Thực hiện Vietsub và lời bình: Khue Nguyen
Link xem Vietsub tại đây: VIMEO
Trong sự nghiệp âm nhạc trải dài hơn 2 thập kỷ của Leslie Cheung - Trương Quốc Vinh tựu chung có 3 tour concerts lớn đánh dấu bước ngoặc chuyển mình rõ nét nhất trong phong cách cá nhân mà từ đó đã định hình anh trở thành một biểu tượng văn hóa âm nhạc đại chúng, đó là : Final Encounter of The Legend năm 1989, World Tour năm 1997 và Passion Tour năm 2000.
Ở giai đoạn đầu tiên trong quãng thời gian 1977-1990 từ lúc bắt đầu con đường ca hát đến lúc tuyên bố giã biệt trong vinh quang, Leslie đã hội tụ đủ mọi yếu tố để xây dựng thành công nên một hình tượng bạch mã hoàng tử với những bản tình ca ngọt ngào có thể làm tan chảy bất kì trái tim người nghe nào. Sân khấu âm nhạc Hồng Kông thời điểm ấy chỉ vừa mới chập chững hình thành và Leslie nghiễm nhiên trở thành một trong số ít ca sĩ hiếm hoi khai sinh ra dòng nhạc Cantopop và đưa nó làm mưa làm gió khắp Đông Á suốt một thời gian dài.
Hình ảnh của Leslie trên sân khấu trong thập niên 1980
Tuy nhiên sau đó khi quyết định quay trở lại sân khấu âm nhạc Hồng Kông ở độ tuổi tràn trề sinh lực của một người đàn ông 40 tuổi, anh đã mạnh mẽ rũ bỏ ngay lập tức lớp vỏ bọc an toàn đã đóng khung sẵn dành riêng cho mình trước kia để trở thành một kiểu quý ông playboy với sự khiêu khích táo bạo và bắt đầu xuất hiện phong cách đưa đẩy lả lơi cả hai giới. Đỉnh điểm gây tranh cãi nhất ở show diễn World Tour 1997 chính là việc bước đi trên sân khấu bằng đôi giày cao gót đỏ đầy kiêu kì thách thức. Có lẽ chính trong quãng thời gian định cư ở Canada với tâm thế của một kẻ đứng ngoài cuộc lẫn qua một thời gian dài tiếp thu nền văn hóa phương Tây mà cụ thể là những nghệ sĩ Anh Quốc như David Bowie, Elton John, The Beatles ... đã cho anh cái nhìn tân tiến, toàn diện về nền âm nhạc để từ đó định hình hướng đi cho riêng bản thân mình.
Nếu lĩnh vực điện ảnh là nơi anh thoải mái bộc lộ những khía cạnh nội tâm đa sắc diện của mình qua những dạng vai diễn đa chiều thì chính trên sân khấu âm nhạc lại là nơi anh thỏa sức vươn cao đôi cánh tung bay.
Sau World Tour 1997, khi đã yên vị trên một vị thế cao nơi khó ai có thể với tới được ở cả nhạc đàn Hồng Kông & Đông Á, cũng là lúc anh có đủ tự do và sức mạnh để tùy ý xây dựng mọi thứ theo ý muốn. Không chỉ lên ý tưởng sáng tạo cho toàn bộ show diễn mà anh còn đảm nhiệm cả vai trò chỉ đạo nghệ thuật cho Passion Tour lần này. Leslie thể hiện mình có thể vượt xa hơn vai trò ca sĩ đơn thuần rất nhiều khi nhận xét:
"Có hai loại ca sĩ, một là nghệ sĩ chỉ biểu diễn, một là những người biết làm thế nào để dàn dựng buổi biểu diễn. Dĩ nhiên, tôi thuộc loại sau."
Không dừng lại ở đó, anh còn sang Paris đề nghị nhà thiết kế Jean Paul Gaultier - một trong những nhà tạo mẫu hàng đầu của dòng haute couture - thiết kế trang phục diễn cho riêng mình. Để có được cái gật đầu từ ông hoàng khó chiều của làng thời trang này (trước đó ông chỉ mới thiết kế trang phục riêng cho Nữ hoàng nhạc Pop Madonna), anh đã thuyết phục ông bằng hai vai diễn điển hình trong Farewell My Concubine (1993) và Happy Together (1997) cùng những buổi trình diễn ở Las Vegas. Cuối cùng Leslie Cheung đã trở thành nghệ sĩ thứ 2 sau Madonna được Jean Paul Gaultier đảm nhiệm phần thiết kế phục trang.
Thập niên 60 đã đánh dấu trong lịch sử văn hóa thế giới bằng những cuộc nổi loạn của lớp thế hệ thanh thiếu niên trẻ khi các cô gái không ngần ngại cắt phăng đi mái tóc dài biểu tượng cho sự nữ tính, còn ngược lại ở phía nam giới cũng bắt đầu nuôi mái tóc dài. Kẻ dẫn đầu cuộc cách mạng này không ai khác chính là tứ quái The Beatles - hình ảnh 4 chàng trai xuất hiện phớt đời trong kiểu tóc mop-top gần như đi ngược với mọi tiêu chuẩn hợp thời ở xã hội bấy giờ nhưng cuối cùng lại biến cuộc lật đổ thành công ngoạn mục và còn tạo sức ảnh hưởng sâu rộng lên đời sống văn hóa đại chúng. Dần dần sau đó, các nghệ sĩ Rock n' Roll cũng theo đuổi mái tóc dài phong cách này nhằm hướng đến tinh thần tự do và giải phóng giới tính. Nếu ở xã hội phương Tây độ dài mái tóc mop-top nhỉnh hơn 1 tí so với kiểu tóc truyền thống được cắt sát gọn gàng ở nam giới đã được xem là cuộc cách mạng thì ngược dòng lịch sử về phía bên kia bờ đại dương, những người đàn ông ở các quốc gia Á châu vốn đã làm quen với mái tóc dài từ nhiều thế kỷ trước rất lâu, thậm chí cả trước khi con đường tơ lụa được hình thành.
Thế nên khi Leslie xuất hiện trong mái tóc dài buông thẳng xuống hông không chỉ phản ánh tinh thần tự do và đại diện cho hình tượng Androgyny (Phi giới tính) mà anh còn châm lên ngọn lửa hoang dại lãng mạn đậm chất Á Đông. Leslie luôn cho thấy anh là một nghệ sĩ có cá tính cá nhân mạnh mẽ và không ngần ngại đẩy những giới hạn lên mức cao nhất. Một người nghệ sĩ không chỉ mãi chạy theo thỏa mãn khán giả mà còn phải có tầm nhìn xa để trở thành 1 người ở vị thế dẫn đầu. Những hình ảnh anh trình diễn ở Passion Tour đã phá vỡ hết mọi chuẩn mực thông thường của cái đẹp vốn đóng khung dành riêng sẵn cho hai giới từ bấy lâu nay. "Bản thân nghệ thuật không có sự phân biệt giới tính" - tư tưởng cởi mở này đã đuợc anh định hướng đến với đại chúng.
Nhưng cũng như những cá nhân dũng cảm đương đầu con sóng ngọn gió tiên phong cho những điều chưa ai dám làm đã phải trả giá bằng việc nhận lấy vô số tranh cãi từ định kiến đương thời, Passion Tour bị công kích gay gắt ngay thời điểm đó. Mặc cho tour diễn được đánh giá cao về mặt nghệ thuật từ những nhà chuyên môn và chính Madonna cũng lên tiếng ngợi khen, song bấy nhiêu cũng không ngăn được những chỉ trích khắt nghiệt từ giới truyền thông quê nhà lan tận sang Paris đến nỗi đích thân Jean Paul Gaultier bày tỏ sự tức giận bằng một email gởi riêng cho anh rằng ông sẽ không bao giờ thiết kế trang phục diễn cho riêng bất kì ngôi sao châu Á nào nữa. Thật ra Leslie không phải là nghệ sĩ đầu tiên xuất hiện với hình ảnh phi giới tính (Androgyny), trước anh đã có David Bowie, Marilyn Manson, Prince, Annie Lennox, Boy George ... theo đuổi thành công hình tượng này từ khá sớm rồi. Nhưng không may những gì anh làm còn quá đỗi mới mẻ lạ lẫm đặt trong bối cảnh ở một quốc gia Á Đông vẫn mang nặng định kiến truyền thống và vào một thời điểm khá nhạy cảm khi đời sống cá nhân của anh ngày càng thu hút sự quan tâm của công chúng. Thế nên những điều này còn được xem là ngòi nổ đầu tiên dẫn đến chứng bệnh trầm cảm sau đó của anh.
Quan điểm nhìn nhận lẫn thị hiếu của mỗi cá nhân là khác biệt nhau, duy chỉ có một sự thật không thể phủ nhận: những màn trình diễn kích thích thị giác thách thức giới hạn nghe nhìn đi trước thời đại rất xa ở Passion Tour đã mang anh đến tầm vóc của một nghệ sĩ lớn, một pop culture idol tương đồng với tiêu chuẩn đánh giá của phương Tây. Ngoài việc khéo léo hòa quyện hai nền tư tưởng văn hóa Đông Tây lại với nhau anh còn đóng dấu ấn cá nhân sâu đậm lên mỗi màn trình diễn của mình đến mức không một ai có thể sao chép theo được.
Chỉ một thời gian ngắn sau sự ra đi của anh, trên sàn diễn thời trang dần xuất hiện nhiều hơn những gương mặt phi giới tính đồng thời các nhà thiết kế cũng hướng đến những bộ trang phục dành chung cho cả 2 giới. Bên cạnh đó xã hội đón nhận cởi mở hơn với các đề tài từng là điều cấm kỵ trước kia. Lớp thế hệ trẻ ngày nay tiếp tục tìm thấy ở anh những giá trị có thể đại diện cho tiếng nói và khát vọng của họ. Cuộc cách mạng mà anh ra sức chống chọi tranh đấu dù bản thân không thể nhìn thấy được kết quả ở thời điểm ấy nhưng hi vọng ở đâu đó anh có thể hiểu được anh đã chiến thắng.
"Những nhà phát minh vĩ đại - những nhà tư tưởng, những nghệ sĩ, những nhà khoa học, những nhà sáng chế - đều phải đơn độc chống lại những người cùng thời với họ. Tất cả những ý tưởng mới và vĩ đại đều bị chống đối kịch liệt. Tất cả những phát minh mới và vĩ đại đều bị lên án. Động cơ máy đầu tiên bị coi là ngu xuẩn. Chiếc máy bay đầu tiên bị coi là không tưởng... Nhưng những người đó, với tầm nhìn không vay mượn, vẫn tiếp tục tiến lên. Họ đã chiến đấu, họ đã đau khổ và họ đã phải trả giá. Nhưng họ đã chiến thắng." (Suối Nguồn - Ayn Rand)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét