Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

5 vai diễn để đời của huyền thoại Trương Quốc Vinh

Nguồn: Kênh 14


Đối với những tâm hồn say mê điện ảnh trên thế giới nói chung và châu Á nói riêng, câu chuyện về Trương Quốc Vinh, đó là câu chuyện về một giấc mơ, giấc mơ hoa lệ phảng phất sắc màu ký ức.


Cách đây 14 năm, huyền thoại điện ảnh Hồng Kông này đã nhảy xuống từ tầng hai mươi bốn của một khách sạn. Anh chọn ngày 1/4 để làm việc này, như thể đây chỉ là một lời nói dối. Trên khoảng không mênh mông ấy, cơ thể ấm nóng của anh được bọc trong những túi gió khổng lồ, bay vút lên và được thả vào một đám mây trắng nào đó. Để anh mãi mãi ngủ quên giữa bầu trời mùa hè tĩnh lặng.

Người hâm mộ Trương Quốc Vinh thỉnh thoảng vẫn cảm giác rằng: có lẽ đến tận bây giờ, Ca Ca vẫn không ngừng bay.


5. Yên Chi Khâu

Thông thường, các diễn viên đều muốn được vào vai người tốt, trở thành nhân vật chính diện được khán giả cổ vũ tôn sùng. Ấy vậy mà Trương Quốc Vinh đã từng tự hào nói rằng: Trần Chấn Bang (Thập Nhị thiếu gia) của nữ tác giả Lý Bích Hoa là vai diễn đo ni đóng giày cho mình. Quả thực, một Thập Nhị thiếu gia thanh tú, thâm tình, đẹp đẽ tinh xảo như một món đồ sứ, vừa đáng thương vừa đáng trách như thế, ngoại trừ Trương Quốc Vinh ai còn có thể xứng đáng sắm vai?


Như Hoa yêu Thập Nhị thiếu gia, yêu chàng nhu tình mật ý, anh tuấn phong lưu, yêu đến độ cam chịu đem tính mệnh ra đặt cược, dùng cái chết chứng minh ái tình. Câu chuyện diễn ra vào những năm 30 thế kỷ 19, thời kỳ dân quốc hỗn loạn nhiễu nhương, xã hội chìm trong xa hoa và thống khổ. Trần Chấn Bang – một thiếu gia giàu có – vì say mê kỹ nữ nổi tiếng Như Hoa mà từ bỏ gia đình. Đến lúc rơi vào đường cùng, hai người dùng hộp son môi đính ước và nuốt nha phiến tự sát.


Như Hoa trở thành hồn ma lang thang trên dương gian để tìm Chấn Bang. Đến hơn 50 năm sau, nhờ sự trợ giúp của một phóng viên, cô biết được ngày đó Chấn Bang tự sát bất thành và đã được cứu sống. Đứng trước cô hiện giờ là một người đàn ông bệ rạc và thất bại. Lòng nàng tan nát, trả hộp son lại cho chàng, nói với chàng mình sẽ không chờ đợi nữa và bước vào bóng tối.


Tuy nội dung phim chủ yếu xoay quanh Như Hoa, nhưng không ai có thể phủ nhận Trương Quốc Vinh đã khắc họa nên Thập Nhị thiếu gia Trần Chấn Bang một cách hoàn mỹ, tinh tế và tự nhiên. Chàng mang trên mình sự đẹp đẽ, phong lưu và biếng nhác của một công tử, xen lẫn khí chất xa hoa, thích hưởng lạc, suy đồi của giới quý tộc thời bấy giờ. Chàng mặc trường bào (áo dài), tuấn tú như ngọc, cúi đầu nhíu mày thì tao nhã ưu thương, nhướn mi mỉm cười thì dịu dàng thâm tình.


Tình yêu của Thập Nhị thiếu gia dành cho Như Hoa rất chân thành, chỉ là chàng không thể vì nàng mà chết thêm lần nữa, một cuộc tình duyên đã tiêu tan hết tất cả dũng khí của chàng. Một chàng trai như thế này, khiến cho người con gái phong trần sắc sảo thông minh như Như Hoa, dẫu biết không thể trông cậy vào nhưng vẫn không thể ngừng say đắm, chàng trai ấy chỉ có thể là Thập Nhị thiếu gia của Trương Quốc Vinh.


4. Đông Tà Tây Độc

Trong phim điện ảnh kinh điển Đông Tà Tây Độc của đạo diễn Vương Gia Vệ, Trương Quốc Vinh vào vai Âu Dương Phong – một cái tên quen thuộc trong tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu của Kim Dung. Tuy nhiên, bộ phim này đạo diễn Vương Gia Vệ chỉ mượn tên một số nhân vật của nguyên tác để kể câu chuyện của riêng mình.


Sau khi rời khỏi núi Bạch Đà, Âu Dương Phong đã dừng chân tại một sa mạc, dựng quán và trở thành một kẻ môi giới chuyên giải quyết mọi vấn đề rắc rối của người khác. Những khách hàng lần lượt đến tìm tửu quán của Âu Dương Phong, không chỉ để đưa ra những yêu cầu đặc biệt hay nghỉ ngơi đơn thuần, mà còn để kể về những chuyện tình của họ.


Âu Dương Phong ẩn cư nơi sa mạc, không đơn thuần chỉ để trốn tránh, mà sâu trong lòng hắn chỉ muốn cất giấu tất cả hồi ức. Nỗi tiếc nuối khi yêu nhưng lại không thể gần nhau, những đau khổ ấy vẫn dây dưa, dằn vặt Âu Dương Phong. Người này giống như một điểm lặng giữa bộ phim, mỗi một vị khách đi lướt qua hắn đều mang trong mình một mối tình sâu đậm khó quên.


Màu sắc của phim tất nhiên không thể đẹp đẽ như những tác phẩm điện ảnh hiện nay. Đó là màu sắc của cát bụi, của tro tàn, tro tàn của thời gian. Giữa những khung hình đã nhuốm màu ký ức ấy, Âu Dương Phong của Trương Quốc Vinh với một cái nhếch mép cười, một ánh mắt, một cái xoay người, làm sống tất cả những hoài niệm. Gặp gỡ một người như thế, khiến kẻ khác không khỏi nhớ tiếc những chuyện đã qua.


Trương Quốc Vinh từng nửa đùa nửa thật rằng chính bản thân anh cũng không biết bộ phim này nói về điều gì. Tuy được xếp vào thể loại kiếm hiệp, nhưng Đông Tà Tây Độc chủ yếu miêu tả mối quan hệ tình cảm giữa các nhân vật với nhau, thông qua đó thể hiện rất nhiều "triết lí tình yêu" thường thấy trong phim Vương Gia Vệ. Tuy thất bại nặng nề về mặt thương mại, nhưng nó vẫn đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh trong và ngoài nước, xếp thứ hạng cao trong top 100 phim điện ảnh Trung Quốc xuất sắc nhất mọi thời đại.


3. Xuân Quang Xạ Tiết

"Vì sao Hà Bảo Vinh đã có Lê Diệu Huy rồi mà vẫn cứ tiếp tục đi tìm những người khác?" Rất nhiều khán giả đã thắc mắc như vậy. Xuyên suốt Xuân Quang Xạ Tiết, Trương Quốc Vinh trong vai diễn Hà Bảo Vinh, luôn luôn giữ điệu cười tinh quái trên môi, mỗi bước đi cứ như đang nhún nhảy. Hà Bảo Vinh mãi mãi là đứa trẻ không lớn, đáng yêu, ngang bướng, phản bội, khiến kẻ khác phải bó tay. Nhưng ở đoạn cuối phim, khi Hà Bảo Vinh ôm tấm chăn của Lê Diệu Huy cất lên tiếng khóc như xé lòng, cách màn hình, người xem đều có thể bị lây nhiễm bởi đau thương.


Là một bộ phim về đề tài đồng tính, nhưng đạo diễn Vương Gia Vệ không dùng nó để lên án những rào cản xã hội, mà xoáy sâu ống kính vào tình yêu giữa những người đàn ông. Nếu mối quan hệ giữa nam và nữ là sự kết hợp tự nhiên của âm dương, được xã hội công nhận, có hôn nhân và con cái ràng buộc… thì tình yêu giữa hai người đàn ông tựa như con ngựa bất kham, là hai cực dương vẫn sẽ phát sinh phản ứng đẩy cho dù được ghép sát vào.


Suốt cuộc đời của diễn xuất không dài của mình, Trương Quốc Vinh đã đảm nhận những vai diễn mà (nhiều người cho rằng) ngoài anh ra, chẳng ai khác có thể diễn nổi. Một trong số đó là nhân vật đồng tính với tính cách kì quái Hà Bảo Vinh.


Chỉ cần Hà Bảo Vinh nói: "Chúng ta hãy bắt đầu lại đi", thì Lê Diệu Huy sẽ lập tức ôm lấy cậu ta, mang đến bệnh viện chữa thương, nấu ăn, tắm rửa, nhường giường… hoặc nửa đêm chạy xuống phố cho cậu ta mua thuốc lá. Hà Bảo Vinh không xấu, cậu chỉ là một đứa trẻ đã bị Lê Diệu Huy chiều hư, có những hành động khiến cho kẻ khác tức giận, nhưng lại không thể hoàn toàn ghét bỏ. Bởi vì ánh mắt của cậu ta quá trong sáng, bởi mỗi cử chỉ đều đáng yêu, nên chỉ cần nhìn thấy Hà Bảo Vinh quay lại nhà trọ cũ dọn dẹp chờ Lê Diệu Huy, và rồi ôm chăn khóc nấc lên như đứa trẻ bị bỏ rơi, cũng đủ để khán giả tha thứ cho nhân vật này.


Kì thực lý do rất đơn giản. Sở dĩ Hà Bảo Vinh có thể hết lần này đến lần khác từ bỏ Lê Diệu Huy, tìm đến thế giới bên ngoài ăn chơi đàng điếm, là bởi vì cậu ta vẫn tin: mình vẫn có một nơi để trở về và ở nơi ấy, vẫn còn có người đang chờ đợi.


2. A Phi Chính Truyện

Gã con trai đó mê hoặc qua từng khung hình. Anh ta dùng đôi mắt biết nói, bờ môi kiêu ngạo, những lời tán tỉnh duyên dáng và vài bước nhảy Manbo nhẹ tênh để cướp đi trái tim của mọi phụ nữ.


Câu thoại anh ta dùng để nói về bản thân mình: "Tôi đã nghe về một loài chim không chân… Loài chim không chân cứ bay mãi, bay mãi trên bầu trời, và tựa vào cơn gió mỗi khi thấm mệt. Loài chim ấy chỉ đáp xuống một lần trong đời nó… Đó là khi chết đi." đã được bình chọn là lời thoại hay nhất trong lịch sử điện ảnh Trung Quốc.


Gã playboy ấy chính là Yuddy (Trương Quốc Vinh đóng) – một kẻ đã bị mẹ ruột bỏ rơi. Lớn lên với sự thiếu thốn tình mẫu tử, Yuddy tìm hơi ấm và sự an ủi nơi những người đàn bà xa lạ. Anh ta xuất hiện trước mọi phụ nữ với dáng vẻ mê người và những thủ đoạn sành sỏi, khiến đối phương mê mệt. Nhưng đến cuối cùng, tất cả họ đều là những bóng hồng lướt qua cuộc đời phong lưu đa tình của Yuddy.


Giống như hầu hết các bộ phim nghệ thuật của Vương Gia Vệ, A Phi Chính Truyện không có một cốt truyện liền mạch hay các tình tiết gay cấn, mà chủ yếu dựa vào tâm lý nhân vật để thể hiện nội dung của mình. Trương Quốc Vinh đã tạo nên một Yuddy tự tin và đầy ngẫu hứng. Một giây trước anh ta dịu dàng như gió xuân, thoắt cái lại trở cuồng say như vũ bão.


Cuộc đời của Yuddy xoay vần giữa sự vứt bỏ và bị vứt bỏ. Anh vứt bỏ mọi thứ đến Philippines xa xôi tìm mẹ ruột, và ngay khi bà vừa vứt bỏ anh lần nữa, Yuddy cũng chính thức vứt bỏ bà ta mãi mãi.

Từ lúc ra đời cho đến nay, A Phi Chính Truyện luôn nằm trong top đầu danh sách những phim hay nhất do khán giả lẫn các nhà phê bình Hồng Kông bình chọn. Đến với bộ phim này, tiếp cận với Yuddy của Trương Quốc Vinh, không phải để tìm ra một luân lý hay câu chuyện tình yêu cụ thể nào cả. Bạn chỉ việc tập trung nhìn vào màn hình, và để cho người đàn ông ấy nhấn chìm bạn vào thế giới trống rỗng nhưng quyến rũ của anh ta.


1. Bá Vương Biệt Cơ

"Một nụ cười đem đến cả mùa xuân. Một giọt lệ làm đen tối đất trời... Chỉ có nàng, chỉ có nàng mới có được vẻ đẹp nhường ấy..."


Trương Quốc Vinh cho rằng mình không thể đẹp như những dòng văn miêu tả vẻ đẹp diễm lệ của Trình Điệp Y, nhưng nữ tác giả Lý Bích Hoa thì cho rằng ngoại trừ anh, không ai có thể xứng đáng nhận vai diễn ấy.

Sự thể hiện của Trương Quốc Vinh trong Bá Vương Biệt Cơ đã chứng minh anh là một thiên tài diễn xuất, mỗi ánh mắt cử chỉ đều khiến cho người xem phải run rẩy. Khí chất cao nhã của giới quý tộc đã sa sút, ánh mắt ai oán mà kiêu ngạo, động tác mềm mại và phiếm tình… Trương Quốc Vinh trở thành Trình Điệp Y bằng xương bằng thịt, dùng tất cả ngôn ngữ của hình thể và tâm hồn để thể hiện tình yêu của Điệp Y, và cách Điệp Y nhìn người đàn ông mình yêu cùng người phụ nữ khiến mình đố kỵ.


Kỳ thực Trình Điệp Y là một người đơn thuần. Từ nhỏ đã học diễn kịch, mỗi lần thuận miệng hát "Ta vốn là thân nam nhi, không phải phận nữ nhi", Điệp Y đều bị đánh đập. Trình Điệp Y bởi vì Đoạn Tiểu Lâu – sư ca vẫn quan tâm chăm sóc Điệp Y, sau lại trở thành "Bá Vương" trên sân khấu – mà cam tâm tình nguyện đứng sau người đàn ông này và hát "Ta vốn là nữ nhân, không phải nam nhi".

Thế nhưng kịch là kịch, đời là đời. Trình Điệp Y không thể là Ngu cơ, còn người kia cũng chỉ là Đoạn Tiểu Lâu, không phải Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ. Gã đàn ông này khiến Điệp Y tổn thương khi chọn Cúc Tiên - một người phụ nữ thực thụ - làm bạn đời, nhưng cuối cùng lại tổn thương Cúc Tiên chỉ để bảo vệ bản thân. Điệp Y nhấn chìm mình trong những vở kịch, cố chấp trầm mê trong cõi riêng, chớp mắt một cái bèn nhận ra thế giới ngoài kia đã vật đổi sao dời.


Giữa thời buổi hỗn loạn khi Trung Quốc bị người Nhật Bản xâm lược và triều đình Mãn Thanh sụp đổ, Trình Điệp Y hiện lên như một nhân vật nhỏ bé nhưng lại vô cùng phức tạp. Anh tượng trưng cho những người thề sống thề chết bảo vệ truyền thống văn hóa, bất kể thời đại xoay chuyển thế nào. Suốt cuộc đời mình, Điệp Y truy cầu đỉnh cao của nghệ thuật kinh kịch, bảo vệ lý tưởng và tình yêu. Đến cuối cùng, khi phát hiện bản thân hoàn toàn bất lực, những đẹp đẽ trên sân khấu vĩnh viễn không thuộc về mình, Điệp Y đành dùng cái chết để kết thúc tất cả.


Cùng là hai nhân vật dưới ngòi bút nữ tác giả Lý Bích Hoa, nếu như Thập Nhị thiếu gia của Yên Chi Khâu là thanh khiết bạc nhược, thì Trình Điệp Y trong Bá Vương Biệt Cơ chính là một thứ rượu cay nồng: một cái liếc mắt, một cái quay đầu cũng khiến kẻ khác như say như túy. Hơn hẳn những tác phẩm khác của Trương Quốc Vinh, Bá Vương Biệt Cơ để lại trong lòng người xem không chỉ là một hồi ức, mà là một giấc mộng, một giấc mộng điêu tàn mà đẹp đẽ.


Kết

Đương nhiên, 5 tác phẩm kể trên chưa phải là những tác phẩm xuất sắc duy nhất của Trương Quốc Vinh. Với khả năng diễn xuất thiên tài, Trương Quốc Vinh đã để lại một phần sinh mệnh của mình bên trong mỗi vai diễn mà anh tham gia. Và ở đó, sinh mệnh của anh không bao giờ mất đi.


Trương Quốc Vinh vẫn là loài chim không chân, đôi cánh của anh vẫn chao liệng qua trái tim của mỗi khán giả yêu mến nghệ sĩ huyền thoại này. Và cho đến tận bây giờ, đôi cánh ấy vẫn chưa ngừng lại.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét