mấy người xem chúng (cười). Nhưng Bá Vương Biệt Cơ đã đóng một dấu ấn thay đổi lớn cho anh ta. Tôi nhận ra biến chuyển này thật sự đi vào chi tiết và tinh tế. Người Trung Quốc chúng tôi nhìn nhận dạng quan hệ này rất khác với người phương Tây. Giữa hai người nam nghệ sĩ, điều này chấp nhận cũng dễ thôi. Nhưng những phân cảnh gợi tình giữa anh ấy (Trương Quốc Vinh) với gã “vua tuồng cổ” đồng tính thì thật sự khó mà chấp nhận.

[Trích đoạn “khó chịu” của Bá Vương Biệt Cơ, rồi chuyển sang sự nghiệp của Tạ Tấn với những bộ phim đã đi vào lịch sử như Cao Sơn Hạ Đích Hoa Hoàn, Phù Dung Trấn. Tạ Tấn cũng được xem là một nhà đạo diễn thường xuyên tập trung vào phụ nữ như Quan Cẩm Bằng]


...............


[Phim nhắc tới phần sự nghiệp của đạo diễn Từ Khắc cùng sở thích “vặn xoắn” giới tính các nhân vật của ông qua các phim Đao Mã Đán, Tiếu Ngạo Giang Hồ chi Đông Phương Bất Bại, Lương Chúc ... và họ bắt đầu đề cập tới hình tượng phi nam phi nữ của Lâm Thanh Hà]

[Trương Quốc Vinh – đoạn này vừa nói vừa biểu cảm sinh động ] Trong chuẩn mực đạo đức của người Trung Hoa, sẽ dễ dàng được chấp nhận nếu một phụ nữ đóng vai phản xuyến hay giả trang nam nhi. Khi một phụ nữ diễn vai nam điều đấy không thành vấn đề gì, mọi người sẽ rất khoan dung với cô ấy. Nếu một người nữ phảng phất 60% nét nam tính, cô ấy sẽ được xưng tụng và kính nể. Nhưng nếu một người đàn ông diễn vai phụ nữ và nhìn 80% nữ tính, ngay lập tức sẽ bị chống đối, mọi người không rộng lượng với anh ta. Đây là một tình huống điển hình trong quy phạm đạo đức của người Trung Hoa. Nếu anh hỏi tôi Lâm Thanh Hà diễn vai nam có thực sự thuyết phục không thì tôi nghĩ là không. Xin lỗi, tệ thật ! Cô ấy là bạn rất tốt của tôi, nhưng tôi vẫn phải nói rằng cô ấy không đủ thuyết phục khi nhập thân thành đàn ông. Nhưng có một điểm hấp dẫn ở đây, cô ấy luôn tuyệt đẹp.

[Trích đoạn phim Tuyệt Đại Song Kiều, sau đó quay lại với trích đoạn phim Bá Vương Biệt Cơ]


[Quan Cẩm Bằng] Nữ diễn viên trong bộ dạng nam nhân vốn rất phổ biến, hình ảnh này được cả thế giới chấp nhận. Nhưng khi một nam diễn viên xuất hiện trong bộ dạng nữ giới, chuyện này sẽ luôn trở thành một “vấn đề”. Giới tính của anh ta, phẩm giá của anh ta sẽ bị đặt dưới dấu hỏi. Liệu điều này có làm phiền Trương Quốc Vinh không ?

[Trương Quốc Vinh] Hầu như trong rất nhiều phim tôi đã thể hiện một hình ảnh nhạy cảm mỏng manh, vì thế luôn có rất nhiều đồn đãi không thiện chí xung quanh tôi. Ngay từ buổi khởi đầu đã thế. Nhưng dần dần thế giới quan của mọi người đã bắt đầu thay đổi, anh có nhận thấy không ? Những chuyện này ngày càng ít bị để ý hơn, phải không ? Nói chi tiết hơn thì tại sao mọi người lại cần quan tâm nhỉ ? Họ trả tiền để được ngắm diễn viên xinh đẹp, quyến rũ trên màn ảnh. Và như vậy với khán giả mộ điệu về tình cảm mà nói là đã đủ. Và điều này cũng là hợp tình hợp lý, công bằng thôi. Nếu họ chấp nhận một người nữ diễn vai một người nam, thì nam diễn viên đóng vai nữ cũng nên được chấp nhận.


[Nội dung bộ phim tài liệu bắt đầu đi vào việc lý giải sự thay đổi trong nhận thức và nhu cầu thưởng thức mới của lớp trẻ thành thị những năm 90, sau đó lội ngược dòng thời gian quay về với hình tượng của bộ đôi nghệ sĩ tuồng cổ Quảng Đông trứ danh: Nhậm Kiếm Huy & Bạch Tuyết Liên. Phim kết thúc cùng những câu hỏi của Quan Cẩm Bằng dành cho mẹ ruột của anh xoay quanh sự ái mộ của bà dành cho nữ nghệ sĩ Nhậm Kiếm Huy, “mối tình ngoài đời” giữa họ Nhậm & Bạch cũng như suy nghĩ của bà về đứa con trai công khai là một người đồng tính.]


======================

Hết

Không có nhận xét nào: