Tìm kiếm bài trong Blog này

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Sau một thập niên, người Hàn Quốc vẫn không thể quên Trương Quốc Vinh

Được tổng hợp và dịch thêm từ nguồn: thethaovanhoa.vn và koreatimes.co.kr (link1) (link2)




Trong thời hoàng kim của điện ảnh Hong Kong, những năm 1980 và 1990, các nghệ sĩ giải trí vẫn thường phát triển tài năng cả ở lĩnh vực diễn xuất, ca hát và Trương Quốc Vinh cũng vậy. Là một thần tượng ở cả lĩnh vực điện ảnh và âm nhạc, anh luôn được nhớ đến như một trong những siêu sao lớn nhất của châu Á.

Tròn mười năm sau ngày Trương Quốc Vinh mất, di sản điện ảnh và âm nhạc của anh để lại vẫn gây xúc động cho nhiều người. Đối với khán giả yêu thích anh tại Hàn Quốc, cảm giác mất mát và nỗi đau dường như vẫn còn vẹn nguyên. Ngày 1 tháng 4 năm nay, người hâm mộ khắp nơi trên thế giới đang chuẩn bị tổ chức cho một loạt các hoạt động khác nhau nhằm tưởng nhớ anh. Và bên cạnh Hồng Kông, không có quốc gia nào quan tâm đến điều này hơn Hàn Quốc, những ký ức về Trương Quốc Vinh vẫn để lại dấu ấn sâu đậm không thể xóa nhòa cho nơi đây. 

Trong thập niên 1980s và đầu 1990s, trước khi Hàn Quốc trở thành một trung tâm giải trí và văn hóa như hiện nay, lớp trẻ Hàn Quốc cũng tìm kiếm giá trị tinh thần từ nền văn hóa của các nước mà họ cho rằng hấp dẫn hơn của họ. Thời gian đó Hàn Quốc cấm nhập khẩu các văn hóa phẩm liên quan đến Nhật Bản, điều này cho phép Hong Kong nổi lên và trở thành kẻ chinh phạt văn hóa mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực phim ảnh và âm nhạc.

Không có tên tuổi nghệ sĩ nào của Hong Kong được ưa chuộng hơn Trương Quốc Vinh tại thị trường Hàn Quốc. Các bộ phim của anh lần lượt đều thành công về doanh thu, các ca khúc của anh được hát đi hát lại và mang lại nhiều giá trị thương mại, và gương mặt của anh chiếm lĩnh trên các tạp chí hay những đồ dùng văn phòng phẩm của các thiếu niên.

Vai diễn đột phá đầu tiên của anh tại Hàn Quốc là trong bộ phim hành động năm 1986 của đạo diễn Ngô Vũ Sâm, “Anh Hùng Bản Sắc”, bên cạnh tuyến vai chính của Châu Nhuận Phát. Không giống như Châu, người đã có hình tượng về sức mạnh và cơ bắp từ những ngày đầu, Trương đã thể hiện khả năng đa dạng của mình ngay từ giai đoạn mới nổi ấy, bằng chứng là màn trình diễn xuất sắc của anh cho vai nam chính lãng mạn trong phim “Yên Chi Khâu” (1987) của đạo diễn Quan Cẩm Bằng.

Trương Quốc Vinh bắt đầu trưởng thành và trở thành một nam diễn viên quan trọng trong những năm 1990s. Anh nhận diễn một nghệ sĩ tuồng cổ chuyên đóng vai nữ ôm ấp một tình yêu tuyệt vọng trong bộ phim “Bá Vương Biệt Cơ” (1993) của đạo diễn Trần Khải Ca và một phần của cặp đôi đồng tính trong bộ phim “Xuân Quang Xạ Tiết” (1997) của đạo diễn Vương Gia Vệ. 

Sau đó, Trương Quốc Vinh cũng bắt đầu thừa nhận mình là một người đồng tính. Vào thời điểm đó, hầu như không có nghệ sĩ châu Á nào dám tuyên bố như vậy. Tuy nhiên, động thái này chẳng những không làm lượng người ái mộ anh sụt giảm mà trái lại còn khiến con số tăng lên. 

Đối với người dân Hàn Quốc, sự ra đi của Trương Quốc Vinh mang tới hai ý nghĩa: Một là đất nước họ vừa mất đi một trong những biểu tượng văn hóa có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất. Ý nghĩa thứ hai là cái chết của anh đã đánh dấu cho sự kết thúc của một giai đoạn, mà qua giai đoạn ấy, tình yêu của người Hàn Quốc dành cho điện ảnh và văn hóa Hong Kong, không thể chối cãi được, cũng bắt đầu suy tàn.

“Trương Quốc Vinh là một trong những ngôi sao đã mê hoặc màn ảnh rộng trong những năm 1980s và 1990s, khi điện ảnh Hong Kong đang ở trên đỉnh cao. Mặc dù những nam diễn viên như Châu Nhuật Phát và Lưu Đức Hoa cũng rất nổi tiếng, song không ai có thể làm chủ được cảnh phim như Trương Quốc Vinh. Anh có khả năng lập tức tăng thêm chiều sâu cảm xúc cho bất cứ cảnh phim nào" - một nhà báo của tạp chí điện ảnh Cine 21, ông Ju Sung Chul cho hay. Ông Ju Sung Chul chính là tác giả cuốn sách đầu tiên của Hàn Quốc viết về cuộc đời và sự nghiệp của Trương Quốc Vinh vừa mới được xuất bản, mang tựa đề "Những ký ức về Trương Quốc Vinh"




Sách viết về cuộc đời một tài năng

Chẳng hề ngạc nhiên chút nào khi Ju Sung Chul đã ghi lại cuộc đời của Trương Quốc Vinh trong cuốn sách đầy xúc cảm ấy. Ju Sung Chul là một nhà báo điện ảnh cựu trào và đã dành nhiều tâm huyết cho điện ảnh Hong Kong ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp. Các cuốn sách của ông là những tác phẩm cần đọc đối với bất cứ ai có tình yêu với điện ảnh Hong Kong và văn hóa của vùng đất này. 

Ju Sung Chul mở đầu cuốn sách của mình với những suy nghĩ khi ông tới thăm Khách sạn Mandarin Oriental, nơi Trương Quốc Vinh nhảy lầu tự vẫn. Ông tới nhà hàng trong khách sạn, nơi cuối cùng Trương Quốc Vinh đặt chân tới trước khi anh chết. 

Cuốn sách này dày 320 trang, gồm 11 chương, mỗi chương là những thời điểm quan trọng trong cuộc đời Trương Quốc Vinh dưới từng chủ đề cụ thể như "Ký ức", "Tình yêu", "Ước mơ" và "Tiếc nuối". Bên cạnh đó, tác giả còn phỏng vấn nhiều đồng nghiệp của Trương Quốc Vinh và tới thăm những nơi mà siêu sao thường đặt chân tới để độc giả có cảm nhận gần gũi hơn với con người Trương Quốc Vinh, đằng sau vị thế thần tượng của anh.


"Mất anh, điện ảnh Hong Kong như mất đi sinh khí"

Ju Sung Chul lớn lên cùng các bộ phim Hong Kong. Ông đã phỏng vấn rất nhiều diễn viên ngôi sao và đạo diễn. Trương Quốc Vinh đã chiếm một vị trí đặc biệt trong trái tim ông bởi sự đa tài, bởi các vai diễn đầy thuyết phục và lôi cuốn của anh trên màn bạc. 

“Rất ít diễn viên Hong Kong có lối diễn thuyết phục được như Trương Quốc Vinh, cả trong các vai diễn hiện đại cũng như cổ trang. Sau khi anh qua đời, nền điện ảnh Hong Kong như mất đi sinh khí" - ông nhận xét. 

"Dĩ nhiên, nét đẹp ngây thơ của Trương Quốc Vinh cũng đóng góp nhiều cho danh tiếng của anh. Tuy nhiên, những gì khiến người Hàn Quốc nhớ đến cho tới giờ lại là các vai diễn có nội tâm phức tạp và buồn của anh trong những bộ phim như "Đông Tà Tây Độc" (1994) và "Xuân Quang Xạ Tiết" (1997). Sự thật rằng anh đã ra đi vào ngày Cá tháng Tư quả là một thực tế hết sức phũ phàng và tàn nhẫn đối với người Hàn Quốc” - Ju Sung Chul nói. 


Là nguồn cảm hứng của nhiều nghệ sĩ

Là một tay bút chuyên về điện ảnh, cuốn sách của ông Ju Sung Chul tập trung chủ yếu vào vai trò diễn viên của Trương Quốc Vinh. Có lẽ cần phải có thêm một cuốn sách khác để có thể miêu tả trọn vẹn và công bằng với sự nghiệp âm nhạc cũng rất rực rỡ của anh. 

Trương Quốc Vinh bắt đầu sự nghiệp ca hát sau khi giành chiến thắng trong cuộc thi Âm nhạc châu Á năm 1977. Được coi là một trong những người sáng lập của dòng nhạc Pop tiếng Quảng Đông, năm 2010 Trương Quốc Vinh đã lọt vào vị trí thứ 3 trong danh sách “5 nghệ sĩ được thần tượng hóa nhất mọi thời đại” của CNN, chỉ đứng sau các huyền thoại Michael Jackson và ban nhạc The Beatles. 

Những người yêu thích giọng ca của Trương Quốc Vinh sẽ không bao giờ quên được chuyến lưu diễn quốc tế cuối cùng của anh (kéo dài 8 tháng, trong năm 1999 - 2000), với những buổi diễn luôn kín khán giả tại các sân vận động ở Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Mỹ...

Có thể, Trương Quốc Vinh không có được tài năng ca hát tự nhiên như Trương Học Hữu - một trong “Tứ đại thiên vương” của Hong Kong, song anh nổi tiếng với chất giọng đầy nhục cảm rất độc đáo. Thông thạo tiếng Anh từ nhỏ, anh còn có sức hấp dẫn công chúng quốc tế. Trong sự nghiệp của mình, Trương Quốc Vinh đã tung ra gần 30 album.

Trương Quốc Vinh là nguồn cảm hứng cho nhiều ca sĩ, trong đó có cả “Tứ đại thiên vương”, gồm Lê Minh, Lưu Đức Hoa, Trương Học Hữu và Quách Phú Thành. Tại một chương trình hòa nhạc tưởng nhớ Trương Quốc Vinh ngay sau khi anh qua đời, “bộ tứ” này đã trình diễn ca khúc chủ đề trong phim "Anh Hùng Bản Sắc".

Trương Quốc Vinh bắt đầu theo đuổi lĩnh vực diễn xuất từ năm 1978. Anh nổi trội trong kỷ nguyên vàng của điện ảnh Hong Kong với những tác phẩm điện ảnh kinh điển mọi thời đại. Trương Quốc Vinh còn được biết đến là một trong những diễn viên yêu thích nhất của bậc thầy làm phim Vương Gia Vệ, thủ diễn vai chính liền trong 3 tác phẩm của ông: "A Phi Chính Truyện" (1991), "Đông Tà Tây Độc" (1994), và "Xuân Quang Xạ Tiết" (1997).

Trương Quốc Vinh đã tham gia diễn xuất trong gần 60 bộ phim. Một trong những bộ phim thành công nhất mà anh thủ diễn vai chính là phim "Bá Vương Biệt Cơ" (1993) của đạo diễn Trần Khải Ca. Trong phim, anh hóa thân thành một ca sĩ Kinh kịch, trên sân khấu chinh phục khán giả với những vai diễn nữ. Tác phẩm điện ảnh này là bộ phim Trung Quốc đầu tiên giành giải Cành cọ Vàng tại LHP Cannes. Phim còn đoạt hơn 20 giải thưởng điện ảnh khác và được đề cử giải Oscar Phim tiếng nước ngoài hay nhất. 


Hoạt động tưởng nhớ tại Hàn Quốc

Viện Lưu Trữ Phim Hàn sắp tới sẽ tổ chức một buổi chiếu hai phim của Trương Quốc Vinh là "A Phi Chính Truyện" (1991) và "Bạch Phát Ma Nữ Truyện" (1993) tại rạp Cinematheque KOFA, Sangam-dong, Seoul vào ngày 06/04/2013. Trung Tâm Điện Ảnh Busan cũng sẽ trình chiếu lại 10 bộ phim của anh và trưng bày các bức poster vào tháng 5.

Câu lạc bộ ái mộ Trương Quốc Vinh tại Hàn Quốc trên trang web Guam (www.daum.net) đã tổ chức một buổi chiếu phim online đặc biệt cho "Xuân Quang Xạ Tiết" (1997) vào Chủ nhật tuần rồi. Cộng đồng mạng này gồm khoảng 14.500 thành viên, lớn hơn bất cứ câu lạc bộ ái mộ của bất cứ nhân vật nổi tiếng nước ngoài nào trên internet. 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét