Source : lesliecheung.cc
Edit + V-trans : heobeo@dienanh.net
“Điển trai đến khó tin, các vai diễn đầu tiên của anh đều là các chàng công tử ăn chơi, u sầu và đẹp đẽ đến khó tin, tiếc thay hầu hết chúng lại đến từ những bộ phim melodrama rất dễ lãng quên”
“Leslie sợ rằng có ngày sẽ có một fan hâm mộ giết chết anh,” Keiko Yoshimoto, người sáng lập nên Leslie Fan Club tại Nhật, nói. “Cũng như John Lennon vậy.”
“Leslie sợ rằng có ngày sẽ có một fan hâm mộ giết chết anh,” Keiko Yoshimoto, người sáng lập nên Leslie Fan Club tại Nhật, nói. “Cũng như John Lennon vậy.”
= = =
Leslie Cheung ngày nay là một hình ảnh bí ẩn giữa nền công nghiệp vốn hay làm nản lòng mọi điều mơ mộng. Rất ít fan Mỹ yêu thích phim Hong Kong biết được rằng sự nghiệp điện ảnh của Cheung có quan hệ mật thiết và phát triển đi lên từ vai trò nam ca sĩ Canto-pop trải dài hơn một-và-một-nửa thập kỷ của anh. Các fan hâm mộ phương Tây chỉ nhìn nhận anh dưới tư cách một diễn viên, trong khi các fan châu Á xem công việc diễn xuất là một phần của cả sự nghiệp. Đặc trưng này cũng không phải chỉ riêng gì Leslie Cheung. Rất nhiều ngôi sao điện ảnh HK cùng lúc theo đuổi mô hình sự nghiệp đôi này.
Mặc cho anh sở hữu hàng vạn đội hình phalanx (*) fan hâm mộ Canto, bên ngoài Hong Kong sự nghiệp điện ảnh vẫn là thế mạnh của Leslie.
Dù bộ phim anh tham gia có là dự án trung bình đi chăng nữa, Cheung vẫn giữ vững cung cách làm việc chuyên nghiệp, anh là người cầu toàn và luôn đòi hỏi mọi việc nằm trong tầm kiểm soát cao độ. Nhà quay phim Christophey Doyle có kể lại một câu chuyện từ quá trình làm phim Days of Being Wild (1990) của đạo diễn Wong Kar-wai (Vương Gia Vệ). Doyle lúc đó đang đứng đằng sau ống kính camera trong khi Cheung chuẩn bị lái một chiếc ôtô lao thẳng về phía ống kính, anh sẽ phải dừng nó lại ngay trước khi mui xe chạm tới giá đỡ camera. Cheung đã khẳng định với Doyle anh có thể dừng nó lại kịp thời, nhưng Doyle vẫn lo lắng vì sỏi đường có thể làm Leslie mất phán đoán. Rốt cuộc Cheung dừng được xe ngay trước mũi giá đỡ kiềng ba chân, nhưng Doyle lại cho hay, “Tôi gần như đã nhảy ra khỏi vị trí. Leslie lao ra khỏi xe trong giận dữ và đến trước mặt tôi, yêu cầu tôi cho anh biết vì sao tôi lại không tin anh có thể dừng chiếc xe kịp lúc. Anh ấy là như vậy đấy.”
Trong các vai diễn của anh, Leslie Cheung đã bị bắn đến chết, đã hồi sinh, đã tử thương vì bị đâm xuyên bằng kiếm, được yêu, bị từ chối, bị hủy hoại bởi acid, giao thác tình cảm của mình vào các cảnh nhạc nền tango thô nhám dành cho các tay đồng tính lang thang tại Buenos Aires và buộc phải đối diện sức quyến rũ phi giới tính của anh với “cậu nhóc” Anita Yuen (Viên Vịnh Nghi) trong trẻo. Anh là một nhân vật sống sót lâu dài trong nền công nghiệp phim ảnh lúc nào cũng chực chờ “vặn cổ” người ta và thường xuyên bức chế cường độ làm việc, tuy thế tỷ lệ thành quả từ-hạt-trấu-thành-lúa-mì trong nghệ thuật của Cheung đáng kinh ngạc thay lại cao hơn hẳn đa số mọi bản sao khác của anh, và anh đã vươn lên đến các đỉnh núi cao nhọn nhất. Rất nhiều các nỗ lực sáng tạo của Cheung sau này đã trở thành hạt giống tạo nguồn cảm hứng cho sự nghiệp của nhiều “ánh sáng dẫn đầu” của HK.
Bước đột phá giúp Leslie Cheung trở thành ngôi sao hạng trên của ngành điện ảnh HK là từ bộ phim A Better Tomorrow (Anh Hùng Bản Sắc) năm 1986 của John Woo (Ngô Vũ Sâm). Bộ phim này được biết đến nhiều hơn với vai trò làm bệ phóng cho Chow Yun Fat (Châu Nhuận Phát), về sau này anh cũng trở thành ngôi sao hợp tác lâu dài với Woo. A Better Tomorrow không thể phủ nhận giá trị góp phần thành công của Chow. Nhưng Woo cũng đã quyết định tuyển Leslie – một gương mặt sao trẻ mới toanh lúc bấy giờ được biết đến nhiều hơn trong lĩnh vực nhạc pop Canto và các bộ phim thể loại tình cảm – để đứng đối diện với Chow và ngôi sao kỳ cựu của hãng Shaw Brothers, Ti Lung (Địch Long). Đây thực sự là một ván bài gay cấn. Vẻ điển trai êm ái với đôi mắt ướt mềm mại, ẩn chứa đầy dục vọng của Cheung đã khiến một nhà bình phim người Mỹ âu yếm đặt cho anh cái tên “Johnny Depp của Trung Hoa”.
Nhà phê bình phim Chuck Stephens đã nắm bắt vấn đề này tốt nhất: “Định nghĩa lại thể loại phim gay cấn của điện ảnh Hong Kong những năm 80, … không chỉ còn là loại thời trang u uất, tiêu khiển với các cảm xúc ngập tràn thái quá, … đây chính là bộ phim đã đưa đạo diễn John Woo và ngôi sao Chow Yun Fat (Scorsese và DeNiro của HK) ghi danh lên bản đồ bầu trời của thế giới. Sự đùa nhộn tự nhiên được thay thế cho những ủ ê hoài hương, và một cảnh đấu súng lớn nổ ra đã thay thế cho các trường kịch melodrama đau đớn. Cuộc sống của thế giới ngầm và mô hình “tam kiệt” trước đó chưa bao giờ được làm cho trở nên sống động đáng yêu đến thế, với các phân đoạn “anh hùng hóa” nhân vật trong nhịp điệu chậm đầy tình người và những oan nghiệt khó lường của súng đạn (chưa kể đến khía cạnh biểu lộ tình cảm trong phim là vô cùng mạnh mẽ).”
Tầm vóc của Cheung đã gặp được bệ phóng cùng với A Better Tomorrow. Woo đã tường thuật lại rằng khán giả rời khỏi rạp chiếu mà không cầm được nước mắt sau khi chiêm ngưỡng trường ca về lòng trung thành và sự phản bội, về các hiệp sĩ Trung Hoa thời hiện đại của ông trình diễn trong những màn đấu súng. A Better Tomorrow trở thành một phim phá vỡ kỷ lục doanh thu phòng vé, thu thập hàng tá giải thưởng danh giá tại Giải thưởng Điện ảnh Hong Kong, đảm bảo ngôi vị siêu sao cho Chow Yun Fat dũng cảm.
Nhưng với nhiều người xem A Better Tomorrow, sự khoa trương trong nội tại hành động phim lại làm nổi bật lên hình ảnh một chàng trai có gương mặt trẻ thơ giữa chiến trường tàn bạo đó. Theo lời của Yoshimoto: “Tại Nhật Bản, ấn tượng của chúng tôi về phim ảnh Hong Kong được định nghĩa bằng Bruce Lee (Lý Tiểu Long), Jackie Chan (Thành Long), và kyonshi (những đứa trẻ ma cà rồng nổi tiếng trong loạt phim kinh dị-hài của HK). Leslie Cheung, trong A Better Tomorrow của John Woo, đã thay đổi tất cả ấn tượng đó. Đối với khán giả Nhật, đó là cơ hội đầu tiên của chúng tôi được thưởng thức một bộ phim với những cú lướt hình ảnh tuyệt vời. Cả Chow Yun Fat và Leslie đều đã ghi lại một dấu ấn không thể xóa nhòa trong tim khán giả Nhật.”
Vai diễn tiếp theo của Cheung là trong bộ phim A Chinese Ghost Story (Thiện Nữ U Hồn) năm 1987 của Tsui Hark (Từ Khắc). Bộ phim này đã ám ảnh khán giả, câu chuyện dân gian này kể về một chuyện tình lãng mạn giữa người và ma đã khắc họa một Leslie Cheung trong vai anh chàng đi thu thuế phải lòng một cô gái xinh đẹp quyến rũ (do nữ diễn viên tuyệt trần người Đài Loan Joey Wong – Vương Tổ Hiền đóng) và trú ngụ trong một ngôi miếu hoang ma ám. Tình yêu trong sáng, thanh cao của anh đã trở thành chiếc chìa khóa vàng mở cửa trái tim cô gái – cô thực chất là một oan hồn đã tồn tại lẩn khuất trong rừng sâu qua nhiều thập kỷ. Tệ hại hơn, cô còn bị một cây quỷ ngàn năm chuyên hút dương khí đàn ông khống chế.
Các con yêu kỳ quái và những ma nữ lừa gạt đều là những đặc trưng đối với thể loại phim này tại HK. Nhưng với A Chinese Ghost Story hành trình phác họa nên cái thế giới siêu nhiên quái ác ấy đã phá vỡ hoàn toàn các khuôn mẫu cũ, khi Tsui tiếp nhận và chuyển thể nó theo một phong cách căng tràn sức sống, thoang thoảng nồng nàn hơi men và nhịp độ diễn tiến đầy hùng tráng làm thành bộ khung cho câu chuyện tình, những màn so kiếm và những chiếc lưỡi bay khổng lồ của ông. Kết quả là bộ phim đã trở thành một chiếc cầu nối xóa mờ biên giới giữa Đông và Tây một cách hiệu quả, và nó cho đến nay vẫn là câu trả lời đanh gọn cho những người hoài nghi phim HK.
Nhà đạo diễn phim nghệ thuật nổi tiếng nhất HK, Wong Kar-wai (Vương Gia Vệ), đã chọn Cheung vào vai chính cho tác phẩm tiêu biểu của ông Days Of Being Wind (1990), một truyền thuyết mới kể khác đầy hoang hoải xảy ra giữa những năm tháng của thập niên 60, đung đưa cùng âm nhạc. Days Of Being Wild với sự góp mặt của Jacky Cheung Trương Học Hữu, Carina Lau Lưu Gia Linh, Maggie Cheung Trương Mạn Ngọc và Andy Lau Lưu Đức Hoa, họ cùng nhau tụ hợp ở đây, trong một câu chuyện thăng hoa kể về những khát khao và ước vọng xoay chiều, đổi hướng từ Hong Kong sang đến Philippines.
Nhân vật chàng trai u sầu của Leslie đã làm nên khoảnh khắc đáng nhớ nhất, khi anh đang nhảy theo điệu cha-cha trong bộ đồ ngủ màu trắng tỏa sáng lờ mờ, tự ngưỡng mộ hình ảnh phản chiếu của bản thân mình trong gương, sức đam mê huyền hoặc ấy đã phản xạ lại nơi khán giả, khiến họ cũng rơi vào trạng thái ngưỡng mộ đó cùng anh. Nếu thói tự yêu mình không thèm che đậy có một lúc nào đó tìm được sự ngưỡng vọng đồng thanh và trở nên tuyệt đẹp thì đó chính là tại khoảnh khắc này đây, là khi Leslie Cheung nhảy điệu cha-cha trong Days Of Being Wild của Wong Kar-wai. Nhân vật của anh thực chất là một tay lưu manh đểu cáng, và thói tự ngưỡng mộ bản thân y đã trượt đến mép bờ của vực thẳm tự chán ghét bản thân mình. Đó là còn chưa kể, gã trai này mới thật êm mượt như nhung, mới quyến rũ làm sao với dáng đi mềm mại, cử động nhịp nhàng, gợi tình như loài báo hoang trong những bộ y phục tươm tất sành điệu – và rằng trước hình ảnh đó bạn sẽ chẳng thể làm được gì khác ngoài việc ái mộ, ái mộ hoàn toàn.
Hình ảnh phản chiếu đó dường như đã nhắc nhở Cheung rằng sự nghiệp âm nhạc của anh cần một cuộc trùng tu, khi, trong khoảng thời gian thực hiện Days Of Being Wild, anh đột ngột tuyên bố sẽ từ bỏ nghiệp hát và lên kế hoạch sang Canada định cư. Quyết định này khiến cho mọi người bối rối, vì rằng thời điểm đó Leslie đang là một ca sĩ rất thành công. Kiệt sức chăng ? Gây chú ý cho công luận chăng ? Điềm tiên báo nào đó chăng ? Chỉ có người đàn ông trong tấm gương mới biết rõ vì sao.
Chúng ta đều biết rằng Cheung đã thắng giải Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hong Kong năm 1990 cho vai diễn trong Days Of Being Wild. Bảy năm sau, một dự án khác cùng Leslie lại trở thành bệ phóng nâng thêm tầng cho sự nghiệp của Wong Kar-wai, giúp ông có được sức ảnh hưởng đỉnh cao như hiện nay, khi Wong được nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes Cành Cọ Vàng năm 1997. Bộ phim, Happy Together (Xuân Quang Xạ Tiết), đã khắc họa Leslie và nam diễn viên tài năng của HK - Tony Leung Chiu-wai (Lương Triều Vỹ) thành một cặp đôi đồng tính lang thang đến Buenos Aires để truy tìm cuộc sống hạnh phúc, được biểu tượng hóa qua hình ảnh họ ước hẹn cùng nhau ghé thăm một thác nước huyền thoại.
Một lần nữa, Cheung lại đóng vai đểu cáng, lại rời bỏ Leung buồn tẻ, rồi lại quay trở về trong bộ dạng đẫm máu bởi sự hung bạo của những gã người tình vô danh. Mặc dù rõ ràng chủ đề phim xoay quanh chuyện đồng tính song những điểm yếu đuối nhất của con người đã được phơi bày thông qua Happy Together, thông điệp đưa ra truyền tải đến mọi người xem và dồn dập nhận về những lời ca tụng tài năng thiên bẩm của Wong tại Hong Kong cũng như từ giới phim nghệ thuật quốc tế. Và mặc dù vai diễn của Cheung đáng yêu hơn, quấy nhiễu hơn và gần như là mấu chốt cho vấn đề của cặp đôi, nó vẫn chỉ được tô vẽ như bóng hình xanh mờ bên cạnh không gian nội tâm của Tony Leung – anh đã có màn trình diễn tuyệt vời trong vai một người tình bị ghét bỏ, người thậm chí còn không thể “đánh vần” được nỗi đau của mình một cách rõ ràng, và còn không thể gọi để được giao cho đúng cái bánh mình muốn trong cửa tiệm bánh pizza địa phương.
Cuộc sống đời tư là chuyện riêng của Leslie Cheung, song các vai diễn anh nhận trong những năm gần đây có chiều hướng khiến chuẩn mực dị tính phải đặt ra câu hỏi. Hai phần phim He’s A Woman, She’s A Man (Kim Chi Ngọc Diệp) được đạo diễn bởi Peter Chan Trần Khả Tân (Comrades: Almost A Love Story) chúng đã khắc họa Cheung thành một nhà sản xuất âm nhạc bế tắc chán ngán đang tìm kiếm một “cậu trai trẻ thật dễ thương” để lăng xê, và cuối cùng phát hiện ra mình bị cuốn hút bởi cậu trai đó lúc nào không hay (vai diễn được thể hiện bởi Anita Yuen Viên Vịnh Nghi cực-dễ-thương trong bộ dạng con trai).
“Hai bộ phim hài thể loại screwball này đã giễu nhại lại nền văn hóa fan hâm mộ bị ám ảnh quá mức với các vấn đề thiên vị giới tính và sự sai lệch về giới trong một tác phẩm hài thông minh, đùa giỡn làm rối tung xoay mòng đầu óc mọi người”, cây bút tờ San Francisco – Tod Booth nhận xét. “Ca sĩ nhạc Canto-pop Leslie Cheung đóng vai một nhà sản xuất ghi âm đang tìm kiếm sự đồng điệu và nhận ra bản thân mình bị vướng vào chuyện tình yêu với một người đàn ông khác.
Cả Anita Yuen (Viên Vịnh Nghi) và Jordan Chan (Trần Tiểu Xuân), những diễn viên thường xuyên tham gia vào các bộ phim như thế này, đều là những đại diện ưu tú nhất cho dạng vai cải trang và thay đổi vai trò giới tính hiện rất thịnh hành trong nền văn hóa pop đại chúng tại Hong Kong.”
Thể loại hài screwball vốn chẳng xa lạ gì với Leslie Cheung, khi anh từng xuất hiện trong rất nhiều phim hài gia đình chào đón Năm Mới được ra mắt nhân dịp Tết Nguyên Đán, một cơ hội vàng cho các phòng bán vé châu Á.
Các bộ phim tiêu biểu cho Leslie Cheung bao gồm tất cả những tác phẩm nêu trên (Anh Hùng Bản Sắc, Thiện Nữ U Hồn, A Phi Chính Truyện, Xuân Quang Xạ Tiết, Kim Chi Ngọc Diệp...), nhưng với nhiều khán giả họ lại liên tưởng đến anh chủ yếu qua các tác phẩm nghệ thuật được dành cho các kỳ liên hoan phim nhiều hơn là những nơi chốn lai vãng của các khách hàng thị trường Hoa ngữ.
Rouge (1988) Yên Chi Khâu đạo diễn bởi Stanley Kwan (Quan Cẩm Bằng), diễn xuất cùng ngôi sao Canto-pop, cô gái gây xúc động mạnh Anita Mui (Mai Diễm Phương). “Rouge đã biến chuyển từ một nhịp điệu chậm buồn u ám, với bầu không khí thê lệ, ám ảnh được tiếp diễn liên tục bằng những bàng hoàng gây chấn động, máu hoặc roi”, nhà phê bình phim Jim Morton nói. Một bộ phim buồn nhưng đẹp, Rouge chính là tác phẩm khởi đầu cho một loạt phim chính kịch nghệ thuật thể loại art-house quan trọng nhất của Cheung.
Hai tác phẩm hợp tác giữa Cheung và nhà đạo diễn đến từ đại lục Chen Kaige (Trần Khải Ca) đã đem về sự ca ngợi từ quốc tế. Và bạn diễn nữ của anh là đây, tài nữ được sinh ra tại Thẩm Dương, Gong Li (Củng Lợi) lúc bấy giờ đã rất thành danh với các vai diễn trong các bộ phim kết hợp cùng đạo diễn “đồng chí hướng” của đại lục Zhang Yimou (Trương Nghệ Mưu). Bộ phim của Chen, Temptress Moon (Phong Nguyệt) năm 1996, là một tác phẩm lấy bối cảnh tại miền đất giữa Thượng Hải và Tô Châu trong những năm 1920s.
Temptress Moon quay cuồng trong những dòng chảy đánh mờ của cảm xúc và màu sắc, mơ màng móp méo qua những làn khói thuốc phiện. Cheung đóng vai một chàng trai trẻ duy tâm viển vông, thuộc loại hình mẫu điển hình trong văn học Thượng Hải, tự hành hạ tinh thần thể xác mình và đau đớn trước khi kết thúc cuộc chơi của bộ phim. Nhựa sống tràn đầy trong phần hình ảnh phim là kết quả đến từ sự kết hợp đầy tao nhã giữa hai trong số các “chiến tướng” dưới trướng của Wong Kar-wai : nhà quay phim Christopher Doyle và chỉ đạo nghệ thuật William Chang (Trương Thúc Bình).
Farewell To My Concubine (Bá Vương Biệt Cơ) năm 1993 lại là một thiên sử thi kéo dài ba tiếng đồng hồ, trải dài qua 5 thập kỷ kể về câu chuyện đời của hai ngôi sao nghệ thuật Kinh kịch Bắc Kinh. Leslie Cheung diễn xuất đối diện với nam diễn viên đại lục Zhang Fengyi (Trương Phong Nghị), và bộ phim được hoàn thiện bằng một phông nền đi vào khai thác các yếu tố kịch tính của lịch sử Trung Hoa hiện đại, từ cuộc nội chiến lật đổ phong kiến tại Bắc Kinh những năm 20 cho đến kết thúc của Cách Mạng Văn Hóa vào những năm 70. Farewell To My Concubine thắng giải Cành Cọ Vàng Palme d’Or cho Phim Xuất Sắc Nhất năm 1993.
“Nhân vật quyến rũ tôi nhất chính là Cheng Dieyi (Trình Điệp Y) của Leslie Cheung,” đạo diễn Chen nói về “nàng ái thiếp”, “Cheung là một diễn viên. Trong thế giới của anh, ranh giới giữa thực và mộng, giữa cuộc đời và nghi lễ, giữa đàn ông và đàn bà, giữa sống và chết, giữa những cái thực và những điều tưởng tượng, tất cả đều bị xóa nhòa. Anh tự hóa thân anh, xóa bỏ mọi phân biệt giữa bản thân và người khác, anh đã làm hòa tan cuộc đời và Kinh kịch vào cùng một con người, vì vậy khi chứng kiến giây phút tự hủy hoại cuối cùng của anh, đối với chúng tôi dường như chẳng khác nào một vở kịch đẹp đẽ. Người nghệ sĩ khi rời bỏ sân khấu, bước chân vào mớ hỗn độn của đời sống con người bình thường, trực diện nhìn vào sự lăn lộn tính toan thường nhật của cuộc đời, người đó sẽ sụp đổ cho đến tận cùng của cô đơn và cô lập. Nhưng cũng chính bởi vì thế mà sự ngây thơ, chân thành của anh, và thậm chí những chống chếnh thành kiến và sự đố kỵ của anh mới trở nên đẹp đẽ và thật đến nhường ấy. Anh đã vén bức màn bày mở cho chúng ta về một tình yêu si mê cuồng dại tự nhiên không bày vẽ."
Nền âm nhạc Canto-pop vốn không phải là một môi trường dễ thay đổi, Trung ngữ có ít nhất bảy giọng, trải dài từ Hong Kong cho đến vùng Nam Trung, mỗi giọng lại có một hệ thống ngôn ngữ và ý nghĩa khác hẳn nhau. Kết nối điều này cùng với giai điệu và bạn sẽ hiểu lý do vì sao nữ ca sĩ nổi tiếng Sally Yeh (Diệp Thiên Văn) đã có lần từng phàn nàn rằng hát nhạc Canto-pop chẳng khác nào như việc “hát trong nhà tù”. Thêm vào đó, hầu như nhạc Canto-pop rất cứng nhắc, đặc biệt về công thức sáng tạo, các bản ballad tình yêu nồng nhiệt hay ngọt ngào đều phải đi kèm với một chút nhức nhối hay quá dồi dào về mặt trạng thái trong cùng một tác phẩm. Rất ít các ca sĩ (trừ nữ danh ca, diva nhạc Canto sinh tại Bắc Kinh - Faye Wong Vương Phi là một ngoại lệ xuất sắc) muốn nỗ lực phá bỏ thứ công thức vàng trói buộc đó.
“Tại Hong Kong, tiếng tăm của bạn được dựa chủ yếu vào vận may, duyên số và ngoại hình,” ca sĩ Canto gây chấn động ở tuổi 16 Nicholas Tse (Tạ Đình Phong) nói. “Nó không dựa nhiều vào bản chất âm nhạc.”
“Các nhà sản xuất chỉ làm đi làm lại cùng một thứ hết lần này và lần khác, và kết quả thì họ vẫn mang về cả một đống tiền, vẫn là những người làm ra nhiều tiền nhất,” ca sĩ Alex To tán đồng.
Rất tự nhiên, đối tượng đông đảo nhất của Canto-pop là các thiếu nữ chưa đến tuổi thành niên, các cô gái này làm sao có thể kháng cự lại các anh chàng đẹp trai đến khó tin, những ngôi sao nhạc Canto-pop như Leon Lai (Lê Minh) hay Andy Lau (Lưu Đức Hoa), nhất là khi so sánh họ với gương mặt đầy mụn và vẻ e dè trước lũ con gái của các cậu bạn học cùng lớp! Đối với họ, lựa chọn đó vốn dĩ luôn là một lộ trình hiển nhiên …
Trong đầu những năm 80s, Leslie Cheung cũng chỉ là một gương mặt đẹp trai khác được ném vào guồng máy công nghệ lăng-xê với các bộ trang phục nhảy disco cùng áo khoác lấp lánh và cà vạt thắt nơ nhỏ thanh thoát. Anh tiến lên hàng sao khá nhanh chóng; Cheung cùng với ca sĩ hát nhạc nhẹ Alan Tam (Đàm Vịnh Lân) đều là các ngôi sao hàng đầu vào cuối thập niên 80… Cheung từng được biết đến với những màn thay đổi trang phục khéo léo trên sân khấu, bao gồm cả sáng kiến tái hiện lại hình ảnh “nhân viên đi thu thuế” của anh từ bộ phim A Chinese Ghost Story (Thiện Nữ U Hồn). Nhưng sau đó tất cả đều đã bị loại bỏ, chúng biến đổi và trở thành “cơn ác mộng cho sự đảm bảo an toàn” khi anh bắt đầu chú trọng đến hình tượng âm nhạc gây ấn tượng mạnh mẽ, bộc lộ bản thân vào giai đoạn những năm 1990.
Cùng nhắc lại đĩa nhạc laser-karaoke đánh dấu sự trở lại của Leslie năm 1997 – Legend, bài hát đầu tiên “Red” đã mở đầu bằng một quãng đàn dây lôi kéo ủ dột trước khi sải bước khoan thai tiến vào lãnh địa của một tiết tấu hoan hỉ ngập tràn tự tin vào sự gợi tình của bản thân, một nhịp điệu như được tạo ra bởi những đôi gót giày nguy hiểm và những cú lướt hình từ những bất động chậm rãi kéo dài cho đến các hành động ham muốn đầy khiêu khích. Phần hình ảnh hòa quyện cùng với uy quyền của sức sống âm nhạc đã đem đến một video ca nhạc giàu hình tượng, còn tuyệt vời hơn cả khía cạnh “tình dục” nó cố tình khắc họa nên : những con báo hoa nằm gầm gừ nhấm nhẳng và những đóa hoa hồng máu đẫm mùi mưa sương, nét chạm trổ của bức chân dung tự say đắm dục cảm bản thân và những cổ tay trắng ngần run rẩy bị trói chặt vào cột giường, Leslie vụng trộm cùng với Karen Mok trong khi vẫn liếc nhìn khao khát lên những đường nét cơ thể như được tạc tượng của Jimmy Wong (hình mẫu Joe D'Allesandro của Leslie chăng ?). Liệu Hong Kong đã sẵn sàng cho những thứ này chưa ?
Với hầu hết các khán thính giả của Legend, từng câu chữ không còn là quan trọng, trong khi các bảng xếp hạng của logo Rock Records vẫn chỉ tranh nhau biểu thị các khoảnh khắc âm nhạc vào các phòng chạy chữ hát karaoke. Đối với fan HK, các ca khúc là luôn phải thật rõ ràng, như thể là những “vật chất” họ có thể định nghĩa và nắm bắt ngay lập tức. Vì vậy, Legend biết cách tạo được sự cân bằng cho người nghe.
Một ca khúc trong đĩa hát - bài “Blamefully Beautiful” đã khắc họa Leslie vào vai một anh chàng nhân viên văn phòng chịu quy phục và trở thành “cậu bé đồ chơi” cho vị sếp nữ đẹp như tượng thần của anh (do siêu mẫu Janet Ma thể hiện), anh trở thành đích nhắm mời gọi lả lơi, và ngoan ngoãn để cho cô kéo cà vạt và phả từng làn hơi thuốc Cohila vào mặt. Nhưng khi biểu tượng gợi cảm, quả bom sex của Đài Loan – Shu Qi (Thư Kỳ) bắt đầu bước vào khung cảnh đó, cô đã mê hoặc Leslie. Janet bắt gặp họ, và, khi Leslie dọn dẹp, rời khỏi chiếc bàn đã dọn sạch trống trơn của anh, video bài hát kết thúc với hình ảnh hai người phụ nữ cùng đứng về một phe, với một đôi điếu xì gà sành điệu trên môi.
Một track nhạc khác “Grieving Man”, được thể hiện dưới phong cách phóng túng thập niên 60 chạm vào nét cơ bản của video nói về các gã trai bình thường (bao gồm cả một quân nhân cảnh sát) trở về nhà sau giờ làm việc. Quăng bỏ công việc, gội rửa và ca hát, nghịch ngợm với tóc giả và các tấm khăn choàng lông… tất cả đều diễn ra dưới sự giám sát của một người chỉ đạo : Big Daddy Cheung (tạm dịch là : Ông bố lớn họ Cheung). Không có gì để chối cãi, đây là một video mang hơi hướng đồng tính được dàn dựng vô cùng táo bạo và khác biệt nhưng đồng thời vẫn rất "thầm kín".
Mặc dù phần hình ảnh vượt xa các tiêu chuẩn thông lệ của video nhạc Canto thật sự gây ấn tượng nổi bật, phần âm nhạc của đĩa hát Legend tự bản thân nó cũng đã mang đầy tính đổi mới và sáng tạo. Nó cho ta cảm giác rằng dường như Leslie đang lấy sức bật người lên và giáng một đòn vào mọi ranh giới hạn hẹp của âm nhạc Canto-pop, nêm nếm những thành tố “xấu xa” mới mẻ cần thiết để khơi tân và làm nên những khoảng thời gian thưởng thức thỏa lòng khán giả. Buổi hòa nhạc cho đĩa hát laser này, Leslie Cheung Live in Concert 97, đã thể hiện khía cạnh đa sắc quyến rũ như châu Âu của Legend. Một Leslie rõ ràng là đang mồi chài và tán tỉnh kích thích khán giả trước khi anh quay trở lại với phong cách chân thành xuyên suốt từ các bài hát mới cho đến các ca khúc cũ được yêu thích, và một liên khúc các bản nhạc trích từ các bộ phim của anh. Giữa phần chuyển bài hát, Leslie đối thoại với khán giả, từng lời của anh đều được đi kèm phụ đề tiếng Anh. Leslie đã hỏi “Am I beautiful?” ("Tôi có đẹp không?"), thật là một câu hỏi đầy sức mạnh và tự phụ. Và rồi anh xuất hiện với đôi giày cao gót màu đỏ đó …
Không phải tất cả khán giả có mặt trong buổi biểu diễn tại sân vận động Hong Kong những ngày đó đều là người Hong Kong. Một trong những fan hâm mộ đến từ Nhật Bản của Leslie, Yoshiko Ota, cho hay phần lớn fan Nhật Bản căn bản là các bunkamura zoku (theo nghĩa đen, là “tông màu văn hóa”) : phụ nữ ở độ tuổi 30, 40 thường mong muốn ở thần tượng của họ nhiều hơn chỉ là những gương mặt xinh đẹp hay các ca từ sáo rỗng, “Các bunkamura zoku yêu thích Leslie bởi vì phim của anh tượng trưng cho nghệ thuật chất lượng cao,” Ota nói. “Farewell To My Concubine thắng giải Cannes Cành Cọ vàng, và một vinh dự tương tự như thế đã được tôn vinh bởi khán giả Nhật.”
“Hầu hết các fan Nhật Bản của Leslie đều không phải là các loại “Mi-chan/Ha-chan” (một cụm từ dùng để chỉ các cô gái nông cạn, ít suy nghĩ),” Keiko Kawazoe, một thành viên khác của LJFC, tán thành. “Chúng tôi trưởng thành hơn trong cách đánh giá.”
Các goh-mai (tức các fan cuồng, đa số là fan trẻ tuổi) phần lớn luôn chọn các thần tượng trẻ, nhưng dường như không ai muốn dứt bỏ Leslie (lúc bài viết này được đăng, anh đã hơn 40 tuổi). Nỗi sợ của anh về một cái chết theo gót John Lennon xem ra cũng giống như một sự biểu thị cho khát vọng được yêu mến, đồng thời là dấu hiệu cho thấy sự đe dọa đến từ niềm ái mộ quá ư cuồng nhiệt của hàng vạn triệu người đang bị anh ám ảnh. Tứ phía quanh anh đèn sân khấu rực sáng nồng nàn, và tấm gương phản chiếu vẫn mời gọi anh.
Tác giả : Stefan Hammond
Nguồn gốc : goldsea.com
Nguồn gốc : goldsea.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét