Thứ Hai, 16 tháng 5, 2016

14 mẩu chuyện về Trương Quốc Vinh

Dịch bởi page Chinese NetizenBuzz VTrans, nhân ngày 1/4/2016.

Nội dung bài dịch này ở dạng truyền miệng trên các trang mạng như tianya, douban, blog sina ..., chưa có xác thực rõ ràng về tính đúng sai của vấn đề.


——
(Vài chuyện lặt vặt về Trương Quốc Vinh. Mấy năm nay mọi người đều nói không ngớt về con người này. Công chúng ai chẳng biết, con người này thiên tư hơn người, tài năng vẫy vùng, tài tình lắm khiến trời đất ghen, tạm thời sẽ không nhắc tới ở đây. Thớt này lập ra chỉ để nói về một Trương Quốc Vinh rất khác. khiến người ta câm nín và cẩu huyết không ai ngờ)

Bắt đầu nào ——


1. Đầu tiên

Mấy ngày nay sắp tới sinh nhật Chuyện thứ 53 của Ca Ca, đây là một ngày vui. Trong ngày vui thể này, tôi nhớ lại khả năng phản ứng nhanh nhạy đầy màu sắc hài kịch của Ca Ca trong ngày 11/9/2001 máy bay đâm vào trung tâm thương mại thế giới đó. Khi ấy sau khi xem tin tức xong, anh nhanh như chớp gọi điện cho một nhân viên từng làm cho mình N năm chưa gặp lại.

Ca Ca: Anh có biết New York xảy ra chuyện rồi? Tấn công khủng bố đó!? Bao nhiêu người chết đó!

Nhân viên: .... Không rõ, liên quan gì đến tôi chứ (ngơ ngẩn ING)

Ca Ca: Làm sao không liên quan đến anh được, em vợ anh không phải cũng đang làm việc ở New York sao? Anh mau gọi điện xác nhận xem cậu ấy có bình an vô sự không đi chứ.
  
Nhân viên: Ừ nhỉ, nghe anh nói đúng là một chuyện lớn.... Ai ya, chết rồi, sổ điện thoại tôi ở đâu rồi?:
  
Ca Ca: Không cần tìm đâu, số điện thoại của vợ và em trai anh là XXXXX, còn nữa, vợ anh giờ đang ở Thâm Châu, số điện thoại là XXXXX. Anh liên lạc với phía New York trước rồi gọi cho vợ báo bình an.

Ca Ca nhắc nhở xong thì an ủi rồi gác điện thoại, cảm thấy bản thân mình lại đóng góp vào công cuộc bảo vệ hòa bình thế giới .

Bên kia điện thoại, anh nhân viên đang trầm ngâm trong hỗn loạn: Cứu mạng với! Vì sao anh ấy còn biết người thân họ hàng hơn cả tôi thế!? Ông chủ của tôi còn đáng sợ hơn phần tử khủng bố mà!

  Có một ngày, Ca Ca tới Tứ Xuyên du lịch. Gặp một ông chú buôn bán ở Thành Đô, chỉ là tình cờ gặp nhau mà thôi. Lúc ấy hai người nói chuyện bằng tiếng phổ thông. Vài tháng sau, ông chú này nhận được một cuộc điện thoại kỳ lạ, đối phương hồ hởi dùng tiếng địa phương Thành Đô chào ông. Ông chú cảm thấy giọng nói này sao mà quen tai, nhưng không nghĩ ra bạn ông ai có giọng nói này. Sau đó đối phương không nói nổi tiếng Thành Đô nữa, mới biết hóa ra là cái người tên Trương ở Hong Kong biết nói giọng phổ thông lưu loát kia.

Hai chuyện kể trên cho thấy, Ca Ca có trí nhớ và khả năng ngôn ngữ cao siêu. Người có khả năng này, vứt sang Nga có thể làm KGB, ở Đại Lục có thể tiến vào Trung Sơn Hải, sang Mỹ sống có thể làm CIA. Đáng tiếc người này lại sinh ở Hong Kong. Ngoài việc nhớ kịch bản, đọc lời thoại học ngoại ngữ, giữ các mỗi quan hệ quen biết ra thì phần lớn dung lượng bộ não không có việc làm, liền thường để tám chuyện trên trời dưới biển.

2. Chuyện thứ hai

Nghe nói Ca Ca hình như từng vào mấy trang web như leslieclub, nick đăng ký là Trương Quốc Vinh, còn từng comment, chuẩn bị đón nhận sự hoan nghênh nồng nhiệt
Kết quả nhận được một đống gạch đá.

Đúng là sinh ra không gặp thời.

Cũng chẳng trách được. Khi đó ấn tượng của Vinh Mê đại lục đối với anh vẫn là thần tiên không dính bụi trần, ai mà tưởng tượng được chàng lãng tử miệng ngậm điếu Marlboro, mặc áo ba lỗ quần cộc đó lại là trạch nam trước máy tính. Thế là dân mạng nhầm hàng thật thành hàng giả, đóng khung Ca Ca thành "Đừng yêu Ca Ca, Ca Ca chỉ là truyền thuyết thôi". Lần này, đám sói háu ăn đã bị hụt mất một bữa.

Phí của trời cho mà!!!!!!!!!!!!!!!!!!

3. Chuyện thứ ba

Chuyện linh tinh về Ca Ca chủ yếu xoay quanh bàn mạt chược. Là một người trung niên coi mạt chược như quốc túy và thứ thuốc tốt trị được chứng đãng trí của người già, Ca Ca thường mời một dàn các ông già bà cả cùng chí hướng đến nhà, ăn uống chơi bài nghe chuyện đầu thôn cuối xóm. Tôi vẫn cứ băn khoăn nếu lũ paparazzi đặt máy nghe lén dưới bàn mạt chược của anh, nhất định sẽ nghe được trăm thứ tin tức đáng kinh ngạc.

Câu chuyện cẩu huyết nhất về Ca Ca và mạt chược đó là vào khoảng năm 1998 khi anh nhận phỏng vấn "Thông cáo tạm thời" của CHANNEL V về chuyện vào ngày tận thế thì anh sẽ làm gì. Người bình thường đều sẽ trả lời các kiểu như bên người mình yêu, ôm nhau thân mật ngắm nhìn đến khi thành tro bụi thì thôi.

Khi ấy Ca Ca đã bày ra vẻ mặt ngây thơ hoạt bát, rồi lại nghiêm túc chắp tay ra dáng cầu nguyện, chậm rãi nhìn vào ống kính nói: Nếu thật sự có ngày đó, tôi cầu thượng đế nhớ báo sớm cho tôi một chút, để tôi có thời gian gọi Gia Linh và Vương Phi đến nhà, rồi thêm cả Đường tiên sinh, 4 người chúng tôi mở một bàn mạt chược, cứ đánh cứ đánh, lo gì có tận thế hay không, quan trọng nhất là phải ù một ván Đại tam nguyên đúng lúc tận thế, đó mới là phê.

Bạn nào biết tiếng có thể xem PV trên trong link này http://www.bilibili.com/video/av1528207/

4. Chuyện thứ tư

Vẫn là quay lại buôn về con chó của Ca Ca đi vậy.

Người ta hay bảo, chủ nào chó nấy. Tính cách có phần hâm dở cẩu huyết của Ca Ca cũng ảnh hưởng sang chú chó. Chú chó có đời sống xa hoa đó chính là hình mẫu điển hình chủ nào chó nấy, có gì học nấy.

Bình thường nếu đến làm khách nhà Ca Ca, nếu bạn thấy vừa ý cái gì, khen một câu thôi thì gần như thứ đồ đó là của bạn rồi. Cho dù là đèn thủy tinh hay đồ dùng đắt tiền, Ca Ca đều sẽ nói với bạn rằng: Vừa ý sao, vừa ý thì tặng cho bạn. Sau đó lập tức đóng gói để vào xe. Thậm chí cả chiếc porsche đắt tiền, chỉ cần bạn có biểu cảm thích thú đủ mức mà thốt lên: Oa, chiếc xe đẹp quá! Anh ấy đều có thể vứt chìa khóa cho bạn để bạn đi bất cứ lúc nào.

May mà anh cũng kiếm được tiền, cộng thêm trong nhà có một ông chồng quản gia siêu tuyệt vời, vẫn giữ được gia tài 9 chữ số cho anh.

Nhà Ca Ca còn có một vị thiếu gia Bingo, cũng chính là chú becgie có tần suất xuất hiện trên ống kính nhiều nhất, cũng y hệt vị chủ nhân kia, là một con thần khuyển. Chú chó này rất biết cách nhìn người mà sủa. Ví dụ: trước mặt đạo diễn Diệp Đại Ưng thì tỏ ra rất ôn hòa nhã nhặn, trước mặt Từ Khắc thì lại vô cùng hung dữ ghê gớm, lần nào cũng dọa cho Từ lão gia sợ chết khiếp.

Nguyên nhân cụ thể, có thể do Ca Ca từng dạy nó: đạo diễn Diệp là con của liệt sĩ cách mạng, làm người hiền hậu, luôn khiêm nhường trước mọi người. Còn đạo diễn Từ, thường tức giận với nhân viên đoàn làm phim.

Có một lần, Ca Ca cùng nhà báo Chitose Shima về nhà để chụp ảnh tạp chí và phỏng vấn. Vừa mở cửa, Bingo thiếu gia nghe thấy tiếng Nhật, liền lập tức cho mình là đúng, cắn vào tay cô. Kết quả là bị nhốt nửa ngày trời. Cho tới nửa đêm, Chitose Shima còn nghe thấy Ca Ca thủ thỉ tâm sự với Bingo. Nếu nó nghe hiểu tiếng Quảng Đông, không biết chừng nó sẽ phát hiện Ca Ca đang diễn thuyết làm thế nào thể phân biệt bạn tốt và người xấu không chừng.


Ca Ca và "thiếu gia" Bingo :))

5. Chuyện thứ năm

Người nào đó năm 93 đi Du Lâm quay Đông Tà Tây Độc. Không ngờ trên đường đi xe bị hỏng. Trợ lý ở lại chờ sửa xe. Còn người nào đó sợ tới muộn, chạy tới bên đường vẫy xe. Có một chiếc xe tải dừng lại, anh bảo họ cho anh đi nhờ một đoạn. Trên xe có hai người đàn ông thô kệch, nhìn kỹ người nào đó từ đầu đến chân một lượt, nhìn đến mức tóc người nào đó dựng đứng, cuối cùng mới hỏi anh: "Anh có phải là Trương Quốc Vinh đóng điện ảnh không?" Người nào đó mới thở hắt ra một hơi.

Còn có người nói Ca Ca còn từng một mình một xe đi tới hoang nguyên phía Tây Bắc Trung Quốc. Trên đường đi không biết đã làm hỏng bao nhiêu chiếc xe. Ca Ca cứ chạy tới khi phía sau xe nóng bừng bốc khói, cuối cùng may mà có hai người đi đường vui lòng mang một ông chú khiến người khác câm nín này đi cùng. Sau khi lên xe mới phát hiện hai người này khuôn mặc hơi hung ác, cái người ngồi ghế phụ lái đôi mắt nhỏ tí còn nhìn chằm chằm anh.

Ca Ca khi ấy cho rằng bản thân đã gặp phải dân giang hồ rồi. Với bộ não kỳ lạ của mình, anh nhanh chóng phán đoán xem hai ông chú này cần tiền hay cần sắc. Bình thường loại người ham tiền thì sẽ nhìn chằm chằm vào miệng túi quần chỗ có ví của người ta. Bất hạnh ở chỗ, ông chú kia cứ nhìn chằm chằm vào khuôn mặt đẹp như tranh vẽ của anh. Ca Ca nghĩ lần này xong rồi, vừa cướp tiền vừa cướp sắc không chừng. Thế là khuôn mặt bình tĩnh giơ tay sờ vào túi quần tìm mấy thứ kiểu dao nhỏ hoặc bút mày, chuẩn bị tự vệ.

Trong suốt quá trình suy nghĩ dài dằng dẵng khổ sở ấy, Ca Ca luôn nhìn ông chú kia bằng ánh mắt bình tĩnh và nghiêm túc. Thoáng cái trôi qua mấy phút, trời càng này càng tối, đường càng ngày càng hoang vắng, vào lúc quyết định giết người cướp xe của Ca Ca ngày càng mạnh mẽ, ông chú đáng thương cuối cùng cũng thất bại trong cuộc chiến đấu mắt, rụt rè nói một câu: "Tôi vừa ngắm anh rất lâu, xin hỏi, anh có phải là Trương Tiên sinh diễn Tung Hoành Bốn Bể không? Có thể ký tên cho tôi không?"

Ca Ca nghe xong trong lòng hét lớn: Ông anh sao không sớm mở miệng, không cần phải đáng sợ thế chứ.

Sau đó mọi người ai cũng vui vẻ, Ca Ca thuận tay lấy luốn cái bút suýt thành hung khí ký tên xong thì ngủ khò khò một giấc. Hai ông chú thì vui vẻ đem con khỉ giống heo này về đoàn làm phim Đông Tà Tây Độc.

Trích cảnh phim Tung Hoành Bốn Bể

6. Chuyện thứ sáu

Quay lại concert năm 1997, Thư Kỳ mặc chiếc quần tất đen gợi cảm ngồi trên đùi Ca Ca mặc áo trắng trong suốt, diễn một màn hót hòn họt, ướt át không kể xiết. Ai ngờ vừa hát xong, Ca Ca lập tức trở mặt nói với Thư Kỳ: Ai cho em ngồi lên chứ, mau xuống đi, anh sắp có phản ứng rồi này...



Thật ra đoạn lời thoại đầy đủ lúc đó của Ca Ca phải là thế này: "Aiya, em ngồi lên đùi anh thế này, anh sắp có phản ứng rồi đây này. (Khán giả dưới sân khấu phản ứng kịch kiệt, hò hét ầm ĩ)

  Tôi đã có cảm giác rồi, tôi cảm thấy ah~~~~~~ (Khán giả ở dưới phun máu mũi-ING)

  Ah~~~~~ Ôi hai chân của tôi, tê ~ quá ~ đi (Toàn bộ khán giả dưới đài ngả ngửa)

  Sau đó, Ca Ca bày ra khuôn mặt đau khổ nói với chị Thư Kỳ: Em, phải giảm cân đi thôi~~~~

7. Chuyện thứ bảy

Nghe nói Ca Ca từ khi còn nhỏ đã phát hiện khuôn mặt của mình không được bình thường cho lắm. Khi đi ngoài đường thường bị hàng xóm hoặc người xung quanh quay lại nhìn, có lần còn bị gặp cảnh nhéo má xoa đầu. Ca Ca vô cùng phiền muộn vì điều này. Vì để bảo vệ bản thân khỏi mấy loại sinh vật quấy rối kiểu ông chú biến thái hoặc yêu râu xanh, từ khi 5 6 tuổi anh đã luyện tập cho mình khí thế hết sức mạnh mẽ.

Từng có một ông chú biến thái tự mình đa tình giơ tay muốn sờ đầu vò tóc Ca Ca, kết quả bị Ca Ca lúc đó cao chỉ hơn 1 m nhìn chằm chằm bằng ánh mắt bén nhọn đến mức tay dừng cứng trên không. Ca Ca ngẩng đầu lên lườm ông ta, lườm cho tới khi ông chú toát mồ hôi mới nói rành rọt từng chữ với ông ta: "Thưa ngài, xin hỏi ngài chúng ta có quen biết không?

Mặc dù bình thường anh cũng khá phiền não về vẻ ngoài của mình. Lúc soi gương ở nhà, Ca Ca cảm thấy hơi khó hiểu. Anh không rõ vấn đề ở đâu. Gương mặt trong gương dường như không phù hợp với quan niệm thẩm mỹ của anh.

Cho tới khi lên cấp 2, khoảng 11 12 tuổi gì đó, Ca Ca cuối cùng cùng cũng bắt đầu có sự hiểu biết và thay đổi rõ ràng đối với cái đẹp.

Có một khoảng thời gian, anh vô cùng hâm mộ một bạn học. Theo như lời kể của anh, bạn học này rất đẹp trai, người này cao mét tám, eo thon, cũng gần mét 8 (!?) (ai yo, thế này không phải thành hình vuông sao?), còn đeo một chiếc kính đen dầy. Bạn học hình vuông thật thà vô tâm ấy tuyệt không phát hiện ra sự sùng bái của Ca Ca đối với anh ta, thường hay mời Ca Ca đến nhà chơi. Ca Ca vừa nhìn thấy bố mẹ anh em của hình vuông kia thì liền cảm thấy tự ti: Ôi gia đình này sáng sủa quá, cả nhà ai cũng tròn tròn, đeo chiếc kính gọng đen vô cùng gợi cảm phúc hậu. Lúc ăn cơm, cả nhà ai cũng thân mật gần gũi, sao mà giống một đàn-gấu-trúc đáng yêu thân thiện thế! Ca Ca ngơ ngẩn ngắm nhìn, tưởng tượng, nếu mà bản thân biến thành bọn họ, trở thành một phần của gia đình này, cả ngày lăn đi lăn lại thì đẹp đẽ biết bao. ~~ORZ~~~

Các vị đọc giả đến đây hẳn đã nhìn ra cái quan niệm thẩm mỹ khiến người câm nín của Ca Ca. Rất rõ ràng, người này xuyên không từ thời Thịnh Đường về đây. Những người bạn gái mà sau này anh quen biết đều là hình tượng này: Mặt tròn tròn, người đầy đặn, thân thể khỏe mạnh, tính cách kỳ lạ. Mà trong lòng Ca Ca, chị Gia Yến sau khi béo lên, ngự tỷ nữ vương Hà Lợi Lợi đều thuộc kiểu mỹ nữ cao cấp trưởng thành đầy đặn. Mà nữ thần đáng yêu xinh đẹp gợi cảm nhất Hong Kong không nghi ngờ gì chính là nữ Thẩm Điện Hà rồi. Người này có khẩu vị nặng quá *Cười ngoác miệng*

8. Chuyện thứ tám

Nghe nói Ca Ca có lần cùng bạn bè đến nhà hàng Nhật ăn cơm, những người khác đều gọi nào là sashimi hay sushi các kiểu, thức ăn nhanh chóng được mang lên. Ca Ca bởi vì dạ dày không tốt nên không thể ăn đồ sống. Thức ăn chín anh chọn phải lâu hơn mới có.

Khi ấy ông chủ quản nhìn phát nhận ra Ca Ca, thấy anh vừa đợi vừa giương mắt nhìn người khác ăn ăn uống uống, nhìn có vẻ rất đói, rất thèm, rất đáng thương (Không biết có mút tay hay không)

Ông chủ không chịu nổi cái đức tính im lặng trước thiệt thòi của người này, sinh ra cảm giác tội lỗi. Thế là lập tức chạy tới bếp, tận tình hết sức, tự tay làm một món bản thân cho là mỹ vị, thập toàn đại bổ đem lên, cho rằng đó là tác phẩm đắc ý nhất năm của mình, rồi bằng tốc độ nhanh nhất đem lên trước mặt Ca Ca, vui vẻ phục vụ bàn, hớn hở chờ đợi có thể thấy vẻ hạnh phúc thỏa mãn động lòng người trên mặt Ca Ca.

Kết quả Ca Ca chầm chậm gắp một đũa, đột nhiên sau đó trước mặt mọi người bày ra vẻ mặt ấm ức, hơi miễn cưỡng nói câu "Được" một cách qua loa có lệ.

Thế là những người khác trên bàn liền bày tỏ thấu hiểu và đồng tình. Mà ông chủ thì đang cao hứng đến mát lòng dạ trong chốc lát liền trở nên ỉu xìu, ai cũng im lặng.

Đúng vào lúc ông này chuẩn bị quay lưng đi ra, lại phát hiện Ca Ca nhân lúc những người khác không chú ý trêu anh lắm quỷ kế mà nháy mắt mắt mấy cái, ánh mắt đó nói với ông, hahaha, vừa rồi là cố ý lừa bạn đó! Không thể cho người khác biết được món này ngon tranh với tôi, là của tôi tất....

Sau đó ông chủ nghi hoặc nhìn Ca Ca đang vừa tỏ ra miễn cưỡng ăn thử đồ chán, vừa ăn sạch món ăn kia trong tình trạng không ai thèm tranh. Sau chuyện đó, trong lúc ông chủ cố gắng phân tích, cuối cùng ông cũng ra được kết luận giống với phóng viên Chitose Shima: Cái người này lúc đói quá đầu óc kém sáng suốt sẽ biến thành con vật nhỏ chỉ biết bảo vệ thức ăn.

9. Chuyện thứ chín

Ca Ca từng nói một câu vô cùng ghê gớm, đại ý là: Tôi nói một câu không sợ đắc tội các vị ở đây, điều đáng buồn nhất của điện ảnh Hong Kong ấy là, cứ có một bộ phim hay nào xuất hiện, thì sau đó liền có một đống thứ rác rưởi làm bắt chước. Ví dụ Bản sắc anh hùng ra thì lập tức có Bản sắc XX, Sắc XXX ra ăn theo, Sau khi Thiến nữ u hồn ra thì lập tức một loạt các phim ma quỷ.... Cuối cùng cắt đứt con đường cuối cùng của chính mình bằng đống phim rác rưởi.... "

Thật ra Richard Corliss và Ca Ca giống nhau ở điểm này, vẻ ngoài luôn tỏ ra bén nhọn và khá đanh đá (Người viết dùng từ Bitchy), nhưng tất cả đều xuất phát từ thái độ nghiêm túc, cẩn trọng và có trách nhiệm đối với công việc, đối với nghệ thuật, thậm chí là việc lưu truyền văn hóa.

10. Chuyện thứ mười

Trong khi ghi hình chương trình Nhiệt tình áp trụ, anh từng nói một câu, đại khái khái thế này: Tôi lăn lộn giang hồ hơn 20 năm, vượt qua đủ khó khăn, trải qua các kiểu gian khổ, cũng thu được rất nhiều thứ. Nhưng từ đầu đến cuối thứ mà tôi kiên trì theo đuổi, cũng là thứ tôi tự hào và kiêu ngạo nhất, khong phải là danh tiếng, lợi lộc, mà là, tôi Trương Quốc Vinh, từ đầu tới cuối vẫn luôn là Trương Quốc Vinh.

Đúng vậy, tham vọng của người đàn ông này vẫn luôn to lớn như vậy, không hề thay đổi, vẫn luôn như vậy.

Anh ấy là sinh mệnh khác với đại đa số chúng ta.

Đa số chúng ta dù có sống đến khi bản thân thay đổi hoàn toàn thì sẽ vẫn lựa chọn tiếp tục sống. Bởi vì chúng ta muốn giữ gìn cái gọi là nhiệm vụ thách thức giới hạn không thể của nhân loại, vẻ đẹp vĩnh hằng không thay đổi là thứ chỉ thuộc về thần thánh mà thôi. Mà phân nửa trong số chúng ta sớm đã không tin vào thần thánh nữa rồi. Cho tới khi chúng ta nghe thấy giọng hát của anh giữa cuộc đời trống rỗng biết thỏa hiệp và dần dần biến mất này - Trương Quốc Vinh cuối cùng vẫn là Trương Quốc Vinh.

11. Chuyện thứ mười một

Hai MC âm đặc giọng Anh đang bàn luận xem phái nữ làm sao để chăm sóc sắc đẹp các kiểu, đại khái bảo là không có cách nào ngoài dùng đồ trang điểm này nọ hết. Sau đó nam MC lưỡi cứng hết cả lên liền chuyển phắt đề tài: Muốn giữ nhan sắc phải có bí quyết, Ca Ca thực ra rất cao tay đấy.

Nữ MC bèn phụ họa: Này, đang thảo luận là đề tài về phái nữ, động đến người ta là nam đấy nhé.

Nam MC bèn bảo: Tôi mặc kệ, dù sao Ca Ca cũng là người phát ngôn "khủng" nhất của thanh xuân xán lạn, hay là chúng ta đến hỏi anh ấy bí quyết đi.

Vì thế khi đề tài vừa chuyển, màn ảnh tự nhiên chiếu đến cảnh Ca Ca cùng với Tiểu Yến tỷ đến Singapore tham gia biểu diễn từ thiện để lấy tiền ủng hộ hoạt động cho quỹ. Ca Ca lúc đó chưa bỏ kính ra, một bên đã có một bạn MC tiếng Anh đầy mồm lại bắt đầu lải nhải chuyện gương mặt Ca Ca vĩnh viễn như ban đầu khiến người ta hoang mang lẫn đồn đại nhiều thế nào

Lúc sau Ca Ca lên sân khấu, người phỏng vấn hỏi một câu có phần thẳng thắn mau mắn: Đại khái là Ca Ca hôn một cái lấy tiền từ thiện (thật là vi diệu, không thể tưởng tượng được chính phủ Singapore từ trước đến nay quảng cáo về tác phong cuộc sống nghiêm cẩn lịch sự cũng có thể nghĩ ra cái ý định bán hàng từ thiện "lù đù vác lu mà chạy" như thế ==)

Màn ảnh chớp một cái chiếu đến gương mặt Ca Ca, lúc này đẹp đến nao lòng, khuôn mặt nhỏ nhắn tròn tròn phính phính, rất giống một bạn nhỏ má cơm nắm bánh bao, đôi mắt to vụt ngời sáng, vẻ mặt hưng phấn liền nhiệt tình đáp lại hành động từ thiện đầy bông đùa lưu manh vô liêm sỉ: "Ừa, là hôn mặt á? Thôi đi hôn chỗ nào cũng được (thế cái chỗ kia thì sao hả Ca Ca....)... Sao? 10000 hôn một tí? (thực sự là tranh thủ quá, làm em định quất hai lần).... Ừ... Hôn một cái 10 vạn ấy hả... tốt tốt... Nếu thực sự có người đóng góp 10 vạn thật, tôi sẽ lo lắng hầu hạ tốt anh ấy... Ừ, hoặc là cô ấy, một cái hôn là được rồi. Moe quá nhiều."

12. Chuyện thứ mười hai

Phỏng vấn Phương Bảo La của phim Đại Tam Nguyên cũng rất hay.

Ca Ca nói với người ta là sau phải đóng phim của Nhĩ Đông Thăng, "Tôi Yêu Em" đó. Bảo La bèn vẻ mặt gian tà giả nai hỏi: "Thật í hả?"

Ca Ca có thể là quay nhiều nên mệt quá, hơi lơ đãng một tí, không nhận ra đây là trò giả bộ, bèn thuận miệng đáp luôn: "Thiệt mà"

Bảo La bật phắt dậy luôn: "Cậu vừa nói cậu yêu tôi, là yêu thật luôn"

Nhìn thấy vẻ mặt dâm tà lẫn sung sướng hả hê của Bảo La , Ca Ca đen mặt im lặng một giây.

Thực ra tiếng Phổ thông của Bảo La thanh thứ 4 nói không tốt lắm, lúc phỏng vấn Ca Ca còn thường xuyên hưng phấn đến độ nói lắp, cùng với còn có lúc cố ý nói giọng Bắc Kinh tạo thành liên minh đối lập, lần này tự dưng có duyên hòa hợp với nhau đến thế, thật là mừng thay cho ảnh.

Đấy là công phu không phụ lòng người vậy.

13. Chuyện thứ mười ba

Lê Minh trước mặt Ca Ca vẫn luôn ra dáng là một cậu nhỏ cực kỳ ngoan cực kỳ rụt rè, tuy nhiên rõ ràng dáng người so với Ca Ca cao hơn một cái đầu. Chỉ có một lần, ẻm diễn có hơi sâu là lần năm 1993, Ca Ca nhận lời phỏng vấn ở Đài Loan.


Lê Minh và Ca Ca tại một sự kiện

Lúc ấy Lê Minh vốn ở một bên sân khấu rất chăm chú lắng nghe, vừa đúng đoạn phóng viên hỏi Ca Ca vì sao không xuất hiện hát nữa, Ca Ca cố tình đùa dai bảo: "Hát ấy hả? Giờ đã có Lê Minh ở đây chiếm sân rồi, còn có chỗ cho tôi hát sao?"

Tuy rõ ràng là đùa, bạn nhỏ Lê Minh nghe xong vẫn thấy áp lực thực sự lớn quá rồi. Thế là để chứng tỏ thân phận vãn bối của mình, ẻm đột nhiên vèo một cái phi đến trước màn ảnh, giống mèo nhỏ làm nũng bám cứng lấy Ca Ca lúc ấy không có tí phòng bị nào - vẻ mặt cực kỳ đắc ý tinh nghịch há mỏ cười. Ẻm nhìn vào ống kính, sau đó dùng style nói kiểu Châu Tinh Trì véo von một câu: "Ảnh là thần tượng của em á!" - xong phát lại cực kì hoạt bát tinh nghịch, vèo một cái biến mất giữa rừng ống kính.

14. Chuyện thứ mười bốn

Ca Ca có rất nhiều thái độ khác nhau khi đối đãi với vãn bối. Trên cơ bản, ảnh áp dụng cách tùy theo tài đến đâu mà dạy.

Giống như Trương Học Hữu, thiên phú hơn người, là một mầm non ưu tú rất chăm chỉ của tương lai - Ca Ca vẫn luôn tận tâm tận sức dốc túi chỉ dạy. Dựa vào cách nói của Trương Học Hữu, Ca Ca là kiểu hận không thể giống tuyệt thế cao thủ trong tiểu thuyết Kim Dung, dùng hai tay đập lên lưng, truyền toàn bộ công lực một đời cho Học Hữu (cái kiểu truyền công lực một người ngồi sau áp tay lên lưng người ngồi trước í =)))

Hơn nữa, nội dung mà Ca Ca dạy cho đều rất phong phú, ca hát vũ đạo đến văn học, tình huống trong cuộc sống đều có rất nhiều điều để nói. Thậm chí, Học Hữu mặc áo đơn nào mới hợp (Ca Ca có thể chịu đựng được cái bộ áo như cây pháo đỏ rực cả mắt của Trương tiểu đệ), sử dụng đồ trang điểm nào không gây thương tổn ch da, cần uống thứ canh gì cho bổ dưỡng...tất cả đều dạy cho cực kì chi tiết.

Con đường trở thành siêu sao của Học Hữu ca - dưới sự soi sáng từ những chỉ dẫn từng bước một như thế này - vững chắc mà đi lên đó.

Lúc trao giải Kim Châm, Học Hữu ca mặt một bộ từ áo đến mũ hồng toàn thân không biết tốt hơn hồi trước bao nhiêu lần (nổi lên xong nhất định phải mặc thế phải không...), Ca Ca tay cầm cúp, đối với học trò mình tâm đắc nhất còn vui hơn, không kìm được bèn ôm mạnh ẻm, hết lần này đến lần khác, lâu đến độ Học Hữu thở cũng không nổi nữa. Xong không dễ gì buông ra rồi, Ca Ca nhanh chống phục hồi trạng thái nghiêm trạng của tiền bối: Học Hữu, sao cậu ôm tôi chặt thế? Muốn ép bẹp tôi hả? (tiện tiện sờ mó tôi luôn) Không bằng tặng con gái cậu cho tôi bồi thường đi...

P.S: Phóng viên - "Xin hỏi ca khúc mới của anh "Tay Phải Tay Trái" có phải nói lên sự khác biệt về thiên hướng tính dục không?" - Ca Ca: "Cái đó là Lâm Tịch viết lời, bạn nên hỏi ảnh nhé" - Phóng viên (bám riết không tha): "Vậy anh thích tay phải hay tay trái?" - Ca Ca (mỉm cười): Tay phải hay tay trái tôi đều thích, hơn nữa chân phải với chân trái tôi đều thích như nhau nữa"

PS: 28.9.2001 Yêu phải dũng cảm, Ca Ca Đường sinh nắm tay đến cuối đời!

( Đường sinh là cách gọi thân mật của fans với Đường Hạc Đức)

Trong lúc Ca Ca cùng khán giả giao lưu, khiến người ta khó quên nhất là có đợt, một fan nữ lúc ảnh vừa cất tiếng liền kêu lên: "Ca Ca! I love you!". Ca Ca cũng bị đơ người một lúc, ngay cả câu tiếp theo cũng không hát nữa, sau đó bèn bảo: "Mười mấy năm trước, tôi sẽ biết đáp lại bạn, hiện giờ thực sự là không quen nữa rồi, không biết đáp lại bạn thế nào!"

Thì ra bất tri bất giác, Ca Ca đã cùng Đường sinh chung sống tương thân tương ái mười năm rồi, Ca Ca không nhắc đến, mọi người cũng nhanh chóng quên mất rồi)


_Kết thúc_


Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

Con người lãng mạn của Trương Quốc Vinh: Từ sân khấu đến đời thực

~ Bài viết của tác giả Hiền Trang ~

(Phần WARNING của tác giả: Hôm trước vì có một số bạn muốn mình viết review về cuốn 'Firelight of a different colour' của Nigel Collett về cuộc đời và sự nghiệp của Trương Quốc Vinh (Leslie Cheung), mình quyết định sẽ viết 1 bài, nhưng ko phải review, chỉ đơn giản là cảm nhận của mình dựa trên những gì mình biết về anh và đề cập đến một số chi tiết trong sách mà trước đây chưa từng được biết đến về Leslie, những chi tiết này có thể sẽ gây shock với nhiều người - bạn có thể tin, hoặc không tin. Nhưng tác giả Collett đã có thời gian tìm hiểu và thu thập các record của Leslie tại các trường nơi anh từng theo học nên có thể nói là thông tin có cơ sở và bằng chứng đàng hoàng. Một điều lưu ý nữa là cuốn sách đã được viết mà không được sự đồng ý/ủng hộ từ phía gia đình Leslie). Cuối cùng, đây là bài viết mang tính cá nhân, sẽ nói đến cả một số chuyện đời tư của anh nữa, nên nếu ai cho rằng đó là xâm phạm vào chuyện riêng tư của anh thì không nên đọc.)



CON NGƯỜI LÃNG MẠN CỦA TRƯƠNG QUỐC VINH: 
TỪ SÂN KHẤU ĐẾN ĐỜI THỰC


Sau khi chàng Narcissus vì mải ngắm nhìn mình mà ngã lộn nhào xuống hồ nước, thần thoại Hy Lạp kể rằng chàng hóa thành hoa thủy tiên. Còn theo Oscar Wilde, hồ nước khóc than cho cái chết của chàng, vì không còn chàng, hồ nước không thể tự ngắm nhìn mình trong đôi mắt chàng nữa.


I. Phần lớn mọi người sinh ra là hồ nước. Một số người sinh ra là hoa thủy tiên. Tôi không muốn nói đến khía cạnh yêu bản thân, mà ý tôi là, một số người sinh ra để sống một cuộc đời ngụ ngôn, để qua đôi mắt họ, kẻ khác có thể nhìn thấy phản chiếu của cuộc đời mình. Nếu ví phần lớn mọi người là những mảng màu nhạt lờ nhờ, thì có thể ví họ là những mảng màu rực rỡ, rực rỡ đến mức cực đoan, đẹp nổi bật, nhưng cũng bởi thế mà không phải lúc nào cũng phù hợp trong một thế giới màu xám, và quan trọng hơn, nên nhớ rằng nếu tô đậm hơn những mảng màu nhạt, ta sẽ được những mảng màu rực rỡ, cho nên những mảng màu rực rỡ luôn bao chứa những mảng màu nhạt. Vì thế mà cuộc đời họ mang tính ngụ ngôn.

Trương Quốc Vinh (Leslie Cheung) chắc chắn sinh ra để làm hoa thủy tiên, để làm một mảng màu rực rỡ, để làm một truyền kỳ.

Chuyện này thì ai cũng biết. Tự thân cuộc đời của Leslie, với tổng hòa của tài hoa, sắc đẹp và bi kịch, là một tác phẩm nghệ thuật bậc thầy hàng trăm năm mới có một lần, và nghệ thuật, thì như Oscar Wilde từng nói, cuộc sống bắt chước nghệ thuật nhiều hơn là nghệ thuật bắt chước cuộc sống. (Life imitates Art far more than Art imitates Life). Sự vật được hiện thân là bởi có những thi sĩ và họa sĩ. Và chúng ta có thể nhìn ra rất nhiều điều bởi vì có những cuộc đời như Leslie Cheung.

Có quá nhiều thứ mà người ta có thể nói về anh, bởi vì nên nhớ rằng một tác phẩm nghệ thuật bậc thầy là một tác phẩm nghệ thuật khiến khán giả tìm ra những ý nghĩa mà chính tác giả của nó không hề nghĩ đến. Và nữa, Leslie không chỉ là một mảng màu rực rỡ, chính xác hơn thì con người anh là sự hòa quyện của rất nhiều những mảng màu và mảng màu nào cũng rực rỡ. Nhưng trong bài viết này, tôi chỉ muốn nhắc đến một khía cạnh về anh và chỉ một khía cạnh mà thôi: "con người lãng mạn" Leslie. Cụm từ này được lấy cảm hứng từ một cụm từ mà Thomas Mann đã dùng để mô tả Franz Kafka, một trong những nhà văn vĩ đại nhất mà nhân loại từng có, "con người mơ mộng" Kafka.

Không một nghệ sĩ nào ở châu Á có thể biểu đạt sự lãng mạn rõ hơn Leslie Cheung. Anh là sự lãng mạn huy hoàng nhất, và đáng nói hơn cả, sự lãng mạn huy hoàng đó bừng lên trong một thời đại người ta đã thôi không còn lãng mạn, và tôi vẫn thường xuyên nói rằng: Anh đã đem tinh thần của chàng Romeo từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 20 để sống. Trên sân khấu âm nhạc, Leslie là ông vua của những bản tình ca. Trên màn bạc, Leslie nếu không là một người tình cuồng nhiệt thì cũng là một kẻ bị ám ảnh dai dẳng bởi tình yêu. Trong đời thực, sự khát khao tình yêu của Leslie đã được nhà báo Richard Corliss gói gọn trong một câu: "Leslie has an almost naked love for being loved". (Leslie có một đam mê gần như trần trụi là được yêu.)

Song, nếu hiểu "khuynh hướng lãng mạn" (Romanticism) chỉ đơn thuần là tình yêu thì có nghĩa ta đã bỏ qua quá nhiều. Tình yêu chỉ là một trong những cách để bày tỏ sự lãng mạn mà thôi. Chủ nghĩa lãng mạn đã hình thành ở châu Âu từ rất sớm và đạt đến đỉnh cao vào nửa đầu thế kỷ 19. Rất nhiều học giả đưa ra khái niệm về Romanticism. Nhà phê bình Émile Faguet cho rằng: "Chủ nghĩa lãng mạn là sự khước từ thực tại và nguyện vọng muốn thoát ra khỏi thực tại đó." Một định nghĩa khác lại nói "Chủ nghĩa lãng mạn là thị hiếu về ước mơ, sự huyền diệu và phóng khoáng, của trí tưởng tượng vượt khỏi lề thói." Hoặc là "Chủ nghĩa lãng mạn là sự chiến thắng của chủ nghĩa tự nhiên và sự bộc bạch cái tôi.". Và dù là định nghĩa nào đi chăng nữa, thì Leslie Cheung và cuộc đời của anh, với tất cả những đặc trưng gắn liền với "lãng mạn": đề cao mộng tưởng, đề cao tình cảm và đề cao tự do, vẫn là sự tôn vinh dành cho chủ nghĩa lãng mạn trong thời hiện đại.

Điều đặc biệt đó là người ta có thể coi Leslie thuộc về cả chủ nghĩa lãng mạn tích cực, khuynh hướng lãng mạn vượt lên những định kiến để đạt đến những điều không tưởng, và cả chủ nghĩa lãng mạn tiêu cực, khuynh hướng lãng mạn hoài niệm về một thời đã xa, tìm về một miền quá khứ mộng ảo và thu mình vào cái tôi bí ẩn. Ngoài lề một chút, sự lẫn lộn đó lại một lần nữa tô điểm thêm cho sự lẫn lộn cố hữu trong tài hoa và vẻ đẹp của anh: lẫn lộn giữa thực và mộng, giữa kịch và đời, giữa nam tính và nữ tính, giữa sự sống và cái chết. Tất cả mọi biên giới đều bị xóa nhòa trong Leslie Cheung.

Dựa trên những đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn, bài viết sẽ làm sáng tỏ con người lãng mạn của Leslie Cheung thông qua việc làm sáng tỏ 3 con người của anh: con người mộng tưởng, con người tình cảm và con người tự do, lần lượt trên cả 3 sân khấu: sân khấu âm nhạc nơi anh là một ông hoàng, sân khấu điện ảnh nơi anh là một trong những diễn viên vĩ đại nhất, và sân khấu đời thực nơi cá tính độc nhất vô nhị khiến anh trở thành một biểu tượng không thể lặp lại, như hãng thông tấn CNN từng nhận xét về anh - "nam danh ca được ái mộ nhất cuối thế kỷ 20": "They don't make 'em like Leslie Cheung anymore." - Không ai còn có thể khiến cho mình giống Leslie Cheung được nữa.



II. CON NGƯỜI TÌNH CẢM LESLIE

Tôi sẽ bắt đầu với con người tình cảm Leslie, thứ mà bất cứ một ai sau khi xem những màn trình diễn của anh, sau khi đọc về cuộc đời anh, đều phải cảm khái mà thốt lên rằng: Liệu ai còn có thể yêu theo cách của Leslie được đây? Bộ phim đầu tiên của Leslie mà tôi xem là Thiện nữ ưu hồn (1987), một bộ phim liêu trai kinh điển của Hong Kong. Khi ấy, tôi còn rất nhỏ, nhỏ lắm, cũng chưa biết Leslie Cheung là ai, bộ phim được chiếu trên VTC1. Ngày ấy nhà tôi chỉ có đầu kỹ thuật số mà không có cáp. Tôi còn nhớ rõ ràng đêm hôm đó, tôi ngủ trên gác 3 với mẹ, thường thì khi ngủ với mẹ, tôi hay đi ngủ sớm, nhưng bộ phim đó hay đến nỗi khiến tôi quyết định sẽ thức để xem hết. Mặc dù từ đó đến nay có lẽ đã phải hơn 10 năm, nhưng chưa bao giờ tôi quên được cái cảnh Nhiếp Tiểu Thiện (Vương Tổ Hiền), trong bộ y phục màu đỏ mỏng manh ma mị, ẩy Ninh Thái Thần (Trương Quốc Vinh) xuống bồn nước để che giấu chàng, rồi hai người trao nhau một nụ hôn dưới làn nước ấy. Đó là một cảnh đẹp đến nao lòng và tình đến nao lòng, mặc kệ tất cả những mập mờ trắng đen và tội ác, nghi ngờ và sợ hãi, tình yêu vẫn thăng hoa, chẳng còn người mà cũng chẳng còn ma quỷ, chỉ còn thế giới ái tình diễm ảo mơ màng như bóng trăng trong bầu rượu.

Nhiều năm sau, tôi xem Bá Vương Biệt Cơ (1993), một trong những bộ phim quan trọng nhất trong lịch sử điện ảnh Hoa ngữ, chỉ bởi một thần tượng của tôi cho hay anh đã xem bộ phim này trên dưới 20 lần, (cho đến bây giờ, tôi có lẽ cũng đã xem nó được khoảng 20 lần rồi), và tôi bị choáng ngợp. Mặc dù mượn một điển tích nổi tiếng về chuyện tình giữa Ngu Cơ và Hạng Vũ, nhưng Bá Vương Biệt Cơ giống như một khúc hoan ca về nghệ thuật, một tấn bi kịch về sự đam mê, sự vỡ mộng, sự phản trắc giữa biến thiên lịch sử hơn là một câu chuyện về tình yêu đôi lứa đơn thuần. Dẫu vậy, hình ảnh chàng nghệ sĩ Kinh kịch bị ám ảnh bởi sân khấu Trình Điệp Y của Trương Quốc Vinh cũng vẫn có thể coi là đại diện cho một sự lãng mạn đến tuyệt vọng. Biết là mộng mà vẫn mơ, ai có thể si tình hơn Điệp Y nữa? Si tình đến mức quên đời, quên mình, vẽ lên lớp mặt nạ của nàng Ngu Cơ, để rồi chết chìm trong biển tình của chính vị ái thiếp đau khổ ấy. Mỗi lần "đôi mắt chỉ có thể thấy trong những giấc mơ của chúng ta về phù hoa quá khứ" của Điệp Y hướng về phía người bạn diễn Đoàn Tiểu Lâu của mình, cảm xúc của khán giả như bị vắt kiệt bởi tất cả những say đắm, mê muội, hoài mong, bi ai, thất vọng trong đôi mắt ấy. Trương Quốc Vinh trong Bá Vương Biệt Cơ yêu một cách cuồng nhiệt nhưng là sự cuồng nhiệt kiềm chế trong sự kiều diễm, cao quý, khuôn thước của một vương phi. Nhưng không vì bị kiềm chế mà nó thiếu đi sự lãng mạn, bởi nếu không phải là lãng mạn tột đỉnh, thì Điệp Y đã không tự tận bằng chính lưỡi kiếm đã từng vì nó mà lớp son của chàng nhạt phai lem luốc.

Trương Quốc Vinh đã để lại rất nhiều những vai diễn kinh điển thuộc đủ các thể loại, anh có thể cô đơn duyên dáng, hoặc cay độc nên thơ, hoặc tinh quái thanh lịch, hoặc suy đồi tao nhã, hoặc nổi loạn ngọt ngào, hoặc kể cả ngây ngô ăn hại, nhưng cho dù là trong vai diễn nào, Trương Quốc Vinh cũng là một người tình nồng nhiệt, tất nhiên mỗi vai diễn lại cho thấy một kiểu nồng nhiệt khác nhau. (Nên nhớ là ngay cả khi vào vai một vị linh mục cao khiết và thánh thiện trong Tristar (1996) hay một kẻ sát nhân biến thái trong Double Tap (2001) thì anh cũng không thoát khỏi lưới tình). Theo Nigel Collett, ngay từ những buổi đầu của sự nghiệp điện ảnh, các đạo diễn đã tỏ ra vô cùng hứng thú với cách Leslie mô tả những cảnh yêu đương nóng bỏng. Còn chúng ta, khán giả, những kẻ bị ma thuật của anh thôi miên, làm sao có thể không gục ngã trước cảnh Louis (Trương Quốc Vinh) mỏng manh yếu đuối nằm tròng vòng tay của Tomato (Diệp Đồng) trong Liệt hỏa thanh xuân (1982)? Làm sao có thể quên được cảnh Sam (Trương Quốc Vinh) lao vào "người đàn ông" Wing (Viên Vịnh Nghi) trong cơn đê mê tình ái bất chấp nỗi sợ trở thành một người đồng tính trong Kim chi ngọc diệp (1994)? Làm sao có thể không tan chảy trước cảnh Trác Nhất Hàng (Trương Quốc Vinh) ôm hôn say đắm lang nữ Luyện Nghê Thường (Lâm Thanh Hà) dưới ngọn thác đổ ào ạt, trong làn hơi nước hồ mị, ướt át như chính những nụ hôn của họ trong Bạch Phát Ma Nữ truyện (1995)? Và tất nhiên là cả cái sóng mắt cuồn cuộn lửa tình, miên man chất chứa nhưng u uẩn bất thành lời mà anh dành cho nàng nữa. Lâm Thanh Hà nói cô chỉ tin tưởng khi đóng những cảnh như thế với Trương Quốc Vinh, và có lẽ cô chưa bao giờ phải hối hận vì điều đó.

Cách Leslie diễn luôn đẩy cảm xúc lên ngưỡng cao nhất, y hệt như bật nắp một chai champagne để dòng rượu vang đỏ phun trào. Anh biến những cảnh sắc dục đẹp như một áng thơ, mềm mại và kích động. Anh hầu như không bao giờ là một người tình hờ hững, dù cho anh có sẵn sàng rũ bỏ bạn tình chỉ bằng một câu nói "Chúng ta có chuyện gì?", nhưng khi yêu thì anh sẽ không bao giờ hờ hững. Xem cách anh khiêu gợi trong A Phi chính truyện (1990), người ta mới biết tại sao phụ nữ sẵn sàng phục tùng anh và coi đó là ân huệ của mình. Anh ý thức được tất cả sức quyến rũ anh sở hữu và vì thế mà anh là kẻ nguy hiểm nhất trong trò chơi tình ái, anh biết khi nào anh phải khiến cho họ chìm đắm trong đôi mắt mình và khi nào phải khiến cho họ sợ hãi không dám chìm trong đôi mắt ấy. Nhưng đừng đổ lỗi cho sự yếu đuối của người phụ nữ, ngay cả những người đàn ông, như Lê Diệu Huy (Lương Triều Vỹ) trong Xuân quang xạ tiết (1997) chẳng hạn, cũng đâu thể cưỡng lại sự cám dỗ độc hại nơi Leslie?

Điều đặc biệt là gì? Leslie để họ chìm trước, nhưng rồi thì anh cũng chìm. Leslie luôn rời bỏ trước, nhưng đến cuối cùng anh lại là kẻ không thể dứt bỏ. Khi Tô Lệ Trân (Trương Mạn Ngọc) đã thôi không còn vấn vương đến cái ngày 16 tháng 4 năm 1960, 1 phút trước 3 giờ, Leslie sẽ hấp hối trên toa tàu nhìn về phía rừng dừa xanh thẳm, trên nền nhạc Always in my heart, và nhớ đến cô. Khi Lê Diệu Huy (Lương Triều Vỹ) leo lên chiếc tàu điện chạy xuyên qua thành phố lấp lóa ánh đèn, quá khứ Happy together dường như đã bỏ lại ở một nơi rất xa, thì ở đầu kia thế giới, Leslie sắp xếp những bao thuốc lá anh từng ném đi, ngắm nhìn đôi tình nhân trên cây đèn thác Iguazu rồi đổ gục trong vũng bóng tối nhập nhoạng nơi bình minh không thể chạm tới anh. Khi Như Hoa (Mai Diễm Phương) trả lại anh hộp son cùng câu nói: "Thập nhị thiếu gia, cảm ơn cậu vẫn còn nhớ đến em. Hộp son này em đã đeo 53 năm rồi, bây giờ xin trả lại thiếu gia. Em không đợi nữa.", chính là Leslie, trong thân xác của một lão già hoang tưởng, chạy theo níu giữ bóng ma xanh xao của nàng trong vô vọng.

Là như vậy, trên màn ảnh, Leslie là con thiêu thân bị hủy hoại bởi tình yêu, là biểu tượng cho một sự lãng mạn tự thiêu sống bằng ngọn lửa của chính nó. Còn trong âm nhạc lại khác hẳn, anh thâm tình và đong đầy ý vị ấm áp của tình yêu. Như nhiều người ở Việt Nam, bài hát đầu tiên của anh mà tôi nghe là Ánh trăng nói hộ lòng tôi trong World Tour Concert năm 1997. Nhưng khác với mọi người, tôi đã nghe nó trên zing mp3 chứ không phải trên youtube, vì vậy mà bạn có thể nói rằng tôi hoàn toàn chỉ là thưởng thức âm nhạc thuần túy mà không hề hay biết đến duyên cớ đằng sau nó. Nói thế nào nhỉ, tôi đã nghe Đặng Lệ Quân hát rất nhiều, nhưng kể từ khi tôi nghe Trương Quốc Vinh, tôi chỉ nghe Trương Quốc Vinh mà thôi. Tôi không nói rằng giữa hai người ai hơn ai, chỉ là tôi cảm được Trương Quốc Vinh nhiều hơn.

Đôi mắt Leslie u sầu, tiếng hát của anh cũng chẳng vui hơn là mấy, một nỗi sầu cố hữu mải miết đeo bám, không phải nỗi sầu nhân thế cũng chẳng phải nỗi bi thương đắng cay đau đớn, mà là một nỗi sầu theo kiểu số phận sinh ra là để sầu, sinh ra để mà khóc, khóc cho cạn khô cõi lòng thì vừa hay một vòng sinh tử. Những bản tình ca kinh điển: Chung tình với em, Gió tiếp tục thổi, Đời này kiếp này, Đương niên tình, Đồng hành cùng nhau,... không hiểu sao càng nghe lại càng thêm sầu muộn. Hoàn toàn không phải vì đời anh mà gán ghép vào âm nhạc của anh, mà ngược lại, vì nghe anh hát mà luôn tin tưởng rằng nhất định đằng sau mỗi bài hát, anh đã gửi gắm yêu thương chân thật, bởi nếu không phải như vậy, thì sẽ không thể hát câu: "Anh không có gì để cho em, nhưng anh muốn dùng bài hát này, cảm ơn em vẫn kiên định cùng anh trải qua bao sóng gió" lay động tới nhường ấy. Trịnh Công Sơn nói: "Có những bản tình ca một thời tôi đã viết cho một người. Người ấy sẽ đi hết đời mình và biến mất. Tôi cũng sẽ biến mất. Bản tình ca kia ở lại với ai?". Leslie không ở lại với chúng ta, nhưng tình yêu trong những bản tình ca một thuở vẫn ở lại, như một ấn chứng cho sự lãng mạn không thể bị diệt vong, tinh thần lãng mạn ấy có đời sống riêng nằm ngoài cả thân xác hữu hạn của người đã đem nó đến, và theo cách đó, Leslie trở thành bất tử.

Shakespeare nói cuộc đời là một sân khấu. Nếu như là vậy, tôi cho rằng: cuộc đời của Leslie là một vở kịch lãng mạn hoàn hảo. Không phải ngẫu nhiên mà người ta thường đánh đồng Leslie trên kịch và Leslie trong đời là một. Xem anh diễn, mặc dù các hình tượng anh mô tả biến đổi liên tục và rất khác nhau, nhưng thật khó mà không nghĩ rằng ngoài đời anh chính là như vậy. Bản thân cuộc đời của Leslie là một sự mập mờ giữa thực và ảo. Nhưng làm sao trách khán giả được khi mà anh đã thổi bùng ngọn lửa lãng mạn của sân khấu ngay giữa đời thực, khi mà chính anh cũng không phân biệt nổi đâu là kịch và đâu là đời? Đó như là bản năng diễn của anh và cũng bản năng sống của anh. Ai có thể như Leslie, yêu một cô gái không biết tên, yêu một cách cuồng nhiệt rồi tưởng tượng như đó là Paul yêu Jeanne trong Last tango in Paris? Chúng ta yêu tiểu thuyết, yêu phim ảnh, nhưng có mấy ai trên đời này có đủ dũng cảm và mộng mơ như Leslie để đưa chúng vào đời thực? Hãy gọi đó là sự lãng mạn mù quáng cũng được, nhưng chẳng phải những tượng đài lãng mạn mà người ta thường ca ngợi đều là những kẻ mù quáng hay sao? Sự lãng mạn mù quáng đó như một thanh gươm khiến cho họ hiện lên thật hào hoa tươi đẹp, nhưng chính chúng lại cứa lên người chủ nhân của mình vô vàn những vết thương.

Vào năm Leslie 18 tuổi, anh rời khỏi trường trung học Eccles Hall (Anh Quốc), sau đó theo lời Leslie kể, anh đã tiếp tục học lên đại học Leeds, khoa Textile và chưa học được 1 năm thì buộc phải trở về Hong Kong vì cha anh trở bệnh. Đó là những gì chúng ta đã được nghe. Nhưng tác giả Nigel Collett, trong quá trình thu thập những tài liệu và thông tin về Leslie khi sống ở Anh, đã tìm ra những sự thật khác. Không có một records nào ở Leeds cho thấy Leslie đã từng theo học hay xin nhập học tại đây, kể cả trên giấy tờ hay theo trí nhớ của các vị giáo sư giảng dạy tại khoa dệt may, và câu chuyện lái theo một hướng hoàn toàn khác dựa trên những gì còn được lưu giữ tại Eccles Hall School. Năm 1974, Leslie đã bị buộc phải thôi học, vì một lí do mà sau khi đọc xong, tôi càng chắc chắn rằng nếu Chúa là một nhà viết kịch đại tài, thì Leslie hẳn là một trong nhân vật mà Ngài đã dành nhiều tâm huyết nhất. Chuyện là trong thời gian theo học, Leslie có một mối quan hệ đặc biệt với chàng trai trẻ tuổi hơn mình tên là Alan. Vấn đề xảy ra khi một chàng trai khác, Raymond Kelly, 14 tuổi, viết thư bày tỏ tình cảm với anh, và Leslie, một cách lịch thiệp như chính thứ tiếng Anh quý tộc mà anh đã tiếp thu không chỉ với tư cách một ngôn ngữ mà còn là một phong cách sống, đã hồi đáp và từ chối với lý do: I can't move away Alan's image, the things that we've done, I can still clearly remember, he is a part of my life, even he cheated me or not. Thật không may cho Leslie là bức thư của anh lại rơi vào tay mẹ của Raymond, và bà Kelly, hẹp hòi và ích kỷ, đã chuyển nó cho các cấp lãnh đạo trong ngành giáo dục. Và khi lá thư đến tay mình, hiệu trưởng nhà trường, ông Simington đã biên thư yêu cầu cha của Leslie cho anh thôi học. Ngày 5/2/1974, cha của Leslie, "ông vua may mặc" của Hong Kong, đánh điện tín bày tỏ sự bất ngờ khi nhận được "lá thư gây shock" đó và vào ngày 11, ông gửi một lá thư xin phép cho con trai mình được theo học hết năm học để khỏi phí hoài công sức học tập, đồng thời cũng thêm rằng có lẽ Frankie (tên lúc đó của Leslie) cần phải được sự giúp đỡ của y học hoặc các khóa điều trị tâm lý. Vào cuối tháng 6, Leslie trở về Hong Kong. Không ai biết được sau đó anh có phải chịu đựng bất kỳ khóa điều trị tâm lý nào không. Nhưng nếu có, thì hẳn đó là một trải nghiệm khủng khiếp bởi những cách để "chữa" đồng tính thời điểm đó là một cơn ác mộng.

Điều khiến cho tôi bị shock, hoàn toàn không phải chuyện Leslie đã nói dối về quá khứ của mình, mà bởi, bất chấp tất cả những tổn thương đó, Leslie vẫn có thể yêu và yêu hết mình. Leslie đã bị gia đình bỏ rơi trong phần lớn quãng đời thơ ấu, trong tình yêu, anh cũng thường xuyên là người bị từ chối, bị bỏ lại, bị phản bội. Vậy thì Leslie lấy đâu ra can đảm để tiếp tục yêu say đắm như cái cách mà anh đã dùng để yêu Đường Hạc Đức (Daffy Tong) trong nửa đời còn lại, nếu anh không phải là đứa con ruột của chủ nghĩa lãng mạn đang dần mục ruỗng trong thời hiện đại? Chỉ có những đứa con của chủ nghĩa lãng mạn mới có thể là người tình cuồng nhiệt như thế, có niềm tin bất biến vào tình yêu như thế, và ngạo mạn như thế về tình yêu của mình.


III. CON NGƯỜI MỘNG TƯỞNG LESLIE

Có một người hâm mộ phương Tây đã dùng lối so sánh này về Leslie mà tôi rất thích, cô ấy bảo rằng tình yêu mà khán giả dành cho Leslie giống như là tình yêu mà chàng Liễu Mộng Mai dành cho cô gái trong tranh trong vở kịch Mẫu Đơn Đình nổi tiếng từ thời nhà Minh của Thang Hiền Tổ, tức là tuy người đã chẳng còn nhưng dư âm, vang vọng còn cuồn cuộn mãi về sau. Nhưng cái so sánh ấy, tôi còn thấy hay ở chỗ, Liễu Mộng Mai và Đỗ Lệ Nương (tên người con gái trong bức họa) mới chỉ gặp nhau trong một giấc mơ, vậy mà tưởng như đã quen tự thuở nào, ý tình đã vô cùng sâu đậm. Có thể bởi vì tôi biết đến Leslie sau khi anh đã mất, có thể bởi vì tôi chưa từng được gặp anh như nhiều người đã yêu mến anh từ lúc sinh thời, nên đối với tôi, Leslie luôn là một cơn mộng mị. Nghe thật buồn cười nhưng quả là có những khoảnh khắc, tôi không chắc chắn lắm về sự đã-từng-tồn-tại của anh, tôi băn khoăn tự hỏi có phải tất cả chỉ là ảo ảnh chưa từng hiện hữu. Nó không hẳn đến từ việc anh đã không còn nữa, mặc dù đó là một phần lí do, nhưng là bề mặt thôi, sâu xa hơn thế, nó đến từ chính con người anh, con người mà đạo diễn Trần Khải Ca gọi là con người "thuộc về thời đã xa".


Thế giới mộng tưởng trong chủ nghĩa lãng mạn là thế giới phi thực, thế giới nơi con người tìm đến để trú chân, để thoát khỏi hiện thực tăm tối, có thể là chôn mình trong quá khứ tươi đẹp hay ao ước về một tương lai rạng rỡ. Về phần mình, tôi cảm thấy rằng, Leslie nghiêng về vế thứ nhất hơn.

Mặc dù đó có thể chỉ là một sự tình cờ, nhưng sự tình cờ về một mặt nào đó chính là số phận, rằng Leslie đã kết thúc cuộc đời mình và kết thúc luôn cả thời đại huy hoàng của Hong Kong. Trong cuốn Undercurrents: Queer culture and Postcolonical Hong Kong, tác giả Helen Hok-Sze Leung có viết ở chương 4 như sau:

"Cái chết của Trương được khóc than liên tục như sự qua đi của một thời đại. Nhà xã hội học Ng Chun-Hung tuyên bố: "một thế hệ chính thức khép lại". Học giả âm nhạc Joanna Lee gọi sự nghiệp 26 năm của Trương là "minh chứng cho sự thay da đổi thịt của Hong Kong." và đánh đấu cho "những năm tháng hoàng kim" của thành phố. Nhà văn kiêm họa sĩ Mathias Woo lại mô tả sự ra đi của Trương là "một đòn giáng đau thương vào thành phố đã có nhiều tang quyến" và "một hồi chuông báo tử của kỷ nguyên."."

Chưa cần biết đến con người mộng tưởng của Leslie, nhưng ngay cuộc đời anh đã là sự mộng tưởng cho những thế hệ có may mắn được chiêm ngưỡng anh. Mỗi lần nhìn những bức hình của anh, xem lại những bộ phim anh đóng hay nghe lại những bài ca anh hát, người ta hẳn sẽ thở dài: Ồ, hóa ra mọi thứ đã từng tốt đẹp như thế đấy. Cái chết cho Leslie quyền năng biến mọi người trở thành Miniver Cheevy thời hiện đại, say trong men rượu và oán trách vì sao mình đã sinh quá muộn màng. Và rồi, giống như chàng Gil trong Midnight in Paris muốn tìm đến những hồn hoa Paris những năm 20, để mà hội hè miên man với những Ernest Hemingway, Salvador Dali, Scott Fitzgerald, Man Ray, Luis Bunuel, Cole Porter, Pablo Picasso, Gertrude Stein, T.S.Elliot,..., sẽ có những người như tôi muốn xuyên không về những năm 80-90, để được nhìn thấy những người muôn năm cũ trong đó có Leslie Cheung yêu dấu.

Đó không phải sự sắp đặt trọn vẹn của tạo hóa hay sao, khi mà trong nghệ thuật, anh diễn tả sự hoài niệm quá khứ và đến đời thực, anh lại trở thành quá khứ để người ta hoài niệm. Trong Dạ bán ca thanh (1995), nhân vật "bóng ma nhà hát" Tống Đan Bình, với giọng ca mê đắm, gương mặt xinh đẹp, là biểu tượng cho đoạn hồi ức rực rỡ của nhạc kịch, để rồi, khi anh bị hủy nhan, cả thời đại đó, cả nhà hát đó, cả tình yêu mà khán giả dành cho ca vũ, cũng bị thiêu cùng ngọn lửa đã hủy hoại anh. Làm gì còn ai hợp hơn Leslie trong cái không khí cũ kỹ hương trầm, đèn nến và thuốc phiện? Cách anh say sưa hút nha phiến trong Yên chi khâu (1988) cũng giống như cái cách khán giả say sưa ngắm nhìn dung nhan cổ điển của anh, cũng giống như cái cách khán giả say sưa trong hoài niệm về anh và về một thời đã qua sẽ không còn lặp lại.

Bởi vì có những người như anh nên mới có những kẻ ngẩn ngơ tiếc nuối quá khứ như tôi. Đừng hỏi tại sao con người mắc chứng cái gì của quá khứ cũng thấy nó tốt đẹp hơn, là bởi vì có những người đẹp như anh đấy. Chẳng phải anh đẹp đến thế nên quá khứ mới đẹp đến thế hay sao? Làm thế nào mà quên được hình ảnh anh, muôn phần xinh đẹp trong bộ vest lấp lánh và làn môi đỏ dỗi hờn, trên sân khấu một concert cá nhân đêm giao thừa năm 1997, cùng tất cả các khách mời nhảy múa vui vẻ giữa tiếng nhạc Auld Lang Syne. Không còn hình ảnh nào sau đó có thể rạng rỡ như hình ảnh của Leslie ngày hôm đó trong mắt tôi. Có thể, đó là con người mộng tưởng của tôi, của những khán giả yêu anh hơn là con người mộng tưởng của chính anh. Nhưng có sao đâu, đó chẳng phải là biểu hiện của một huyền thoại ư, khi mà ngay cả những gì anh không chủ ý tạo ra vẫn tạo ra những tầng ý nghĩa, và hơn hết, đó là những tầng ý nghĩa chúng ta chỉ nhận ra sau khi anh đã chết?

Nói đến con người mộng tưởng Leslie, sẽ là một thiếu sót, nếu không nói là một thiếu sót vô cùng lớn, nếu không nhắc đến nhân vật Âu Dương Phong của anh trong Đông Tà Tây Độc (1994). Trong vai một kiếm khách cay nghiệt và mỉa mai, Leslie chạy trốn một quá khứ chỉ để nhận ra càng cố quên thì lại càng ghi nhớ. Đó không phải là sự lãng mạn giống như trong Dạ bán ca thanh, đó là sự lãng mạn dằn vặt và khốn khổ bởi những mâu thuẫn nội tâm: tôi muốn nhớ - tôi không muốn nhớ, tôi trông chờ được trở về quá khứ ấy - tôi không trông chờ được trở về quá khứ ấy. Giữa sa mạc trùng trùng sa mạc, Leslie bị vùi lập trong lớp tro tàn của thời gian, mộng tưởng về một quá khứ mà anh muốn quên nhưng chẳng thể quên. Ký ức đối với anh giống như một mê cung nơi anh không có ý định tìm về chốn cũ nhưng cuối cùng lại luôn lạc bước về chốn cũ. Khuynh hướng lãng mạn của Leslie trong bộ phim này là khuynh hướng lãng mạn bế tắc, nó không thể giải quyết bằng cái chết như khuynh hướng lãng mạn tiêu cực, cũng không thể giải quyết bằng cách đứng lên tạo lập một thế giới mới như khuynh hướng lãng mạn tích cực, nó chỉ có thể nằm đó quặn thắt trong lặng im, trong một vò rượu mang tên Túy sinh mộng tử.

Và lại một lần nữa, phải nhắc tới Trình Điệp Y trong Bá Vương Biệt Cơ, cũng là một đỉnh cao của con người mộng tưởng Leslie. Bản thân Trình Điệp Y là đại diện cho quá khứ vàng son, cho sự lỗi thời đẹp đẽ và tinh túy. Tất cả những gì thuộc về Điệp Y đều thuộc về quá khứ ấy: Kinh kịch, Hạng Vũ, vai diễn Ngu Cơ. Chỉ có thể nói, anh đã sinh nhầm thời. Cơn vỡ mộng của anh đẹp lắm, nó bừng sáng như lưỡi gươm anh rút ra từ bao kiếm của Tiểu Lâu, đó cũng là giây phút sự lãng mạn thăng hoa. Sự lãng mạn cần cái chết để thăng hoa, vì chỉ có cái chết mới đưa người ta đến một thế giới mới, mà vượt thoát khỏi tầm thường để vươn lên một thế giới lý tưởng, đó chính là lãng mạn.

Ngay cả bài hát chủ đề của Bá Vương Biệt Cơ, Khi tình yêu đã thành chuyện dĩ vãng, nó dường như được sinh ra là để Leslie hát vậy. Tôi nhớ đã từng khóc khi nghe anh biểu diễn trực tiếp bài hát đó, với giọng hát trầm, buồn, tỉnh và mơ lẫn lộn, với đôi mắt luôn nhìn về một chốn nào đó thật xa xôi mà chỉ anh mới có thể thấy. Nhìn anh khi ấy, giống như một con chim trong lồng muốn bay, muốn bay đi khỏi cái lồng vàng kìm giữ nó, nhưng anh muốn bay đi đâu, ai mà biết được. Những kẻ tầm thường ở một thời đại thực dụng như tôi, có thể hiểu gì về giấc mơ của một cánh chim lãng mạn như anh nào?

Quay lại với câu chuyện về tuổi thơ anh đã che giấu mà tôi tường thuật lại trong phần2, cách Leslie đã đối xử với quá khứ ấy cũng lãng mạn biết mấy. Tại sao lại lãng mạn ư? Bạn còn nhớ trong tiểu thuyết Life of Pi của Yann Martel chứ? Bạn có nhớ chương cuối cùng khủng khiếp đó chứ? Tôi đã sụp đổ khi đọc tới đó. Câu chuyện chiến đấu sinh tồn tuyệt mỹ như vậy giữa biển khơi với bạn đồng hành là con hổ, con đười ươi, con ngựa vằn, con linh cẩu, hóa ra chỉ là một ẩn dụ của Pi cho sự thật đáng sợ mà cậu phải chứng kiến. Nhưng tại sao Pi lại phải làm như thế nếu không phải vì nếu không làm vậy, cậu sẽ không thể sống được với ký ức đen tối đó? Nói gì thì nói, đó là một thái độ đầy lãng mạn. Lãng mạn đã cứu rỗi tâm hồn của cậu, đã tưới nước cho nó và không cho nó chết ngạt bởi bàn tay rướm máu và sự nhẫn tâm của con người. Với Leslie cũng vậy, quá khứ đó với anh cay đắng đến nỗi, anh muốn xóa sạch nó đi, anh muốn nó chưa từng tồn tại, và để gạt bó nó, anh tự tưởng tượng ra một câu chuyện hoàn toàn khác đến mức một ngày kia chính anh cũng không còn phân biệt được đâu là thật và đâu là giả nữa. Những kẻ nghi ngờ hãy cứ coi hành động đó là vấn đề của việc giữ gìn thanh danh. Nhưng với tôi, 1 kẻ đã có không ít kinh nghiệm trong việc tự lừa dối chính mình, BIẾT rằng hành động đó là vấn đề của việc tự cứu lấy tâm hồn mình bằng một con tim lãng mạn khỏi những vết thương không thể chữa lành.


IV. CON NGƯỜI TỰ DO LESLIE

Có một giai thoại như thế này về Leslie Cheung: đó là năm 1997, khi Leslie gây chấn động với những màn biểu diễn táo bạo chưa-từng-có, chính phủ Trung Quốc Đại Lục đã yêu cầu anh không được đem những bộ trang phục khêu gợi đó tới trình diễn tại đây. Được thôi, vậy thì Leslie sẽ không mặc những bộ trang phục ấy nữa. Nhưng thay vào đó, anh đổi sang những bộ còn... khêu gợi hơn.

Một đặc trưng lớn của Chủ nghĩa Lãng Mạn đó là đề cao sự tự do, khoáng đạt, sức sáng tạo vượt mọi rào cản và biên giới. Nó không chấp nhận những gồng xích và gồng xích duy nhất của nó chính là ý chí luôn luôn phải vươn tới một giới hạn mới. Leslie là một người trình diễn như vậy. Trong điện ảnh, có thể mượn lời Philippa Hawker, cựu biên tập tạp chí điện ảnh Cinema Papers, để nhận xét về anh: "Leslie có một phẩm chất ngôi sao dường như đến từ thời đại khác. Anh được so sánh là tương đồng với James Dean và Montgomery Clift – những nghệ sĩ trình diễn cùng lúc vừa phá bỏ vừa sáng tạo lại khái niệm thế nào là một nam diễn viên, và đem tới một hình tượng nam nhân khác biệt cho màn ảnh.". Vẻ đẹp mong manh, yếu đuối, nữ tính của Leslie không giống như bất cứ một nam diễn viễn nào khác, và đó là điều không thể bắt chước hay học hỏi. Có một số diễn viên giả gái nhưng người ta luôn thấy sự gồng mình và khi họ trở về với phong thái một người đàn ông thì ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Nhưng với Leslie thì không. Không bao giờ thái quá, Leslie luôn diễn vừa đủ theo cách nó sẽ diễn ra như thế ở ngoài đời, hoặc chí ít là anh tạo cho ta cảm giác mọi thứ sẽ diễn ra như thế ở ngoài đời, và trong rất nhiều trường đoạn, nếu như bạn không biết anh từ trước, cho dù có nói anh là một nữ diễn viên, tôi chắc chắn bạn cũng tin sái cổ, như trường hợp của một vài người bạn của tôi chẳng hạn (và ngay cả tôi nữa, khi em gái tôi cho tôi xem tấm ảnh của anh trong Gia hữu hỷ sự 2 (1993), tôi đã thực sự nghĩ đó là Vương Tổ Hiền).

Nhưng Leslie không cần giả gái, không cần váy cũng không cần son, anh vẫn có thể trở nên nữ tính ngay cả khi anh đang là một người đàn ông có xu hướng tình dục dị tính. Anh luôn đột nhiên trở nên mềm mại và duyên dáng mỗi khi đứng bên những kẻ mạnh mẽ khác. Sẽ không bao giờ có chuyện Leslie cứu Châu Nhuận Phát cả mà chỉ có thể là Châu Nhuận Phát giải vây cho anh, cưng chiều và an ủi anh như trong Anh hùng bản sắc (1987) hay Tung hoành tứ hải (1991). Đương nhiên là sự kết hợp giữa anh và Lâm Thanh Hà hay Mai Diễm Phương, sự tráo đổi giới tính giữa họ, là những sự kết hợp có một không hai trong lịch sử điện ảnh Hoa ngữ. Tôi rất thích tên tiếng Anh của Kim chi ngọc diệp II (1995): Who's the woman, who's the man? vì theo một cách hiểu, nó chính là sự băn khoăn của chúng ta khi thưởng thức một người diễn viên có khả năng biến chuyển những trạng thái về giới liên tục như pha những bảng màu như Leslie Cheung.

Trên lĩnh vực âm nhạc, tôi sẽ nói thế này: Những ai mắc chứng đau tim, tốt nhất là không nên xem Leslie biểu diễn. Cho đến bây giờ, những màn trình diễn của Leslie trong Passion Tour năm 2000 vẫn là đi trước thời đại, vẫn khiến cho vô khối những người của thế kỷ 21 phải há hốc mồm vì sự cách tân, sự táo bạo của nó. Tôi thậm chí đã không dám xem toàn bộ buổi biểu diễn đó cho đến khi lấy đủ can đảm và tình yêu dành cho anh đã đủ lớn. Thật dễ hiểu tại sao vào thời điểm đó, nó lại gây nhiều tranh cãi đến thế, thậm chí nếu nó được biểu diễn ngay lúc này, nó cũng sẽ gây ra nhiều tranh cãi không kém. Nhưng có làm sao đâu, bởi lịch sử cho thấy rất nhiều những thứ vĩ đại, từ khoa học cho đến nghệ thuật, khi mới xuất hiện đều là đề tài tranh cãi không dứt của dư luận: thuyết nhật tâm cũng thế, duy vật biện chứng cũng thế, thuyết tương đối cũng thế, Hồng Lâu Mộng cũng thế, Picture of Dorian Gray cũng thế,... Khi sáng tạo đi trước thời đại, đó không phải vì sáng tạo đã đi quá nhanh, mà vì thời đại đã đi quá chậm.

Và, một con người có thể tự do đến thế trên sân khấu, sẽ chẳng có gì nhạc nhiên nếu anh ta/cô ta có cùng sự tự do trong cuộc đời. Có một chi tiết trong cuốn sách của Nigel Collett làm tôi thực sự choáng váng. Đó là vào khoảng thời gian khi Leslie theo học ở trường trung học Rosaryhill, một trường Công giáo ở Hong Kong, anh có quan hệ tình cảm với một người bạn cùng giời. Chúng ta đều biết tình yêu đồng giới là một thứ không được chấp nhận trong Thiên Chúa, nhưng cậu bé Leslie đã phản kháng một cách đầy lãng mạn bằng cách lẻn vào Giáo đường vào lúc không có ai ở đó, nắm tay và hôn người bạn của mình ngay trước tượng chúa Jesus, như một lời thách thức đối với Chúa, một lời thách thức chỉ có thể thấy ở những kẻ lãng mạn tột cùng, tự do tột cùng và bay bổng tột cùng. Và bởi vì Chúa đã không giáng một đòn sấm sét vào đôi bạn trẻ, hẳn là kể từ đó Leslie đã tin rằng, Chúa đã luôn đứng về phía họ, còn tất cả những lời truyền dạy chống lại họ đều là giả dối.Đó không phải lần thách thức duy nhất của Leslie đối với thế giới (như chúng ta đều biết), mặc dù sau đó, có lẽ anh đã hành động như một thiên thần mang theo ý nguyện thực sự của Chúa hơn là phản kháng Chúa. Trong bài hát nổi tiếng Leslie từng sáng tác như tuyên ngôn của chính mình, mới có câu:

Tôi yêu con người tôi, là đóa hoa nở rộ theo cách của riêng mình. Thậm chí giữa sa mạc hoang vu, vẫn có thể trổ hoa đầy kiêu hãnh.



V. Tôi vẫn luôn nghĩ Leslie là một con người lãng mạn. Nhưng khi tôi tìm hiểu nhiều hơn về anh, tôi mới thực sự tin là như thế. Tôi nhận ra nếu không phải là anh, thì chẳng ai còn có thể là Romeo, là Werther của thế kỷ 20. Đó không chỉ nằm ở chuyện anh có thể đọc thuộc rất nhiều phân cảnh giữa Romeo và Juliet trong vở kịch cùng tên của William Shakespeare bằng tiếng Anh khi mới 10 tuổi (cái tuổi phần lớn mọi người còn chưa thèm quan tâm Shakespeare là ai), hay việc anh hẳn đã lẻn vào rạp chiếu bóng để xem bộ phim Romeo và Juliet của Franco Zeffirelli năm 1968, hay việc anh đã hóa thân vào chàng Romeo trong bộ phim The Phantom's lover năm 1995, mà quan trọng hơn, chỉ có Romeo mới có thể sống theo cách lãng mạn như thế và chỉ có Romeo mới có thể đem sự lãng mạn bất tử của thi ca vào chính cuộc đời thực như thế.

Đôi khi, tôi coi cái chết của anh giống như là màn khép lại hoàn hảo của một màn đại bi kịch. Cũng có khi, tôi lại nghĩ đó là minh chứng cho sự vô thường của kiếp người, cánh hồ điệp đẹp tươi đến thế rồi cũng chỉ còn lại làm hư không. Nhưng ngay giờ này phút này, ngay khi đang viết những dòng này, tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng đó là một khoảnh khắc giống như là khi Beethoven (tình cờ hay cố ý cũng là 1 biểu tượng lãng mạn) đã nói trước khi trút hơi thở cuối cùng: "Plaudite, amici, comedia finita est!" (Vỗ tay lên, bạn của tôi, màn kịch này đã chấm dứt rồi), hay đơn giản hơn, như khi anh đang hát ca khúc American Pie, ca khúc đầu tiên anh đã hát để bắt đầu sự nghiệp lừng lẫy của mình (và nhiều năm sau, đã trình diễn lại nó trong chiếc váy nổi loạn hứng chịu đầy chỉ trích):

So bye, bye, Miss American Pie
Drove my Chevy to the levee but the levee was dry
And them good old boys were drinking whiskey 'n rye
Singin' this'll be the day that I die
This'll be the day that I die.

Tôi không cho rằng Leslie là một con người bi quan, nếu như là một người bi quan, hẳn là anh đã chọn cách tự sát ngay ở tuổi 18 chứ không phải đợi tới gần 30 năm sau đó. Ngược lại, Leslie đã sống với tất cả sự lạc quan của một con người lãng mạn, Leslie đã sống một cách toàn vẹn trong sự bất toàn của cuộc đời này. Và chăng, nếu có lỗi của một ai đó, thì xin phép mượn cụm từ mà Shakespeare đã viết, đó chỉ là "lỗi của những vì sao"

Một người bạn của tôi từng hỏi tôi rằng: Có phải bởi vì Leslie đã chết nên mày mới yêu anh ấy nhiều vậy đúng không? Thật ra tôi có thể trả lời cậu ấy rằng, vớ vẩn, tao mong anh ấy sống còn chả hết, nhưng không, đúng là bởi vì anh đã chết, mà tôi yêu anh nhiều đến thế. Nhưng điều đó cũng không hoàn toàn đúng bởi tất cả những ai yêu Leslie thật lòng, có lẽ sẽ hiểu rằng, nếu Leslie không chọn cái chết đầy quyết liệt như thế, đó đã không phải là Leslie mà chúng ta ngưỡng mộ. Tôi nhớ trong bài hát Starry Starry nights mà Don McLean đã viết về danh họa Vincent Van Gogh, có một câu thế này:

But I could have told you Vincent, this world was never meant for one as beautiful as you.

Đó cũng là những gì mà tôi luôn nghĩ về Leslie. Làm sao chàng Romeo của thế kỷ 16 có thể sống trong thế kỷ 20 điên cuồng và phức tạp ấy? Chàng không thể thoả hiệp với sự tầm thường đó. Cho nên cái chết của chàng là một điều không thể tránh khỏi. Và tôi yêu Leslie nhiều đến vậy, không phải vì anh đã chết, chính xác hơn, vì anh không thuộc về thế giới này.


- Hiền Trang -