Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Maggie Cheung - Trương Mạn Ngọc

Một góc nhỏ dành cho các Tinh Hoa Hong Kong yêu quí <3, và cũng là những đồng nghiệp, bạn hữu gắn bó cùng Leslie.

Nguồn bài gốc: brns.com


Nói một cách đơn giản, Maggie Cheung Man-yuk (Trương Mạn Ngọc) chính là nguồn cảm hứng, sức sống và nguồn vui thuần tuý đến từ điện ảnh. Cô xinh đẹp lấp lánh trên màn bạc như một viên châu bảo tao nhã lôi cuốn ánh nhìn của chúng ta về phía cô bằng sức quyến rũ mê hoặc và những khoái cảm hân hoan. Xem Maggie diễn xuất có thể khiến ta choáng váng, khiến ta thở dài, khiến ta cười và khiến ta khóc – làm chúng ta thấy hạnh phúc vì được làm con người bằng xương bằng thịt và được sống. Có rất nhiều những diễn viên xinh đẹp và hấp dẫn, chiếc camera chỉ thật sự yêu một vài người – nhưng với Maggie nó còn hơn cả “say lòng” vì cô. Đó là một mối quan hệ đam mê và đắm đuối – chiếc ống kính camera ngưỡng mộ cô, nó như muốn ôm lấy cô vào lòng, mơn trớn cô tựa một gã nhân tình dịu dàng trong đêm muộn, nó đối xử với gương mặt cô như một hình tượng thần thánh. Nhưng đấy không phải chỉ là vì nhan sắc, không phải chỉ là vì tài năng – mà đấy còn là một điều gì đó phát ra từ bên trong con người : thật tự nhiên và chân thật – như thể có một thứ ánh sáng nội tại tuyệt đẹp bắt đầu lan toả mỗi khi cô đứng trước ống kính.

Trương Mạn Ngọc - trong phim Moon Warriors

Phẩm chất đặc biệt này thậm chí đã được ví von thành một thuật ngữ – Magginess – và đây là ấn chứng “thâu tóm” cho toàn bộ sự độc nhất vô nhị của cô. Một phần của nó là đến từ nhan sắc yêu kiều – đôi gò má cao đẹp đến nao lòng, đôi mắt ấm áp mang hình hạnh nhân, từ hình dạng của chiếc vành tai, đôi môi đáo để ngọt ngào nũng nịu như một em bé, cho đến chiếc mũi cao thon nhỏ. Và một phần là đến từ khả năng của cô – có thể vừa thanh lịch và phong cách như một dáng chim hồng hạc, vừa có thể tự làm cho mình trở nên ngốc nghếch và vụng về khi trượt chân trên một vỏ chuối. Đó thực sự là một phẩm chất khó có thể định nghĩa thành lời – chỉ đơn giản … vì cô là Maggie – Maggie của chúng ta – một trong những nữ diễn viên được yêu quý, được ngưỡng mộ và nổi tiếng nhất từ trước đến nay của Hong Kong, là một cô gái đã vượt qua không gian và thời gian, đã trở thành một trong những nữ diễn viên tuyệt vời nhất của thế giới.

Trương Mạn Ngọc - trong phim A Fishy Story


Gia đình cô di cư sang Anh Quốc khi cô mới được 8 tuổi. Maggie đã sống tại vùng Kent trong 9 năm, cố gắng hoà nhập với cuộc sống mới nơi đây theo cách tốt nhất, và cũng chính thời gian này đã hình thành nên chất giọng Anh trầm, nhẹ bẫng trìu mến của cô. Vào năm 1983, sau khi làm việc 1 năm tại một tiệm bán sách tại Luân Đôn, cùng với gương mặt ngọt ngào thu hút và hai chiếc răng thỏ đáng yêu, Maggie đến Hong Kong và khởi nghiệp như một chuyên viên chăm sóc sắc đẹp, rồi làm một người mẫu và cuối cùng tham gia cuộc thi Hoa Hậu Hong Kong, đăng quang ngôi vị Á Hậu. Đã trở thành quy luật bất thành văn tại Hong Kong, miễn đạt được thứ hạng cao tại cuộc thi này, các người đẹp nghiễm nhiên sở hữu “giấy thông hành” để bước vào làng giải trí và thông thường, họ đều nhận được lời đề nghị làm việc cho hãng TVB.


Đây hẳn là một câu chuyện thú vị – từ hội hoa xuân sắc đẹp bắt đầu bén duyên cùng nghiệp diễn. Đa số các thí sinh xuất thân từ cuộc thi này đều chưa bao giờ có kinh nghiệm diễn xuất – và hầu như cũng không có tài năng diễn xuất gì – nhưng họ xinh đẹp và vì thế họ được trao cơ hội. Thông thường chỉ sau một khoá đào tạo ngắn hạn – họ đã được thảy vào guồng máy chuyên nghiệp và để cho tự nổi tự chìm – thăm dò xem liệu họ có tìm được chút kết nối nào với khán giả hay không. Rất nhiều người đã phai nhạt đi một cách nhanh chóng, một số khác trụ lại được một thời gian, một vài người trở thành nữ diễn viên phim truyền hình, số khác thì kết hôn và nổi tiếng vì cuộc hôn nhân của họ, và chỉ có một số ít là trở thành những ngôi sao lớn. Nếu không bị “thiêu cháy” thì con đường dẫn đến với nghiệp diễn này - cùng một lượng khổng lồ các bộ phim được Hong Kong sản xuất hàng năm – có lẽ là những cơ hội rất tuyệt vời để tu rèn kỹ năng và để học hỏi, và gần như mọi diễn viên xuất chúng nhất của Hong Kong đều đã từng trải qua quá trình “lấy lửa thử vàng” này.


Maggie bắt đầu đóng phim truyền hình của TVB và sớm được đạo diễn Vương Tinh thâu nhận, cô xuất hiện trong một phim của ông – Prince Charming – vào năm 1984. Vẻ đẹp ngọt ngào cùng cá tính dễ khiến trái tim người khác phải tan chảy và xao lòng của cô đã ngay lập tức được khán giả Hong Kong đón nhận. Trong những bộ phim thời kỳ đầu này, cô chỉ trông như đang có thời gian vui vẻ, và biết cách tận hưởng cuộc sống của đời mình – như thể cô là cô bé Alice đang tìm kiếm mảnh đất thần tiên với đầy ắp những ma thuật không ngờ, khẽ nhéo bản thân xem mình có nằm mơ không. Bên cạnh những bộ phim hài, vai diễn đột phá lớn đầu tiên của Maggie là khi Jackie Chan Thành Long chọn cô đóng vai cô bạn gái của anh trong bộ phim Police Story (Cảnh Sát Cố Sự) năm 1985.


Xuất hiện trong phim của Jackie Chan đồng nghĩa với việc người nữ diễn viên nhận được vinh hạnh nhưng lại dễ trở thành bóng hoa mờ nhạt phía sau các anh hùng, nhưng Police Story lại là một trong những bộ phim nổi tiếng nhất của Jackie và các khán giả đều rung động trước cô bạn gái có gương mặt bầu bĩnh đáng yêu của anh. Ngay cả khi đây không phải là vai diễn lớn, cô vẫn có đủ thời gian để chiếm lĩnh màn bạc, tạo ấn tượng cho hình ảnh của cá nhân mình và trở thành một ngôi sao. Nhiều bộ phim tiếp theo đó – Girl with the Diamond Slipper, It's a Drink it's a Bomb (1985), Happy Ghost III (1986), The Seventh Curse, Sister Cupid (1987), Double Fattiness, Paper Marriage và thêm hai phim nữa của Jackie Chan – Police Story II và bộ phim tuyệt vời Project A II. Trong những tác phẩm này, Maggie đã trở thành nguồn năng lượng chưa định hình trên màn bạc – cuốn hút, vui tươi và hài hước – nhưng thường xuyên trông như thể cô không biết nên diễn xuất như thế nào. Mặc dù vậy, sức quyến rũ ngọt ngào nai tơ và vẻ đẹp đã là đủ.



Một số bộ phim trong thời kỳ đầu này của Maggie đã có những dấu hiệu cho thấy một dạng tài năng nào đó đang tiềm ẩn bên dưới vẻ bề ngoài hồn nhiên và một tính cách “bong bóng”. Năm 1986, cô tham gia bộ phim Rose của đạo diễn Yon Fat bên cạnh Châu Nhuận Phát, đây nhìn chung là một tác phẩm điện ảnh nghiêm túc với tông màu trầm, và nhận về nhiều đánh giá khen ngợi.


Trích phim Rose

Sau đó, vào năm 1988, Maggie xuất hiện trong bộ phim tâm lý bi kịch Call Girl 88 trong vai diễn một cô gái gọi thượng lưu, và với những gì đã thể hiện, cô thật sự khá xuất sắc. Hiển nhiên, ắt là phải có một vài điều gì đặc biệt đã được phát hiện qua những bộ phim này, bên cạnh nụ cười lộ răng thỏ đáng yêu, đã khiến cho đạo diễn Vương Gia Vệ để mắt đến cô, và chọn cô làm nữ diễn viên chính cho bộ phim đầu tay của ông, As Tears Go By (Vượng Giác Tạp Môn). Ban đầu, Maggie không muốn tham gia bộ phim này – thời điểm đó Vương hoàn toàn chưa được biết đến – Maggie cũng đang có rất nhiều lời đề nghị khác nhưng đạo diễn Vương vẫn khăng khăng chỉ chấp nhận cô và cuối cùng cô đành đồng ý.

Poster phim As Tears Go By

As Tears Go By hoá ra lại là tác phẩm đã “gội rửa” hoàn toàn cho con người của Maggie. Trong các cuộc phỏng vấn cô cho hay, trước As Tears Go By, cô hầu như không có ý niệm gì về việc bản thân đang làm. Cô tham gia từ phim này sang phim khác, chỉ làm theo những gì đạo diễn yêu cầu và không bao giờ suy nghĩ đến lần thứ hai. Cô không xem công việc diễn xuất là một nghề nghiệp nghiêm túc, không nghĩ nó là một tinh nghệ cần phải được học hỏi trau dồi và để cho tài năng được thăng hoa. Tất cả những gì cô có chỉ là “Tôi chỉ muốn được vui vẻ, và tôi cũng biết chỉ đóng vai xinh đẹp thuần tuý trong phim thôi thì chẳng đi đến đâu – bạn biết đấy, các cô gái trẻ hơn, xinh đẹp hơn sẽ sớm xuất hiện thôi – nhưng tôi dự định chỉ cần tiền, rồi sau đó sẽ bỏ.”


Dưới sự dẫn dắt của Vương Gia Vệ, tất cả những điều đó đã thay đổi – anh làm việc cùng cô, đòi hỏi nên những màn trình diễn mà ngay đến cô cũng chưa từng biết bản thân mình có thể làm được – đó là một sự khai phá, cởi mở đặc biệt dành cho Maggie. Nó đã thay đổi cuộc đời cô và khiến cô quyết định sẽ gắn bó với nghiệp diễn – nó không chỉ là một công việc, mà còn là một tiếng gọi đam mê. Vì điều này, Maggie luôn biết ơn đạo diễn Vương và không ngần ngại tham gia những lần bấm máy thất thường, kéo dài và thường xuyên không thể đoán định thời gian của anh, như lần gần đây nhất là phim In The Mood For Love (Hoa Dạng Niên Hoa). Mặc dù vẫn tiếp tục tham gia một số bộ phim hài ngớ ngẩn, nhưng trên màn bạc đã là một Maggie Cheung khác – tự chủ hơn, vững vàng hơn, đem đến nhiều sắc thái và chịu thử thách hơn trong nhiều dạng nhân vật, cô đã trở thành một nữ diễn viên thành thục đúng nghĩa, và cứ thế cô tiếp tục dấn thân vào chặng đường dần trở thành một trong những nữ diễn viên diễn tâm lý, bi kịch xuất sắc nhất của thập niên 90 thông qua một series các bộ phim kinh điển.


Các bộ phim, rất nhanh chóng, tập trung vào Maggie Cheung – đó là vào giữa Thời Hoàng Kim của điện ảnh HK và chuyến tàu điện ảnh đã được chứng kiến sự hiện diện của một nữ khách làm choáng ngợp bầu không gian khi cô bước đi. Năm 1989 cô xuất hiện trong bộ phim đầy vinh quang A Fishy Story – dường như Maggie chưa bao giờ trông xinh đẹp hơn thế, như thể một Holly Golightly của Hong Kong. Năm 1990 cô xuất hiện trong bộ dạng đậm bi kịch với Full Moon in New York (Nhân Tại Nữu Ước), một tác phẩm của đạo diễn Quan Cẩm Bằng, lần đầu tiên chúng ta được thưởng thức cô nói tiếng Anh. Cùng năm 1990, là một trong những màn trình diễn xuất sắc nhất của cô cho phim Song of the Exile (Khách Đồ Thu Hận), và hai vai nữ phụ quyến rũ đến kinh ngạc – vai bạn thân của Lâm Thanh Hà trong phim Red Dust (Cổn Cổn Hồng Trần) và trong một phim nữa của Vương Gia Vệ, Days of Being Wild (A Phi Chính Truyện).

Trích phim A Fishy Story




Trích phim Full Moon in New York


Trích phim Song of the Exile


Trích phim Red Dust



Trích phim Days of Being Wild


Khoảng thời gian này Maggie đã được công nhận là một trong những nữ diễn viên tài giỏi nhất tại Hong Kong (giải Kim Tượng Hong Kong Nữ Chính Xuất Sắc Nhất cho A Fishy Story, và giải Nữ Chính Xuất Sắc của Kim Mã Đài Loan cho Full Moon in New York, cũng như giải Kim Mã Nữ Phụ Xuất Sắc Nhất cho Red Dust) nhưng phải cho đến màn trình diễn năm 1992 của cô trong một phim khác của đạo diễn Quan Cẩm Bằng, Center Stage (hay The Actress) - trong đó Maggie đã tinh tế tái hiện lại cuộc đời của một trong những ngôi sao màn bạc nổi tiếng nhất của Trung Hoa, Nguyễn Linh Ngọc – tên tuổi cô mới thực sự được Quốc tế công nhận (bao gồm giải Nữ DV Xuất Sắc Nhất tại Liên hoan phim Berlin, cùng một loạt giải thưởng từ Chicago, Đài Loan và Hong Kong). Mặc dù đã tự xem mình là một nữ diễn viên nghiêm túc và chuyên nghiệp (cô ấy cũng đi chỉnh lại răng!), vẫn rất Hong Kong, Maggie vẫn tham gia vào mọi thể loại điện ảnh khác nhau – từ phim hài (All's Well That Ends Well, Millionaire Cop, Eagle Shooting Heroes, Flying DaggersBoys Are Easy) đến thần thoại, kiếm hiệp, hành động (New Dragon Inn, Moon Warriors, Heroic TrioGreen Snake) cho đến tình cảm tâm lý bi kịch (True Love, Enigma of Love, First ShotAshes of Time).

Vai diễn Nguyễn Linh Ngọc trong phim Center Stage

Thật khó có thể mường tượng được còn có người nữ diễn viên nào có thể hoá thân vào một lượng vai diễn đa dạng đến thế – từ Phu nhân của Tôn Trung Sơn cho đến nữ minh tinh phim câm đầy bi kịch, từ một bà chủ quán trọ đồng loã giữa sa mạc cho đến một tiểu xà yêu đang học cách làm người, từ người siêu nữ anh hùng oai phong lẫm lẫm khoác áo choàng cưỡi xe môtô phân khối lớn cho đến một nhân vật hay gầm gừ với bí danh Phi Thiên Miêu. Và rồi còn đó, những hình ảnh xuất hiện chớp nhoáng của cô trong Ashes of Time – chỉ vài phút hoặc vài giây – và rằng bộ phim phức tạp đẹp đẽ này chỉ xoay quanh nhân vật cô diễn, thì đoạn độc thoại của cô có lẽ vẫn là trường cảnh bi ai và mê đắm nhất mà bộ phim này từng có.

Trích phim Ashes of Time (Đông Tà Tây Độc)


Trích phim The Heroic Trio (Đông Phương Tam Hiệp)


Trích phim Green Snake (Thanh Xà)


Trích phim New Dragon Inn (Tân Long Môn Khách Sạn)


Cũng trong thời gian này, ngoài công việc bận rộn đến quay cuồng và những thời gian biểu đóng phim dày đặc đến phát điên, giới truyền thông cũng bắt đầu gây phiền toái cho Maggie, không ngừng khai thác vào đời tư, và thậm chí là bịa đặt xúc phạm cô, hệ quả của việc này là cuối cùng Maggie bỏ mặc và rời xa làng giải trí trong một thời gian. Một lần, báo chí thậm chí còn cho đăng tải nguyên văn những bức thư tình của cô viết cho một người bạn trai. Gần hai năm liền cô rời bỏ hết mọi thứ và bắt đầu ngao du ngoài Hong Kong. Khi cô quay trở lại đóng phim vào năm 1996, lần này cô đã hạn chế và chỉ làm theo những nguyên tắc của riêng mình – chỉ lựa chọn một số phim có chất lượng mà cô thật sự muốn tham gia. Bộ phim đầu trong thời kỳ này, mặc dù vậy, lại không phải là phim Hong Kong – đó là một cái bắt tay hợp tác với quốc tế trong bộ phim Pháp Irma Vep – trong phim, cô thủ vai một nữ diễn viên đến từ Hong Kong cũng có tên là Maggie Cheung , và hoàn toàn nói tiếng Anh. Bộ phim nhỏ ranh mãnh này đã thành công đáng kinh ngạc tại các liên hoan phim lớn trên toàn thế giới, và nó khiến quốc tế phải chú ý đặc biệt đến Maggie. Sau đấy, cô tuyên bố kết hôn với đạo diễn của bộ phim, Olivier Assayas.



Trương Mạn Ngọc - trong phim Irma Vep


Cuối cùng cô cũng thật sự quay lại với Hong Kong, cho ra mắt một phim vào năm 1996, và một phim nữa vào năm 1997. Trong tư ý của tôi, có lẽ đây là hai vai diễn xuất sắc nhất của cô. Cô thật tuyệt vời trong cả hai – vẻ đẹp mênh mang lan toả cùng chiều sâu nội tâm, bằng cách nào đó, Maggie đã chạm được vào thế giới tình cảm để tạo nên hai mẫu nhân vật thật mạnh mẽ và thật chân thật, chưa kể đến đây còn là hai mẫu người rất khác biệt nhau – một là trong phim Comrades: Almost A Love Story (Điềm Mật Mật), và một là phim The Soong Sisters (Tống Gia Hoàng Triều - Maggie diễn vai Tống Khánh Linh). Với The Soong Sisters, Maggie thắng giải Kim Tượng HK lần thứ 4 của mình cho hạng mục Nữ Chính Xuất Sắc Nhất (ba giải kia dành cho các phim A Fishy Story, Center StageComrades). Năm 2000, cô thắng giải Kim Mã của Đài Loan cho vai diễn trong phim In The Mood For Love; và xin đừng quên năm 2004 vai người phụ nữ gốc Á nghiện ma tuý trong bộ phim Pháp Clean (do Assayas làm đạo diễn) đã giúp Maggie trở thành nữ diễn viên Hoa ngữ đầu tiên và duy nhất từng thắng giải Nữ Diễn Viên Xuất Sắc Nhất tại Liên hoan phim Cannes.

Poster phim Comrades: Almost A Love Story



Trích phim The Soong Sisters



Trích phim Clean



Poster phim Hero


Trích phim In The Mood for Love

Mối quan hệ căng thẳng giữa cô và báo giới Hong Kong cho đến nay vẫn tiếp tục bị thử thách khi xuất hiện tin đồn, kể từ sau cuộc kết hôn với Assayas, rằng cô có ý định từ bỏ điện ảnh Hong Kong vĩnh viễn. Có rất nhiều người tin rằng Hollywood và điện ảnh Pháp đang ưu ái cho Maggie. Mặc dù vậy, sau ba năm, Maggie vẫn trở lại. Như năm 2000, cô cho ra mắt hai phim – một phim của Andrew Lau (được bấm máy tại Mỹ) và tác phẩm kinh điển mới nhất của Vương Gia Vệ, In The Mood For Love – vai diễn đã giúp cô, lại một lần nữa, nhận về nhiều đánh giá ca ngợi từ giới chuyên môn. Và năm 2002 cô còn sở hữu một vai diễn mỹ lệ từ bộ phim Hero (Anh Hùng) của Trương Nghệ Mưu. Nhưng với ý kiến tôi, tôi không nghĩ rằng Maggie thực sự có lúc nào muốn cân nhắc việc từ bỏ hay trở lại – cô chỉ đi theo tiếng gọi của trái tim mình, và lựa chọn kỹ lưỡng những tác phẩm cô muốn làm cho dù đó là một phim của Hong Kong hay của một đất nước nào khác.


Vẫn còn đó, có đến hai hình ảnh về Maggie Cheung – cô gái xinh xắn vui vẻ, nói liến thoắn và hay cười đùa của thập niên 80 và ngôi sao điện ảnh huy hoàng, nghiêm túc và thanh lịch hơn từ những năm 90, tôi yêu cả hai hình ảnh đó. Phải thú nhận tôi nhớ chiếc răng thỏ ngày nào của Maggie, nên thỉnh thoảng tôi vẫn xem lại một số phim cũ của cô, rồi sau đó lại quay sang gặm nhấm chút hương vị “Magginess” cho riêng mình. Tôi cũng như tất cả mọi người thôi, “lúc nào cũng xem phim của Trương Mạn Ngọc, làm sao mà không xem cho được!”.


Bonus 2 gif xinh, đặt dấu chấm ngọt ngào cho bài dịch :"3



***

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Anita Mui - Mai Diễm Phương

Một góc nhỏ dành cho các Tinh Hoa Hong Kong yêu quí <3, và cũng là những đồng nghiệp, bạn hữu gắn bó cùng Leslie


Từ Biệt Vẻ Đẹp Chua Cay của Hong Kong
Farewell to Hong Kong's Sour Beauty

By Richard Corliss
Jan. 04, 2004
Link: time.com

Họ gọi cô là Madonna của châu Á bởi vì, trong cái thế giới trầm lặng đến mức cực đoan của nhạc pop Hong Kong, sự táo bạo của cô không chỉ là một hiện tượng mà còn làm mọi thứ xung quanh cô phải thấy xấu hổ. Nếu Madonna là Cô Gái Vật Chất (Material Girl) thì Anita Mai Diễm Phương (Mui Yim-fong) là Cô Gái Hư (Bad Girl). Đó là tựa đề ca khúc hit của cô vào năm 1985 (nó từng bị cấm phát sóng vì phần ca từ nhạy cảm), đồng thời là tên album được xếp vào hàng bán-chạy-nhất. Trên sân khấu, Mai xuất hiện với hình ảnh kiêu lạnh và ngạo mạn, nhưng không kém phần quyến rũ giới tính, tựa hồ một hương thơm lôi cuốn cả về mặt thị giác và âm thanh. Cô ấy không chỉ đơn thuần làm chủ sân khấu, mà cô thống lĩnh nó. Cô đã cho ra mắt hàng loạt nhạc hội vào giữa những năm 1987 và 1991, và hơn 40 album của cô ấy đã được bán ra với lượng tiêu thụ hơn 10 triệu bản.


Và rằng, so sánh với Madonna là một điều khập khiễng. Có một điều là, Mai thật sự có khả năng ca hát. Giọng nữ trầm mang âm sắc ấm nóng của cô đã tự biến mình thành một linh hồn len lỏi vào những bản ballad Quảng Đông, truyền cho chúng một sức mạnh, sự chuẩn xác và, thường là cả một nỗi tuyệt vọng kiêu hãnh chưa bao giờ biết cầu xin sự thương cảm. Cô đã hát bằng trái tim của một người phụ nữ mạnh mẽ tách ly – vượt trên tất cả, riêng biệt, cô đơn. Cô đáng lý ra không phải là một Madonna của nhạc Hoa, mà là một nàng Garbo (ám chỉ nữ diễn viên huyền thoại: Greta Garbo).


Và Madonna không mất ở độ tuổi 40. Nhưng Mai thì có, vào tuần trước, vì căn bệnh ung thư, một sự ra đi đau lòng cũng như bất kỳ bài ca hay bộ phim nào của cô.


Hầu hết các nàng thơ của Hong Kong đều thuộc dạng lắm lời và ngọt ngào. Mai khác biệt với họ. Đôi mắt to, chiếc mũi khoằm, và bờ môi dày bệch bạc của Mai đã làm dấy lên một biệt hiệu khác: Nữ hoàng nhạc Pop xấu xí (tôi: tôi không thấy Anita xấu). Nói một cách khó chịu thì Mai đã gợi nhớ chúng ta đến những “vẻ đẹp chua cay” khác của Thượng Hải, trước kỷ niên của chủ tịch Mao. Các “vẻ đẹp chua cay” ấy đã hát về những bản tình ca u mặc và làm nỗi đau trở nên cao quí hơn. Mai là kẻ sống sót như vậy: bị tổn thương nhưng vẫn ngẩng cao đầu.



Chất giọng đặc trưng cùng sức hút sân khấu đã “sủng ái” Mai ngay cả khi cô đóng phim. Cô ấy đã cho các nhân vật “vay mượn” sự cố kết và trọng lượng của mình, những nhân vật đã bị tử diệt như Fleur, người tình bóng ma của Trương Quốc Vinh (Leslie Cheung) trong bộ phim Rouge - Yên Chi Khâu của đạo diễn Quan Cẩm Bằng (Standley Kwan) (thắng giải Kim Tượng 1989 cho Nữ diễn viên xuất sắc nhất); hay như một gián điệp Trung Hoa trong bộ phim The Last Princess of Manchuria của Eddie Fong. Trong tác phẩm này, cô hóa thân vào một nhân vật có thật Kawashima Yoshiko (Xuyên Đảo Phương Tử), nữ điệp viên của quân đội Nhật, và Mai đã miêu tả con người ấy bằng một khí sắc lạnh lùng như thép. Cô ấy đã thẳng tay tát vào mặt những gã đàn ông, tát để bày tỏ phẫn nộ và khinh miệt với những kẻ sẽ lợi dụng, sỉ nhục hoặc kết án cô. Vào cuối phim, đối diện với bản án tử hình, cô vẫn kiên cường ngang bướng: một linh hồn quả quyết với sự ngạo mạn ám ảnh của riêng mình.



Mai Diễm Phương - trong phim Rouge


Mai Diễm Phương - trong phim The Last Princess of Manchuria

Mai tỏa sáng trong các bộ phim hành động. Trong Shanghai Shanghai, cô đã trình diễn khả năng khiêu vũ trong một điệu nhạc tango kung-fu hoang dại cùng Yuen Biao. Cô đã đóng một vai đúp phản xuyến về một quân vương và thái tổ của ông ta trong bộ phim Wu Yen Chung Vô Diệm. Cô lôi cuốn trong ba phim của Thành Long (đóng vai mẹ kế trong phim Drunken Master II – Túy Quyền II) và bốn phim của Châu Tinh Trì. Vai diễn giả tưởng thú vị nhất của cô là vai “Wonder Woman” Tung trong phim The Heroic Trio - Đông Phương Tam Hiệp và Executioners, hợp diễn cùng Trương Mạn Ngọc và Dương Tử Quỳnh để giải cứu thế giới. Thậm chí ngay bộ phim chuyển thể từ truyện tranh bát nháo này vẫn làm nên một khoảnh khắc tiêu biểu cho Mai: cô hay tin một đứa trẻ bị chết, và một giọt nước mắt lăn xuống, lột bỏ lớp mặt nạ của vị siêu-nữ anh hùng.

Mai Diễm Phương - trong phim The Heroic Trio


Mai được biết đến như một người có cá tính mạnh, và giao du với nhiều hạng người. Năm 1992, một thành viên của nhóm xã hội đen định bức hiếp cô, Mai cự tuyệt và hắn đã tát cô, ba ngày sau đó tay này bị bắn chết (không ai chịu cáo buộc cho tội ác này, Mai cũng không) . Nhưng cô ấy cũng nổi tiếng là một người hào phóng, Mai gây quỹ cho một nhà y tế tại San Francisco và, năm ngoái, cô gia nhập đại gia đình vì các nạn nhân dịch SARS. Cô cũng là người đứng đầu nhóm nghệ sĩ chống đối những tiêu cực tham lam từ giới truyền thông.

Vào tháng 9, Mai tuyên bố cô mắc bệnh ung thư cổ tử cung. (Năm 2000, chị gái Ann Mai Ái Phương của cô cũng mất vì bệnh ung thư vòm họng). Nhận được sự ủng hộ của nhiều ngôi sao, bao gồm Thành Long và Dương Tử Quỳnh, cô đã nói với các fan: “Xin đừng lo lắng cho tôi. Hãy xem tôi chiến thắng trận chiến này”. Cô đã trải qua tiệc sinh nhật lần thứ 40 đầy hoang phí xen lẫn nước mắt, nhưng dù vậy, Mai vẫn ngang bướng và nhận vai diễn cho bộ phim kế tiếp của Trương Nghệ Mưu (Zhang Yimou), House of Flying Daggers Thập Diện Mai Phục. “Tôi nhận ra rằng cô ấy sẽ không bao giờ đầu hàng con quỷ bệnh tật,” đạo diễn Trương cho tạp chí Time hay. “Đối với cô ấy, bộ phim này không chỉ là một công việc, mà còn là nỗ lực cuối cùng của cô ấy – để giành lấy sự sống, và chiến thắng số phận.”

Mai cũng đã tổ chức các nhạc hội cuối cùng của mình. Tại buổi diễn cuối vào ngày 15 tháng 11, Mai – cô gái chưa từng kết hôn – đã đứng trên sân khấu trong bộ váy cưới màu trắng, và nói với 10,000 người thưởng ngoạn ngày hôm đó rằng có lẽ cô sẽ không tìm được một người chồng trong tương lai. Rồi cô bước đi vào trong bóng tối. Sự ra đi của cô tuần trước đã làm trĩu nặng trái tim của người dân Hương Cảng.


Hàng vạn lời duyên dáng và đau lòng đã dành cho Mai nhân dịp này. Nhưng Mai đã tự hát khúc bi thương cuối cùng của cô khi cô nói, “Tôi tự vấn liệu có bao người sẽ nhớ đến tôi sau khi tôi rời khỏi làng giải trí này vĩnh viễn. Điều hy vọng của tôi là mỗi khi họ nhìn ngắm những ngôi sao trên bầu trời, mọi người sẽ nhớ đến tên tôi.”

***