Tôi vẫn nhớ lời của cô Từ Phong (Tsui Feng), Chủ tịch Hãng phim Tomson đã có lần nói với tôi, “Leslie là người đàn ông bí ẩn và thanh lịch nhất mà tôi từng được gặp. Đường nét mỏng manh của anh ấy thật đẹp và dịu dàng, đôi mắt của anh ấy tràn đầy sự êm ái và những xúc cảm đam mê. Anh ấy có khả năng thể hiện được hết những cảm giác không thể truyền đạt ẩn sâu trong trái tim của mỗi người.”
Leslie sinh năm con Khỉ, và anh đã bước qua ngưỡng tuổi 40. Mặc dù vậy, gương mặt của anh, cùng nét trẻ thơ trong sáng và đáng yêu, đã duyên dáng che đi dấu vết của thời gian và những đường hằn của số phận. Anh nói với tôi rằng anh không tin vào phẫu thuật thẩm mỹ, cũng như cái gọi là “phép bất lão trường sinh” để giữ gìn tuổi trẻ. Anh nói, “Tôi chỉ muốn được sống vui vẻ mỗi ngày. Tôi không quan tâm đến chuyện tuổi tác, nó chẳng có ý nghĩa gì với tôi!” Một nhà đạo diễn nổi tiếng quốc tế đã có lần nhấn mạnh rằng trong thế giới phim Hoa ngữ hiện nay, chỉ duy có hai nam diễn viên có thể đóng vai “Dan” như trong Kịch tuồng Trung Quốc. Đó là Leslie Trương Quốc Vinh và Tôn Long (John Lone). Bức hình chụp Leslie trong bộ dạng Trình Điệp Y (một Dan nổi tiếng của Kinh kịch Bắc Kinh) đang diễn vai ái thiếp Ngu Cơ trong vở “Bá Vương Biệt Cơ” đã được xuất bản trong cuốn “Movie Picture” – một tạp chí hàng đầu của châu Âu – với giá US$20,000. Kể từ đó, đôi mắt đẹp, dài đầy xúc cảm của anh mà người châu Âu gọi là “Mắt Phượng” và cái tên tiếng Anh “Leslie” đã trở nên nổi tiếng rộng rãi trong thế giới điện ảnh phương Tây. Các nhà phê bình phim nhận xét John là người sâu sắc và đẹp trai, tuy nhiên vẻ đẹp của Leslie tự thân nó vẫn mềm mại và tinh tế hơn.
Có rất nhiều lời đồn thổi xung quanh việc lựa chọn vai diễn đinh cho bộ phim “Bá Vương Biệt Cơ”. Cho đến ngày nay, người ta vẫn tin rằng Tôn Long là lựa chọn đầu tiên của đạo diễn Trần Khải Ca (Chen Kaige). Đại diện của Tôn Long thậm chí còn từng fax tin cho cô Từ Phong ngỏ ý giảm thù lao vai diễn từ US$1,800,000 xuống US$1,500,000. Họ cũng đồn rằng nhờ chuyện này, cô Từ Phong đã rất vui vẻ và quyết định tăng thêm kinh phí đầu tư cho bộ phim. Tuy vậy, việc hợp tác giữa Tomson và Tôn Long cuối cùng cũng kết thúc do các điều kiện yêu cầu đưa ra từ phía Tôn Long là quá khó khăn.
Thế rồi một ngày kia, Trần Khải Ca nhận được một cuốn tạp chí từ một người bạn đang sống tại Hong Kong, trang bìa của cuốn tạp chí đó là bức hình của Leslie đang hóa trang trong vai diễn một Dan Kinh kịch Bắc Kinh “Qishuanghui”. Trên bức hình còn có dòng chữ nhắn hỏi, “Khải Ca, liệu anh có bị mê hoặc ?”
Leslie sở hữu một sức hút đặc biệt vượt xa sức hấp dẫn bình thường của bất kể người đàn ông hay người đàn bà nào. Đó là một tổng thể hội tụ đáng ngạc nhiên giữa phần quyến rũ nam tính và nữ tính, cay nghiệt xen lẫn ngọt ngào, dịu dàng nhưng đồng thời mạnh mẽ. Leslie đã phô bày sức quyến rũ lạ lùng này của anh thông qua các nhân vật anh khắc họa.
Tham gia bộ phim “Phong Nguyệt” gần đây, Leslie diễn vai Trung Lương (Yu Zhongliang), một kẻ lừa đảo tại thành phố Thượng Hải những năm 20. Một lần nữa, chúng ta lại được chứng kiến sức quyến rũ vượt trội của anh qua nhân vật này. Vào lúc khởi đầu, Leslie đã nỗ lực mường tượng ra nhân vật từng bước một, từ ngoại hình cho đến tinh thần của anh ta, thế rồi trong phút chốc, anh đã trở thành Trung Lương, đặt hết tâm hồn và trái tim mình vào vai diễn.
Cuối buổi quan sát, tôi thấy anh tại Trường quay số 6, đang quay phân cảnh khi nhân diện lừa đảo phụ nữ của Trung Lương bị vạch trần, và Yu Yi đã hỏi anh liệu anh có yêu nạn nhân của mình hay không. Tâm hồn Lương bị cắn rứt và giày vò. Cuối cùng, sau một vài phút im lặng, anh đã hét vào mặt Yu Yi, “Tôi không còn là đứa hầu của nhà cô!”
Trong suốt buổi phỏng vấn của tôi dành cho Leslie, anh thừa nhận trong nhiều tháng việc quay phim đã bị trì hoãn, đấy là cơ hội để anh thẩm thấu và đi sâu vào thế giới của nhân vật. Anh nghĩ rằng Trung Lương đã không có một cuộc sống êm đẹp. Anh không có tình yêu của cha mẹ từ thuở ấu thơ. Những xung đột nội tâm nghiêm trọng anh ta trải qua là xuất phát từ sự trốn chạy quá khứ và những ám ảnh về sự khống chế của người chị gái. Và mặc dù anh ta nhạy cảm, anh ta khao khát tình yêu, nhưng tình yêu cũng như thuốc độc đối với Lương. Anh không thể và cũng không dám yêu. Thực chất anh ta là một nạn nhân. Sau nhiều tháng nghiền ngẫm và trầm tư, Leslie đã thấu suốt nhân vật, “Trung Lương là hình ảnh phản chiếu cho những cảm xúc và thế giới đa sầu hỗn loạn của người đàn ông. Tình yêu của anh ta thiết tha những đồng thời độc hại, con người bản chất đôi khi lại ích kỷ. Và tình yêu có thể mạnh mẽ đến mức đốt cháy con người biến thành tro bụi. Nếu người đàn ông khao khát được yêu nhưng lại bị tổn thương bởi điều ấy, anh ta sẽ trả thù.”
Có một vài điều rất dễ ghi dấu và nhận biết về cảm xúc của người đàn ông, nhưng lại thật khó khăn để diễn đạt ra thành lời; Leslie lại có thừa tài năng để truyền đạt những điều đó đến với khán giả. Khả năng của anh cũng vượt xa những người đàn ông và các nam diễn viên bình thường.
Chú thích:"Dan" hay "Đán": là từ chỉ các nghệ sĩ nam được rèn luyện để chuyên đóng vai nữ trong các loại hình tuồng cổ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét