Tìm kiếm bài trong Blog này

Thứ Ba, 5 tháng 10, 2010

Ashes of Time Redux

Một góc nhìn lý giải về
Ashes of Time Redux - Tro tàn của Thời gian


Viết bởi heobeo @dienanh.net

***

Những tiếng đàn dây réo rắt ai oán, những nhịp trống dồn dập như thôi thúc lòng người, tiếng tù và xen tiếng cello ảo não thảm sầu vang vọng trong cõi hư vô …

Và cả sắc vàng – cái thứ sắc vàng đến gai người, thứ màu sắc của thời gian phủ trùm lên mọi vật trên nền sa mạc cháy bỏng, ánh vàng của mặt trời, màu vàng của nến đèn lửa, màu vàng của khói, của cỏ tranh, của da người đang sống, của những thây ma chết chìm trong cát, lấp lánh trong từng gợn sóng của một buổi tà dương, và … cũng vàng vọt vương sầu trong đáy mắt ai.


Tất cả, tất cả đều làm nên cái âm hưởng chung cho Ashes of Time, Tro tàn của thời gian – một kiệt tác kỳ lạ với những khuôn hình, góc máy như ảo ảnh, mơ hồ thúc giục trái tim của người xem tìm đến với cõi miền của sự đa cảm.

Nhưng cái sức hấp dẫn làm nên Ashes of Time nó không phải chỉ dừng lại ở đấy. Nếu ví nó như một bức họa, Ashes of Time sẽ là một bức họa ghép hình đa chiều mà mỗi một mảnh ghép lại đem đến một ẩn số luôn đau đáu cần được lời hồi đáp.

Xin nói luôn rằng ở đây người viết chỉ muốn đề cập đến bản Redux vừa được trình chiếu lại vào năm 2008, bản 1994 nếu có dịp sẽ so sánh sau. Mặc cho đã có nhiều ý kiến thiếu thiện cảm nhắm vào đạo diễn Vương Gia Vệ, cho rằng ông ngông cuồng khi quyết định dựng lại tác phẩm kinh điển này của mình - giống như một sự chơi trội vốn mạo hiểm thắng ít bại nhiều trong làng điện ảnh thế giới - thì Ashes of Time Redux vẫn lôi kéo được sự chú ý của nhiều ngòi bút quốc tế và là một bản redux đáng xem (dù phần màu kỹ thuật số và âm thanh mới đã làm giảm đi tính dữ dội của bản gốc). Lý do của ông cũng thực tế hơn mọi người vẫn tưởng : Phần âm bản gốc của bản phim 1994 đã bị hư hại, nếu không dựng lại thì ông đành phải đứng nhìn Ashes of Time bị gạt sang lề của lịch sử.

Có một điều là Vương Gia Vệ đã trở thành một trong những nhân vật thú vị nhất của nền điện ảnh đương đại trong vòng 20 năm qua, đó là bởi dường như ông không có chút hứng thú nào với cách kể chuyện truyền thống của phim ảnh. Ông là một nhà thí nghiệm ngông ngạo trong căn phòng “hóa học” của nghệ thuật thứ bảy, một nhà thí nghiệm mân mê với đủ cách thức pha trộn và chỉ quăng bỏ ống nghiệm, xem xét và hoàn thiện lại tác phẩm của mình khi đã kiệt sức hay rỗng túi. Lối làm việc của ông lạ đời, một dạng sáng tạo lại hình thức của phim ảnh. Có lẽ vì vậy nên Ashes of Time cũng mang nét lạ đời ấy, một phim kiếm hiệp chẳng giống với bất kỳ ai !


Nội dung :

Nội dung của Ashes of Time nói cho cùng rất khó hấp dẫn người xem, đặc biệt là đối với lớp đối tượng mê phim kiếm hiệp thuần túy. Nó là cuộc hành trình trở về với cội nguồn nhận thức những lỗi lầm, bi kịch và ngang trái của bản thân nhân vật chính : Tây độc Âu Dương Phong thông qua sự phản chiếu số mệnh với những con người khác hắn ta đã gặp trong khoảng thời gian rời Bạch Đà sơn, ẩn cư trên sa mạc. Các nhân vật đó là :

Đông tà – Hoàng Dược Sư : bằng hữu – tay kiếm sĩ ngang hàng với Âu Dương, kẻ đã tự nguyện uống loại rượu “thần kỳ” để quên đi mối tình câm lặng của hắn với người con gái yêu hoa đào – tẩu tẩu của Âu Dương Phong. Nhưng liệu tình yêu ấy có thực đã mất đi khi hắn vẫn tìm đường quay về đảo Đào hoa, chỉ để được ngắm hoa mỗi năm lại nở ?



Mộ Dung Yên/Mộ Dung Yến : hai con người trong một – một kẻ tâm thần phân liệt, bán nam bán nữ có mối tình thù hận sâu sắc với Hoàng Dược Sư nhưng cuối cùng mới vỡ lẽ kẻ thù lớn nhất lại là bản ngã của chính hắn, một nỗi bất lực đã giúp hắn vươn lên làm cao thủ của giang hồ - với lối luyện kiếm bằng cách tự giao đấu với chính mình. Hắn trở thành Độc cô cầu bại.



Cô gái ôm giỏ trứng : người thiếu nữ nghèo ngày ngày ôm giỏ trứng và con lừa ra đường cái chờ đợi với hy vọng mong manh đổi số gia tài ít ỏi ấy của cô để đổi lấy sự trả thù cho cái chết oan ức của người em trai.



Tay kiếm sĩ mù : con người đã gần như tàn phế, mang trong lòng nỗi đau bị phản bội và một khao khát được trở về quê nhà kịp lúc để nhìn ngắm lại Bích Đào. Rốt cuộc hắn đã dùng thời gian ánh sáng cuối cùng ấy của mình để tiêu diệt thổ phỉ và vĩnh viễn bỏ thây nơi sa mạc.



Bích Đào : hôn thê của người kiếm sĩ mù, vì một phút rung động với Hoàng, cô đã để mất người yêu. Rồi sau này nàng sẽ sống suốt cuộc đời còn lại ra sao khi nhận ra người dành cho mình không phải Hoàng, còn người vì nàng thì đã vĩnh viễn không quay trở về ?



Bắc cái – Hồng thất : tay kiếm sĩ chân trần chưa bao giờ bại thủ, đã vì nghĩa khí với cô gái nghèo lâm trận và mất đi ngón tay cái. Cuối cùng hắn rời sa mạc cùng với nương tử của mình.



Tẩu tẩu của Âu Dương Phong : nàng là bóng thuyền quyên trong mắt hai cao thủ bậc nhất của câu chuyện, là người con gái chỉ hiện về trong những giấc mơ và hồi ức của Âu Dương và Hoàng. Nàng yêu Âu Dương Phong, kiên nhẫn đợi hắn nhưng cuối cùng lại quyết định lấy anh trai hắn, chỉ để trả thù. Nàng rốt cuộc là kẻ chiến thắng hay chiến bại ?



Và nhân vật chính của câu chuyện : 1 tay kiếm sĩ trẻ sau hôn lễ của đại ca đã một mình một ngựa bỏ về nơi hoang mạc làm nghề môi giới sát thủ. Hắn là kẻ cao ngạo, luôn tự hào về những triết lý thông minh (hay đê tiện) và khả năng thao túng người khác của mình. Nhưng ẩn đằng sau vẻ ngoài mạnh mẽ, phớt đời ấy chỉ là một tâm hồn đang móp méo vì đau. Cuối cùng, hắn rời sa mạc lao vào chốn giang hồ, nổi lên thành Tây độc - Âu Dương Phong.



-> Nói đến đây chắc ai cũng đủ hiểu Ashes of time tuy dựa vào truyện Anh Hùng Xạ Điêu của nhà văn Kim Dung nhưng nó hòan tòan không phải là bộ phim về các anh hùng thời loạn, mà nó lại rẽ lối đi riêng, tập trung vào lý giải những số phận tình yêu kỳ lạ, đời sống tinh thần và cả niềm ai oán của các nhân vật. Nó thực ra là một góc nhìn mới mang đầy chất cá nhân táo bạo của đạo diễn, và là một bộ phim tâm lý mang lớp vỏ bọc ngoài của kiếm hiệp. Một cuộc hành trình dài chiêm nghiệm của bầu tư duy và cảm xúc không dành cho tất cả mọi người nhưng lại dành cho bất cứ ai. Đây cũng là bộ phim mang tính tự sự lỏng lẻo, tập trung vào ngôn ngữ điện ảnh rất đặc trưng của Gia Vệ.


Cấu trúc :

Ashes of time có một cấu trúc phản chiếu đan xen giữa các nhân vật : kẻ này luôn tìm thấy một bóng hình tương tự người yêu, hay thậm chí là với bản thân mình từ kẻ khác : Hoàng dường như yêu Mộ Dung, dường như yêu Bích Đào, nhưng cô gái làm hắn yêu hoa thực sự là ai – phải chăng là người con gái ngày ngày vẫn tựa đầu nơi bậu cửa ? Mộ Dung căm Hoàng, căm tình địch hay căm chính mình ? Hoa đào của Hoàng và “hoa đào” của tay kiếm sĩ mù là một hay là hai ? Yêu và ruồng rẫy : là Âu Dương, là Hoàng, là tay kiếm sĩ, là Bích Đào hay là tẩu tẩu của Âu Dương ? Kẻ đáng hối là ai : là tẩu tẩu, là Bích Đào, là tay kiếm sĩ, là Hoàng, Hồng hay Âu Dương ? Cuộc rượt bắt tay ba, được mất cay đắng này là giữa Âu Dương – tẩu tẩu – Hoàng, Mộ Dung – Hoàng – tẩu tẩu hay giữa Hoàng – Bích Đào – tay kiếm sĩ ? Thời gian của Âu Dương liệu là khôn ngoan hay vô nghĩa; thời gian của tay kiếm sĩ mù, của cô gái nghèo và Hồng liệu có phải phí hoài hay có một giá trị đích chân nào không ?

Tất cả những câu hỏi đó, như những bóng gương ảo ảnh cứ xoay vần trong một điệp khúc dài vô tận, song hành cùng màu sắc của thời gian trôi …


Đây là một cấu trúc hiếm thấy trong bất cứ câu chuyện kiếm hiệp nào trước đây và cho đến bây giờ. Có phải chăng nó được ảnh hưởng từ lối lồng ghép chồng chéo giữa các mẩu chuyện từ bộ phim lừng danh Rashomon của đạo diễn Akira Kurosawa năm nào ? … Tôi hoài nghi nhưng không dám khẳng định, chỉ biết rằng lối kiến trúc nhà cửa với những mái hiên thấp hướng ra biển, kiểu trang phục và đầu tóc của các nhân vật trong phim cũng mang một phong vị rất đậm chất của xứ sở Phù Tang.

Tôi “âu yếm” mường tượng cấu trúc của Ashes of Time giống như một tấm mạng nhện : chỉnh thể hoàn mỹ, đan chéo sáng tạo, có điểm gặp gỡ, có sự tương đồng và lặp lại, đẹp, trong suốt mỏng manh nhưng lại giăng mắc một thứ bùa mê không sao thoát khỏi.



“Động” và “tĩnh”


Chất động và tĩnh trong Ashes of Time đã được sử dụng như một thủ pháp đắt giá nhất, được thiết lập đan xen đối nghịch nhau và kiến tạo nên nhiều biểu tượng đã đánh mạnh lên xúc cảm lẫn ý niệm của người xem : Sự động hiện hữu trong vạn vật và cái tĩnh lại đến từ con người.

Mọi khuôn hình của Ashes vốn đều đến từ đôi bàn tay “phù thủy” của nhà quay phim trứ danh Christopher Doyle, cách điệu và đẹp đến ngỡ ngàng, biến ảo mông lung và cũng tràn đầy tính chuyển động : Từ những bóng sáng lung linh trong khe suối nơi Bích Đào vẫn dẫn ngựa đến chờ đợi, thứ ánh sáng vàng bí ẩn xuyên qua lồng tre xoay tít chiếu rọi trên gương mặt của Mộ Dung, những tia nắng chói gắt lấp lánh trên mặt sóng, những dợn sóng mềm mại đẹp như tranh vẽ trên mặt hồ tĩnh lặng, rồi cát bay hoang vu, gió thổi, màn vải phất phơ … Nhưng bên cạnh những chuyển động đó lại là sự bất động, di chuyển chậm của con người. Điều này hữu ý đã làm nên một sự đối lập trong hình ảnh và gieo vào lòng người nhiều suy tưởng ám ảnh. Ai có thể quên được bóng sáng chiếu trên mặt Mộ Dung khi ả/hắn xoay chiếc lồng chim; hay cảnh Âu Dương Phong đứng lẻ loi nhìn ra sa mạc, sau lưng hắn lá cờ lay phần phật mãnh liệt trong làn gió …


Đằng sau các đụn cát kia có gì” – Âu Dương Phong tự hỏi. Còn tôi, sau khi đã suy ngẫm rất nhiều về bộ phim này cũng tự hỏi đằng sau tất cả những điều này là gì, thực sự là có ý nghĩa gì ? Vạn vật biến đổi lay động không ngừng, chúng phải chăng là hình ảnh hiện thân cho hình thái của thời gian, thứ dòng chảy vật chất vô hình nhưng không lúc nào ngưng chi phối mọi thứ trong nhân gian ? Thời gian là vô tận và vô tình. Sóng nước và lá cờ kia vì vậy cũng vô tình, chỉ có lòng người là đang dậy sóng và làm náo động chốn nhân sinh.

Gió vẫn thổi. Cờ bay nhẹ nhàng. Chỉ có trái tim con người là nguồn cội của hỗn loạn trong nhân gian.”

Vương Gia Vệ đã dựa vào chính câu nói này của nhà Phật làm "thi pháp" chủ đạo thể hiện cho bộ phim. Lửa đang gầm gào đấy, sóng đang xô nhau đấy, gió đang thổi đấy, nhưng có là gì so với cơn bão đang nổi trong tim người ? Cơn bão lòng âm thầm và nặng trĩu của những hối tiếc, mất mát, nỗi oán hoài về tháng năm tuổi trẻ, và một câu hỏi đau đáu : ai là kẻ chiến thắng, đâu là người chiến bại … ? Hay tất cả đều là những kẻ thua cuộc, là những số phận nhỏ nhoi vùng vẫy trước dòng thời gian, là những tâm hồn bị biến dạng và là nạn nhân của chính mình, của chính những kiêu hãnh, những ngộ nhận và cả sự háo thắng. Cuối cùng sau những tháng ngày hư ảo ấy, con người đối diện sự thật liệu còn gì hay chỉ là những trái tim tan vỡ, bất lực nhìn thời gian tàn nhẫn xóa dần đi các hồi ức và phủ lên mình một lớp tro tàn vĩnh viễn của thời gian ?

Sự đối lập giữa cái vô hạn và hữu hạn, giữa các ý niệm trừu tượng và nỗi đau hiện hữu tột cùng, giữa sự nuôi dưỡng và tàn phá, giữa cái chi phối và vật bị chi phối, tất cả đều được truyền tải tài tình thông qua những thước phim đẹp đẽ bậc nhất với cùng một thủ pháp hình ảnh đan xen “động”, “tĩnh” : trong động có tĩnh và trong tĩnh có động.


Nhân vật và diễn xuất :

Ánh mắt đau đáu nhìn ra xa xăm, sức biểu cảm mỏnh manh khi hay tin tẩu mất, vẻ kiêu bạc cô độc giữa hoang mạc rộng lớn, nét phong trần lãng tử trong bộ cánh xếp nếp, sự biếng nhác ... sexy cáu bẩn, hay cái khóe miệng cười nửa châm chọc cay độc nửa quyến rũ ngọt ngào … tất cả đều làm nên Âu Dương Phong – chiếc chìa khóa chủ đạo cho bầu không khí đa cảm tội lỗi và cả chất siêu hình lãng mạn của bộ phim. Thật khó tìm được ai còn sở hữu cái sức mê hoặc này như Trương Quốc Vinh, người luôn biết cách tạo nên những hình tượng nam tính đẹp, lạnh và giàu chất thơ nhất.


Mộ Dung Yên/Mộ Dung Yến : Cái nụ cười hay tiếng gào thần sầu quỷ khốc của nàng, từ ánh mắt điên dại tình tứ cho đến những giọt nước mắt thiết tha tủi phận khi nói "Khi ta hỏi huynh một câu, xin huynh hãy nói dối nhé. Nói rằng ta là người mà huynh yêu nhất". Cả cái bóng áo trắng thướt tha khi nàng lướt trên mặt hồ. Cái thần thái phi phàm ấy, cái bi kịch oái oăm ấy, cái nỗi đau đến ám ảnh ấy cũng chỉ có mình Lâm Thanh Hà mới diễn được thôi.



Tay kiếm sĩ mù – kẻ có số phận buồn thảm nhất lại chẳng hay sao khi giao cho Lương Triều Vỹ, chàng tài tử có ánh nhìn da diết nổi tiếng ? Đôi mắt người đăm đắm tìm kiếm ánh mặt trời, hay nét mặt sầu thương khi nhớ về “hoa đào” nơi quê nhà chắc mùa này đã nở … Những khuôn hình về Lương Triều Vỹ đều là những thước phim giàu tình cảm con người nhất trên màn ảnh.


Và cuối cùng là “Trương Mạn Ngọc tuyệt vời” (the great Maggie Cheung). Vẻ đẹp của nàng, đôi má nàng ửng hồng bên cánh hoa, nét mây thơ thẩn bên bậu cửa, vẻ kiêu sa bên tấm gương khi nàng chải tóc, hay đôi môi đáo để của nàng trong đêm động phòng bị Âu Dương chiếm đoạt. Và trường đoạn nàng nói về bi kịch của chính mình, trong chiếc áo đỏ và đôi môi anh đào đó, khi nàng nói “Ta đã nghĩ đến vài điều có thể là quan trọng của cuộc đời … Ta luôn nghĩ rằng ta là người chiến thắng. Cho đến một ngày ta soi gương và thấy khuôn mặt của một kẻ chiến bại. Suốt những năm tháng tươi đẹp nhất, người ta yêu thương nhất đã không ở bên cạnh ta. Có tuyệt không khi chúng ta có thể khiến cho thời gian quay trở lại ?” rồi gục khóc. Hoa trong ký ức con người có lẽ lúc nào cũng đẹp đẽ như vậy chăng ?



Cả bốn gương mặt này có lẽ cũng là những huyền thoại lớn nhất của dòng phim điện ảnh nghệ thuật của Hong Kong, cộng thêm một huyền thoại đạo diễn, một huyền thoại quay phim. Không kể đến sự góp mặt của một dàn sao sáng chói thực lực : Lương Gia Huy, Trương Học Hữu, Lưu Gia Linh, Dương Thái Ni đều diễn tròn vai, mỗi người một vẻ. Tôi không thể tìm được êkip nào, một đội ngũ nào của Hoa ngữ còn có thể đắt giá và tuyệt vời hơn !


Đôi điều phiến luận :

- Về phần “kiếm hiệp : Nếu nói bộ phim hòan tòan không có pha đánh kiếm nào ra trò thì thật quá ngộ nhận. Phong cách võ thuật của Ashes of Time nghiêng nhiều về tính mỹ thuật trong các đường nét chuyển động, có chủ ý làm nhòe đi. Có thể với một số người, nó không phải kiếm hiệm nhưng không thể phủ nhận đó là những thước phim hành động lạ lùng và giàu chất hội họa. Tháng trước tôi được xem Anh Hùng “Hero” của Trương Nghệ Mưu và nhận ra những màn giao đấu, và cả các xung đột của bộ phim này được ảnh hưởng từ Ashes of Time khá rõ rệt. Cũng phải nói thêm rằng nhà quay phim cho Hero cũng là Christopher Doyle.



- Về phần biên tập và tự sự : Cô đọng và biến ảo, nhiều hình ảnh chỉ mất nửa giây trên màn bạc, ập thoáng qua nhưng khiến người ta ám ảnh và nhớ mãi : như chiếc đũa rơi của Mộ Dung, cây nến đỏ rơi trên nền gạch ... Cảm giác về phần hình ảnh và dựng phim hầu như không có chỗ thừa, rõ ràng đã dễ hiểu hơn mặc dù đối với tôi bản 1994 vốn không cần phải sửa. Tuy nhiên, về phần tự sự của nhân vật, một người bạn của tôi đã từng nói có những chỗ phim còn sa vào kể lể, ví như đọan của Mộ Dung để lộ thân phận bán nam bán nữ của mình, từ phần hình ảnh và xung đột trước đó khán giả hòan tòan có thể đoán ra và có thể lược bớt thời lượng của đoạn này. Tôi cũng đồng ý như vậy.

- Về phần màu sắc : Một phần có lẽ do phần âm bản bị hỏng nên dù đã được tô vẽ màu sắc và chỉnh sửa suốt mấy năm, các đường nét của một số khuôn hình trông vẫn có vẻ giả và hơi thô. Âu cũng là do sự hạn chế của thời gian, kỹ thuật và cả những điều không may.

- Phiến luận : Từng có bài bình quốc tế cho rằng trong thập niên 90 ngoài Goodfellas của Martin Scorsese thì không có một phim nào hay hơn Ashes of Time. Người viết đã bật cười khi đọc những dòng này, dù thật lòng thấy rất cảm kích trước sự đánh giá cao của tác giả này. Các fan của Vương Gia Vệ không rõ là mấy phần nhưng theo bản thân tôi quan sát hết 10 người thì cũng đến 6-7 nhắc đến Ashes như bộ phim tuyệt vời nhất của Vương. Thật tiếc là tuy được liệt vào hàng kinh điển nhưng Ashes lại không nổi bằng những Chungking Express, In The Mood for Love, Happy Together hay Days of Being Wild … Tuy nhiên trong thâm tâm tôi mà nói, Ashes of Time luôn là tác phẩm đã để lại những tầng lớp xúc cảm mãnh liệt nhất, khiến tôi phải ngả mũ kính phục mỗi khi nghĩ về Vương Gia Vệ cũng như các ngôi sao của bộ phim. Bây giờ khi đang ngồi viết dòng này đây, ngón tay vẫn còn run run và trái tim thì rạo rực


Trích:
Ashes of Time (1994) và Ashes of Time Redux (2008)

Đạo diễn Vương Gia Vệ

Diễn viên
- Trương Quốc Vinh : Tây độc Âu Dương Phong
- Lâm Thanh Hà : Độc Cô Cầu Bại - Mộ Dung Yên/Yến
- Lương Triều Vỹ : Kiếm sỹ mù
- Lương Gia Huy : Đông tà Hoàng Dược Sư
- Trương Mạn Ngọc : tẩu tẩu của Âu dương Phong
- Lưu Gia Linh : Bích Đào - vợ kiếm sỹ mù
- Trương Học Hữu : Bắc cái Hồng Thất Công
- Dương Thái Ni : cô gái ôm giỏ trứng
__________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét