Xã hội đen, kiếm sĩ, linh mục, lưu manh, ngôi sao nhạc rock … Leslie Cheung đã khoác lên mình bao bộ trang phục, anh đã sống qua biết bao thời đại. Không thể nắm bắt, gần như bất bại, anh chuyển mình vượt qua các vai diễn và những bộ y phục cùng với sự tự tin quả quyết vì anh biết anh là người tốt nhất. Bức chân dung của một Dorian Gray hoàn toàn không ý thức.
Anh đã ở vào ngưỡng của tuổi 40 nhưng gương mặt anh dường như chưa bao giờ tinh tế hơn thế, gần như mỏng manh, và thanh nhã. Trẻ trung nơi dáng vóc nhưng đôi mắt lại đong đầy nét trưởng thành, một gương mặt thiên thần nhưng nụ cười lại cám dỗ: Leslie Cheung là một ngôi sao. Một truyền kỳ như chỉ đất thiêng Hollywood mới có thể kết tạo, một huyền thoại đã vượt lên trên mọi nhân vật anh diễn, vượt lên trên mọi cuộc đời của những vở kịch đó. Danh tiếng của anh vốn dĩ không xa lạ, trong thực tế anh là một ngôi sao nhạc pop vĩ đại. Mặc cho khuynh hướng Tây hóa xâm lấn, Hong Kong vẫn luôn biết cách tạo nên những huyền thoại cho riêng mình, những con người thống trị những vùng lãnh địa rộng lớn, kéo dài từ âm nhạc cho đến điện ảnh, kể từ rất lâu đời.
Vào năm 1986, tác phẩm A Chinese Ghost Story (Thiện Nữ U Hồn) của Ching Siu Tung (Trình Tiểu Đông) đã đưa tên tuổi của Leslie Cheung (tên tiếng Quảng là Cheung Kwok Wing) đến với khán giả phương Tây. Cho đến thời điểm đó, anh vẫn trưng bày một vẻ tươi mới ngây thơ làm xao lòng nhiều trái tim nhạy cảm trong các bộ phim truyền hình. Trong suốt mười năm trời, anh đã dựa vào gương mặt trẻ trung lãng mạn này trong các sản phẩm rẻ tiền chỉ để níu giữ lượng khán giả đã có, nhưng lần này nó lại là vai diễn hoàn hảo dành cho anh.
Dưới sức ảnh hưởng nhạy bén của Tsui Hark (Từ Khắc), Leslie Cheung và Joey Wong (Vương Tổ Hiền) đã tạo nên những hình tượng tiêu biểu cho các nhân vật đến từ nền văn hóa đại chúng Trung Hoa. Một chàng trai trẻ ngây thơ phải lòng một ma nữ ngay tại mảnh đất kỳ bí ngàn năm Trung Quốc, và lần này Leslie đã làm một thử nghiệm mới: theo cách độc nhất và nhẹ nhàng thênh không, anh hóa thân vào cùng các bộ trang phục truyền thống và tự đem đến cho cơ thể anh một vóc hình kinh điển, điều mà về sau này những đạo diễn khác (đặc biệt là Stanley Kwan và Chen Kaige) sẽ sớm tán dương.
Đặc biệt trong các bộ phim cổ trang, ngôi sao nhạc pop này đều dễ dàng che giấu và từ bỏ đi thân phận để dấn thân vào một thân phận khác, một diễn viên. Tự chơi đùa với sức quyến rũ của bản thân nhiều hơn là điều chỉnh điệu bộ, anh thành công trong các bộ phim đầu tiên bằng cách nhập thân vào các vai diễn được tạo nên để thăm dò khả năng mình. Phim Rouge (Yên Chi Khâu) của Stanley Kwan (Quan Cẩm Bằng) là minh chứng lớn cho việc này. Bộ phim này được bấm máy sau A Chinese Ghost Story một năm, đã tụ hợp cả Leslie và Anita Mui (Mai Diễm Phương), nữ diễn viên xuất chúng và nữ hoàng nhạc Canto-pop, vào một câu chuyện về hồn ma, cái chết, và tình yêu kỳ lạ. Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai người đầy quyến rũ khi nó dựa theo một vở kịch giữa hai kẻ lưỡng giới, một phụ nữ mặc đồ nam nhân và người đàn ông với hình tượng dễ vỡ khơi gợi nét nữ tính và yếu đuối của anh ta. Trong vai diễn Thập Nhị Thiếu Gia họ Trần, Leslie Cheung đã tỏa ra thứ ánh sáng phù du ngọt ngào, trên lằn ranh mỏng mảnh giữa âm và dương, không chút bị khuấy động ngờ vực về xác định giới tính của anh ta. Tuy nhiên anh lại có thể chủ tâm khuấy động ngờ vực khi bốn năm sau đó, nắm giữ một trong những chiếc chìa khóa chủ lực cho sự nghiệp của anh: người ca sĩ Kinh kịch Bắc Kinh Cheng Dieyi (Trình Điệp Y) trong tác phẩm Farewell My Concunbine (Bá Vương Biệt Cơ) của Chen Kaige (Trần Khải Ca) (Phim Xuất Sắc Nhất tại Liên hoan phim Cannes 1993).
Đặc biệt trong các bộ phim cổ trang, ngôi sao nhạc pop này đều dễ dàng che giấu và từ bỏ đi thân phận để dấn thân vào một thân phận khác, một diễn viên. Tự chơi đùa với sức quyến rũ của bản thân nhiều hơn là điều chỉnh điệu bộ, anh thành công trong các bộ phim đầu tiên bằng cách nhập thân vào các vai diễn được tạo nên để thăm dò khả năng mình. Phim Rouge (Yên Chi Khâu) của Stanley Kwan (Quan Cẩm Bằng) là minh chứng lớn cho việc này. Bộ phim này được bấm máy sau A Chinese Ghost Story một năm, đã tụ hợp cả Leslie và Anita Mui (Mai Diễm Phương), nữ diễn viên xuất chúng và nữ hoàng nhạc Canto-pop, vào một câu chuyện về hồn ma, cái chết, và tình yêu kỳ lạ. Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai người đầy quyến rũ khi nó dựa theo một vở kịch giữa hai kẻ lưỡng giới, một phụ nữ mặc đồ nam nhân và người đàn ông với hình tượng dễ vỡ khơi gợi nét nữ tính và yếu đuối của anh ta. Trong vai diễn Thập Nhị Thiếu Gia họ Trần, Leslie Cheung đã tỏa ra thứ ánh sáng phù du ngọt ngào, trên lằn ranh mỏng mảnh giữa âm và dương, không chút bị khuấy động ngờ vực về xác định giới tính của anh ta. Tuy nhiên anh lại có thể chủ tâm khuấy động ngờ vực khi bốn năm sau đó, nắm giữ một trong những chiếc chìa khóa chủ lực cho sự nghiệp của anh: người ca sĩ Kinh kịch Bắc Kinh Cheng Dieyi (Trình Điệp Y) trong tác phẩm Farewell My Concunbine (Bá Vương Biệt Cơ) của Chen Kaige (Trần Khải Ca) (Phim Xuất Sắc Nhất tại Liên hoan phim Cannes 1993).
Vai diễn phức tạp này về một người đàn ông làm nô lệ cho cảm xúc của chính anh ta, và rằng anh ta chỉ có thể thể hiện trọn vẹn chúng một khi được ở trên sân khấu, khi anh trong vai nàng ái thiếp Ngu Cơ thùy mị, vai diễn đã được ngỏ lời trước đấy 5 năm để sản xuất một bản phim truyền hình nhưng Leslie đã từ chối vì rằng nó không thích hợp cho hình tượng của anh. Thực tế vào năm 1987, Leslie vẫn còn là một thần tượng âm nhạc, và chưa có trải nghiệm quan trọng nào cùng với phim ảnh. Trong A Better Tomorrow (Anh Hùng Bản Sắc) của John Woo (Ngô Vũ Sâm) năm 1986, bộ phim quan trọng duy nhất của anh, anh chỉ diễn vai thứ chính. Nhưng đến năm 1992, sự đặt cược cho Farewell My Concubine đã rất khác. Những lời review tốt và thành công về mặt thương mại đã đủ và Leslie, tự mạo hiểm bản thân để sang đại lục Trung Quốc làm việc và chuyển biến cùng với một khả năng tinh vi phi thường để nhập thành da thịt của người diễn viên này, một con người không còn phân biệt được giữa sân khấu và cuộc đời, đã làm nên màn trình diễn gây khuynh đảo.
Chất nữ tính của anh, cho đến thời điểm ấy đã mặc nhiên phơi bày rực rỡ, theo đúng nghĩa đen đã thổi tung các cảnh phim cùng với một xúc cảm hiện tượng, mạnh mẽ đến phải rùng mình.
Không phải là người ca sĩ Cheng Dieyi đang ẩn dưới lớp mặt hóa trang màu tím của vị ái thiếp, mà chính là Leslie Cheung đang tự thúc đẩy hình tượng bản thân. Và ngôi sao ca nhạc được ái mộ này đã lùi bước để trở thành một nam diễn viên tự do, dồn hết tâm lực cho vai diễn của mình.
Anh chẳng còn đang diễn nữa. Mà anh đã trở thành nhân vật. Một người đàn ông đã hiến thân trọn vẹn cho một niềm đam mê, một con người rất đáng yêu bởi những phẩm chất bi kịch sâu sắc của anh ta. Leslie sẽ chẳng thể tìm được sự tự do toàn vẹn trong diễn xuất, bởi địa hạt này chỉ thuộc về hai miền chớp sáng pha trộn giữa ngọt ngào và bạo lực. Tuy thế, anh vẫn tiếp tục đùa cợt với hình tượng của riêng mình khi tham gia vào các bộ phim hài như Dong Cheng Xi Jiu (The Eagle Shooting Heroes - Đông Thành Tây Tựu của Jeff Lau năm 1993), hồ hởi giễu cợt trong bộ dạng kịch tuồng, hay hóa thân vào những tác phẩm hài táo bạo như He’s A Woman She’s A Man (Kim Chi Ngọc Diệp) của Peter Chan (Trần Khả Tân) năm 1994. Lần này anh diễn một nhân vật gần với thực tế của anh, một siêu sao của ngành công nghiệp ghi âm trong nước. Kịch bản tinh tế và vai diễn của anh thật khéo léo: vào năm 1989 anh tuyên bố quyết định từ bỏ nghiệp cầm ca. Trong bộ phim này anh soạn nhạc và anh sẽ hát. Ca khúc soundtrack của bộ phim (anh vừa ghi âm nó cho album mới) sẽ giành Giải thưởng Hong Kong vào năm 1995, và Leslie sẽ lại trở về trên tột đỉnh vinh quang huy hoàng.
He’s A Woman She’s A Man vay mượn cảm hứng từ chủ đề về đồng tính. Nhân vật của Leslie là Sam Koo, phải lòng sâu sắc với tài năng trẻ anh vừa khám phá, một cậu bé tên Lam Chi Wing nhưng thực chất là một cô gái giả trai (do Anita Yuen – Viên Vịnh Nghi diễn). Khán giả, bất chấp việc biết rõ sự thật, vẫn trở thành nhân chứng cho quá trình kháng cự và chối bỏ cảm xúc “được cho là” đồng tính của Sam, cho đến khi anh hoàn toàn gục ngã trước lý lẽ của tình yêu. Rốt cuộc đây là một bộ phim hài xuất sắc của HK: không có những thô thiển tục tằn; chỉ là một cốt truyện lãng mạn và tiêu khiển vui tươi. Leslie đã diễn với một sự khinh suất sáng giá, không nghi ngờ gì, anh đã trưởng thành và trở thành một ngôi sao bền vững, không ai hay không điều gì có thể làm lu mờ anh. Thành công của bộ phim đã mở màn cho phần tiếp theo ra mắt năm 1996 Who’s The Woman Who’s The Man, với sự tham gia diễn xuất của Anita Mui cùng Leslie và Anita Yuen không may thay lại tạo thành một tam giác tình yêu nhập nhằng kém thuyết phục.
Vẻ đẹp mỏng manh dễ vỡ của Leslie Cheung thường xuyên khiến các đạo diễn muốn khai thác anh qua các vai làm kẻ mê hoặc quyến rũ. Năm nay Chen Kaige đã cố thử tìm lại hút lực của Farewell My Concubine từ bộ phim Temptress Moon (Phong Nguyệt), nhưng ông đã thất bại, tìm cách tách rời hình ảnh của một ngôi sao, một hình tượng bí ẩn để làm phim mà không đọng lại chút rung động hay cảm xúc nào.
Những đạo diễn khác, như Ronny Yu (Vu Nhân Thái), thì mắc vào vấn đề khi muốn khước từ đặc ân của các diễn viên, khai thác hình tượng thế mạnh của họ lặp đi lặp lại cho mỗi, cho mọi bộ phim ông ta bấm máy.
Với những tác phẩm mang đậm tính thẩm mĩ ấn tượng như The Bride With White Hair 1 & 2 (Bạch Phát Ma Nữ) năm 1993 và, trên tất cả, như The Phantom Lover (Dạ Bác Ca Thanh) năm 1995, đạo diễn Yu đã chủ tâm tán dương vẻ đẹp của chàng diễn viên, người đã sẵn sàng cho ông vay mượn vóc hình để hóa thân nhân vật, những nhân vật vốn không có nhiều thực chất chiều sâu. Và thay vì khai thác tài năng của anh, đạo diễn Tsui Hark (Từ Khắc) cũng chỉ phát triển khía cạnh thương mại từ sự nghiệp của Leslie, đặc biệt là trong những bộ phim hài (The Chinese Feast, Tri-star), đặt một ấn chứng khẳng định cho sự nổi danh thần tượng, nhưng đôi khi lại làm phương tổn đến chất lượng sự nghiệp và hình ảnh diễn viên thực lực của Leslie. Nhưng may mắn là Leslie Cheung rất tinh xảo, và anh chưa bao giờ cho phép mình trở thành trò hề, thậm chí ngay cả khi anh có màn khiêu vũ với một con cá khổng lồ cùng cái kẹp trên mái tóc (trong The Chinese Feast – Kim Ngọc Mãn Đường) hay như khi anh đóng vai một vị linh mục Công giáo cải trang thành một fan của Elvis Presley (phim Tri-star – Đại Tam Nguyên).
Từ chính kịch cho đến phim hài, từ sử thi cho đến phim rùng rợn, Leslie Cheung vẫn tự bảo chứng cho tên tuổi bản thân là một trong những hình tượng quan trọng nhất của nền điện ảnh Hong Kong. Chàng trai ánh dương của thập niên 80, ngôi sao nhạc pop được ái mộ cuồng nhiệt bởi hàng vạn thiếu nam thiếu nữ này đã tự tạo dựng vị thế cho mình - một nam diễn viên hết mực tài ba người sở hữu sự nhạy bén tỏ tường để tránh khỏi những cạm bẫy của giới showbiz công nghiệp.
Vượt trên tất cả Wong Kar Wai (Vương Gia Vệ) là người đã giúp anh thấu hiểu trọn vẹn những phẩm chất dữ dội bên trong con người mình. Người đạo diễn này sau khi hoàn thành bộ phim tuyệt vời As Tears Go By (1988) đã nổi tiếng với thói quen sử dụng các ngôi sao Hong Kong và làm đảo ngược hình tượng của họ. Leslie cũng không nằm ngoài quy luật này và kết quả làm nên thật ấn tượng: Days Of Being Wild (A Phi Chính Truyện) (1990) lần đầu tiên đã đem đến cho chúng ta một hình ảnh rất-chi-là-nam-diễn-viên-chính của Leslie Cheung. Leslie, với điếu thuốc sành điệu trên môi và mái tóc dầu bóng, chính là hình ảnh của Yuddi, một gã trai nhạy cảm nhiều xúc động, hoang dã và bạo lực, người phung phí không chỉ cuộc đời mình mà còn cuộc đời của các cô bạn gái trong một tác phẩm Hong Kong chủ tâm bí hiểm, lấy cảm hứng từ những năm của thập niên 60.
Wong Kar Wai, ý thức được sâu sắc dáng vẻ tự yêu bản thân tuyệt đẹp của người nam diễn viên, đã quay phim anh ấy theo cái cách mà không một ai khác trước đấy từng làm được, để cho anh ta được di chuyển tự do trước ống kính. Và thế là những phân đoạn phim không thể nào quên đã ra đời, như cảnh phim khi Leslie bắt đầu nồng nàn nhảy một điệu cha-cha trên nền nhạc của Xavier Cugat, cùng những gợn sóng êm mượt uyển chuyển của cặp hông, cử động nhịp nhàng khêu gợi trước tấm gương. Mặc dù bị thất bại về doanh thu phòng vé (cũng như Ashes Of Time năm 1994, nhưng vì những lý do khác nhau) bộ phim này vẫn trở thành một biểu tượng văn hóa (cult-movie). Thông qua Days Of Being Wild, Leslie Cheung cuối cùng cũng chứng tỏ được khả năng sáng tạo của anh, có thể vừa là một người hùng chủ lưu tàn bạo, vừa là một tay cám dỗ nội tâm yếu đuối. Với màn trình diễn này anh đã thắng giải Nam Diễn Viên Xuất Sắc tại Giải Thưởng Hong Kong. Điều kỳ lạ là hình ảnh cương cường thuần túy này của anh chỉ vừa mới xuất hiện trở lại trong năm nay qua bộ phim Shanghai Grand (Tân Bến Thượng Hải) của đạo diễn Poon Man Kit, anh trở nên sáng chói hơn bao giờ hết. Như thể là, một lần nữa, anh đã cả gan “mạo phạm” hình tượng của mình để vào vai một nhân vật mới theo một cách thức tuyệt vời.
Phim Shanghai Grand 96
Giờ đây, Leslie đang thống trị toàn cõi nền công nghiệp phim ảnh HK, thậm chí cả khi nơi đây thường xuyên thiếu hụt các vai diễn xứng đáng dành cho tài năng nổi trội của anh.
Chúng ta hy vọng rằng bộ phim sắp tới của đạo diễn Wong Kar Wai (Happy Together – Xuân Quang Xạ Tiết) sẽ cho anh cơ hội để khẳng định thêm một lần nữa phẩm chất tinh tế, phức tạp của anh, bởi vì thật hiếm khi có một vì sao nào lại tỏa rạng với một thứ ánh sáng nhiều màu sắc đến vậy trong chòm sao của Trung Hoa.
from HK – ORIENT EXTREME CINEMA n. 1/1997
***