Tìm kiếm bài trong Blog này

Thứ Hai, 13 tháng 12, 2010

Lắng nghe một tiếng bước chân

29 tháng 10, 2003
Nguồn: theage.com

Listening for a footfall

Leslie Cheung (Trương Quốc Vinh) kết thân với các khán giả điện ảnh và âm nhạc qua những cách thức đa dạng – vài phần trong số đó là nhờ vào vẻ đẹp không phân định giới tính, sức quyến rũ huyền bí và sự mỏng mang như dễ bị làm thương tổn của anh – Philippa Hawker viết.



Đó là 10.30 pm vào một tối Hong Kong ẩm ướt và tôi đang đi lang thang quanh khu Trung tâm Sino trên Đường Nathan, đi để tìm kiếm Leslie Cheung. Ngay tại nơi đặc kén các cửa tiệm này. Đây chính là nơi thiên đường dành cho những kẻ thích sưu tầm văn hoá pop châu Á, một khu chợ đêm với đầy rẫy các bức ảnh chân dung và ảnh chụp nhanh của những ngôi sao điện ảnh, những bộ hộp anime của Nhật, những đĩa lậu DVD, đĩa CD nhạc Cantopop, những video game vừa mới ra lò, đồ nhái hàng hiệu và những chiếc áo đội Real Madrid cùng với số hiệu ra sân của David Beckham. Tôi bắt đầu cảm thấy đau nhức mà mất dần tâm trạng mê ly: đầu váng vất bởi quá nhiều âm thanh, quá nhiều hình ảnh, và trên hết là có quá nhiều hàng hoá.

Và rồi khi tôi rẽ qua một khúc cua nữa, tôi rốt cuộc đã tìm thấy anh. Hàng trăm nối tiếp hàng trăm bức ảnh chân dung. Các bộ đĩa, báo chí, những vật trang trí ép nhựa tràn ngập. Các cuốn sách và chương trình hoà nhạc. Những cây viết và đồ móc chìa khoá mang hình Leslie. Một seri những mẫu in nhỏ màu trắng đen, trông anh như thể một cậu nam sinh mơ mộng. Những bức ảnh từ phim. Các bộ ảnh paparazi chụp. Leslie đeo kính. Không cạo râu. Mặc áo khoác da. Với mái tóc bảnh choẹ chải theo kiểu Elvis. Trong bộ jacket với đôi lót vai trượt tuyết. Cầm một cây vợt tennis. Trong buổi hoà nhạc, trong các bộ trang phục hoang di, bộ cánh tuxedo trắng của Gaultier với đôi cánh thiên thần; bộ áo ánh vàng kim lấp lánh cùng phần thắt lưng dài trễ nãi. Một cô gái trẻ đứng đằng sau quầy thu ngân cứ chạm tay vào hết tấm hình này sang tấm hình khác, trông như thể đang triệu hồi linh hồn chúng cùng một cây đũa thần.

Leslie Cheung là một trong những ngôi sao quyền lực và rực rỡ nhất của điện ảnh: một người diễn viên và ca sĩ xinh đẹp, tài năng. Vào ngày 1 tháng 4 năm nay, anh đã từ bỏ cuộc đời, và khiến Hong Kong ngập chìm trong than khóc.

Tôi biết đến Leslie muộn màng – mãi cho đến giữa những năm 90, một thập niên đã trôi qua kể từ những bộ phim tinh xảo đầu tiên anh đóng. Anh đã xuất hiện trong gần 60 bộ phim. Tôi xoay sở để xem được gần phân nửa số đó. Có điều gì đó về anh ngay lập tức chạm vào lòng tôi: vẻ đẹp phân mờ giới tính của anh, sức quyến rũ mê hoặc, vẻ buông thả suy đồi, sự nhạy cảm dễ bị tổn thương và chất tinh quái. Vẻ đẹp của anh dường như có phần tự mãn và không cần phải cố gắng để đạt thành, song vẫn còn điều gì chưa thật trọn vẹn; luôn luôn còn đấy - tồn tại một bờ vực khát khao nào đó vượt xa khỏi bản thân nó.

Càng được xem anh trình diễn nhiều hơn, bạn sẽ càng trở nên chú ý đến từng chi tiết nhỏ làm nên thềm trụ vững chắc cho những thành công của anh – cái cách mà anh chưa bao giờ dựa dẫm vào nhan sắc hay vẻ thanh nhã duyên dáng của mình như một đặc ân trời ban. Leslie dường như cũng trẻ mãi không già; từ đầu những năm 80 cho đến cuối 90, anh trông như chỉ mới già đi một ngày tuổi.

Và anh đã làm nên vài bộ phim tuyệt vời. Sự nghiệp của anh hưng thịnh xuyên suốt kỷ nguyên vàng của nền công nghiệp sản xuất phim Hong Kong. Anh tham gia vào những vũ điệu súng đạn của John Woo (Ngô Vũ Sâm), các câu chuyện oan hồn hoang hoải, những bộ phim được trông chờ, những kiệt tác phim nghệ thuật, các phim hài nổi danh. Anh làm ba bộ phim cùng với Wong Kar Wai (Vương Gia Vệ), bậc thầy của những cơn mê và bầu không khí lãng mạn lai châu Âu của Hong Kong. Trong tác phẩm Farewell My Concubine của Chen Kaige (Trần Khải Ca) – thắng giải Cành Cọ Vàng Cannes – anh đã ôm trọn vai diễn của mình vào lòng, vai diễn về một người nghệ sĩ Tuồng cổ Bắc Kinh chuyên đóng vai nữ, một màn trình diễn phi thường kết hợp giữa những kiềm chế, tự ý thức về bản thân và những bùng nổ vượt xa khỏi các giới hạn, nơi mà lằn ranh giữa con người anh và cuộc đời nhân vật, dưới tư cách những nghệ sĩ biểu diễn, đã mặc nhiên và thực sự xoá nhoà.

Cùng với vầng hào quang ngôi sao màn bạc, anh đã được so sánh với Dirk Bogarde, James Dean và Montgomery Clift, những nam diễn viên đại diện cho những hình mẫu khác biệt về phẩm chất nam giới và những tổn thương mong manh. Tuy vậy, vẫn có một vài điều về anh rõ ràng là chỉ thuộc về đặc trưng của vùng đất Hương Cảng. Là âm nhạc, ví dụ vậy. Anh đã là một thần tượng nhạc pop khổng lồ từ những năm 80, và sự nghiệp ca hát của anh sau đó vẫn tiếp tục phát dương quang đại. Tôi đã thưởng thức một vài ca khúc, xem một số đoạn hoà nhạc, đã được tận mắt chứng kiến trước sự bùng nổ lả lơi và đùa cợt của những bộ trang phục, những màn trình diễn, giới tính đã làm nên dấu ấn trong các tour diễn gần đây nhất của anh. Tôi đã đặc biệt chú ý rằng gần đây, anh vẫn thâm nhập sâu hơn vào nền showbiz vốn tiềm tàng một thái độ khá định kiến với các vấn đề đồng tính, và rằng sự nổi tiếng của anh vẫn không hề suy giảm.



Tôi đã lên kế hoạch khi nào đó sẽ viết một bài về Leslie Cheung, viết ra một thứ gì đó để có thể nỗ lực làm rõ được những phẩm chất đặc biệt, trái ngược và quyến rũ lôi dụ từ anh: mê mị bí ẩn huỷ hoại, những thương tổn và ngông cuồng một mặt, trong khi mặt khác lại cân nhắc cẩn trọng, chú ý đến từng cử động nhỏ trong trình diễn và không phô trương. Và bây giờ còn có một sự cưỡng bách khác. Khi Clare Stewart, người thiết lập chương trình điện ảnh tại Trung tâm Úc Châu dành cho Hình ảnh Chuyển động, đề nghị tôi giúp cô đảm nhiệm một chương trình hồi tưởng về Leslie Cheung **, và sẽ ấn hành nó rộng rãi ra công chúng, tôi đã không nề hà. Và thế là tôi ở đây, ngay tại Trung tâm Sino này, làm một chuyến du hành về nơi dành riêng cho Leslie, một nơi mà theo truyền thống các fan luôn tìm tới để tích trữ thêm những hình ảnh lưu giữ về người tình bóng ma, về người anh trai, về thần tượng của họ. Tôi đến đây để ngắm nhìn, hay để mua sắm đây? Và sau câu chuyện này tôi thực sự sẽ trở thành thế nào đây?

Cái chết của Leslie đã đánh mạnh vào trái tim của Hong Kong. Nó xảy ra vào giữa trận dịch SARS, đã có một sự thay đổi lớn về pháp chế, một chính phủ mới dường như đang đe doạ đến từng tự do của cá nhân. Vào thời điểm đó, như tôi đọc được trên một tờ báo mạng, mọi người vẫn túa giăng ra đường, tụ họp thành những nhóm nhỏ bàn luận, những dòng thương tiếc được viết vội vàng, cú shock và nỗi đau này không nghi ngờ gì, là tường minh hiển hiện.

Những lời cáo phó sau đó, nhà phê bình Richard Corliss của Tạp chí Time đã gọi Leslie là nam danh ca được yêu quý và tôn sùng nhất cuối thế kỷ 20. Nữ diễn viên Maggie Cheung (Trương Mạn Ngọc) viết một bài hồi ký yêu thương trên tờ Cahiers du Cinema, kết thúc nó bằng một hình ảnh ám ảnh của Leslie, tỷ mẩn luyện tập cho một yếu tố nhỏ - âm thanh của tiếng bước chân anh.

Clare và tôi đã liên lạc với một loạt các nhà văn và nhà làm phim, đề nghị họ góp phần cùng chúng tôi thực hiện một vinh danh nhỏ nhằm tưởng nhớ Leslie trước công chúng. Mỗi người đều có những điều và cảm thụ khác nhau để nói ra và ghi nhớ. Đôi khi cường độ cảm xúc không thể kiềm giữ của những lời hưởng ứng này đã cho ra những thông tin mộc mạc và gây sửng sốt lòng người. Nhà sản xuất và đạo diễn Tsui Hark (Từ Khắc) đã viết nên một kỷ niệm cảm động trong những tháng cuối cùng của Leslie, khi Tsui đang viết một kịch bản phim mà anh hy vọng họ sẽ lại được hợp tác. Chen Kaige (Trần Khải Ca) đã chuẩn bị sẵn từ trước cho một bài viết tỏ lòng mến thương.

Tại Hong Kong, mỗi người tôi nói chuyện, bất kể liên quan thế nào với phim ảnh, dường như ai cũng có một câu chuyện về Leslie cho riêng mình. Tôi gặp một trong những người bạn thân thiết nhất của anh, nhà sản xuất Nansun Shi: cô luôn có những câu chuyện dí dỏm và ấm áp về mọi thứ, từ những nỗ lực tận tuỵ cống hiến cho công việc cho đến thái độ cạnh tranh trong những set đánh cầu lông của anh. Tôi cũng gặp các fan trung thành của anh. Những tiếng nói này bổ sung cho nhau. Tôi tổng hợp chúng lại và thêu dệt thành bức tranh về Leslie Cheung, một tác phẩm tuyển tập được làm từ những ký ức, những cảm xúc, các mối quan hệ, giai thoại, thú nhận và lòng tin.

Clare và tôi gặp Josephine, Joey, Donna và Carol, những fan hâm mộ cuồng nhiệt Leslie từ những năm 80. Josephine là người đã sáng lập trang web www.lesliecheung.cc: họ đã tổ chức một sự kiện tưởng niệm vào ngày 12 tháng 9 vừa qua, nhân sinh nhật lần thứ 47 của anh. Họ cho chúng tôi xem một chương trình đề tặng, một cuốn tặng phẩm tuyệt vời cùng với hình ảnh, những lời trích dẫn và một bản chi tiết từng hoạt động của đêm tưởng nhớ, tổ chức tại một nơi được gọi là Fringe Club. Nó được chọn vì đây là địa điểm lên hình của một trong những phim hài trứ danh nhất của anh: He’s a Woman, She’s a Man.

Họ đã lấy làm hứng thú trước thiện chí và niềm say mê của chúng tôi, ngạc nhiên khi biết rằng Clare và tôi đều trở thành fan của Leslie thông qua các bộ phim thay vì âm nhạc. Tại một điểm thời gian, Joey bắt đầu hát một ca khúc cô yêu thích, Once Upon an Ordinary Girl, yên lặng và chú tâm, những người xung quanh chúng tôi dần dần tụ tập.

Những quan sát và hồi ức của riêng tôi đã bắt đầu “đổ bóng” lên tâm trí của vài người khác. Có rất nhiều trải nghiệm về Leslie của tôi là thông tin cũ được lưu truyền từ một ai đó: tôi chưa từng đến xem buổi hoà nhạc nào của anh (anh có đi tour sang Úc); tôi chưa từng phỏng vấn anh; tôi chưa từng được bắt gặp anh trên một con phố hay trong bất cứ buổi lễ phim nào.

Có một bài thơ của Frank O’Hara, một khúc điệu bi thương và tao nhã với tựa đề The Day That Lady Died, kết thúc trong hình ảnh một nhà thơ nhìn thấy dòng tiêu đề thông báo về cái chết của Billie Holiday, và nhớ rằng ông từng gặp cô một lần tại câu lạc bộ, “khi nàng thỏ thẻ bài ca theo phím nhạc”, “và mọi người và tôi đều ngừng thở lắng nghe”. Tôi đã không có được những trải nghiệm trực tiếp như thế, những ký ức thân tình về một màn trình diễn live hay sự tồn tại của anh.

Nhưng có một điều gì đó về chuyện ái mộ, và tôi nhận ra rằng, nó chính là một hỗn hợp phức tạp giữa nỗi niềm ám ảnh và sự hào phóng cho đi: bạn sẽ sở hữu một mối quan tâm đặc biệt với bản thể mà bạn đã hiến tặng cảm xúc, nhưng bạn luôn muốn chia sẻ những trải nghiệm bạn có và được kết nối với trải nghiệm và hồi ức của nhiều người.

Tai nơi Trung tâm Sino, tôi bị chôn vùi trong những lựa chọn, không thể chịu nổi trước hàng tấn hình ảnh. Tôi mua một ấn phẩm giấy láng khổ lớn và một bức ảnh đen-trắng khổ nhỏ, rồi chậm chạp bước ra con phố ngoài để lấy lại hơi thở .


** Chương trình Days of Being Wild: The Screen Life of Leslie Cheung, 10 features and a documentary, trình chiếu tại "Australian Centre for the Moving Image" năm 2003.

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét