Bá Vương Biệt Cơ
Tôi rất muốn viết một điều gì đó về "Bá Vương Biệt Cơ" cũng như về Trình Đắc Di, một trong những vai diễn tuyệt vời nhất của Leslie...nhưng sau khi đọc xong những bài viết khác viết về bộ phim này thì tôi không biết mình nên viết gì nữa vì những điều mà tôi muốn nói thì những bài viết đó đã thể hiện một cách quá xuất sắc và chân thật.
Nhưng...
Tôi vẫn muốn viết về Trình Đắc Di và những cảm xúc mà nhân vật này đã mang lại cho tôi, thứ cảm xúc mà không phải lúc nào tôi cũng có thể cảm nhận được trong đời...
Vậy là tôi bắt đầu viết...viết bất kỳ thứ gì mà tôi nghĩ đến và không có ý định sẽ sắp xếp hay chỉnh sửa gì. Do đó nếu đọc bài viết này và cảm thấy hơi...lộn xộn...thì mong mọi người hãy thông cảm...^^
...
"Giết ngươi ư ? nếu giết ngươi mà cứu được nàng thì dù giết cả thiên hạ ta cũng đã giết rồi!"
Chẳng hiểu sao tôi luôn nghĩ tới câu nói trong một bộ tiểu thuyết tiên hiệp khi nhớ về nhân vật Đắc Di của Leslie trong "Bá Vương Biệt Cơ"...
Đến một ngày, đột nhiên tôi chợt nhận ra lý do cho việc này...đó là bởi vì ở một nơi nào đó sâu trong tiềm thức tôi luôn mong sẽ có ai đó vì "Ngu Cơ" của Đắc Di mà thốt lên câu nói đó..."Giết ngươi mà cứu được nàng thì dù giết cả thiên hạ ta cũng đã giết rồi!" Dường như với tôi,...cuộc sống của Đắc Di xứng đáng được đánh đổi bằng cuộc sống của cả thiên hạ này. Tôi luôn không ngừng tự hỏi mình: "Tại sao một con người đáng được nâng niu, trân trọng lại phải chịu đựng tất cả những nỗi đau đó?"
Tất cả đều xuất phát từ sự ngộ nhận và nỗi ám ảnh...
Hoàn cảnh đẩy đưa, những tác động của con người và môi trường xung quanh đã dẫn đến sự ngộ nhận của Đắc Di về giới tính của chính mình: "Bản chất ta là nữ không phải là nam." Thật nghiệt ngã...Sự nghiệt ngã đó khiến tôi hầu như không thể tiếp tục xem tiếp bộ phim nhưng rồi tôi vẫn xem vì trên tất cả những cảm giác nghẹt thở, khó chịu..., tôi muốn biết Đắc Di sẽ sống một cuộc đời như thế nào với sự ngộ nhận đó, liệu anh sẽ hạnh phúc hơn chăng?
Nếu thiếp hỏi ngưỡng mộ hay thầm yêu đau khổ
Thiếp đi theo con đường đó của chàng
Nước mắt nam nhi nữ nhi rơi lệ
Thiếp là tín đồ chung thủy của chàng
Và chàng là nấm mồ của thiếp
Vào sinh ra tử do chàng dâng hiến
Chàng bảo vệ chăm lo cho thiếp
Thiếp đem đến cho chàng hạnh phúc suốt đời
Chàng là người anh hùng hảo hán
Luôn mang theo chí lớn bên mình
Nhưng hạnh phúc mà chàng thiếu nợ
Sẽ lấy gì bù đắp lại đây...?
...
(trích Khoan thứ)
Thiếp đi theo con đường đó của chàng
Nước mắt nam nhi nữ nhi rơi lệ
Thiếp là tín đồ chung thủy của chàng
Và chàng là nấm mồ của thiếp
Vào sinh ra tử do chàng dâng hiến
Chàng bảo vệ chăm lo cho thiếp
Thiếp đem đến cho chàng hạnh phúc suốt đời
Chàng là người anh hùng hảo hán
Luôn mang theo chí lớn bên mình
Nhưng hạnh phúc mà chàng thiếu nợ
Sẽ lấy gì bù đắp lại đây...?
...
(trích Khoan thứ)
Hạnh phúc...có lẽ ở một khía cạnh nào đó, trong một khoảnh khắc nào đó, Đắc Di đã có hạnh phúc...Nhưng dường như với anh tất cả đều là ảo ảnh. Bởi lẽ anh đã rơi vào một bi kịch do chính tình yêu và nỗi ám ảnh của anh tạo ra mà anh không hề hay biết. Anh đã yêu...và tình yêu lớn nhất của cuộc đời anh chính là tình yêu dành cho kinh kịch. Đối với anh, đó chính là cả mạng sống, anh yêu và bị tình yêu ấy ám ảnh đến mức anh không thể nào phân biệt được đâu là sân khấu, đâu là đời thường. Anh đã từng bước, từng bước một biến mình thành "Ngu Cơ" thật sự và mặc định Tiểu Lâu chính là "Bá Vương", Ngu Cơ yêu Bá Vương sâu đậm như vậy... tất nhiên Đắc Di cũng yêu Tiểu Lâu...Thật lãng mạn, nhưng cũng thật đáng sợ cho tình yêu ấy...Điều đáng sợ ở đây không phải là chuyện một người đàn ông yêu say đắm một người đàn ông khác mà là một người nghệ sỹ yêu vai diễn của bạn diễn nhưng anh ta lại không nhận ra rằng người đóng vai đó thực chất không phải và không bao giờ là một "Tây Sở Bá Vương Hạng Võ" mà Ngu Cơ của anh đem lòng yêu thương và ngưỡng vọng...Chỉ có anh, Trình Đắc Di đã thật sự trở thành Ngu Cơ...Và rốt cuộc cũng chỉ có anh là người phải chịu đau khổ mà thôi. Một người nghệ sỹ không phân biệt được đâu là những sự thật trần trụi của đời thường và đâu là những ảo ảnh đẹp đẽ của sân khấu, điều đó tốt cho vai diễn của anh ta nhưng lại chưa hẳn là tốt cho cuộc đời của anh ta. Đắc Di mang một tâm hồn mà theo suy nghĩ của tôi thì nó trong sáng và mỏng manh như một đoá hoa làm bằng pha lê. Đoá hoa ấy có thể rơi vỡ bất cứ lúc nào vì anh quá nhạy cảm và quá sâu nặng trong tình yêu. Trong khi đó người mà anh yêu lại chỉ là nhân ảnh, người đó vốn không tồn tại trong hiện thực mà chỉ là hình mẫu lý tưởng trong lòng anh và Tiểu Lâu vô tình đã có những điểm tương đồng với hình mẫu đó. Cái gọi là "Kính hoa, thuỷ nguyệt" (tức "trăng trong nước, hoa trong gương") chính là như vậy...dù đẹp đẽ đến thế nào nhưng thực chất cũng không thể chạm tay đến được, tất cả chỉ là ảo ảnh mà thôi, niềm hạnh phúc giản đơn-chỉ cần ở bên cạnh Tiểu Lâu của Đắc Di xem ra nó không hề đơn giản. Tôi nhìn thấy một kết thúc bi thương cho mối tình vô vọng của anh nhưng...liệu Đắc Di có nhìn thấy điều đó không...? Dùng tay che mắt không nhìn thấy bầu trời , điều đó không có nghĩa là bầu trời không tồn tại...có những thứ chúng ta tự nhủ rằng chúng không có thực, không tồn tại nhưng thực chất chúng lại không bao giờ biến mất...có thể che mắt được bao lâu? Còn tự dối gạt mình đến bao giờ? Nước mắt có đủ nhiều cho một người đến vậy...?
"Vĩnh viễn là bao xa...?
Lời hứa có ngọt ngào thế nào cũng đã biến thành dòng lệ che mờ đôi mắt thiếp..."
Lời hứa có ngọt ngào thế nào cũng đã biến thành dòng lệ che mờ đôi mắt thiếp..."
(Trích "Hoa nở hoa tàn")
Đắc Di càng yêu càng sâu, yêu kinh kịch bao nhiêu thì yêu Tiểu Lâu cũng sâu đậm như vậy...chẳng thể thoát ra được...Nhưng Tiểu Lâu làm sao có thể biến giấc mơ của Đắc Di thành hiện thực được khi mà anh là một con người sống thực tế và tỉnh táo vô cùng. Anh cũng quan tâm, chăm lo cho Đắc Di nhưng đó là tình bạn , tình anh em... còn tình yêu ư...? Hãy nhìn cách mà anh đối xử với người con gái mà anh nói rằng anh yêu cô ấy, người con gái mà đã trở thành vợ của anh, người vợ mà vừa đêm trước anh hứa sẽ không bao giờ rời xa cô vậy mà sáng hôm sau anh vì mạng sống của mình trong cuộc đấu tố nghiệt ngã anh đã thừa nhận rằng anh chưa bao giờ yêu cô...để rồi cô phải tìm đến cái chết vì quá thất vọng với người đàn ông mà mình đã gửi gắm cuộc đời...Với vợ mình mà Tiểu Lâu còn đối xử như vậy thì mong gì tình yêu của anh đối với Đắc Di? Tiểu Lâu cưới vợ, Đắc Di chán nản và buồn bã...phải...anh chán nản và buồn bã nhưng trong buổi đấu tố điên loạn hôm đó cái cảm giác mà Đắc Di phải chịu đựng còn lớn hơn cả nỗi buồn, đó là sự đau đớn...Anh bị tổ thương một cách nghiêm trọng vì bị chính người mà mình yêu thương phản bội. Sự phản bội ấy khiến cho tôi cảm thấy ghê tởm nhưng với Đắc Di nó không phải là sự ghê tởm..., từng lời, từng chữ của Tiểu Lâu đều như đang biến thành vật nhọn đâm vào tim anh, như đang trở thành vật cứng đập vào tâm hồn làm bằng pha lê của anh...và tim anh chảy máu, tâm hồn anh rơi vỡ thành những mảnh long lanh, đẹp đẽ vô cùng và anh bị chính những mảnh vỡ ấy làm cho mình bị thương...vết thương ấy biến thành nỗi đau...đau đớn sẽ hoá thù hận...nhưng ngay tronng nỗi thù hận anh cũng không thể đấu tố Tiểu Lâu. Và anh đã làm gì? Anh đấu tố Diệu Linh - vợ của Tiểu Lâu. Chính trong thời khắc ấy, tôi chợt nhận ra rằng đến phút cuối Đắc Di vẫn không thể từ bỏ tình cảm của mình dành cho Tiểu Lâu dù cho anh nhận ra rằng Tiểu Lâu không phải là "Bá Vương"...nhưng anh đã yêu và anh đã không thể xoá bỏ thứ tình cảm ấy ra khỏi trái tim mình được nữa. Anh không thể làm hại Tiểu Lâu, điều mà anh có thể làm đó là trả thù người phụ nữ đã cướp mất Tiểu Lâu. Trong đoạn phim này bên cạnh Đắc Di có một người khiến tôi cảm thấy xót xa, thương cảm nữa, đó chính là Diệu Linh. Xét cho cùng người thật lòng lo lắng cho Đắc Di nhất có lẽ chính là cô ấy. Chính cô là người chăm sóc cho Đắc Di, khóc vì anh và đau lòng cho anh khi anh bị Tiểu Lâu đấu tố...Người phụ nữ ấy cuối cùng vẫn phải chịu một kết thúc không hạnh phúc khi cô tuyệt vọng và từ bỏ cuộc sống của mình...Tôi biết Đắc Di đã rất hối hận vì cái chết của Diệu Linh vì anh là người rơi lệ cho cô nhiều hơn bất kỳ ai, vì hơn ai hết anh và Diệu Linh là những người có chung cái cảm giác gọi là tình yêu và sự cay đắng khi bị người mình yêu phản bội...
Mùi vị của sự phản bội giống như một chất độc, nó có thể giết chết tâm hồn của một con người. Đáng buồn hơn là Đắc Di không chỉ bị chính người mình yêu thương phản bội mà anh còn bị chính đứa học trò, sinh mệnh mà chính tay anh đã cứu vớt phản bội. Tên học trò "khốn nạn" đó (tôi phải dùng từ "khốn nạn" vì thật sự là tôi cảm thấy quá khinh bỉ nhân vật này) nếu hắn chỉ dừng lại ở chuyện chỉ trích thầycủa mình vì những bất đồng trong quan điểm về nghệ thuật thì tôi đã không ghét hắn đến như vậy. Nhưng hắn càng đi càng xa...và đến giây phút khi hắn ngồi trước gương và hoá trang làm "Ngu Cơ" thì tôi thực sự không thể chịu nỗi nữa...Lại một sự phản bội khác làm tan nát trái tim của Đắc Di...điều đó thật tàn nhẫn...Sao họ có thể làm như vậy?? Tôi đã tự hỏi mình không biết bao nhiêu lần nhưng hình như tôi vẫn không thể tìm thấy câu trả lời...
Tình yêu vô vọng, nỗi ám ảnh khôn nguôi và mùi vị cay đắng của sự phản bội...tôi thật sự rất muốn nói nhiều hơn nữa về những điều ấy nhưng rồi tôi ngừng lại vì tôi chợt nhận ra rằng ít nhất vẫn có một điều có thể khiến tôi cảm thấy an ủi trong bộ phim này. Đó chính là vẻ đẹp của Leslie. Tôi nhận ra mình đã quên mất rằng trong bộ phim này Đắc Di của Leslie đẹp đến mức gần như hoàn mỹ, rằng anh chỉ cần một cái liếc mắt, cau mày cũng khiến người đối diện phải cuối đầu, rằng đến cả một con mèo cũng thích anh phà hơi thuốc phiện vào mặt nó...Bạn phải công nhận rằng Leslie đẹp nhưng trong bộ phim này đó là một vẻ đẹp mà bạn chưa bao giờ nhìn thấy dù đó vẫn là anh, vẫn đôi mắt gieo sầu vào lòng người, vẫn khoé môi trẻ con và quyến rũ ấy...nhưng tất cả lại mang cho chúng ta một cảm giác khác...Khi xem "The Ashes of Time" tôi đã luôn tự nhủ rằng chẳng người đàn ông nào trên thế giới này có thể quyến rũ như anh, tôi thậm chí không thể kiềm chế chính mình đừng chạm tay vào màn hình mỗi khi máy quay quay cận cảnh gương mặt hoàn hảo của anh. Nhưng với "Bá Vương Biệt Cơ" lại là một thứ tình cảm khác...tôi đã không dám chạm tay vào màn hình...vì nhân vật Đắc Di quá đẹp và rõ ràng là vẻ đẹp ấy không thuộc về tôi (và hình như nó cũng chẳng thể thuộc về bất kỳ ai...). Lần đầu tiên tôi biết đến cái cảm giác này, ngắm nhìn một thứ quá đẹp và lấp lánh mà tôi chẳng thể nào chạm tay tới dù đó chỉ là những hình ảnh trên màn hình. Tôi sợ khi tôi chạm tay vào thì anh sẽ biến mất (thật buồn cười vì anh ở trong một bộ phim và tôi bị làm cho mụ mẫm đến mức chẳng dám chạm vào...màn hình). Điều làm tôi sợ hãi hơn cả chính là những giây phút mà họ làm cho anh đau khổ, tôi không dám nhìn vào đôi mắt anh trong những khoảnh khắc đó vì nỗi buồn bã, sự cô đơn, nỗi ám ảnh của tình yêu và nỗi đau của sự phản bội ...tất cả...tất cả dường như chỉ gói gọn trong một ánh nhìn của anh và tôi sợ rằng nếu nhìn vào đôi mắt đó, tôi sẽ không thể nào chịu đựng được những bi kịch mà số phận đã trút lên cuộc đời của một con người mà lẽ ra anh xứng đáng với những điều tốt đẹp hơn.
Tôi ghét phải nhìn thấy người khác đau đớn, thật sự là tôi rất ghét và thậm chí còn sợ mỗi khi xem những cảnh như vậy (có lẽ đó là lý do mà tôi chẳng thể nào thích thú khi xem một bộ phim kinh dị...) nhưng rốt cuộc tôi đã xem tất cả...và những gì mà tôi có thể làm khi nhìn thấy Đắc Di đau khổ, bị tổn thương...là khóc...chẳng hiểu nước mắt có thể chữa lành vết thương không? Nhưng tôi vẫn khóc và chẳng gì có thể ngăn được...Tôi khóc nhiều đến mức khi phim chuyển cảnh tôi chẳng thể nào xem tiếp được vì mắt đã nhoè đi vì lệ. Để có thể viết bài viết này tôi đã xem bộ phim thêm vài lần nữa (mà chính tôi cũng chẳng nhớ là bao nhiêu lần...) càng xem càng thấy số phận con người thật bé nhỏ. Trời cao thật thích trêu đùa với tình cảm của con người. Tại sao tất cả chúng ta lại không thể có hạnh phúc trong cùng một thời điểm...? Nhất định phải để cho Đắc Di xinh đẹp như vậy và chịu đựng tất cả những sự dày vò đó sao...? Tôi không thể hiểu cái gọi là số phận nghĩa là gì...? Nhưng nếu thật sự mỗi người đều có một số phận của riêng mình thì lẽ nào số phận của Đắc Di là Ngu Cơ...?
Phải chăng là như vậy...?
"Một nụ cười mang đến cả mùa xuân, mộ giọt lệ làm đen tối cả đất trời"
Chỉ có Đắc Di mới tạo ra một Ngu Cơ như vậy và chỉ có Leslie mới mang đến cho chúng ta một Đắc Di như thế... tuyệt đẹp, thanh tao, chẳng thể thuộc về trần thế này và anh cũng không thể nào tách biệt giữa cuộc đời và sân khấu. Bi kịch của Đắc Di chẳng phải chính là như vậy sao? Và ở cuối vở bi kịch mà anh là nhân vật chính đó, anh đã thức tỉnh, anh thoát ra khỏi ngộ nhận về giới tính của chính mình: "Bản chất ta là nam, không phải là nữ" sau giây phút thức tỉnh ấy anh đã chọn cho mình một cái kết như chính cái kết của Ngu Cơ...chẳng một giọt máu nào bắn lên, chẳng một cảnh quay nào trong giây phút anh ra đi...chỉ có gương mặt bàng hoàng của "Bá Vương"-Tiểu Lâu nhưng tất cả cũng đủ khiến cho người xem rơi lệ...Tôi khóc chẳng phải vì đau lòng khi Đắc Di ra đi, tôi khóc vì ít ra anh đã được giải thoát...Anh vốn đâu thuộc về thế giới này, vậy hãy để anh ra đi...Tôi đã nghĩ như vậy nhưng rồi tôi lại đau lòng, tôi lại chẳng nỡ nhìn thấy anh phải kết thúc cuộc đời mình trong một vở bi kịch như vậy và tôi lại thầm mong có người vì chính anh mà thốt lên rằng:
"Giết ngươi ư ? nếu giết ngươi mà cứu được nàng thì dù giết cả thiên hạ ta cũng đã giết rồi!"
Và nếu không ai trong bộ phim có thể thốt ra câu nói ấy vì Đắc Di thì ít ra chính tôi sẽ nói...
Đồng Nai, 1-5-2010...
một buổi chiều mưa, tôi ngồi trong phòng nhưng mắt vẫn ướt...
một buổi chiều mưa, tôi ngồi trong phòng nhưng mắt vẫn ướt...
tetehaykhoc25 @DAN
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét