Tìm kiếm bài trong Blog này

Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Rũ bỏ, bị rũ bỏ ... Cuộc đời trên màn bạc của Trương Quốc Vinh

Tuyển tập ACMI, phần "Philippa Hawker - Abandon, Abandoned...the Screen Life of Leslie Cheung".
Dịch bởi: heobeo @ dienanh.net
Xin cảm ơn nguồn tư liệu của Boulevard_of_Broken_Dreams


Leslie có một phẩm chất ngôi sao dường như đến từ thời đại khác. Anh được so sánh là tương đồng với James Dean và Montgomery Clift – những nghệ sĩ trình diễn cùng lúc vừa phá bỏ vừa sáng tạo lại khái niệm thế nào là một nam diễn viên, và đem tới một hình tượng nam nhân khác biệt cho màn ảnh. Trong rất nhiều những vai diễn xuất sắc nhất của anh, anh cũng đồng thời là một nam diễn viên tương tác: các màn trình diễn của anh có thể mạnh mẽ, uy lực, đáng nhớ nhưng chúng còn giúp tạo điểm nhấn cho các bạn diễn. Anh kiếm tìm thử thách cùng hình tượng nhập nhằng về giới và những khát vọng mơ hồ qua một loạt các vai diễn, khai thác vẻ đẹp đã trở thành biểu tượng của bản thân anh, những hình dung tượng trưng và những phân nhánh của nó.



Trương Quốc Vinh sinh năm 1956, là con trai út trong một gia đình có 10 anh chị em. Anh đã chọn tên tiếng Anh “Leslie” cho mình, theo như anh nói, không chỉ bởi vì anh là một fan của bộ phim Gone with the Wind (Cuốn theo chiều gió) và nam diễn viên Leslie Howard đóng vai Ashley Wilkes, mà còn vì anh thích cái tên ấy do nó dùng được cho cả hai giới. Anh xuất hiện trong bộ phim đầu tiên, Erotic Dream of the Red Chamber, vào năm 1978 – nhưng vào thời điểm đó anh tạo dựng nên tên tuổi là từ lĩnh vực ca nhạc, khởi đầu bằng giải nhì tại một cuộc thi hát tìm kiếm tài năng. Nhìn lại những thước phim tư liệu của màn trình diễn năm 1977 ấy – một Leslie trẻ trung trong bộ cánh theo phong cách thủy thủ màu đỏ và trắng đang say sưa hát bản version rút gọn của “American Pie” - thật khó cho ai đó để có thể hình dung được những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Anh hát và nhìn xinh xẻo, giọng hát ngọt ngào, gương mặt ngọt ngào như bất kỳ một thần tượng tuổi teen được ưa chuộng nào khác.



Và rồi rất sớm sau đấy, một điều gì đó ở nơi chàng trai này đã chỉ ra rằng anh có chút điều khác biệt – một kẻ đường hoàng kiêu hãnh, hẳn nhiên là một người vô cùng tự tin – và điều này đã khiến cho anh nhiều bận không thể hòa hợp êm thấm với một số khán giả và đồng nghiệp. Có một câu chuyện được kể lại về những tháng ngày đầu ấy rằng trong một buổi biểu diễn hồ hởi, anh đã ném chiếc nón lưỡi trai anh đang đội vào đám đông. Nhưng nó không phải vật được fan giữ gìn hay mang về làm kỉ niệm: một ai đó đã cầm nó và ném trả lại lên sân khấu, ngay thẳng vào anh.



Anh đã xuất hiện trong một loạt những bộ phim qui mô nhỏ về tuổi trẻ, nhưng phải cho đến khi tham gia Nomad (Liệt hỏa thanh xuân – 1982) của đạo diễn Patrick Tam Đàm Gia Minh anh mới tự công nhận rằng mình vừa thực hiện một tác phẩm điện ảnh thực sự. Trong bộ phim này, anh đóng vai một cậu bé nhà giàu – một người luôn sẵn lòng giúp đỡ bạn bè, là một cậu bé nhiều cảm xúc trong mọi vấn đề – và cuối cùng dính líu vào một chuỗi sự kiện dẫn tới cái kết bạo lực. Cũng trong Nomad, sự phân định giới thiếu rõ ràng của nhân vật anh diễn đã trở thành một câu hỏi bỏ ngỏ. Phim nối phim, anh đã tự chơi đùa cùng với điều này – thẳng thừng hay ngấm ngầm, theo cái cách bỡn cợt hay theo cách bi thảm của riêng anh. Khi giới tính của anh bắt đầu trở thành đích ngắm của những lời suy đoán và săn đuổi của các paparazi, những bộ phim như He's a Woman, She's a Man (Kim chi ngọc diệp 1994) – một phim hài với những hiểu lầm và cắc cớ khi nhân vật của Leslie phải lòng một cô gái đang giả trai – đã tạo nên một sự cộng hưởng bất ngờ, ngay cả khi họ đã lần theo dấu vết của sự nhập nhằng đã trở thành đặc điểm trong vô số màn diễn xuất này của anh ngay từ buổi ban đầu.



Anh chia tay hình ảnh cậu thiếu niên của mình cùng với bộ phim A Better Tomorrow (Anh hùng bản sắc – 1986), một tác phẩm được Tsui Hark Từ Khắc sản xuất. Bộ phim này không chỉ làm nên tên tuổi cho đạo diễn John Woo Ngô Vũ Sâm, mà nó còn trở thành bệ phóng biến Châu Nhuận Phát thành một siêu sao và vực dậy sự nghiệp đang xuống dốc của ngôi sao kỳ cựu Địch Long. Leslie diễn vai Tống Tử Kiệt, một cảnh sát trẻ và là em trai của Tống Tử Hào (Địch Long), mà không hề hay biết anh trai mình là một tội phạm. Bộ phim được bắt đầu với Leslie, hay nói chính xác hơn là với một hình ảnh về cái chết của anh. Một flashback phục hiện, một ác mộng hay một điềm báo ? Điều này không được làm rõ ngay lập tức, mặc dù bộ phim xây dựng phân đoạn kết thúc/mở đầu duyên dáng này giống như một giấc mơ về một điều-xấu-nhất-có-thể-xảy-ra. Trong phân cảnh đầu phim này chúng ta được nhìn thấy Leslie, tay cầm súng, trong một con hẻm tối tăm, khói sương cuồn cuộn, ngã xuống một cách duyên dáng trên nền đất trong một chuyển động chậm buồn: đây là định mệnh nghiệt ngã mà Tống Tử Hào lo sợ, anh choàng dậy, người đẫm mồ hôi, thảng thốt gọi tên em trai mình. Lần tiếp theo chúng ta nhìn thấy Leslie là trong một phân cảnh khác, mọi thứ dường như khác những gì vừa xảy ra. Anh trêu chọc anh trai Tống Tử Hào, giả làm cảnh sát lục soát và định bắt bớ anh trai.


Sau đấy rồi anh cũng phát hiện ra anh trai mình là ai. Trong một khoảnh khắc, sau cuộc đối đầu với Tử Hào và Mark, anh về nhà đối diện bản thân trước một tấm gương rồi giận dữ đấm bể nó với bàn tay không, để lại một vết thương đỏ máu. Anh ghi dấu ấn trong phần còn lại của cuốn phim bằng sự giận dữ của riêng anh: nổi nóng, hung hăng, luôn tự cho mình đúng và bị ám ảnh với việc phải bắt gọn băng đảng tội phạm, quyết không thừa nhận mối quan hệ của anh với anh trai Tử Hào.

Sau thành công rực rỡ bất ngờ của A Better Tomorrow, phần phim tiếp theo được lên lịch quay là điều hiển nhiên không cần bàn cãi. Trong A Better Tomorrow 2 (Anh hùng bản sắc 2 – 1987), sự nhẹ nhõm bông phèn của Tử Kiệt đã biến thành một màn diễn xuất nghiêm túc cho cuộc chơi sinh tử: anh phải làm việc như một gián điệp nằm vùng, tìm cách tiếp cận cô con gái của ông trùm băng đảng mà không để cho vợ anh hay, thường xuyên đóng giả là một ai đó khác, được biết đến dưới một cái tên khác. Trong A Better Tomorrow, Tử Hào đã phải nỗ lực để sống qua hai mặt cuộc đời anh, tìm cách đưa em trai tránh xa khỏi con đường tội phạm; thì nay trong phần hai này, Tử Kiệt là người đàn ông sống với hai mặt cuộc đời. Ngay cả trong phần cảnh cuối cùng của anh, vẫn là anh phải phủ nhận, tìm cách che giấu tình trạng sinh mạng lâm nguy để cho vợ và con gái anh được an lòng. Đây chỉ là một trong rất nhiều vai diễn của Leslie khi mà các nhân vật của anh bị đẩy vào tình thế phải lựa chọn giữa điều cần thiết và điều bị cưỡng buộc như vậy.


Các bộ phim quan trọng liền được nối tiếp theo đó: Năm 1987 không chỉ có A Better Tomorrow 2 được ra mắt mà còn có tác phẩm Rouge (Yên chi khấu) của Stanley Kwan Quan Cẩm Bằng và A Chinese Ghost Story (Thiến nữ u hồn) của Trình Tiểu Đông, cũng do Từ Khắc chế tác, trong cả hai bộ phim này Leslie đều thủ diễn những nhân vật bị ma ám, và ám ảnh hồn ma. Trong Rouge, anh xuất hiện đối diện với Anita Mui Mai Diễm Phương, người nữ ca sĩ và diễn viên đã cùng anh làm nên rất nhiều bản song ca tuyệt hảo. Trên sân khấu họ là một cặp đôi nổi bật, hòa hợp với nhau trong một “vở kịch nhập nhằng” giữa chất nam tính và những đặc trưng của nữ tính – chất giọng của Mai trầm hơn của anh, các đường nét góc cạnh của cô sắc sảo hơn, được đặt kề bên sự mượt mà, êm dịu của anh.

Hai người là hình ảnh tương phản và bổ sung cho nhau trong Rouge. Mai diễn Như Hoa, một kỹ nữ từ những năm 1930s của Hồng Kông, lần đầu xuất hiện trong bộ áo nam nhân đang hát một khúc nhạc mua vui cho quan khách. Sau khi lui vào hậu trường, cô lại trở ra, xuất hiện lần nữa trong bộ sườn xám và những viên kim cương; Leslie, trong vai thiếu gia trẻ giàu có Cậu Mười Hai, ngay lập tức để mắt đến Như Hoa và muốn chinh phục cô thành người của mình. Giây phút đầu đôi trai gái gặp nhau diễn ra trước công chúng, song dường như lại là khoảnh khắc riêng tư trong mắt họ : khi họ nhìn vào sóng mắt nhau, mặt đối mặt, nét kề nét, và chiếc camera quay xung quanh họ, như thể mọi người khác hiện diện nơi căn phòng đã hoàn toàn tan biến.

Cậu Mười Hai, tươi đẹp và hay tự nuông chiều, có hoài bão biểu diễn trên sân khấu tuồng cổ Quảng Đông; anh chống đối gia đình chạy theo những giấc mơ sự nghiệp và theo đuổi mối quan hệ của anh với Như Hoa. Với gương mặt đẹp hoàn hảo, những cái ôm dài lử đử, ngây ngất, sự tự tin vào đặc quyền của mình trong mọi việc, và mong muốn hấp tấp về một cuộc sống nghệ sĩ, anh là một hình ảnh mềm mại cho tính thụ động, tiêu cực và bồng bột sốt sắng. Rouge là bộ phim kết hợp giữa những hương vị ân ái ngọt ngào và niềm luyến lưu hoài cổ, một tác phẩm thấm đẫm ước vọng và khát khao. Sự vắng mặt của Leslie đã ám ảnh tiết đoạn sau của bộ phim khi hồn ma Như Hoa quay trở về dương thế, lang thang giữa thành phố Hồng Kông hiện đại để tìm kiếm người tình mất tích của cô (họ hẹn sẽ tương phùng bên nhau dưới lòng âm phủ). Trong A Chinese Ghost Story, một cách tương phản, chẳng có gì là “lừ đừ uể oải” trong cảnh đầu tiên Leslie xuất hiện: anh tơi tả vụng về, đang mang vác túi đồ của người đi thu thuế, đã chỉ ra rõ ràng một tài năng tiềm ẩn chưa từng được khai phá của anh cho thể loại hài hình thể.




Khi sự nghiệp điện ảnh của Leslie bắt đầu hưng thịnh thì cũng là lúc anh tạm ngưng sự nghiệp ca hát; năm 1989 anh quyết định từ bỏ âm nhạc và tuyên bố điều này trong một nhạc hội, nguyện vọng của anh là anh muốn ra đi khi vẫn còn đang ở trên đỉnh vinh quang. Anh đã nói rằng anh muốn mọi người tiếc nuối cho anh, vì như anh giải thích: nếu anh ra đi khi đã suy tàn thì người duy nhất tiếc nuối sẽ chỉ có mình anh. Sau đó anh cũng tạm ngưng việc diễn xuất trong một thời gian ngắn: nghĩ rằng đây là thời gian để học thêm những điều mới, anh theo học tại một trường điện ảnh ở Canada nhưng rồi rất nhanh sau đó, anh khám phá ra trải nghiệm đứng trước ống kính và cả niềm yêu thích dài lâu của anh dành cho những công việc tỷ mẩn của việc làm phim đã dạy cho anh nhiều điều hơn anh từng nghĩ. CV của anh, nói cho cùng, bao gồm rất nhiều tác phẩm cao quý đã làm nên kỷ nguyên vàng cho nền điện ảnh Hong Kong, trong thập niên 80s và đầu 90s. Anh nhanh chóng quay trở lại với màn ảnh.


Anh là một nghệ sĩ trình diễn luôn nổi tiếng bởi sự nhiệt tình cống hiến hết mình cho khán giả trên sân khấu. Và đây thực sự là một ý tưởng kích thích tò mò, một khi người ta lại nhìn thấy Leslie tránh xa khán giả của anh, hay quay lưng lại với họ cho dù đó chỉ là tạm thời hay vì bất kỳ lý do nào chăng nữa: trong các bộ phim, suy cho cùng, có một lượng lớn các cảnh quay mà chiếc máy quay đã theo dõi anh từ phía sau, là khi Leslie đang quay người đi, khi anh ngoảnh lại trong một cái liếc nhìn, khi anh bước ra xa khỏi ống kính, là khi tồn tại một thứ xúc động khác thường hay một sức diễn cảm lạ lùng qua mỗi lần anh “chia tay” với một phân cảnh. Days of Being Wild (A Phi chính truyện – 1991) đã khắc họa anh nhiều lần bỏ đi, hoặc chiếc camera đi theo anh: trong những khoảnh khắc đó anh lẩn tránh ống kính hoặc phản đối sự tồn tại của nó, các nhân vật của anh thành vóc nên hình, trở nên sống động trong từng hơi thở rành rành cũng như khi được chiếc máy quay ôm ấp.



Anh là một ngôi sao, theo định nghĩa mà các diễn viên vững vàng được liên tưởng tới, bởi vì họ đem vào phim những đặc điểm, những phẩm chất hấp dẫn hay một dạng nổi bật, những yếu tố quen thuộc nào đấy – song thay vì đơn giản khoa trương mãi về những phẩm chất này, các diễn viên tài năng ngay lập tức biến hóa và định nghĩa lại những gì chúng ta biết về họ. Cuộc đời biểu diễn của họ dường như sánh tràn ra khỏi khung phim, lưu chuyển từ bộ phim này sang bộ phim khác, không ngừng làm tăng thêm giá trị và cả sức thu hút. Một vài chi tiết thuộc về anh đã làm nên anh trên màn ảnh không nghi ngờ gì là đến từ phần diện mạo, những đường nét quí phái và riêng biệt đã trở thành “thương hiệu” của anh: những chất liệu, công cụ của người trình diễn, của một diễn viên: làn da, môi, mắt, và cả làn tóc mây.


Bờ môi của anh là hoàn toàn để phân biệt anh. Làm thế nào để miêu tả nó đây ? Một vòng cung của thần ái tình Cupid ? Một nét môi dỗi hờn ? Đây hẳn là hình ảnh lý tưởng của một bờ môi: làn môi dày căng mọng, rõ ràng vô cùng quyến rũ, một sự pha trộn giữa nhục cảm và độ chuẩn xác như đã được tính toán. Ngay lập tức nó trở thành đặc điểm nhận dạng: từ cái nhìn thoáng qua đầu tiên chúng ta đã bắt gặp anh trong The Bride with White Hair (Bạch phát ma nữ truyện – 1993), tất cả những gì cần để nhận ra, là một cảnh quay cận tập trung vào khóe miệng.


Mái tóc của anh, khác với đôi môi, lại có thể dễ dàng biến hóa. Là kiểu tóc bôi sáp trơn mướt Pampadour thường xuyên được chải sang bên, buông trước trán của Yuddy trong Days of Being Wild, một trong những nhân vật sắc sảo nhất, u sầu nhất của Leslie – vẻ đẹp huyền bí hư hỏng và tất cả những lảng tránh cố tình. Phong cách này của anh được duy trì cẩn trọng, gần như được anh trìu mến nâng niu. Khi anh đi đến trước tấm gương lấy lược chải tóc, một cách gìn giữ thận trọng, khi anh đáp trả cô gái khi nàng hỏi anh có muốn cưới nàng hay không, đấy không chỉ đơn thuần là một tiếng “không” rõ ràng: nó còn là một điệu bộ mà thói tự đam mê bản thân đã làm nên. Trong The Bride with White Hair – thước phim thần thoại võ hiệp tráng lệ, đầy nhục cảm mà trong đó kẻ thù-người tình của anh, được diễn bởi Brigitte Lin Lâm Thanh Hà tàn phá hoang cuồng, với những bím tóc tết dài đính lông kim tuyến, hoàn toàn tương hợp với thứ vũ khí trên tay cô, một cây roi da – mái tóc của Leslie cũng có một vai trò để thể hiện. Khuôn mặt của anh luôn được quay nghiêng tại một góc độ; mái tóc anh rối bời xõa trên vai, bướng bỉnh thất thường, hay lướt qua làn gió – một hình ảnh biểu trưng cho chất mong manh dễ vỡ của nhân vật anh diễn.



Trong The Chinese Feast (Kim ngọc mãn đường – 1995), một bộ phim hài ngọt ngào và tinh nhạy của Tsui Hark Từ Khắc, kiểu tóc của anh giống như một phần của các lễ hội: nó hơi dài, với những vệt line màu đỏ, trông anh trẻ đến khó tin (chẳng có gì gần với tuổi thật của anh lúc đấy, đã gần 40) khi anh đóng vai một tay giang hồ đang cố gắng làm lại cuộc đời, một xã hội đen muốn trở thành đầu bếp, hẳn nhiên là anh sẽ lóng ngóng, vụng về đến dễ thương.



Khi anh quay trở lại với nghiệp hát, lần này anh đã có nhiều hơn trải nghiệm với dung mạo và phong cách của anh, anh đã biết cách tự tin đùa cợt với những thái độ như của vị khán giả “yêu dấu” năm xưa, những ngày tháng ném-trả-lại-nón trong quá khứ. Trong những năm cuối cùng, anh đã viết nên nhiều và nhiều hơn nữa những chất liệu của chỉ riêng mình. Tour diễn Passion năm 2000, anh đã luân phiên mặc lên người một chiếc váy, một áo thun lót và quần jean xanh, một bộ com-lê rũ hờ ánh kim lấp lánh, một chiếc tuxedo trắng với đôi cánh thiên thần. Và việc anh đồng tính đã trở thành một bí mật mở: một cách đầy ấn tượng anh đã tiết lộ điều này khi đứng trên sân khấu trước hàng vạn khán giả, hát tặng một khúc tình ca cho một người đàn ông, người đã làm bạn đồng hành cùng anh suốt một thời gian dài. Anh chơi đùa công khai theo cấp độ tăng dần với những ngưỡng ranh giới của hình tượng “pop idol”; anh chọn cách trình diễn kịch tính với những màn thay đổi trang phục và kiểu tóc nhanh đến chóng mặt, khi chuyển từ mái tóc ngắn bóng mượt sang bộ tóc gi dài, thẳng, đen buông xuống tận eo – một phần như Cher, một phần như Pierre Clementi trong The Conformist.



Trong các cuộc phỏng vấn, anh xuất hiện tươi mới và rất hay trêu đùa, ý thức được sâu sắc những tài năng của mình và cả cái cách chúng cần được triển khai. “Tôi có một số phẩm chất độc đáo không ai có,” anh đã nói như thế với Quan Cẩm Bằng, cùng một sự tin chắc không hàm nghĩa gây hấn, trong thước phim tài liệu Yang ± Yin: Gender in Chinese Cinema (Nam sanh nữ tương: Trung Quốc điện ảnh chi tính biệt – 1996), một tác phẩm giám định cá nhân về tượng trưng của chất nam tính, những khát vọng và khác biệt của nó trong lịch sử phim ảnh tiếng Hoa. "Một điều gì đó khán giả kết nối được,” Leslie nói, đệm thêm tiếng Anh, khi anh muốn làm rõ định nghĩa của mình: “Sensitive, in a delicate way.” (“Nhạy cảm, một chất gì đó mong manh nhẹ nhàng.”)


Thường xuyên có một sự nhạy cảm sắc sảo từ anh, trình diễn nằm trong trình diễn, khi những nhân vật dễ tổn thương anh thể hiện rõ ràng không theo cái cách mà người ta vẫn dễ thường tiên đoán. Bằng chứng là Yuddy trong tác phẩm Days of Being Wild căng nhựa, u sầu của Vương Gia Vệ: một người đàn ông thấu hiểu cách gây ấn tượng bản thân với kẻ khác, luôn biết lời cần nói và lời cần đáp trả để kích động phụ nữ. Anh cho đi, anh từ chối không cho, thiên tư của anh sở hữu một sự tấn công dữ dội mà mơ hồ. Đối với Tô Lệ Trân (Maggie Cheung Trương Mạn Ngọc), cô gái đã bị anh quyến rũ với một cách thức đơn giản đến độc địa, anh đã đưa ra lời đề nghị họ cùng chia sẻ một ký ức thân mật mà hiệu quả, vô tận không bến bờ mà vẫn đủ giới hạn – một ý tưởng rằng họ sẽ ghi khắc “tình bạn một phút”, khoảng thời gian họ ở bên nhau, một đề nghị toan tính quá hoàn hảo để ám ảnh cả đời cô gái. Với cô nàng vũ công ngúng nguẩy, hưng phấn Mimi (Carina Lau Lưu Gia Linh), anh tặng nàng một thứ mà thậm chí còn không phải của anh (và nàng đã thực sự thích nó, định lấy cắp nó) – đôi bông tai màu ngọc quí giá Yuddy vừa trấn được từ một người đàn ông sau khi hành hung ông ta thừa sống thiếu chết, và Mimi đã chạm vào; một vật vô tri giác được chuyền nhanh từ tay người này sang tay người khác, một món quà gần như để giành giật hơn là để trao nhau. Yuddy tặng cho Mimi một chiếc bông tai để làm quen, rồi lại nhử chọc cô ấy, khiến nàng chạy theo anh với hy vọng giành được chiếc bông tai còn lại: cùng nàng anh đã say sưa vun bồi, nuôi dưỡng mối quan hệ này nhẹ dạ, vui thú như một khúc điệu apache.



Bộ phim có đầy những món quà và những sự trao đổi, nhưng rốt cuộc không ai có được điều họ mong muốn. Và với Yuddy tự tin – con người luôn ẩn hiện trong tầm nhìn và sau tầm nhìn của chúng ta, chàng trai có thể tự thấy thỏa mãn khi ngắm nhìn hình dáng của mình phản chiếu qua một tấm gương trong khoảnh khắc chàng được bắt gặp đang khiêu vũ cha-cha-cha, và có khả năng tự đọc ra sức quyến rũ của mình phô bày qua từng cử chỉ duyên dáng – cũng không phải ngoại lệ. Niềm đam mê lạc thú bản thân anh hóa ra là một dạng tự định nghĩa lại cá nhân để chống đối với nỗi mất mát, trong khi mất mát là điều đã định nghĩa nên anh. Bị ám ảnh bởi sự thật bị mẹ ruột bỏ rơi khi còn nhỏ, anh bỏ lại tất cả sau lưng, sang Phillippines lùng sục để tìm kiếm bà; sự tự tin của anh phút chốc rạn vỡ, trở thành những cử động tuyệt vọng u buồn, thiếu kiểm soát hay nhân nhượng chấp nhận phản bội, trộm cắp, vỡ mộng, bị bỏ lơ. Có một phân cảnh đặc biệt cồn cào thấm thía là khi anh bước đi sau khi không được phép gặp mẹ, anh đã không bao giờ quay đầu nhìn lại: Yuddy kể cho chúng ta nghe, bằng chất giọng ngoài hình lơ mơ trầm bổng, rằng nếu anh không có được cơ hội nhìn thấy mặt bà thì anh cũng không cho bà được nhìn mặt anh. Phân cảnh được quay qua bờ vai của anh, đung đưa theo nhịp chân bước, những sải bước dài, đầu cúi hờ, thể hiện cho tinh thần kiên quyết và đầy chủ định, song thước phim lại được đánh mờ đi trong một chuyển động chậm, phần nhạc nền ủ rũ như ru, da diết buồn qua những tiếng búng đàn dây đậm hương vị xứ đảo Hawaii, khiến bước chân anh trở thành một điệu nhảy sầu muộn. Ống kính máy quay đuổi sát theo anh ở những giây đầu, rồi nó để anh ra đi, khuất dần về phía xa.





Trong phim Happy Together (Xuân quang xạ tiết – 1997) của Vương Gia Vệ - một tác phẩm vừa bầu bạn vừa tương phản mạnh mẽ với Days of Being Wild – Leslie lại thủ diễn một nhân vật thường xuyên rời bỏ khuôn hình. Anh là Hà Bảo Vinh, người yêu của Lê Diệu Huy (Lương Triều Vỹ), kẻ sở hữu những đoạn thoại ngoài hình lác đác ghi lại dòng sử biên niên của câu chuyện tình: hai con người yêu nhau rời khỏi Hong Kong đi chu du cùng nhau, và thường xuyên chia lìa, mất niềm tin vào nhau. Cũng như Yuddy với “một phút tình bạn” ngọt ngào anh đã đem tới cho Tô Lệ Trân, Hà Bảo Vinh có một câu nói thường làm dấu cho điểm kết thúc và khởi đầu của một mối quan hệ: “Chúng ta bắt đầu lại đi” dành cho Lê Diệu Huy chịu đựng. Nông nổi, dễ vỡ, hay thoái thác – và bị đánh bầm dập bởi những kẻ côn đồ anh giao du trên phố, với đôi bàn tay băng kín – anh dường như muốn lảng tránh người tình và cả chiếc camera, nhưng anh cũng có khoảnh khắc mất mát đau thương của riêng anh, vỡ vụn trong nước mắt, cuộn mình trong tấm chăn, giữa căn phòng mà anh và Lê Diệu Huy từng chung sống. Và tại cuối phim, người tình và chiếc camera đều bỏ rơi anh: anh bị rũ bỏ bởi bộ phim, bơ vơ ở lại xứ Argentina, theo nghĩa nào đó đã biến mất trong khi các nhân vật khác vẫn dấn tới, đi đến những mảnh đất xa xôi hơn, và tìm kế hoạch quay trở về.



Trong thiên sử thi Farewell My Concubine (Bá vương biệt cơ – 1993) của Trần Khải Ca, một tác phẩm nhận về sự tán thưởng của quốc tế và thắng giải Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes, anh diễn một hình tượng hoàn toàn được định nghĩa bởi trí tưởng tượng và diễn xuất. Leslie là Trình Điệp Y, từ thuở nhỏ đã được một gánh hát nhận nuôi và đào tạo thành kép hát. Trong quá trình luyện tập cho vai diễn của cuộc đời mình, người ái thiếp trung trinh Ngu Cơ trong tấn tuồng cùng tên với bộ phim, anh đã bị giày vò và đánh đập. Ngu Cơ vốn là phi tần được sủng ái của Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ, trước tàn cuộc giao tranh Hán-Sở nàng đã nhất quyết không rời vị quân vương thất thế của mình, còn ca múa cho ngài xem rồi quyên sinh bằng kiếm. Khi còn thơ trẻ (giai đoạn này do hai diễn viên nhí đóng) Điệp Y đã bị ép buộc chấp nhận vai diễn, nhưng rồi anh không chỉ chấp nhận, anh tôn thờ và nâng niu nó. “Chẳng phải là anh ấy đã xóa nhòa ranh giới giữa sân khấu và cuộc đời, giữa đàn ông và đàn bà ?”, một kẻ ái mộ trong phim đã thốt ra như vậy, gần như thâu tóm sự phức tạp của cuộc đời Điệp Y, chung thân sống trong kịch, hay như thể trong kịch. Ngay cả khi lời tán dương ấy cũng nào hiểu được sự ngầm ý của nó.



Bộ phim dõi theo Trình Điệp Y và người bạn diễn Đoàn Tiểu Lâu từ khi còn là hai đứa trẻ cho đến khi trưởng thành, trải qua những cơn biến can qua của lịch sử và những bước thăng trầm của nghệ thuật, bị giằng xé giữa niềm đam mê các giá trị truyền thống Trung Hoa và làn sóng bạo động đả phá chế độ cũ của giai đoạn mới. Trình Điệp Y, kẻ đã cống hiến trọn vẹn cho tình yêu nghệ thuật và vị sư huynh, luôn luôn xuất hiện đường hoàng như ái phi Ngu Cơ qua một thần thái nào đấy: là khi biểu diễn trên sân khấu, khi chuẩn bị điểm trang nơi hậu trường, trong trang phục lộng lẫy văn hoa, qua lớp mặt nạ hoàn toàn hay chỉ nửa phần xoa phấn. Trong những khoảnh khắc biến đổi và chuyển tiếp ấy, Điệp Y không chỉ diễn vai ái phi mà anh đã trở thành hiện thân của nàng, anh đưa nàng trở về nhân thế, vượt xa khỏi ngưỡng giới hữu hạn của kịch. Màn trình diễn của Leslie trong phim này là tuyệt đẹp, và làm suy kiệt người xem, một hành trình khám phá của sự hoán xương đổi cốt, và từ chối thôi mộng: những cử động, sóng mắt, môi cười của ái phi … như thấm đượm hàng trăm năm khuôn thước người xưa, và chúng chi phối vào hành vi, thái độ, biểu cảm của nhân vật ngay cả khi anh đã rời sân khấu. Điều này cũng khiến cho những khoảnh khắc bùng nổ dữ dội hiếm hoi của anh, những giây phút tuyệt vọng, và những cơn mê loạn – tất cả đều sở hữu một uy lực thuyết phục khác thường: khi anh giận dữ và tha thiết khăng khăng rằng anh không muốn bị chia lìa với Đoàn Tiểu Lâu dù chỉ là một ngày một phút một giây; khi anh lao lên những bậc thang vào đúng lúc Tiểu Lâu vừa thoát nạn, những chuyển động của anh khẩn trương và hối hả. Trong những khoảnh khắc ấy, anh cũng đã bỏ qua tấm áo choàng và thoát ra khỏi “cá tính nhân vật”, hành động theo đúng bản thân anh hơn là nhân vật anh diễn, song cũng rất sớm sau đấy anh lĩnh hội được lợi thế của vai diễn, là khi hiền thê của Đoàn Tiểu Lâu đến tìm anh xin giúp đỡ. Anh nhanh chóng quay trở lại điệu bộ của nhân vật, cao giọng “ngả giá” điều kiện với đối phương.


Trình Điệp Y là một vai diễn khó và khắt khe, đòi hỏi anh phải dành ra hàng tháng trời theo học nghệ thuật biểu diễn Kinh kịch. Đó là một hình mẫu chẳng giống ai, một vai diễn dường như không mở ra thêm cánh cửa nào cho anh, ngay cả khi bộ phim đã được hoan nghênh dồn dập trên trường quốc tế và nhận về giải thưởng Phim Hay Nhất tại Cannes, bên cạnh tác phẩm The Piano. Trên thực tế, màn diễn xuất của anh thường xuyên bị coi nhẹ, bị nhập vào với thành công của bộ phim – nó rất xuất sắc, trông như thể chẳng cần nỗ lực mà tự nhiên vẫn biểu hiện nên những đặc trưng, sức nặng tâm lý của nhân vật và cả vấn đề giới tính, gần như nó không thể lưu vào quan điểm của khán giả rằng đấy là thành quả của một diễn viên/ca sĩ chuyên hát nhạc phổ thông.


Anh thường xuyên diễn các nhân vật chỉ yêu bản thân, đạo diễn Quan Cẩm Bằng từng nhận xét như thế về anh trong bộ phim tài liệu Yang ± Yin (Nam sanh nữ tương). Điều đó có phản ảnh đúng con người anh không ? Vâng, dĩ nhiên rồi – Leslie đã cười trả lời. Trong rất nhiều các vai diễn của anh, suy cho cùng, có một lượng lớn phân cảnh anh đứng ngắm mình trước tấm gương, thường xuyên có một sự tự mãn với những gì mà gương soi phản chiếu. Nhưng, ngay cả khi Leslie đã chấp nhận, vẫn tồn tại một nguy cơ cho chúng ta khi muốn nhấn vào chất Narcissus (Hoa thủy tiên) của anh, một hình tượng bắt nguồn từ thần thoại Hy Lạp về một chàng trai đẹp bị lạc lối trong hoan lạc của bản thân khi nhìn ngắm bóng hình mình in trên mặt gương hồ, vẻ duyên dáng của chàng quyến rũ khắp thế gian – một trong số đấy là nàng tiên Echo*, lời bày tỏ tình cảm tuyệt vọng của nàng không được hồi đáp, cứ lặp đi lặp lại cho đến khi chẳng còn là gì ngoài những âm vang* vô hình.



Leslie có lẽ là hiện thân của một cái đẹp hững hờ tự đam mê nào đó, một mối nhục cảm mơ hồ và lấn lướt nguy hiểm đi cùng với chất tổn thương mong manh, và những mất mát. Nhưng các bạn diễn và đạo diễn từng hợp tác với anh đều quý trọng sự chăm chỉ của anh, sự cống hiến của anh, cách anh tỷ mỷ chú tâm vào những chi tiết, lòng nhiệt thành của anh dành cho các kỹ thuật và đặc biệt là cho công việc làm phim. Maggie Cheung Trương Mạn Ngọc, trong một bài viết tưởng nhớ Leslie đăng trên tờ Cahiers du Cinema (Pháp), đã nhớ lại một cảnh quay cuối cùng trong đêm của bộ phim Days of Being Wild. Nhân vật của cô đến nhà của Yuddy – một gã trai “hoa thủy tiên”, kẻ đã làm tan nát trái tim cô gái - để lấy lại vật dụng cá nhân. Đó là một ngày làm việc dài, và như lời cô miêu tả, tất cả mọi người đều đã kiệt sức. Và đấy là một cảnh quay được dàn dựng đặc biệt – ống kính camera luôn dõi theo cô và những gì có thể thấy được chỉ là tấm lưng của Leslie – cô đã chú ý Leslie đang rất cẩn thận diễn tập, đang cố gắng để hoàn thiện một hiệu ứng nào đấy: là âm thanh những bước chân của anh trong cảnh phim.

Days of Being Wild là một trong những phim Hong Kong đầu tiên được thâu thanh trực tiếp, và Leslie đã ý thức rất rõ về vấn đề kỹ thuật này. Sự nhập tâm của anh dành cho vai diễn và dự án, tỷ mỷ cho từng chi tiết lọt vào tai nghe đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng cô, Maggie nói vậy. Đây thật sự là một mẩu chuyện gây cảm động khi một người nghệ sĩ trình diễn ý thức về mọi phương diện cần thiết cho màn diễn xuất của mình: từ những thứ hữu hình cho đến thứ vô hình, từ sự thoát thai cho đến cái trần tục. Một người đàn ông có thể hóa thân thành một Narcissus, và đã làm điều này hoàn hảo đến mức ám ảnh; cũng có thể là một người đàn ông đã chịu khó tập luyện, với sự quan tâm cần mẫn, cho tiếng vọng* từ những bước chân mình.


Hết.


Chú thích:

- Narcissus: có nghĩa là "hoa thủy tiên", cũng là tên của một chàng trai trong Thần thoại Hy Lạp từ chối tình yêu với tiên nữ Echo, sau vì quá say mê với bóng ảnh xinh đẹp của mình mà gục chết bên bờ hồ biến thành loài hoa thơm ngát.

- Echo: có nghĩa là "âm vang, tiếng vọng", cũng là tên của tiên nữ từng có biệt tài kể chuyện nhưng bị cướp đi khả năng mở lời trước. Nàng phải lòng chàng Narcissus nhưng không thể nói chuyện với chàng, bị chàng lạnh lùng cự tuyệt. Quá đau khổ và hổ thẹn nàng trốn vào rừng thẳm, sống trong hang và trên những vách núi cao, đi theo muôn thú và con người để bắt chước lại những âm thanh họ tạo ra, trở thành Nữ thần tiếng vang.

* : Nguyên văn trong bài viết, các chữ này đều dùng chung một từ là "echo" .



4 nhận xét:

  1. Thank you for visiting my blog. This brilliant article is actually from the "Australian Centre for the Moving Image" ACMI's booklet published as part of a tribute to Leslie Cheung ^^ . I just translated it into Vietnamese to share with VNFans.

    Trả lờiXóa
  2. thì ra blog này của heobeo hay quá bên chị Ohanami à hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn. Thiệt ra đây không phải là blog của mình mà là blog lưu trữ lại các bài của hội fan Leslie trong DAN thôi ^^

      Xóa
  3. Trong Farewell My Concubine, ngay từ cảnh đầu tiên, mình bị thu hút bởi dáng đi thật... lung linh của nàng Ngu Cơ.

    Trả lờiXóa