Tìm kiếm bài trong Blog này

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

1993 - Năm thăng hoa của điện ảnh châu Á & Việt Nam

Lật lại hồ sơ Oscar Phim nước ngoài hay nhất trong lịch sử
>> Kỳ 3: 1993 - Năm thăng hoa của điện ảnh châu Á & Việt Nam


(TT&VH Cuối tuần) - Đối với người viết bài, giải Oscar 1993 là đáng nhớ nhất. 1993 là năm mà cả thế giới điện ảnh đều reo vui khi Steven Spielberg lần đầu đoạt giải Oscar, sau bao lần lỡ hẹn, với siêu phẩm sử thi làm cả thế giới rơi lệ, Schindler’s List - Bản danh sách Schindler. Nhưng trên cả điều đó là sự kiện lần đầu tiên, và duy nhất, trong lịch sử Oscar, có đến 3 phim châu Á lọt vào Top 5 hạng mục Phim nước ngoài hay nhất, trong đó có… Việt Nam.

Châu Âu lép vế, châu Á lên ngôi

Giải Oscar lần thứ 66 (1993), có 57 nước gửi phim đại diện tranh tài trong hạng mục Phim nước ngoài hay nhất, thời hạn phát hành cuối cùng được ấn định chỉ đến ngày 22/11/1993. Viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ (A.M.P.A.S) đã chọn trong số đó 35 phim (đại diện cho 35 nước) đủ điều kiện chính thức bước vào cuộc đua.

Thể lệ bầu chọn vẫn như mọi năm, nhưng bổ sung thêm yêu cầu bộ phim tham gia phải công bố rõ ràng quốc tịch của các thành viên sáng tạo chính, nhằm tránh việc tranh chấp liên quan đến việc xác định quốc tịch phim, như trường hợp A Place in the World vừa xảy ra năm trước đó (1992, chuyên mục Góc khuất sẽ nói rõ về scandal đầy rắc rối này trong số báo sau).

Trong 35 phim này có nhiều tên tuổi nặng ký của điện ảnh thế giới như đạo diễn tượng đài của điện ảnh Nhật Bản Akira Kurosawa, tham dự với phim Madadayo khi đã… 83 tuổi! (và cũng là bộ phim cuối cùng của ông). Đạo diễn “bom tấn” của điện ảnh Pháp Claude Berri, tham dự với bộ phim Pháp đắt nhất vào thời điểm đó, Germinal. Đây cũng là lần đầu tiên đạo diễn trẻ người Mexico, mới 29 tuổi, Guillermo Del Toro xuất hiện trong cuộc đua Oscar (hiện Del Toro là một nhà làm phim danh tiếng của thế giới).

Ngày A.M.P.A.S công bố danh sách đề cử chính thức, làm cả thế giới sửng sốt, khi lần đầu tiên trong lịch sử Oscar có đến ba phim châu Á lọt vào Top 5 của hạng mục này, nơi mà bao năm qua và cả hiện tại, vẫn là “sân chơi” độc quyền của điện ảnh châu Âu.

Ba niềm tự hào của châu Á là ai?

Hỷ Yến (The Wedding Banquet) - đạo diễn Lý An (Đài Loan)

Những bộ phim đầu tiên trong sự nghiệp của Lý An đều là những tác phẩm thú vị rất đáng xem, trong đó Hỷ Yến luôn luôn được xếp là bộ phim hàng đầu. Hỷ Yến là bộ phim hài về đề tài đồng tính (mở đầu cho bộ ba phim đồng tính của Lý An, hai phim sau là Brokeback Mountain và Taking Woodstock), và cũng là bộ phim thứ hai liên tiếp (sau bộ phim đầu tay Pushing Hands) kể câu chuyện về những người Mỹ gốc Hoa nhập cư.

Hỷ Yến

Hỷ Yến là câu chuyện trớ trêu của một anh chàng đồng tính người Đài Loan nhập cư. Anh buộc phải lên kế hoạch làm đám cưới giả với một cô gái người Trung Quốc đại lục để làm vui lòng bố mẹ ở quê nhà. Kế hoạch bị vỡ lở, khi bố mẹ của anh chàng quyết định qua Mỹ để dự tiệc cưới con trai.

Hỷ Yến được quay hoàn toàn tại Mỹ, và câu chuyện cười ra nước mắt này đã trở thành bộ phim thành công nhất về doanh thu năm 1993 - 30 triệu USD trong khi kinh phí sản xuất chỉ 1 triệu USD, đạt tỷ lệ lãi 23,6 (so với chi phí sản xuất). Hỷ Yến qua mặt cả “siêu bom tấn” năm đó là Jurassic Park (Công viên khủng long) của Steven Spielberg, chỉ có tỷ lệ 13,8!

Đây chỉ mới là bộ phim thứ hai của Lý An, nhưng ông đã có được ngay đề cử Oscar, mở đầu cho sự nghiệp sáng chói về thương mại lẫn giải thưởng của ông. Với Hỷ Yến, Lý An đã kịp khẳng định với thế giới, mình là một trong những đạo diễn tài ba nhất, sinh lãi nhiều nhất của điện ảnh Hoa ngữ sau này.


Bá Vương biệt Cơ (Farewell My Concubine) - đạo diễn Trần Khải Ca (Hong Kong)

Bá Vương biệt Cơ là tên vở kinh kịch lấy cảm hứng từ điển tích Sở Bá Vương Hạng Vũ từ biệt nàng thiếp Ngu Cơ, trong thời kỳ Hán Sở tranh hùng ở Trung Quốc. Bộ phim Bá Vương biệt Cơ của đạo diễn Trần Khải Ca được đánh giá là một trong những kiệt tác điện ảnh châu Á hay nhất từ xưa đến nay.

Bộ phim mô tả vở kinh kịch ấy, song song với câu chuyện tình tay ba thời hiện đại giữa Trình Điệp Y (Trương Quốc Vinh) - người được huấn luyện từ bé chỉ chuyên đóng vai nàng Ngu Cơ, với Đoàn Tiểu Lâu (Trương Phong Nghị) - cũng được huấn luyện từ bé để chuyên đóng vai Hạng Vũ. Và người thứ ba là cô gái thanh lâu Cúc Tùng (Củng Lợi).

Bá Vương biệt Cơ

Bá Vương biệt Cơ (Hong Kong đầu tư sản xuất) trở thành bộ phim Hoa ngữ đầu tiên đoạt giải Cành cọ Vàng tại LHP Cannes 1993 (cùng chia sẻ giải thưởng với The Piano). Nhưng khi bộ phim được phát hành lần đầu tiên tại Trung Quốc, nó đã bị cấm chiếu do đề cập đến đề tài đồng tính, và mô tả lịch sử hiện đại hỗn loạn của nước này quá trần trụi, đặc biệt khắc họa rất gai góc cuộc Cách mạng văn hóa tàn khốc. Sau khi được ca tụng trên khắp thế giới là một kiệt tác, Bá Vương biệt Cơ mới được phép phát hành miễn cưỡng ở Trung Quốc, và bị cắt rất nhiều cảnh.

Về tình, đạo diễn Trần Khải Ca rất muốn Bá Vương biệt Cơ đại diện cho Trung Quốc tại giải Oscar, vì hội đủ điều kiện tham gia (câu chuyện, bối cảnh, đạo diễn, diễn viên…), nhưng Trung Quốc lại không hề muốn điều đó, nên đã đề cử bộ phim ít được biết đến hơn, Country Teachers (Những thầy giáo vùng quê) làm đại diện.

Về lý, bản quyền Bá Vương biệt Cơ thuộc về các nhà sản xuất Hong Kong. Bộ phim cũng có diễn viên chính (Trương Quốc Vinh) và phần lớn kỹ thuật viên là người Hong Kong. Do đó khi Trung Quốc từ chối đề cử, lập tức Hong Kong gửi Bá Vương biệt Cơ đến tham dự Oscar với quốc tịch Hong Kong.

Trong số 35 nước gửi phim đến Oscar tranh tài ở hạng mục Phim nước ngoài hay nhất, có ba nước lần đầu tiên góp mặt: Slovakia (Everything I Like), Slovenia (When I Close My Eyes) và Việt Nam (Mùi đu đủ xanh). Và Mùi đu đủ xanh của Việt Nam chính là bộ phim thứ ba của châu Á lọt vào Top 5.


Định mệnh thần kỳ của Mùi đu đủ xanh và điện ảnh Việt Nam

Năm 1992, khi bắt đầu thực hiện Mùi đu đủ xanh, Trần Anh Hùng vừa tròn 30 tuổi. Anh nhiều lần một mình lặng lẽ về Việt Nam để đi thâm nhập thực tế. Anh thực sự muốn thực hiện bộ phim đầu tay của mình tại quê hương, nhưng kinh phí không cho phép đưa toàn bộ thiết bị kỹ thuật và nhân sự từ Pháp sang. Do phần lớn bộ phim là nội cảnh, nên cuối cùng anh và nhà sản xuất trẻ Christophe Rossignon quyết định sẽ dựng cảnh toàn bộ trong trường quay Bry tại Paris (Pháp).

Mùi đu đủ xanh

Để phục dựng lại không khí Sài Gòn năm 1950, Trần Anh Hùng chú ý đến từng chi tiết nhỏ nhất. Tất cả đạo cụ, phục trang đều được mô phỏng lại như thật, trong đó phần lớn nhập từ Việt Nam sang. Trừ bà Nguyễn Ánh Hoa được đưa từ Việt Nam sang, còn lại toàn bộ diễn viên đều nghiệp dư, phần lớn là Việt kiều sống ở Pháp.

Mùi đu đủ xanh được xem như một phần ký ức tuổi thơ của đạo diễn Trần Anh Hùng. Nhưng điều tâm đắc nhất của anh là đã phát hiện được một gương mặt Việt Nam xưa, một nét đẹp cổ điển tưởng như tuyệt tích, ngay tại Paris. Đó là Trần Nữ Yên Khê, diễn viên chính đồng thời cũng là người bạn đời của anh.

Khi bộ phim ra mắt đã vấp phải hai luồng dư luận trái ngược nhau. Người không thích thì chê bai thậm tệ, đặc biệt hầu như không ai chịu nổi “tốc độ… ốc sên” của nó. Những ai thích bộ phim thì tung hô lên tận mây xanh. Nhưng dù thích hay không thì ai cũng phải công nhận, những hình ảnh trong phim như một bài thơ êm ả, mang lại ấn tượng bình yên và thanh khiết. Có lẽ đây chính là đặc điểm độc đáo, một “khẩu vị khác lạ”, khiến Mùi đu đủ xanh tự nhiên nổi bật giữa một “rừng” phim lúc nào cũng đầy sự cuồng loạn, tốc độ, lôi cuốn và sục sôi của thế giới điện ảnh.

Tháng 5/1993, Mùi đu đủ xanh đến LHP Cannes và đoạt giải Camera Vàng dành cho Phim đầu tay hay nhất. Cuối năm đó, bộ hồ sơ đăng ký tham dự Oscar của phim này được gửi đến hãng phim Giải Phóng - với tư cách đơn vị hợp tác làm dịch vụ sản xuất chung với hãng phim Lazennec (Pháp) - xin Cục Điện ảnh cho phép Mùi đu đủ xanh được đại diện cho Việt Nam. Và bộ phim đã đường hoàng từ Việt Nam gửi đi tranh tài ở giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh.

Thật ra, Mùi đu đủ xanh hoàn toàn đủ tư cách là một bộ phim Pháp: sản xuất, tiền đầu tư, đạo diễn, diễn viên, trường quay… tất tần tật đều ở Pháp. Nhưng về danh chính ngôn thuận thì để phim mang quốc tịch Việt Nam sẽ hợp lý và tăng cơ hội được chọn hơn, bởi điều quan trọng nhất: câu chuyện, bối cảnh, và lời thoại hoàn toàn bằng tiếng Việt. Đạo diễn và diễn viên tuy quốc tịch Pháp, nhưng đều mang tên Việt. Đó là lý do nhà sản xuất Christophe Rossignon và đạo diễn Trần Anh Hùng đều mong muốn, quốc tịch chính thức của Mùi đu đủ xanh là Việt Nam.

Và điều thần kỳ nhất đã xảy ra còn hơn cả một giấc mơ. Tranh tài ở vòng loại Oscar giữa một “rừng” phim đủ mọi quốc gia, đủ thể loại đề tài phong phú, và vô số các tài năng điện ảnh…, Mùi đu đủ xanh - bộ phim đầu tay của một đạo diễn trẻ, kể câu chuyện phim nhẹ nhàng mang đầy tính tự sự cá nhân, được gửi đến lần đầu từ một đất nước mà điện ảnh gần như là con số không đối với thế giới… đã gây sửng sốt cả năm châu khi lọt vào Top 5 đề cử.

Ngày 21/3/1994, là một ngày lịch sử của điện ảnh Việt Nam. Nhà sản xuất Christophe Rossignon cùng với ba người họ Trần (tình cờ): đạo diễn Trần Anh Hùng, diễn viên Trần Nữ Yên Khê, và Giám đốc hãng phim Giải phóng Trần Thanh Hùng, đã bước chân lên thảm đỏ Oscar. Giây phút Sir Anthony Hopkins lên công bố giải Phim nước ngoài hay nhất trước hàng trăm triệu khán giả truyền hình trên thế giới, tên phim The Scent of Green Papaya (Mùi đu đủ xanh), quốc tịch Việt Nam, được ông xướng tên cùng với 4 phim khác, là giây phút không thể quên.

Mùi đu đủ xanh

Mở đầu thăng hoa… nhưng kết thúc vô hậu

Trong 5 đề cử: Belle Epoque (Tây Ban Nha), Hedd Wyn (Xứ Wales), Hỷ Yến (Đài Loan), Bá Vương biệt Cơ (Hong Kong), Mùi đu đủ xanh (Việt Nam) thì Bá Vương biệt Cơ được đánh giá cao nhất. Các nhà cá cược đã dự đoán giải Oscar sẽ chỉ là cuộc đua tranh giữa Bá Vương biệt Cơ và Belle Epoque. Dưới một chút là Hỷ Yến, hai bộ phim còn lại ít có cơ may. Vậy mà cuối cùng giải Oscar lại thuộc về Belle Epoque (Kỷ nguyên đẹp đẽ) của đạo diễn Fernando Trueba.

Đây quả thật là nỗi buồn nặng nề cho điện ảnh châu Á. Các nhà làm phim châu Á đã làm được điều thần kỳ là lần đầu tiên chiếm thế thượng phong trong Top 5 đề cử - một kỳ tích mà đến nay vẫn chưa thể lặp lại. Buồn và tiếc cho Bá Vương biệt Cơ - một kiệt tác lớn của điện ảnh thế giới - đã không thể vượt qua những định kiến nặng về chính trị của Viện Hàn lâm. Người ta còn nói rằng, “tội” lớn nhất của bộ phim là… đoạt giải Cành cọ Vàng tại Cannes. Bởi từ 20 năm trở lại đây, bỗng nhiên tồn tại một “quy luật bất thành văn”, hễ phim nào chiến thắng tại Cannes thì đừng mong làm nên “cơm cháo” gì tại Oscar sau đó!

Còn Mùi đu đủ xanh và đạo diễn Trần Anh Hùng - đến Oscar với tư thế “chẳng có gì để mất” - nhưng bản thân anh lại được rất nhiều từ khi được đề cử Oscar, sự nghiệp điện ảnh đã bước sang một trang lớn khác. 31 tuổi đoạt giải Camera Vàng tại Cannes và giải César (Pháp) cho phim đầu tay, 32 tuổi được đề cử Oscar, 33 tuổi đoạt giải Sư tử Vàng tại Venice (phim Cyclo). Chỉ có một dấu lặng buồn, khi quê hương Việt Nam lại chưa thừa nhận những thành tựu của anh, chưa đánh giá đúng những đóng góp của anh cho vinh quang của điện ảnh nước nhà. Bởi dù có như thế nào chăng nữa, biên niên sử Oscar và LHP Venice vẫn mãi mãi lưu danh cái tên Việt Nam trên bản đồ điện ảnh thế giới. Một danh hiệu cao quý, một lời cảm ơn chính thức, hay một buổi lễ tôn vinh ngay tại chính quê hương, sẽ là một món quà rất xứng đáng dành cho anh - đạo diễn Trần Anh Hùng.

Bá Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét