Nguồn bài: http://forum.leslie-cheung.com
Dịch bởi: Hang Vu
Bài viết về trang phục của Passion Tour trên tờ tuần san Minh Báo, phân tích kiến giải nhằm đem lại một chút công đạo cho nhà thiết kế Gaultier trước những thị phi xung quanh bộ sưu tập đậm tính thời trang cao cấp haute couture này.
Tóc dài = ma nữ Sadako hóa thân ?
Mặc váy = Đóng vai phụ nữ ?
Bộ sưu tập này thực chất là đồ cũ ? ...
=> Tất cả đều là sự diễn dịch ngớ ngẩn !
Nếu như tôi là Jean Paul Gaultier, tôi sẽ cảm thấy bi ai vì sự nông cạn và thô tục của văn hóa thời trang Hồng Kông.
Nếu như tôi là Jean Paul Gaultier, tôi thà chọn thiết kế hình ảnh cho một thần tượng nổi tiếng ở Nhật Bản. Vì nhìn từ con mắt kinh doanh, bất cứ nhãn hiệu thời trang nổi tiếng nào chỉ cần dựa vào thị trường Nhật Bản đã thu về lợi nhuận gấp nhiều lần từ các thị trường Đông Nam Á cộng lại, vì người Nhật Bản rất yêu chuộng hình ảnh được thiết kế riêng cho các thần tượng, đối với các nhãn hiệu thời trang mà nói thì hiệu quả kinh tế và lợi ích quảng bá không thể đoán chừng hết, ai thèm quan tâm đến Hồng Kông cơ chứ ?
Thế nhưng tôi không phải là Gaultier, ông ấy lựa chọn giúp Leslie Cheung - Trương Quốc Vinh, tự tay thiết kế hình tượng cho nhạc hội của anh ấy, trong khi có biết bao thần tượng nổi tiếng ở Nhật Bản ngày đêm hy vọng được hợp tác cùng Gaultier. Kết quả là, ông chỉ thiết kế một bộ cho Ryoko Hirosue nhưng lại toàn tâm toàn ý dốc sức trợ giúp Trương Quốc Vinh. Đều là vì danh tiếng lẫy lừng của 《Bá Vương Biệt Cơ》 và 《Xuân Quang Xạ Tiết》 đã lưu lại ấn tượng cho Gaultier về tài hoa của Trương Quốc Vinh. Nhật Bản tuy mạnh nhưng cũng chưa thể thành công trong việc đưa các thần tượng bản địa ra thị trường phương Tây thông qua hình thức nghệ thuật, nhưng người Nhật Bản có thái độ cầu thị chăm chỉ và kỹ lưỡng thăm dò đối với nghệ thuật văn hóa thời trang châu Âu.
Nếu như tôi là Gaultier, tôi nhất định sẽ hối hận. Nhìn Hồng Kông mà xem, tràn ngập trên báo đều là phê bình chỉ trích hình ảnh của Trương Quốc Vinh, tóc dài nhìn như hóa thân của ma nữ Sadako, mặc váy chính là vì muốn giả gái, bộ sưu tập haute couture thì bị hiểu lầm là thiết kế cũ từ năm ngoái ... Còn chưa uất ức và hối hận đến mức thổ huyết ? Chẳng trách Gaultier khi làm show mới ở Paris đã cự tuyệt và cho giới truyền thông Đông Nam Á ra đứng ngoài cửa. Chúng ta đối với văn hóa thời trang của quốc tế là như vậy đấy - hoàn toàn không biết cái ất giáp chi cả. Cuối cùng thì sẽ chẳng có nhà thiết kế thời trang quốc tế đẳng cấp đại sư nào chịu liếc mắt nhìn Hồng Kông một cái, đây là lần đầu chúng ta có một ca sỹ thần tượng được hợp tác cùng bậc thầy làng mốt, đáng lý ra chúng ta phải cảm thấy vinh dự và tự hào.
SÁNG TẠO KẾ THỪA TỪ LỊCH SỬ PHƯƠNG TÂY VỀ "TRUNG TÍNH HÓA"
Những ai đã quen thuộc với phong cách của Gaultier đều biết, từ những năm 80, ông đã đi đầu trong việc để đàn ông mặc váy, đàn ông tóc dài trang điểm trong các show diễn của ông không phải chuyện mới, đã nhìn thấy nhiều tới mức quen mắt luôn rồi. Kỳ thực Gaultier là đại diện cho sự phá cách, không có giới hạn về giới tính trong các thiết kế trung tính của ông ấy. Quần áo nam nhân trong chất nam mạnh mẽ thường sẽ lộ ra nét âm nhu nữ tính, quần áo nữ nhân lại trong chất nữ mềm mại sẽ mang đến cả hương vị nam tính gai góc, đó là bản chất trong trang phục của Gaultier. Xu hướng thời trang của mấy mùa gần đây, đối với trào lưu Androgyny (Lưỡng tính) càng không xa rời, trở thành chủ đề được hoan nghênh và yêu thích. Bộ sưu tập thu đông năm ngoái của hãng Gucci mẫu nam đã trang điểm kiểu phong cách glam rock ( trang điểm và kiểu tóc kỳ quặc), còn đánh phấn mắt đỏ; mùa thu đông năm nay đến lượt túi xách nam trở nên phổ biến. Phong cách Androgyny này dự đoán trong thời trang xuân hè năm sau còn bùng nổ mạnh mẽ hơn nữa. Vậy thì vì đâu chúng ta lại thấy chiếc váy ngắn và mái tóc xõa vai cùng chiếc áo choàng của Trương là sai lầm, tội lỗi ? Trong lịch sử văn hóa phương Tây, các chiến binh La Mã cổ đại đã mặc váy ngắn, sớm hơn nữa là người Hy Lạp cổ không hề phân biệt váy cho nam hay nữ, tóc dài xõa vai cũng phổ biến đối với hình ảnh nam tính phương Tây cổ đại (phương Đông cũng thế), hết thảy đều có nguồn gốc từ lịch sử. Gaultier vốn yêu thích việc trùng kiến lại từ tài liệu lịch sử truyền thống, đem hòa trộn với văn hóa hiện đại, tạo thành một dạng phong cách mixed style and cross culture.
GAULTIER CÓ Ý NIỆM GÌ VỀ TRƯƠNG QUỐC VINH ?
Trong đại nhạc hội lần này của Trương Quốc Vinh, Gaultier muốn biểu đạt ý niệm 《From Angel to Devil》. Khi mở màn, Trương Quốc Vinh như ánh trăng/ mặt trời từ từ ló dạng, toàn thân màu trắng thoắt ẩn thoắt hiện sau tấm màn che trong ánh sáng đèn lồng từ từ nhô lên sân khấu, mặc một bộ âu phục màu trắng, từ ống tay áo đến bả vai được đính lông vũ trắng tinh khôi mịn màng, hóa thân tinh tế thành một Thiên sứ đẹp tuyệt vời. Đây chính là chủ ý hiệu ứng kết hợp giữa sân khấu và y phục của Gaultier, Thiên sứ lại biến hóa huyền ảo thành mỹ thiếu niên của nhân gian.
Mặc áo cổ tròn kiểu Ai Cập cổ đại chất liệu trong suốt và quần thủy thủ màu đen, nhìn từ xa trên áo như có vảy cá lấp lánh, gợi nhớ điển tích thần thoại Hy Lạp cổ về nữ thần Venus từ trong lòng đại dương được sinh ra. Mỹ thiếu niên bất luận là mặc váy ngắn hay quần váy phủ kiểu một nửa vỏ sò đều là lý luận rất Freud, chúng ta đều từ chung một quá trình mà trưởng thành, mặc kệ là nam hay nữ đều được trung tính hóa, không tán đồng việc phân chia giới tính để diễn dịch. Sau đó mỹ thiếu niên trưởng thành, biến thân thành Người Tình La Tinh cùng nét ma quái mị hoặc - Toàn thân một màu đen tuyền, bộ y phục bó sát cơ thể hấp dẫn, còn được bao phủ bởi sắc đỏ nhung nồng nàn như màu hoa hồng của áo choàng dài quét đất. Thật là một câu chuyện chập chùng tinh tế mà mỹ lệ lộng lẫy, sắc thái của y phục vừa đơn giản mạnh mẽ lại thuần nhất, trắng, đen rồi đỏ, cùng với âm nhạc và từng bài hát mà liên kết, chuyên chú đan xen tiết tấu.
Đây là trải nghiệm tuyệt vời nhất từ một nhạc hội địa phương mà tôi từng được thưởng thức, không phải chỉ là lên sân khấu mặc vài cái áo biểu diễn màu mè, hoặc là mang tất cả những yếu tố đang thịnh hành đắp cả lên người cho nhanh nhanh chóng chóng, hoặc đem lối glam rock của Dolce & Gabbana với cách di hình hoán ảnh để chuyển thành của riêng, hoàn toàn không có thông điệp thời trang hay linh hồn nào cả. Còn 《Nhiệt Tình》 lại vô cùng nguyên bản ! Hình tượng độc đáo của Trương Quốc Vinh là 100% "rất Gaultier". Cũng phải ngưỡng mộ Trương Quốc Vinh mỗi ngày đều đặn hít đất 300 cái, còn chịu khó đi phơi nắng, làm cho vóc dáng và nước da của anh ấy trở nên rắn rỏi trông giống như người Nam Mỹ La Tinh, để khi mặc quần áo của Gaultier mới hòa quyện nhập cách được thành một thể như vậy.
BỘ SƯU TẬP HAUTE COUTURE XUÂN HÈ 2000 BỊ HIỂU NHẦM LÀ THIẾT KẾ CŨ ?
Trong nhạc hội lần này của Trương Quốc Vinh, có chút linh cảm không thể nghi ngờ rằng một số bộ trang phục là đến từ bộ sưu tập haute couture 《Indian Chiaroscuro 》 mùa xuân hè năm nay của Gaultier, và loạt phong cách gợi cảm ready- to- wear mang hương vị Nam Mỹ La Tinh, như chiếc áo xuyên thấu có họa tiết Ai Cập cổ đại, quần jeans rách có đính hạt, hay những chi tiết được thiết kế tỉ mỉ từ thắt lưng cho đến khóa kéo của bộ đồ liền thân hở lưng màu trắng. Ngày đó khi Trương Quốc Vinh đang chuẩn bị cho nhạc hội, từng 3 lần đến Paris để gặp Gaultier cùng trao đổi. Trong studio được tận mắt nhìn thấy hàng dãy haute couture mới nhất dành cho bộ sưu tập xuân hè 2000 của Gaultier, Trương cảm thấy hứng thú rõ rệt với một số kiểu dáng. Mà Gaultier vì Trương Quốc Vinh cũng muốn ủy thác một linh hồn mới cho những sáng tạo của mình. Không còn là cách tạo hình mang hơi hướm Ấn Độ như bộ sưu tập haute couture xuân hè đã thấy trên sàn diễn, mà lại là áo trong suốt lấp lánh vảy bạc của mỹ thiếu niên đại dương, hay quần jeans rách đính hạt, hay bộ vest hở lưng màu trắng đậm chất “casual luxury”.
Tóm lại là Trương Quốc Vinh không có mặc đồ cũ. Ngay bộ sưu tập haute couture xuân hè 2000 của Gaultier cũng chỉ vừa lên sàn diễn ở Paris vào giữa tháng 7. Huống hồrất khó tránh được việc so sánh và dò xét, vì các bộ sưu tập haute couture số lượng quá ít ỏi ! Loại thời trang thiết kế thủ công tinh xảo cao cấp này vốn được xem là đỉnh cao văn hóa và nghệ thuật của thời trang, là khởi nguồn, là quốc túy của thời trang Paris.
Các vật liệu vải vóc dùng để chế tác đều được chọn lựa kỹ lưỡng nhất, quan trọng là chất lượng thủ công tinh tế vô cùng phức tạp, nhiều loại vải tiêu tốn đến 100$ cho một thước vải, thậm chí có loại hơn nghìn đô một thước, còn chưa tính tới các loại ngọc trai, thủy tinh, san hô, các loại trang trí kim tuyến thêu thùa. Phương thức tạo quần áo cũng không phải dựa trên cái mặt phẳng của rập giấy vẽ, mà là dựa trên chính khối thân thể con người bằng xương bằng thịt để cắt may, trải qua nhiều lần khâu lược và sửa lại cho vừa vặn không khẽ hở, phải khiến cho mỗi bộ phận của trang phục cùng hình thể người mặc tạo thành những đường cong mềm mại thông suốt, việc đính cúc thêm đinh tán càng được coi trọng để vừa đạt hiệu quả ghim cài chắc chắn bên dưới bề mặt lớp vải mà không được phạm vào tính thẩm mỹ bên trên. Để làm một bộ haute couture thường cần từ bảy tám mươi giờ cho đến hàng trăm giờ đồng hồ, chính là kết tinh tâm huyết của nghệ thuật thời trang.
Giá trị một bộ haute couture như của Christian Dior bán ra là từ 16.000$, một chiếc váy liền thân đơn giản haute couture của Channel là 10.000$, có thêm thêu thùa phải đến 50.000$ trở lên. Còn Gaultier, trang phục buổi tối là từ 25.000$ cho đến 100.000$ trở lên. Nhìn mỗi bộ trang phục của Ca Ca mà xem, váy đính một nửa vỏ sò, khâu dày đặc chẳng nhìn thấy đường kim khâu thủ công đâu, quần jean rách đính hạt ngọc trắng từng viên từng viên tinh mịn tỉ mỉ, hay hiệu ứng vảy cá lấp lánh là phải khâu đính từng lát chất liệu bắt sáng thành một tấm lưới trên áo mà thành. Nghe đồn mỗi bộ trang phục của nhạc hội giá là 50.000 đô la HK ? Sợ rằng mua một kiện áo lông hàng hiệu cũng không đủ ! Hiện thời thì haute couture Paris khách hàng toàn cầu chỉ có 200 người, tất cả họ đều là quý tộc hoàng gia và người giàu có của thế giới, và các nhà may haute couture chỉ có 25 hãng. Bất luận sản phẩm haute couture tạo ra ở thời đại nào cũng đều đủ chất lượng để đặt ở V & A Museum London hay cất giữ tại Metreopolitan Museum ở New York mà làm triển lãm.
NHẬN XÉT CỦA TRƯƠNG QUỐC VINH
Đối với lần hợp tác này với Jean Paul Gaultier, Trương Quốc Vinh đã nói : "Tôi cảm thấy ông ấy là một tài năng bậc thầy. Tôi vốn không được cao, nhưng ông ấy đã dùng proportion (tỷ lệ) trang phục hòng che đi khuyết điểm, và làm lộ ra các ưu điểm của tôi. 《From Angel to Devil》 là ý tưởng hình tượng mà ông ấy đã đề xuất. Bởi vì ông nghĩ tôi rất versatile (đa chiều), nên hiệu quả tạo ra trên người tôi sẽ rất đẹp. Tôi không có hỏi tại sao ông ấy lại có cấu tứ này, đây là một kiểu tin tưởng mà! ".
Nhìn Trương Quốc Vinh ở nhạc hội mặc chiếc áo choàng hơi hướm nhạc kịch Opera màu đỏ nhung hoa hồng quét đất, còn có bộ âu phục màu xám bạc hở ngực cùng quần ống rộng, kiểu dáng này đáng lẽ phải cao ráo mới mặc được, nhưng anh ấy mặc vào vẫn rất hợp, còn không hề cảm thấy bị dìm chiều cao, đây là công lực tạo couture của Gaultier, là tinh xảo vi diệu của haute couture.
Mà chuyện áo cũ liệu có đáng để nói ? Tôi cũng mong được giống như Vương Phi Mouna Ayoub của Ả Rập trước đây có hàng ngàn bộ haute couture , rồi hai mươi năm sau đem « áo cũ » đi triển lãm bảo tàng, Hiệp hội Thời trang Paris còn đem « áo cũ » của bà viết thành sách để luận giải, hướng dẫn cho mọi người cách tán thưởng thời trang cao cấp.
TỪ THIÊN SỨ ĐẾN MA QUỶ
Trang phục lông vũ trắng: Ý tưởng là 《Từ Thiên Sứ Đến Ma Quỷ》, mở màn là một màu lông vũ trắng thuần nhất tượng trưng cho hóa thân Thiên sứ, thiết kế sân khấu cũng lấy màu trắng làm chủ đạo.
Trang phục vảy cá : Thiên sứ huyễn hoặc biến thành mỹ thiếu niên của nhân gian, áo trong suốt có họa tiết Ai Cập cổ đại và quần thủy thủ màu đen, cùng hiệu ứng vảy cá lấp lánh như tia chớp. Đây là tác phẩm haute couture mùa xuân hè 2000, song Gaultier vì Trương Quốc Vinh đã kiến tạo nên một loại hương vị riêng cùng kiểu trang điểm riêng, đem đến cảm xúc thời trang rất khác.
Váy phủ nửa vỏ sò : Một cách giải thích khác của Gaultier về mỹ thiếu niên của nhân gian, một chiếc váy trắng phủ nửa vỏ sò, không nhìn thấy đường may thủ công, đó là sự lôi cuốn, là niềm tự phụ của thời trang cao cấp.
Âu phục 《 Đại Nhiệt 》 : Mỹ thiếu niên đã trưởng thành, biến thành Người Tình La Tinh đầy nhục cảm, bộ âu phục ánh kim nhìn có vẻ đơn giản, nhưng lại rất có “hiệu ứng sân khấu”. Khi gió thổi lên, chiếc áo rũ hững hờ liền cuộn sóng tạo nên chập chùng đường cong, chính là tôn vinh chất liệu cùng nghệ thuật cắt may vải vóc đầy tính nghệ thuật của haute couture.
Bộ đồ bó sát đen tuyền : Chính là hóa thân của người tình ma quỷ. Xuyên suốt nhạc hội, sắc thái của y phục vừa đơn giản mạnh mẽ lại thuần nhất, trắng, đen rồi đỏ, cùng với các ca khúc kết hợp tiết tấu vô cùng chặt chẽ.
Nhạc hội kết thúc cùng màn ma quỷ mị hoặc hoàn toàn hóa thân : Đây là một chuỗi nhạc hội tràn đầy cấu tứ và thông điệp thời trang, ý tưởng tập trung, các show diễn thời trang tại Hồng Kông cũng khó mà đạt được tới cảnh giới phi phàm này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét