hestermui: Lúc sinh thời, có người từng hỏi Mai Diễm Phương về vấn đề dàn dựng nhạc kịch sân
khấu (musical) ( trước đây hãng Thiệu Thị có sản xuất những bộ phim thuộc
dạng phim nhạc kịch thế nhưng thể loại nhạc kịch như ở Broadway hay West
End không mấy phổ biến ở Hong Kong) , khi được hỏi thì Mai Diễm Phương tỏ ra
rất có hứng thú với thể loại này , và từng muốn dàn dựng vài vở , chẳng
qua chưa kiếm được người đầu tư .
Mai Diễm Phương cũng thừa nhận là rất muốn dàn dựng một vở musical cho
Yên Chi Khâu (Rouge) nhưng việc đó khó xảy ra mà cũng có thể không bao giờ xảy
ra . Vì Trương Quốc Vinh đã không còn trên đời , không còn Ca Ca thì
không còn Thập Nhị Thiếu Gia , không có Ca Ca đóng Thập Nhị Thiếu thì Mai
cũng không muốn làm Như Hoa .
Lúc trước khi nghe Mai thổ lộ tới đây thì Hester từng thắc mắc là đối
với cá nhân Mui mà nói , Ca Ca trong vai Thập Nhị Thiếu tại sao lại quan
trọng đến mức độ như vậy ?
Thật ra , Ca Ca không phải là người đầu tiên được chọn đóng vai Thập Nhị
Thiếu , nếu mình nhớ không lầm thì là Châu Nhuận Phát ( ??? ) nhưng
chắc chắn ứng cử viên thứ hai là Trịnh Thiếu Thu khi mà sự lựa chọn đầu
tiên nửa đường gãy gánh . Khi kế hoạch tuyển Trịnh Thiếu Thu không thành
thì cuối cùng vai diễn Thập Nhị Thiếu về tay Trương Quốc Vinh . Nhưng
tại sao lại thuộc về Ca Ca thì cũng là một dấu chấm hỏi đối với mình
trước đây khi mà công ty quản lý của Ca Ca lúc đó là đối thủ cạnh tranh
với công ty sản xuất Yên Chi Khâu (các bạn nhớ là nội cái chuyện để
cho ca sĩ trực thuộc của mình xuất hiện vài phút trong các dvd Classic
Moment Live của Mai Diễm Phương mà cũng đủ sinh chuyện bùm xum , họ không có thù gì
với Mui Music nhưng lại gừm Nation Music).
Trước khi Yên Chi Khâu được đưa lên màn ảnh rộng , Mui có gọi điện cho
một người bạn , bảo rằng : "Có một quyển tiểu thuyết do Lý Bích Hoa
viết mới xuất bản tựa là 'yên chi khâu' . Hay lắm ! Cậu đã đọc chưa ?"
Người này đáp đã đọc 3 lần rồi . Như vậy nghĩa là Mai Diễm Phương đã
đến với Yên Chi Khâu trước khi biết mình sẽ vào vai Như Hoa , đã có một
cảm tưởng nhất định về một Thập Nhị Thiếu trước khi biết rồi ai sẽ vào
vai này .
Khi Yên Chi Khâu được chính thức đưa vào sản xuất , Mai là người đầu
tiên được chọn đóng vai Như Hoa . Hơn nữa khi kế hoạch mời 2 ông kia bị
phá sản , Mai cũng chính là người đề nghị mời Ca Ca . Nhưng khổ nỗi như
Hester đã nói , công ty quản lý của Ca Ca và công ty đỡ đầu Yên Chi Khâu
là đối thủ , do đó họ không bao giờ chịu thả người . Lúc đó , Mai buộc
phải ngả giá với họ bằng cánh đồng ý đóng cho họ 2 bộ phim điện ảnh với
điều kiện là để cho Ca Ca tham gia Yên Chi Khâu .
Mai Diễm Phương nhân lúc bên mình khủng hoảng về nam diễn trụ cột thì
ngay lập tức kéo Ca Ca về phía mình . Hester cho rằng nguyên nhân không
phải là Ca Ca cần Thập Nhị Thiếu mà là Mai Diễm Phương cần Ca Ca vào vai
Thập Nhị Thiếu .
Có thể trong mắt Quan Cẩm Bằng , Như Hoa chỉ có thể là Mai Diễm Phương
nhưng trong mắt Mai Diễm Phương , chỉ có Trương Quốc Vinh mới là Thập
Nhị Thiếu .
Không biết có bao nhiêu bạn đồng ý với suy đoán của Hester ?
Vì sự thật rằng do Mai đã được đọc nguyên tác trước khi nhận vai Như Hoa
, Mai đã phải hình thành một hình ảnh Thập Nhị Thiếu trong tâm tư của
mình rồi , nếu như mình hóa thân vào Như Hoa thì Thập Nhị Thiếu chính là
Ca Ca .
Điều này cũng giải thích thắc mắc trước đây của Hester . Tại sao Ca Ca
vào vai Thập Nhị thiếu lại quan trong đối với Mui như vậy . Tại sao Ca
Ca không còn thì Mai cũng không muốn tái diễn nhân vật Như Hoa , chỉ có
Ca Ca mới là Thập Nhị Thiếu trong cái thế giới mà Mai Diễm Phương là Như
Hoa .
----------------------------------------
heobeo: Với mình thì mình nghĩ rằng giả dụ như Mai Diễm
Phương năm đó vẫn tiếp tục thực hiện vở nhạc kịch, chọn lấy một anh
chàng đẹp trai thay thế cho Thập Nhị Thiếu Gia xưa thì hẳn đó không phải
là Mai Diễm Phương mà mình biết, vì có cái gì nó dửng dưng và vô tình
quá, chẳng phải là đã phụ đi cái tấm chân tình gắn bó hiếm hoi hơn hai
mươi năm giữa Mai và Trương ? Nếu nói rằng làm vở nhạc kịch này để tưởng
nhớ Trương Quốc Vinh cũng được đi, song Mai Diễm Phương chắc không đủ
tâm lý đối diện với Yên Chi Khâu, với Như Hoa và Thập Nhị Thiếu Gia hàng
ngày hàng giờ … ký ức sẽ đào bới thời gian khơi gợi lại nhiều kỷ niệm
vui buồn, và bởi vì Mai là một cô gái rất nhạy cảm, rất yếu đuối trong
tình cảm nên hẳn cô ấy không đành lòng đâu. Mai chắc cũng hiểu ... Yên Chi Khâu vốn đã tương đối toàn
mỹ mà sự toàn mỹ hiếm khi lặp lại lần hai, nay một mảnh của nó lại thiếu khuyết thì tốt nhất là không nên chạm
đến nữa.
Chuyện người diễn vai Thập Nhị Thiếu Gia ban đầu được chọn không phải là
Ca ca mình cũng biết. Phim ảnh không thể chỉ tồn tại trên giấy mực,
công ty sản xuất và đạo diễn muốn làm phim thì phải tìm diễn viên, tìm được rồi mà chưa có duyên hợp tác thì phải tìm người khác.
Nói tới đây mình sực nhớ chính ra việc chọn Mai Diễm Phương và Trương
Quốc Vinh cho vai Như Hoa và Thập Nhị Thiếu Gia là một sự mạo hiểm, vì
mặc dù đây là những nhân vật có tâm lý đặc sắc thì nhìn chung vẫn là hai
mẫu người điển hình : một ca kỹ và một khách làng chơi. Mai Diễm Phương
đẹp nhưng đấy không phải là vẻ đẹp cổ điển thường xui khiến người ta
liên tưởng tới dạng người như các cô gái buôn phấn bán hương. Cho nên
Quan Cẩm Bằng ban đầu chọn Mai Diễm Phương có thể vì ông nhìn ra được sự
phù hợp của Mai ở một vài khía cạnh nào đó mà người khác không phát
hiện, hoặc giả Mai Diễm Phương đã thể hiện sự xuất sắc của cô và thuyết
phục Quan Cẩm Bằng tin rằng cô có thể lấy ưu điểm của mình mà bù trừ
nhược điểm. Còn Trương Quốc Vinh có nét đẹp cổ điển rõ ràng "tươi tỉnh
như trăng thu thanh tao như bạch ngọc", nhưng mình tin thời điểm đó ổng
cũng không phải là hình mẫu khi người ta muốn liên tưởng tới các cậu ấm
phong lưu. Quan Cẩm Bằng nhìn ra được tư chất của Mai thì Mai, người gần
gũi với Trương bao nhiêu năm như vậy, hẳn cũng nhìn ra được chút tư
chất gì đó của Trương mà người ngoài nhìn không thấy
. Xin nói thêm luôn là giai đoạn trước Yên Chi Khâu, các đạo diễn hầu
hết chỉ mới tập trung vào sự thuần khiết và ngây thơ non nớt của Trương
Quốc Vinh trên màn ảnh (tại cái mặt hồn nhiên đơn giản của ổng đấy =.=
), chưa từng có ai động tay khai thác nét “hững hờ tự đam mê bản thân”
và khí chất “hoa thủy tiên” của anh.
Hiển nhiên khi đọc một cuốn tiểu thuyết mỗi người đều có cảm nhận và sự mường tượng của riêng mình về các nhân vật. Có lẽ như
hestermui
nói, Mai Diễm Phương đã đọc Yên Chi Khâu, cô nhập thân vào nó và tìm thấy hình bóng của Thập
Nhị Thiếu Gia ở hình ảnh Trương Quốc Vinh, cho nên sau khi không mời
được Châu và Trịnh cô ấy nhất định mời cho bằng được Trương dù thời điểm này diễn xuất của Trương chưa thật sự chắc tay. Thế giới
Như Hoa của cô cần phải có Trần Chấn Bang là Trương Quốc Vinh. Mà cũng
có thể chỉ đơn giản là vì Mai muốn được diễn chung với Trương, Mai muội
muốn đóng phim cùng Ca ca, hai người họ vô cùng ăn ý trên sân khấu lẽ
nào lại không thể là tri kỷ trên màn ảnh
? Tình cảm và suy nghĩ của người trong cuộc có muốn bàn chi tiết sâu xa
cũng không dễ, vì chúng ta chỉ là fan ái mộ bên ngoài, dựa vào sự kiện
và tính cách để suy đoán mà thôi. Nhưng dù sao Ca ca nên cảm ơn tấm lòng
của Mai muội đối với anh, bởi vì không có Mai anh đã không có cơ hội
được tham gia vào một bộ phim mỹ diễm như vậy rồi
.
Tuy nói là nói vậy, chịu khó nghĩ sâu và phân tích thêm chút nữa thì lại
thấy hình như là sự việc nào cũng có cái lý của nó... Như Hoa phân cảnh
đầu tiên đang cải nam trang hát một khúc nhạc cổ. Phong thái lưỡng tính
của Mai ở đây được sử dụng rất đắt, trong khi nét lưỡng tính của Trương
đã bổ sung và tạo thành một hiệu ứng tương tác bất ngờ với Mai: cô ấy
đẹp như nam nhân, anh ấy mềm mại như nữ giới, giọng cô ấy trầm, giọng
anh ấy nhẹ, cô ấy sắc sảo, anh ấy dịu êm … Trương Quốc Vinh diễn cùng
Mai Diễm Phương hay Lâm Thanh Hà đều gây nên một sức truyền cảm cộng
hưởng đặc biệt như vậy, không hề thô tục mà ngược lại rất thoát, rất nên
thơ, rất đậm đà thi vị. Ngoài Hong Kong ra khó mà tìm gặp được những
hình ảnh như thế !
Như Hoa là người phụ nữ có cá tính quật cường, yêu mãnh liệt. Còn Trần
Chấn Bang vì tình yêu cũng bỏ nhà đi làm con hát, sau khi tự tử không
thành sống vất vưởng suốt 50 năm. Nói như vậy để thấy chọn Mai và Trương
để làm Như Hoa và Thập Nhị Thiếu Gia là chuẩn rồi, không sai đi một ly
nào
. Bởi theo như mình quan sát, trong giới hạn mình biết, thế giới điện
ảnh Hoa ngữ chỉ có ba người : Mai, Trương và nữ minh tinh thập niên 30s
Nguyễn Linh Ngọc là có chữ “si” gắn liền cùng khí chất (Mai cũng từng
được Quan Cẩm Bằng mời vào vai Nguyễn Linh Ngọc nhưng cô từ chối). “Si” ở
đây không có nghĩa là ngu ngốc u muội, là nhất thời nông nổi, cũng
không liên quan chi tới khả năng diễn xuất. Mà nó tương tự với chữ “si”
văn sĩ Tào Tuyết Cần phải bỏ hơn mười năm để khắc họa nên một trang giai
nhân: đó là nàng Lâm Đại Ngọc. “Si” ở đây là sự đắm chìm mộng nối mộng
dai dẳng liên tận không dứt, là cái tình sâu bao phủ lấy châu thân con
người, khiến người ta thành ra quên lãng mê dại mà cũng thành ra sáng
suốt quyết liệt hơn. Như Hoa và Trần Chấn Bang mà chẳng phải là những
nhân vật si tình, họ sẵn sàng chết vì tình kia mà ! Mắt Mai Diễm Phương
hơi dại, đường nét lớn sắc sảo, dáng hạc gầy guộc lại hay thoa son đỏ như máu
--> lên phim càng tô đậm cho cái thần của Như Hoa vừa mong manh vừa
bạo liệt, khi ngây ngất hoa dung lúc lại ngả nghiêng chập chờn như đèn lay trước gió, từng cử động đều đẫm mùi hương phấn ngai ngái hư ảo thơm nồng
(bạn mình nói vai diễn này là để dành riêng cho Mai Diễm Phương, một tâm
hồn đơn côi). Còn Trương Quốc Vinh phát tiết sắc thái mộng mơ thiên
phú, diễn ngọt bùi ướt át, lử đử suy đồi qua làn khói và những cái ôm
--> một người đàn ông đa cảm, tự huyễn hoặc và yếu đuối.
Mặc dù sự thật là cùng một vai diễn, chọn diễn viên khác nhau sẽ cho ra
hiệu ứng khác nhau, nhưng mình trộm nghĩ nếu chọn một ai đó ngoài Mai
Diễm Phương, và Châu Nhuận Phát (hay Trịnh Thiếu Thu) nhận vai diễn thì
Yên Chi Khâu có thể vẫn sẽ thành công nhưng nó không thể nồng nàn, mê
mị, khác thường và dày cảm xúc đến như vậy.